Đạo Phật với con người (P.1)

Đăng lúc: Chủ nhật - 02/09/2018 06:57 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Thi ân không cầu trả báo, cầu trả báo thì ý có mưu tính. Thấy lợi không cầu được lợi, cầu lợi thì si tâm rung động. Bị ức hiếp không cầu than oán.


LỜI TỰA

...Nhìn sâu vào thảm trạng của nhân loại, nếu ai là người còn có chút lương tâm, tất nhiên không khỏi bùi ngùi, cảm động. Đã có sự cảm động, hẳn là phải được phát hiện ra bằng công việc làm "cho vui, cứu khổ", tùy theo hoàn cảnh và năng lực của mình. 
 
Kinh Hoa Nghiêm nói: "Dùng sức lực của trí tuệ, thuận theo tâm tính của chúng sinh - con người - mà làm việc lợi ích" - việc lợi ích thực tế cho con người thời nay bằng cơm ăn, áo mặc rất cần, nhưng chưa hẳn là đầy đủ. Muốn đầy đủ không chi bằng đem chân lý áp dụng vào phương pháp rèn luyện con người, khiến cho con người an định được thân tâm, hiểu rõ được đặc tính, giá trị của con người, nhận chân sự tương quan, tương duyên giữa con người với con người, giữa con người với muôn sự, muôn vật và biết làm trọn nghĩa vụ của con người, mới có thể đem lại hạnh phúc chân thật và hoà bình vĩnh viễn được. Vì chân lý không hiểu biết, tâm địa không an hoà, mong gì thiên hạ hòa bình, nhân dân an lạc? 
 
Đại đức Tâm Châu có lẽ đã hiểu thấu tâm Bi Nguyện rộng lớn của chư Phật, nhận rõ chân lý của đạo giáo, hiểu biết nghĩa vụ mình và rung cảm trước sự đau khổ của chúng sinh, nên mới soạn ra cuốn "Đạo Phật với con người" này? 
 
"Đạo Phật với con người" nếu đem so sánh với biển Pháp mênh mông của Phật giáo, nó mới chỉ là một giọt nước rất nhỏ; nếu đem so sánh với những áng văn chương tuyệt diệu thì chắc chắn nó chưa có vinh dự. Nhưng với tấm lòng hoằng pháp lợi sinh, với sự cố gắng của bổn phận và sự khéo léo xếp đặt, diễn tả khiến hợp với sự lợi ích thiết thực của con người, thời kể cũng đáng được tán thán công đức.
 
Tôi thành thật ghi đây lời "tuỳ hỷ".
 
Viết tại cố đô Thăng Long, PL.2497 (1953)
 
Giám luật Giáo hội Phật giáo Ninh Bình
 
Trưởng lão HT.Thích Thanh Thiệu
---------------------------------------------
 
Lời đầu sách
 
Các bạn thân mến,
 
Trước khi đặt bút soạn cuốn sách này, tâm tôi hồi hộp, óc tôi rộn ràng, đem lại nhiều nỗi thắc mắc muốn được giải quyết, nếu đặt tôi vào địa vị khách quan: "Con người là con người, là tiếng gọi thông thường của xã hội loài người, có chi khó khăn mà phải tìm hiểu? Trong chiến cục hiện tại, con người có ích lợi gì nếu đặt để con người vào phạm vi đạo Phật, vì con người là động vật ưa hoạt động, mà đạo Phật lại ưa tĩnh mịch?"
 
Nhưng hồi lâu những nỗi thắc mắc ấy bị tiêu tan và đem lại cho tôi một giải pháp ổn định, quyết tín bởi ánh sáng của chân lý, cùng những nguồn tư tưởng của các bậc danh nhân. Goblot nói: "Một thực sự coi như đã được giảng giải, khi nào người ta biết rõ được định luật chi phối thực sự ấy". Vâng, thực sự phải thế, tất nhiên con người cũng phải thế, có đâu giản dị hóa như người ta tưởng tượng. Và chắc chắn nó phải là một vấn đề quan trọng, nên ông Roosevelt mới nói: "...Ông ấy đã hơn là một nhà bác học, vì ông ấy đã là một người với tất cả ý nghĩa của nó". Đức Phật dạy: "Con người là hơn cả... Hết thảy kết quả giác ngộ đều được bởi thân con người".
 
Và ngay như bà Hội trưởng hội ái hữu Phật giáo Pháp cũng nhận: "Người theo đạo Phật là người đang tiến bước trên đường thanh tịnh hoàn toàn...". Như thế, con người đâu phải bị ngạt thở, bị thoái hóa, nếu con người đứng trong đạo Phật. Hơn nữa, theo lời Bác sĩ Migô tuyên bố: "Chiến tranh đã gây bao đau đớn cho nhân loại và còn gieo ở ngay đấy mầm mống của những ác chiến tương lai", thì càng chứng tỏ sự cần thiết của đạo Phật đối với vấn đề giải cứu con người, giải cứu bằng phương pháp làm cho con người hiểu biết địa vị, giá trị mình hơn hết, khiến cho con người biết tôn trọng sự sống, quyền sống của con người trên nền tảng hòa bình. "Hòa bình chỉ có thể bảo vệ bằng tinh thần Từ bi, Hỷ xả của đạo Phật".
 
"Là phật tử phải nghiêng tai bên những trái tim hấp hối. Phải đặt bàn tay thân ái vào những vết thương rỉ lệ, rỉ máu của loài người; phải dừng chân bên cạnh tiếng kêu van của những linh hồn u uất trong tha ma. Trước những cảnh tượng điêu tàn, tang tóc, trước những khổ ải bi đát, não nùng mặc dù là tiếng rên rỉ của con vật bé nhỏ trong đêm khuya, người phật tử phải đem đến bàn tay an ủi, mà dòng máu trong gân là máu của Như Lai, máu của đạo từ bi, bình đẳng". Bởi những lẽ ấy, hòa theo tiếng gọi thiêng liêng của nghĩa vụ, đã là duyên khởi cho cuốn “Đạo Phật với con người” ra đời, mong góp một phần rất nhỏ vào lòng thương rộng lớn.
 
“Đạo Phật với con người” đem lại sự hiểu biết chính đáng về danh nghĩa, sự cấu tạo cùng đặc tính và giá trị con người, làm cho con người trực nhận chân nghĩa để xứng đáng là chủ nhân ông, là trung tâm điểm của xã hội loài người.
 
“Đạo Phật với con người” hướng dẫn con người biết cải tạo đời mình bằng phương pháp rèn luyện tâm trí, thân thể và hiểu biết nghĩa vụ mình đối với gia đình, quốc gia, xã hội, hầu đáp lại cho con người một kết quả là biết sống trong đời sống an lạc và hạnh phúc.
 
“Đạo Phật với con người” cống hiến con người một phương châm giải thoát chân thật, đem lại sự ích lợi cho mình, cho người và kiến tạo một nền tảng hòa bình vĩnh viễn trên sự đổ vỡ tang thương của xã hội.
 
Paul Adam viết:
 
"Bao kẻ đi tìm trong quá khứ,
Vạn pháp huyền vi của cuộc đời,
Bao kẻ tìm trong ngày sẽ lại,
Cành hoa chớm nở đượm mầu tươi,
Nhưng ngươi nên hãy hóa lòng ngươi,
Thành đỉnh trầm trong cảnh lặng thôi".
 
Nhìn ngày đã qua, ngó ngày sẽ lại, nắm lấy ngày nay, thì con người cũng chỉ thấy mình là con người. Con người đứng trong khoảng giữa của vũ trụ vô thủy, vô chung và con người cũng đều bị thất vọng trong mơ ước, trong định luật vô thường, nếu con người không biết tìm nơi con người.
 
Kinh Pháp Cú Thí Dụ nói: "Chiến thắng một vạn quân không bằng tự thắng mình. Tự thắng mình là chiến công oanh liệt nhất".
 
Đời là cuộc chiến đấu không ngừng. Chiến đấu cho bản ngã nhỏ nhen, chiến đấu cho dục vọng ích kỷ và do đó nó đã đem lại cho con người bao kinh nghiệm trong thất bại đau đớn... vì con người không tự thắng được mình một cách hoàn toàn.
 
Nếu các bạn muốn thưởng thức chút hương thơm trong sạch sẵn có nơi các bạn. Nếu các bạn muốn chiến đấu cho chân lý, cho đạo đức, cho lẽ sống thanh cao, cho hiểu biết vô thượng thì cuốn sách nhỏ này cũng sẽ là một nén hương trầm, một cơ khí nhỏ, trợ lực phần nào cho các bạn đạt tới sự mong muốn chân chính và mỹ mãn.
 
Với nhu cầu cần thiết cho tinh thần, với sứ mạng cao cả của đạo Phật, tôi không ngần ngại tài ba kém cỏi, hoàn cảnh khói lửa và thời gian ngắn ngủi trong một tháng trời nồng nực của tiết cuối Hạ đầu Thu, soạn ra cuốn sách này. Và bởi những điều kiện trên, tôi tin chắc rằng nó không sao tránh khỏi nhiều khuyết điểm đáng tiếc. Tôi thành thực trông mong các bậc cao minh hỷ xả và chỉ giáo. Mong các bạn vui vẻ nhận nơi đây tấm lòng thành thực và thân ái của tôi.
 
Viết tại Hà Nội, đầu Thu năm Quí tỵ (1953)
 
Thích Tâm Châu
----------------------
 

Phần thứ nhất:
 
"Do sự lành, sự ác của mỗi người đã làm từ trước nên có quả báo về sau. Trong sự luân hồi của con người, duyên nghiệp quản trị mình, ban thưởng, trừng trị mình".
 
Kinh Na Tiên Tỳ Khưu
 
* Khái niệm về con người
 
"Con người là con người với tất cả ý nghĩa của nó"
 
Tìm trong đạo "Con người" để hiểu rõ con người.
 
Con người là mục tiêu chính trong sự nghiên cứu của các học thuyết.
 
Con người cũng là nạn nhân trong những cuộc chiến tranh "nóng" hay "lạnh". Con người đã, đang và còn bị bao trùm dưới sự bất an, khốn cùng, càng ngày càng tăng trưởng bởi sự tranh chấp tự con người tạo ra. Đã do con người tạo ra, tất nhiên cũng phải do con người mới giải quyết nổi.
Con người phải chịu lấy trách nhiệm đè nặng trên vai con người trong sự định đoạt lấy một đạo sống tích cực. Một đạo sống không trái với đời và không hại nhân cách.
 
Để bổ túc cho vấn đề cấp bách ấy chúng ta hãy nhìn sâu vào đạo Phật, một đạo được gọi là ĐẠO SỐNG, ĐẠO CỦA CON NGƯỜI, để tìm hiểu rõ ràng về danh nghĩa, sự cấu tạo cùng đặc tính và giá trị của nó.
 
Song, sự tìm hiểu ấy không thể có được nơi ngoài con người. Nó cần đòi hỏi tại bản thân con người muốn biết nó, theo quan niệm đạo Phật.
 
"Thắng lợi chỉ về phần những ai có sáng kiến và cương quyết theo đuổi sáng kiến"
 
I. Danh nghĩa con người
 
"Con người là hơn cả..." (Kinh Hoa Nghiêm)
 
* Tất cả sự vật trong vũ trụ đều sẵn có đặc tính và hình thể của nó.
 
"Con người" là một danh từ, một danh từ bao hàm tất ca những sinh vật cùng một loại, mà danh từ ấy có thể chỉ định được, hay tất cả những đặc tính phân biệt loài người với các loài sinh vật khác".
 
Thực tế cho chúng ta biết:
 
1. Con người là một sinh vật, cũng như những sinh vật khác
 
Con người cùng trong công lệ cấu tạo, sinh trưởng, sinh hoạt, suy giảm và tiêu diệt như những loài sinh vật khác, nghĩa là, trước khi có một hình thể quyết định, đâu phải là kết quả của tự nhiên, mà phải do sự tất yếu của nhiều phần tử tổ hợp. Sự tổ hợp ấy, phải trải qua một thời gian không hạn định, tùy theo đặc tính và hình thể của từng sinh vật, cho tới khi cơ duyên đầy đủ sẽ phát sinh. Phát sinh là điểm bắt đầu có mặt trong thế giới hữu hình, hạn cục trong thời gian tương đối, nhịp nhàng giữa không gian vô biên và thời gian vô tận để hòa theo với lẽ sống của cuộc sống. 
 
"Sống" là cả một chương trình hoạt động đầy thử thách, làm nảy nở thân mệnh, bảo vệ sự sống và truyền tiếp sự sống. Nhưng sự sống ấy không phải là vật thể cố hữu, trường tồn, mà nó luôn luôn chuyển biến trong từng tích tắc, lệ thuộc vào hoàn cảnh, chi phối bởi từng tâm niệm mừng, giận, thương, vui, yêu, ghét, muốn... Do đó, sinh hóa, hóa sinh, bớt, thêm, thêm, bớt sẽ dần dần suy giảm và chấm dứt ở giờ phút cuối cùng trong thời gian nhất định là "tiêu diệt".
 
"Cái gì đã sinh ra, cũng luôn luôn bị sự tiêu diệt hăm dọa. Bất cứ chiếc bình nào ra khỏi bàn tay người thợ làm đồ gốm rốt cục rồi cũng bị tan vỡ! Đời sống của chúng sinh cũng thế". Đó là lời Phật nói để chứng minh cho định luật ấy, định luật "vô thường".
 
* Con người thuộc về loài động vật
 
Con người là một loài có đủ quan năng, dùng quan năng làm động cơ tranh đấu, bảo vệ, duy trì sự sinh tồn nhưng đặt trên phương châm hoạt động. Nghĩa là, loài sinh vật có đủ các cơ quan như: mắt để trông, tai để nghe, mũi để ngửi, miệng để ăn, thân để cử động v.v..., các cơ quan ấy luôn luôn chuyển động, chuyển động để giành lấy sự sống còn cho tự thân, làm cho sự sống có ý nghĩa và biết giúp đỡ, bênh vực dòng giống hơn các loài thực vật và khoáng vật. Vì "Con người là sinh vật đã từng trải qua trình độ của giống động vật" theo quan niệm của Bác sĩ Paul Carton đã nhận định.
 
2. Con người là loài động vật cao hơn cả
 
Con người có một dáng vóc uy nghiêm, ngay thẳng trong sự đi, đứng, nằm, ngồi. Con người có một tinh thần sáng suốt, không bị mù quáng trước những hiện tượng huyền ảo. Con người có một năng lực dồi dào, bền mạnh, trước những sự nên làm và phải làm. Con người có một hành động quả cảm, không lùi bước trước những trở ngại và nguy hiểm. Con người có một cảm tình thân mật, nồng hậu trong vòng luân lý đối với gia đình, quốc gia, xã hội... Như thế, cũng đủ chứng tỏ con người là loài động vật cao hơn loài động vật khác. Trong Khế kinh nói: "Con người là tối thắng, vì con người có thể thực hiện hết thảy mọi sự tốt đẹp". Và bà Hội trưởng hội Ái hữu Phật giáo Pháp cũng nhận định: "Trái đất không thống thuộc con người, chính con người thống thuộc trái đất".
 
Tóm lại, danh nghĩa con người được đặt trên một địa vị đặc biệt. Địa vị ấy không phải là biệt lập, đơn độc hay cố định, mà nó có ở chỗ chung cùng và đối tượng với danh nghĩa của những sinh vật khác. Nó có do bao mối nhân duyên chuyển biến, tiếp nối và hỗ trợ trên con đường chạy dài từ vô thủy tới vô chung. Nó có do lý trí biết phân biệt nhận định và biết thể nhập với bản thể vũ trụ. Nó có do hành động chân chính, hành động biết soi sáng cho mình và cho người, không bị nghiêng ngả theo chiều "si mê" hay "phóng dật" của thế giới gỗ đá và thú vật. Nghĩa là, nó có ở tất cả và trên tất cả, khả dĩ xứng đáng làm trung tâm điểm trong vũ trụ.
 
"Con người là kết tinh tất cả các nguyên tính sinh hoạt của loài khoáng vật, thực vật và động vật".
 
Phần thứ hai
 
"Những lời nói văn hoa của hạng người không bao giờ thực hành đúng lời nói cũng giống như những đóa hoa tươi đẹp nhưng vô hương". (Kinh Pháp Cú)
 
* Phương pháp làm người
 
"Anh hãy cương quyết chú định vào chân lý. Anh hãy lấy chân lý làm ngọn đuốc và nơi nương náu cho anh" (Kinh Đại Niết Bàn).
 
* Con người được nhận là người, khi nào tư cách và hành động chư pháp
 
Những trang sách trên đã trình bày khái niệm về con người. Khái niệm ấy đã đem lại cho chúng ta một nhận thức rõ ràng về giá trị, địa vị của nó trong đạo Phật, mà chúng ta có thể nhắc lại: "Đạo Phật là đạo của con người". Đã là đạo của con người, tất nhiên phải có phương pháp để hướng dẫn con người biết cách thức làm người về phương diện nhập thế cũng như xuất thế.
 
Trong sự hướng dẫn con người, đạo Phật không bao giờ đi xa sự thật mà luôn luôn đứng trên quy luật "hợp pháp và hợp cơ". Nghĩa là, lời nói, ý nghĩ, việc làm luôn luôn phù hợp chính pháp và thích hợp cơ duyên, trình độ, hoàn cảnh của cá nhân. Đức Phật dạy: "Con muỗi hay con voi đều được no đủ khi uống nước biển, vì nước biển chỉ thấm nhuần một hương vị: hương vị mặn của muối. Giáo lý của Ta cũng thế , dù cao hay thấp, cũng chỉ thấm nhuần một hương vị: hương vị an tịnh của giải thoát". Với giáo lý trên đây hàm xúc ý nghĩa sâu xa về phương pháp hướng dẫn con người trên cơ bản của "Chân lý" và thực hành bằng "Phương tiện".
 
Song tùy theo sự học, hiểu và hành của chúng ta mà nó sẽ đem lại cho chúng ta một sự giải thoát tương đối hay tuyệt đối trong phương pháp làm người.
 
Trước khi chúng ta vào trường rèn luyện theo phương pháp đạo Phật, chúng ta hãy ghi nhớ những lời Bác sĩ André Migot đã nói: "Những lời huấn giới chỉ là một phương tiện, là một trong những nguyên tố của sự tranh đấu chống khổ. Huấn giới chỉ là một nguyên tố trong những nguyên tố khác và cũng chẳng phải là một yếu tố quan hệ nhất, sau khi đã hiểu biết nó. Vậy ta phải đặt để sự huấn giới cho đúng chỗ trong công việc hành trì của toàn thể, đã tác thành đời sống đạo lý theo Phật giáo, mà đời sống đạo lý ấy có mục đích là hết luân hồi, liễu sinh tử. Và phương tiện là diệt trừ ham muốn và vô minh".
 
I. Rèn luyện thân tâm
 
"Hết ngày này qua ngày khác, hết giờ nọ sang giờ kia, người thợ vàng phải công phu thế nào mới lọc được vàng ròng thì người muốn cho thân tâm mình trở nên trong sạch cũng phải cố gắng khó nhọc rèn luyện như thế" (Kinh Pháp Cú).
 
Sách Nho nói: "Viên ngọc không mài dũa không thể thành đồ vật, con người không học hỏi, rèn luyện không biết cách làm người".
 
Rèn luyện thân tâm con người là điều cốt yếu của sự tiến hóa. Công phu của sự tiến hóa không ai có quyền thay thế, mà nó phải là sự nghiệp riêng của từng người. Con người vui hay buồn, sướng hay khổ, đều do con người tạo tác. Con người phải chịu trách nhiệm trước hành vi của mình. Con người được an vui, khi nào con người điều khiển được thân tâm con người, không bị nó lôi cuốn theo chiều của dục vọng. Bác sĩ Victor Pauchet nói: "Muốn thành công trên đường đời chúng ta phải làm chủ được thời cuộc. Muốn làm chủ được thời cuộc chúng ta phải làm chủ được người xung quanh. Muốn làm chủ được người xung quanh chúng ta phải làm chủ được mình".
 
Do đó chúng ta thấy vấn đề rèn luyện là một vấn đề cần thiết cho sự làm người. Thiếu nó sẽ trở thành người không đúng ý nghĩa của con người. Có nó, giá trị và sự giải thoát tự đấy phát sinh.
 
A. Rèn luyện về tâm trí
 
"Phải làm thế nào cho ta trở nên tinh tiến, quả quyết, sáng suốt, biết mình. Phải làm sao cho tâm ta trở nên an định trong một cảnh giới nào" (Lời Phật dạy).
 
1. Biết định tâm
 
"Muốn tìm ngọc châu thì phải đợi sóng lặng. Nước động thì rất khó tìm. Nước định trong lặng thì tâm châu tự hiện" (Tọa Thiền Nghi).
 
Hạnh phúc đâu xa?
 
Kinh Pháp Cú nói: "Không lửa nào có thể ví được lửa của tham dục. Không ngục tù nào có thể ví được với ngục tù của oán hờn. Không mối ràng buộc nào có thể ví được với sự rối loạn của tâm trí. Không đau khổ nào giống như sự đau khổ của loài người. Nhưng chẳng có hạnh phúc nào lớn bằng sự an định của tâm trí".
 
Đã nhiều đau khổ...!
 
Cả một quảng đời sống của con người dù ngắn hay dài, dù sang hay hèn, dù giàu hay nghèo đã được diễn tả đầy đủ trong đoạn giáo lý trên, mà chúng ta không thể chối cãi được hay cho là tiêu cực, nếu chúng ta có con mắt nhìn đời một cách tinh tế.
 
...Không phải đâu xa, chúng ta thử nhìn vào những trang báo hằng ngày, cũng đủ cho chúng ta ý thức rõ ràng: đâu là người buông thả trái tim, lạc lõng trên đường tìm hạnh phúc, mà kết quả đã đem lại cho họ thất vọng ngẩn ngơ, chôn vùi kiếp sống, hy sinh danh giá hay là giam mình nơi ngục thất. Đâu là người tủi phận, hờn duyên, không gặp thời, hay suy yếu, đã hắt hủi cuộc đời. Đâu là người ham chức trọng, tiền nhiều làm điều phi pháp. Đâu là người hằn thù gây oan, giá họa v.v...
 
Trong lúc đó, dù là người chủ động hay bị động, thắng hay bại cũng không kém phần đau khổ do lương tâm cắn dứt hay thân thể đau đớn. Vậy chúng ta có thể trả lời cho nguyên nhân phát sinh ra cảnh tượng ấy, chỉ do một chữ "muốn" mà thôi. "Đời ta có hạn, lòng muốn vô cùng. Lấy có hạn mà tùy theo vô cùng nguy hại thay!" - Khổng Tử.
 
Nỗi khổ ở đời không sao kể siết được. Không thể dùng lửa, ngục tù hay ràng buộc mà sánh ví được trong khi đau khổ và biết đau khổ. Đau khổ là hiện thân của tham, sân, si làm cho con người phải lưu lạc sinh tử, làm cho bức tranh đời hiện thực thường bị hoen ố. Mà những nỗi khổ ấy chúng ta có thể tóm tắt dưới đây theo quan niệm đạo Phật:
 
1, Sinh mệnh, sinh hoạt là khổ.
 
2. Ốm đau, xấu xa là khổ.
 
3. Già yếu, suy kém là khổ.
 
4. Chết chóc, tiêu hoại là khổ.
 
5. Ân ái biệt ly là khổ.
 
6. Cầu không toại ý là khổ.
 
7. Oán hận gặp gỡ là khổ.
 
8. Chiều theo dục vọng là khổ.
 
* Im lặng là vàng bạc
 
Muốn ngừng bớt đau khổ chúng ta hãy gò cương dục vọng lại, nhận chân giá trị, địa vị và hoàn cảnh mình trong phạm vi tự do. Chúng ta hãy yên tĩnh mỗi ngày vài lần, trong vài mươi phút khi ban sáng và chiều tối để xét lại những việc chúng ta đã làm xem phải hay trái. Trái, chúng ta cương quyết sửa đổi. Phải, chúng ta cố gắng làm với một chương trình cụ thể của ngày mai. Trong ngày mai chúng ta lại phải luôn luôn nhắc nhở tới nó, biết hướng nó theo chân lý, mặc dù trong khi thực hành, chúng ta gặp nhiều trở lực hay thiệt thòi đôi chút. 
 
Cứ thế, cứ thế mãi, làm sao cho tâm trí chúng ta không tán loạn, không theo đà dục vọng, tự nhiên chúng ta thấy bớt đau khổ. Như chúng ta đứng vào địa vị người chăn trâu, mà chúng ta không đủ nghị lực để rèn luyện con trâu của chúng ta trong khuôn khổ ăn cỏ, thì nó sẽ là vật phá hại đồng ruộng. Trái lại, khi chúng ta biết rèn luyện nó, khiến nó biết phân biệt lúa và cỏ có hại và có lợi cho mình, cho người thế nào, thì khi ấy, dù chúng ta không chăn dắt, nó cũng không dám vượt ra ngoài khuôn khổ, vì nó đã thuần thục.
 
Như thế, chúng ta biết rằng đau khổ không ngoài con người mà nó chỉ do tâm trí chúng ta hòa theo tiếng gọi của ham muốn. Ham muốn không bao giờ tới đích, không bao giờ toại ý. Không tới đích, không toại ý, phản chiếu lại thành đau khổ cho thân tâm. Chỉ có định tâm mới có thể đem lại cho chúng ta một hạnh phúc chân thật, vì biết theo đúng nghĩa sống của mình và của người. Cho nên ông Kempis cũng phải công nhận rằng: "Kẻ làm chủ được tâm hồn mình quý hơn kẻ thâu thành cướp lũy".
 
"Thu nhiếp được tâm thì tâm định. Tâm định thì rõ biết các Pháp" (Kinh Di Giáo).
 
2. Biết nhẫn nhục
 
"...Đức nhẫn nhục không cái gì có thể sánh bằng được. Người tu hạnh nhẫn nhục đáng gọi là đại lực sĩ..." (Kinh Di Giáo)
 
Chúng ta nên mặc áo giáp nhẫn nhục cương quyết trừ quân giặc phiền não.
 
Hoàn cảnh xã hội có nhiều sự phức tạp. Tự thân con người có nhiều sự éo le. Đâu là hoàn cảnh quá lạc quan. Đâu là nội tâm bị kích động, ngoại thân bị ngặt nghèo. Với trạng huống ấy, đạo Phật gán cho nó cái danh hiệu là "giặc phiền não". Đã là giặc, chắc chắn không một giờ, phút nào, một địa vị nào, một hoàn cảnh nào nó không len lỏi phá hoại. Nó phá hoại trong tâm trí, phá hoại ngoài cơ thể. Mà sức phá hoại ấy, là sức lực tiềm tàng ít người lưu ý tới.
 
Vậy, chúng ta phải đặt chúng ta vào địa vị người chiến sĩ. Người chiến sĩ có đủ nghị lực, mặc áo giáp nhẫn nhục, cầm thanh gươm trí tuệ, cưỡi con ngựa tinh tiến, xông ra trận tuyến, chiến đấu với địch thủ phiền não. Chiến đấu để sống còn. Chiến đấu để bảo vệ danh mệnh. Chiến đấu cho đạo đức vô thượng. Chiến đấu cho mục đích cao cả. Chiến đấu cho giác ngộ, giải thoát.
 
Thực tế đã cho chúng ta thấy: quá lạc quan mà không nhờ có sức nhẫn nhục hỗ trợ, dễ đưa ta xuống hố trụy lạc. Quá bi quan mà không nhờ có sức nhẫn nhục, cũng dễ đưa ta vào nơi tuyệt mệnh. Cho nên, nhẫn nhục là một phương pháp được tôn trọng và thực hành trước nhất đối với người hành đạo hay người làm việc đời.
 
Có nhẫn nhục mới có thể thành công. Nhẫn nhục không phải là một món ăn khó tiêu hóa, một kỹ thuật khó thực hiện, theo như nhiều người tưởng tượng. Trái lại, theo quan niệm đạo Phật, nó chỉ là một bài học kinh nghiệm, giúp cho ta muốn nên người và thành công.
 
Thất bại là mẹ thành công
 
Đây, luận Bảo Vương Tam Muội đã nhắc nhở chúng ta: "Thân không cầu không bệnh, thân không bệnh thì tham dục dễ sinh. Đời không cầu không nạn, đời không nạn thì kiêu mạn, xa hoa liền khởi. Nghiên cứu về tâm, không cầu không chướng, tâm không chướng thì chỗ học dễ vượt bậc, sai đường. Lập hạnh không cầu không ma chướng, hạnh không ma chướng, thì thệ nguyện không kiên cố. Làm việc không cầu dễ thành, việc dễ thành thì trí hay kiêu mạn. Giao thiệp không cầu lợi mình, lợi mình thì hại đến đạo nghĩa. Đối với người không cầu chiều chuộng, người chiều chuộng thì dễ sinh kiêu căng. 
 
Thi ân không cầu trả báo, cầu trả báo thì ý có mưu tính. Thấy lợi không cầu được lợi, cầu lợi thì si tâm rung động. Bị ức hiếp không cầu than oán, cầu than oán thì oán hận càng tăng. Vậy nên các bậc Thánh nhân giáo hóa: Lấy hoạn nạn làm thú tiêu dao. Lấy chướng ngại làm giải thoát. Lấy quần ma làm bạn Pháp. Lấy hoạn nạn làm thành tựu. Lấy tệ giao làm tư lương. Lấy người trái ý làm giao du. Lấy thi ân làm đồ bỏ. Lấy lợi ích làm giàu sang. Lấy uất ức làm hạnh môn. Như thế, ở trong ngại trở lại thông, cầu thông trở lại ngại".
 
Tất cả những giáo lý trên đây đã vạch rõ con đường cho chúng ta, chúng ta nên đảm nhận lấy giá trị ấy. Chúng ta nên cố gắng thực hành, để xứng đáng với lời khen tặng của ông Kempis: "Kẻ biết nhẫn nhục quý hơn dũng sĩ". Và, chúng ta quyết giành lấy thắng lợi về chúng ta, để chứng tỏ "kiên nhẫn là vạn năng" như tục ngữ Ai Cập nói.
 
Thích Tâm Châu (còn tiếp)
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 417
  • Khách viếng thăm: 410
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 54532
  • Tháng hiện tại: 1848407
  • Tổng lượt truy cập: 87653010
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012