Đức Phật của chúng ta

Đăng lúc: Thứ tư - 06/03/2013 08:48 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Ngay từ buổi đầu, khi mới bước chân vào đạo, trong tôi thuần túy một niềm tin đơn sơ, mộc mạc. Với tôi, đức Phật là một bậc thần linh siêu thế, Ngài có đủ quyền năng để ban phát hạnh phúc, an vui. Thế rồi, dòng đời mãi trôi; một hôm, tôi chợt hiểu có điều gì không ổn trong niềm tin của mình. Đức Phật không thể là một bậc xa lạ được. Ngài phải là một con người, một con người gần gũi, biết đau nỗi đau nhân loại, biết cười với nụ cười của thế gian. Trong tôi có bao nỗi phân vân, bao điều hoài nghi, thậm chí lắm lúc tôi tự đặt câu hỏi, có thật đức Phật đã xuất hiện giữa cuộc đời này hay không? Có lẽ, đó không chỉ là thắc mắc của riêng tôi. Tôi biết, còn nhiều người vẫn khổ sở để đi tìm đâu là câu trả lời đúng nhất. Vì rằng, sống giữa cuộc đời, ai trong chúng ta không muốn thấu rõ được mọi vấn đề, biết được sự thật. Và hẳn nhiên, sự thật vẫn luôn ẩn chứa trong từng lời dạy về Ngài mà niềm tin vẫn luôn là nền tảng căn bản để xây dựng nhân cách tốt đẹp mà truyền thống Phật giáo đã khắc sâu trong tâm khảm của mỗi con người.
Đức Phật của chúng ta

Đức Phật của chúng ta

Đức Phật đã sống như thế

Cũng chẳng phải kỳ bí gì lắm đâu, cuộc sống của Ngài như một bài thơ mà giá trị không thừa đến cả dấu phẩy.
“Nhĩ thời, Thế Tôn thực thời, trước y trì bát, nhập Xá vệ đại thành khất thực. Ư kỳ thành trung, thứ đệ khất dĩ, hoàn chí bổn xứ. Phạn thực ngật, thâu y bát, tẩy túc dĩ, phu tòa nhi tọa”.  (Thế rồi, đến giờ cơm, đức Thế Tôn mang y, ôm bát đi vào thành Xá-Vệ để khất thực. Theo thứ lớp mà đi, Thế Tôn không phân biệt để khất thực. Sau khi thấy đủ, Thế Tôn trở về chốn cũ, hoặc trong rừng vắng, hoặc tại tòng lâm, Thế Tôn dùng cơm dưới gốc cây. Sau khi dùng cơm xong, Thế Tôn rửa chân, trải tọa cụ rồi nghỉ ngơi trong chánh niệm).

Hẳn sẽ rất thú vị nếu chúng ta nghĩ rằng, cuộc sống thường nhật của đức Phật cũng như một con người; và dĩ nhiên là thế rồi, làm sao có thể khác được. Qua đoạn trích trong phần mở đầu của kinh Kim Cang, chúng ta nhận thấy đức Phật như một con người, mà ở đó chẳng hề có bóng dáng của một sự thần bí nào. Nếu ai đó nói rằng, đức Phật đã xuất hiện cách đây hơn 2500 năm lịch sử, tại vườn Lâm-Tỳ-Ni thuộc vương thành Ca-Tỳ-La-Vệ, hẳn bạn sẽ cảm thấy mông lung đối với đức tin của mình. Nhưng nếu nói rằng, cách đây hơn 2500 năm lịch sử, tại vườn Lâm-Tỳ-Ni thuộc vương thành Ca-Tỳ-La-Vệ, đã xuất hiện một con Người, mà con Người đó đã chiến thắng được tham ái đối với các dục, con Người đó đã giải thoát khỏi mọi sự ràng buộc của cảm giác, tri giác mà có lần Ngài đã tuyên bố “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong, từ nay không vác lên gánh nặng nào khác” Một con Người như thế, chắc chắn đã xuất hiện trong cuộc đời này.

“Lang thang vạn kiếp luân hồi
Tìm không ra kẻ xây ngôi nhà này
Ôi! đời sống thật buồn thay
Bèo mây bến cũ vần xoay lối về
Hỡi này anh thợ nhà kia
Rui, mè, kèo cột gãy lìa nát tan
Bao tham đắm thảy tiêu tàn
Tâm ta thắng đạt Niết Bàn thảnh thơi.
(Dhammapàda)

Con người đó suốt 45 năm sống giữa cuộc đời chỉ có nói và làm một việc mà thôi, đó là: khổ và sự diệt khổ. Thế Tôn dạy về khổ là một sự thật, đó là một sự chỉ bày mà không phải là lời tuyên bố hay phán ngữ. Ngài nói sự thật của khổ như chúng ta chỉ rõ đây là con sông, đây là ngọn núi, đây là ngôi chùa, và đây là cành cây, ta có phán xét đâu, đó chỉ là sự thật. Cho nên, nếu nói đức Phật bi quan là sai, mà nói đức Phật lạc quan cũng không đúng; đức Phật chỉ nói sự thật mà thôi, đức Phật không chủ trương một cái gì cả, Ngài chỉ sống và làm như thế suốt bốn mươi lăm năm tròn.

Và cũng có người đặt câu hỏi, tại sao đức Phật không xuất hiện trong giai đoạn này, khi mà xã hội đang bế tắc bởi những khủng hoảng do con người tạo ra. Nào là khủng hoảng về lý tưởng, khủng hoảng về dục vọng, khủng hoảng về con tim, khủng hoảng về cảm xúc, khủng hoảng về đạo đức, khủng hoảng về môi sinh, khủng hoảng về giáo dục và còn hàng trăm thứ khủng hoảng khác nữa mà nếu kể ra đây e chắc sẽ khủng hoảng giấy tờ mất.

Ai đã từng đọc lịch sử PGVN, hẳn sẽ còn nhớ câu chuyện sáu lá thư mà nội dung là cuộc trao đổi giữa hai pháp sư tên là Đạo Cao, Pháp Minh và một sứ quân tên là Lý Miễu. Sáu lá thư được xem là những áng văn xưa nhất của văn học Phật giáo nước ta trong khoảng thế kỷ thứ V, VI. Tuy thế, điều đáng nói ở đây là nội dung chuyển tải lại xoay quanh vấn đề mà chúng ta hiện đang thắc mắc “Rằng, chỗ đạo trong vắng, bốn đại lẽ thường, nhưng giáo pháp nhiệm mầu lan khắp mọi nẻo. Nếu bảo lời dạy ấy khéo hay lợi vật, độ thoát nhiều người thì sao chân hình lại không hiện thấy ở đời? Ấy phải chăng chẳng qua là lời nói suông không thật?”

Đây là bức thư thứ nhất mà Lý Miễu xứ Giao Châu viết cho Cao pháp sư. Điều Lý Miễu thắc mắc, suy tư xưa kia có khác gì chúng ta ngày nay đâu. Đặt ra vấn đề này, hẳn trong giai đoạn lịch sử đó đã có một sự khủng hoảng ghê gớm lắm; chính sự khủng hoảng đó nên người ta mới nghĩ về một sức mạnh siêu nhiên và chúng ta ngày nay cũng đang mơ ước điều đó, nhưng chúng ta đã lầm, lầm to.
 
Tất cả chỉ là vọng tưởng.

Nếu đức Phật có năng lực để nhấc bổng chúng ta lên ngồi trên cả tòa sen và đưa về bên kia thế giới cực lạc thì cõi cực lạc đó cũng chỉ là cõi phàm mà thôi. Vì tâm của chúng ta có trừ bỏ được tham đâu, có trừ bỏ được sân đâu và không gì cao siêu lắm, chúng ta chưa dám từ bỏ cuộc đời. Ví như có một đứa trẻ, trong lúc mọi người đi vắng liền lén đến cung vua và leo lên ngai vàng ngồi một tí rồi bảo “ta là vua”. Điều đó có giá trị gì không? Hẳn ai cũng thừa biết. Vậy nên, đức Phật có xuất hiện hay không thì chúng ta cũng phải tu, Ngài ở bên cạnh thì chúng ta cũng phải tu, Ngài ở xa ta thì ta cũng phải tu, làm được điều đó, tức chuyển được phàm tâm thành thánh tâm, thì ngay trong cõi ta bà này cũng chính là Tịnh độ. Đó là điều mà kinh Hoa Nghiêm đã nói đến “Tùy kỳ tâm tịnh, tức Tịnh độ tịnh”.

Lại nữa những gì cần thiết cho sự giải thoát thì đức Phật cũng đã dạy rõ ràng rồi, vấn đề còn lại là chúng ta có hạ thủ công phu nữa hay không mà thôi. Đức Phật đã nhiều lần dạy rằng, “Này Ananda, Giáo lý Duyên khởi là sâu xa. Chính vì không hiểu rõ, không thâm nhập giáo lý này mà nhân loại trở nên như một cuộn chỉ rối rắm, như một tổ kén, rối như cỏ babaja, không thể thoát ly khỏi khổ xứ, ác thú, địa ngục và sinh tử”.

Chính vì nhân loại đang bế tắc bởi những khủng hoảng này nên Như Lai mới xuất hiện. Với hơn 62 học thuyết đương thời, đức Phật chưa thấy được giá trị giải thoát tuyệt đối từ những tư tưởng ấy. “Ở đây, này các Tỷ kheo, Như Lai biết rõ các tri kiến ấy bị chấp thủ như thế, bị ý nắm chặt như thế sẽ dẫn đến những sanh xứ như thế ở cảnh giới khác, Như Lai biết tất cả những điều này, và còn biết nhiều hơn thế nhưng Như Lai không chấp thủ tri kiến ấy. Do không chấp thủ, Như Lai chứng đạt sự rốt ráo an tịnh, và sau khi biết rõ sự sinh khởi và đoạn diệt của các cảm thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự giải thoát khỏi chúng, Như Lai được giải thoát hoàn toàn. Này các Tỷ kheo, những điều này là những điều uyên áo, khó thấy, khó hiểu, an tịnh, tối thắng, ở ngoài tư duy, tế nhị, chỉ được người trí chứng ngộ, Như Lai sau khi chứng ngộ những điều ấy với thắng trí đã tuyên thuyết, những ai muốn chân thật tán thán Như Lai sẽ chân chánh tán thán Như thế”.

Nói vậy không phải đức Phật phủ nhận toàn bộ các giá trị đương thời của các học thuyết. Phải thừa nhận rằng, các học phái cũng đã có một công phu khá nghiêm túc. Họ đã đạt được những thành tựu đáng kể như hai vị thầy mà thái tử Tất Đạt Đa đã từng theo học, đó là ông Alala kamala đạt được định Vô sở hữu xứ, còn ông Udaka Ramaputta đạt được định Phi tưởng phi phi tưởng. Đạt được hai trạng thái định này thì cũng đã là tối thắng lắm rồi. Tuy thế, bóng dáng của tư duy hữu ngã vẫn đang hiện hữu, điều đó đã khiến thái tử từ bỏ để ra đi tự khám phá chính bản thân mình. Sau 49 ngày đêm tư duy, đức Phật đã đạt được Diệt thọ tưởng định, chấm dứt vòng luẩn quẩn luân hồi.

Chấm dứt vòng luẩn quẩn luân hồi, tức là chứng đạt được Vô thượng Bồ đề. Thế nhưng, bà lão bán nước chè đầu ngõ, cách chỗ Phật có mấy bước chân mà có giác ngộ được đâu, nói chi đến chuyện ông thủ tướng của một nước cách nửa vòng trái trái đất xa xôi mà có thể hưởng được ân điển từ sự giác ngộ của đức Phật. Cho nên, vấn đề nan giải vẫn là ở mỗi con người. Bà lão không tu lấy đâu ra sự giác ngộ. Chúng ta chưa hạ thủ, hãy khoan nói đến sự giác ngộ.

Tham ái và chấp thủ là nguyên nhân nặng nề gây ra những chướng ngại cho con người, văn Thủy Sám dạy: “Bởi do tham ái mới có chấp trước, bởi có chấp trước mới sinh phiền não, bởi có phiền não mà tạo nghiệp dữ, bởi tạo nghiệp dữ mới chịu quả báo”. Thế mới biết, chính do tham ái đã khiến dòng chảy của nghiệp thêm nặng nề hơn. Một chút tư duy hữu ngã cũng đã khiến cho con người không thoát ra được vòng vây của sinh tử, nói chi đến việc thân làm điều ác, miệng nói lời ác.

Đức Phật thị hiện, tự mình tu tập, chứng nghiệm tâm linh, thấy rõ sự thật của vũ trụ nhân sinh rồi chỉ bày lại con đường giải thoát đó cho chúng sanh. Hẳn trong từng ý niệm, Thế Tôn chưa bao giờ thiết lập nên một tôn giáo vững mạnh, lại càng không hề sáng lập ra một triết phái nào. Tuy nhiên, tâm hồn của chúng ta thì quá ư phức tạp và bao giờ cũng cho rằng pháp môn mà ta đang thực hành là thượng thừa. Từ ý niệm đó mà trong quá trình phát triển, lịch sử Phật giáo đã chứng kiến nhiều sự phân hóa lớn trong nội tình. Ở Ấn độ, vào khoảng thế kỷ III (TCN), có hai mươi bộ phái đã được hình thành.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, sự tiếp biến của nền văn hóa bản địa đã khai sinh ra 10 tông phái khác nhau cùng tồn tại và phát triển. Tại Việt Nam, sự phân hóa không có một nét rõ ràng biện biệt. Sự tiếp nhận của chúng ta dựa trên đặc tính thích hợp và thỏa mãn nhu cầu tâm linh mà thôi. Điều này đã nảy sinh nhiều hệ quả tất yếu, mà trong đó vấn đề bùng nổ tư tưởng rất đáng để chúng ta quan tâm. Khi hai hạt nhân tư tưởng va chạm vào nhau, hẳn sẽ tạo ra nhiều ý tưởng sáng tạo, góp phần làm phong phú tri thức nhân loại nói chung và Phật giáo nói riêng. Đó cũng là hệ quả tất yếu của việc ra đời Luận tạng về sau, mà trong buổi đầu kết tập Đại tạng, Giáo hội Tăng già chỉ đơn thuần kết tập Kinh tạng và Luật tạng mà thôi. Luận tạng chính là sự xiểng dương của các luận sư về sau trong việc tiếp nhận của mình về lời Phật dạy.

Lại nữa, nét đặc trưng của nền văn hóa Phật giáo Việt Nam trong dòng chảy của nền văn hóa thế giới cũng lại là điều đáng để ta suy ngẫm. Tuy nhiên, đây là điều quá lớn, vượt ngoài khả năng tiếp biến của một cá nhân, mà đòi hỏi nhiều vào chất xám của cộng đồng. Không phải chúng ta không có, mà lịch sử chúng ta đã có và hiện đang có, ví như các dòng thiền Trúc Lâm, dòng thiền Liễu Quán .v.v.. Thế nhưng, có một cái nhìn khe khắt thế nào trong mạch ngầm tư tưởng đã khiến cho các dòng thiền đó không được chấp nhận như một bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam. Nhưng không phải vậy mà chúng ta không có cái hay.

Chính vì không có sự phân hóa rạch ròi này, mà trong lịch sử phát triển, Phật giáo Việt Nam chưa hề có sự xung đột tư tưởng nào mà dẫn đến các tranh chấp trong nội tình Phật giáo. Năm 1981, Đại hội Phật giáo toàn quốc lần đầu được tổ chức, và thành quả của nó là 9 tổ chức Giáo hội trong đó có nhiều hệ phái khác nhau đã nhất trí hợp thành một ngôi nhà chung là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hòa hợp thanh tịnh. Đây chính là sức mạnh cồng đồng, là tri thức tập thể, đủ để xây dựng một Phật giáo Việt Nam vững mạnh và lợi ích thiết thực cho con người.

Nhìn lại chặng đường lịch sử hơn 25 thế kỷ đã đi qua, chúng ta thấy, chưa bao giờ có một sự xung đột nào mà có liên quan đến Phật giáo. Phật giáo đi đến đâu luôn mang lại hòa bình, hạnh phúc cho xứ sở đó. Điều này đã in sâu trong từng lời dạy của đức Phật. Ngài không chủ trương một cái gì cả mà chỉ đơn thuần nói về sự thật của cuộc đời. Chính sự thật đó đã khiến cho con người ta dù muốn hay không cũng không thể nào nói khác được.

Vì vậy mà Enstein, cha đẻ của bom nguyên tử, nổi tiếng với thuyết Trường Thống Nhất (Unified Field Theory) đã phát biểu: “Tôn giáo trong tương lai phải là một tôn giáo mang tầm vóc vũ trụ. Tôn giáo đó phải vượt lên trên một thượng đế được xây dựng bằng hình ảnh của một con người, và tránh được giáo điều cùng thần học. Vì bao hàm được cả yếu tố tự nhiên và tinh thần, nó phải đặt nền tảng trên một cảm thức tôn giáo được phát khởi từ kinh nghiệm về vạn hữu như là một thể nhất như đầy ý nghĩa trong thế giới tự nhiên lẫn tinh thần. Đạo Phật đáp ứng được điều này. Nếu có một tôn giáo nào có thể đương đầu được với những yêu cầu của khoa học hiện đại thì đó sẽ là đạo Phật”.
 
Tác giả bài viết: Thích Thiền Định
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 305
  • Khách viếng thăm: 298
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 53664
  • Tháng hiện tại: 3074335
  • Tổng lượt truy cập: 91965908
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012