Tình huynh đệ chốn thiền môn

Đăng lúc: Thứ sáu - 13/09/2019 04:14 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Người xuất gia cùng tu tập trong một đạo tràng, cùng tôn thờ một lý tưởng, cùng đi chung một con đường, cùng sống chung trong một không khí thanh tịnh hiền hòa của đạo lý giải thoát.

 HT.Thích Trí Quảng vấn an Đức Pháp chủ 
 
Hòa hợp là một yếu tố rất quan trọng gần gũi và thiết thực trong cuộc sống ở các tùng lâm, già lam hay tu viện. Ở những nơi đó, mọi người cùng sống chung với nhau, nương tựa, đỡ đần và bảo bọc lẫn nhau để cùng tu tập.
 
Về mặt tâm lý, đôi khi gặp những việc tế nhị, nên nhiều hành giả không thể tâm sự chia sẻ với Thầy của mình, nhưng đối với các huynh đệ cùng học thì sự trao đổi, bày tỏ và có sự cảm thông lẫn nhau là một việc rất dễ dàng.
 
Đôi khi học bạn lại hơn cả học Thầy, bởi vì huynh đệ hằng ngày cùng sống chung và làm việc với nhau, cho nên có nhiều điều kiện thuận lợi để học hỏi hoặc giúp nhau giải đáp và tháo gỡ những khúc mắc ở trong cuộc sống tu tập. Nếu không chịu mở lòng để học hỏi thì dù có ở cạnh người giỏi sự học tập của mình cũng không tiến bộ và không có được hòa hợp an vui trong cuộc sống.
 
“Thanh tịnh hòa lạc” là ý nghĩa căn bản của Tăng đoàn. Giữ gìn nội quy, giới pháp, luật nghi trong sạch thì sẽ có sự hài hòa với nhau. Từ sự hài hòa sẽ có niềm vui và tạo ra được không khí an ổn trong đại chúng. Mục đích của tất cả những người xuất gia đều là đi tới chỗ an vui. Vì cùng tu tập trong một đạo tràng, cùng một lý tưởng, cùng đi chung con đường và cùng mục đích giải thoát, cho nên những người con Phật sẽ rất dễ dàng chia sẻ và thông cảm cho nhau dù là bất cứ vấn đề khó khăn nào.
 
Không có tập thể nào ở trong ba ngàn thế giới này có thể sánh với Tăng đoàn, bởi vì Tăng chúng chuyên thực hành Thánh giải thoát giới và Vô thượng Pháp bảo ly dục, nên có một sức mạnh hòa hợp giải thoát thanh tịnh to lớn. Do từ nhiều đời gieo trồng căn lành cho nên ngày nay mới có nhân duyên thù thắng có thể sống ở trong một đại chúng hùng mạnh như thế.
 
Công đức của Tăng chúng rộng lớn như biển và Đức Thế Tôn cũng tự xem Ngài là một thành phần của Tăng bảo, cho nên sự phỉ báng Tăng chúng là một tội rất nặng. Theo luật nhân quả tương ứng, nếu có tâm khinh thường Tăng chúng thì không bao giờ chúng ta có thể tu hành thành tựu. Ngược lại, có tâm cung kính đại chúng thì công đức đó lớn tựa như biển cả thâm sâu vô lượng.
 
Là huynh đệ cùng chung một nhà, là cốt nhục quyến thuộc Bồ đề thì cần phải mến dưới trọng trên, sống trong tinh thần lục hòa sẽ được thanh tịnh và an vui. Đừng phân biệt ta hay người hoặc quen hay lạ. Mỗi khi có người bệnh thì nên tận tâm chăm sóc, nếu gặp người thiếu thốn thì phải sẵn lòng giúp đỡ lo lắng.
 
Xa lìa tình thân của thế gian để đón nhận tình đạo, cùng tiến tới chỗ ly dục giải thoát. Tình đạo chính là nương tựa dẫn dắt nhau trên bước đường cao thượng của giác ngộ giải thoát.
 
Khi xưa, cứ vài ngày đức Thế Tôn đi tuần một lần để xem xét việc tu học và sức khỏe của đại chúng. Một hôm, có một vị Tỳ-kheo mắc bệnh truyền nhiễm phải  ở cách ly với đại chúng. Ông không cho bất cứ ai vào chăm sóc, vì sợ lây bệnh cho mọi người. Khi đức Thế Tôn đi coi sóc đại chúng, Ngài đến và đích thân làm vệ sinh, tắm giặt cho vị thầy ấy.
 
Nhìn thấy sự việc này, toàn thể Tăng chúng kéo đến xin làm thay cho Thế Tôn, nhưng Ngài không đồng ý. Khi xong việc rồi, Thế Tôn bảo rằng: “Trong tất cả phước điền, chăm sóc và lo lắng cho người bệnh là bậc nhất. Các Thầy không có cha mẹ, anh em để quan tâm, mà chỉ có huynh đệ cùng tu thì phải tận tâm chăm sóc giúp đỡ nhau”.
 
Không phân biệt nhân - ngã, thân - sơ, cũng đừng tính toán thiệt hơn, gặp người khó khổ liền ra tay cứu giúp, như thế sau này sẽ cảm được quả báo chẳng thể nghĩ bàn. Thậm chí những người không thích ta, nhưng thấy họ khổ thì liền giúp đỡ. Hành động đó biểu lộ được đức từ nhẫn của mình. Đến lúc đó, ở bất cứ nơi đâu trong mười phương quốc độ, khắp cả trời người, đến chỗ nào cũng có người cung kính lo lắng cho mình.
 
Nếu có chuyện cần bàn hoặc muốn chia sẻ với nhau về đạo lý thì chúng ta nên cùng ngồi xuống để bàn luận. Nếu không có chuyện cần thiết, thì nên giữ gìn khẩu nghiệp thanh tịnh, chỉ “Hít vào A Di; thở ra Đà Phật”, nhiếp tâm tỉnh sáng trong từng hơi thở, như thế sẽ không xảy ra chuyện phiền não. Cũng không cần để ý tin tức thời sự, chỉ tập trung lo chuyện của mình. Phải khéo tu giống như là nước đổ lên lá sen, dù nước có đọng lại, lá cũng không bị ướt. Ngược lại, không khéo tu thì tâm của mình sẽ như máy hút tất cả bụi bặm vào sáu cửa mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và đem về nhà xả ra cho mấy người xung quanh để cùng phiền lụy khổ đau.
 

Minh Chính (TH)
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 389
  • Khách viếng thăm: 387
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 125007
  • Tháng hiện tại: 1844601
  • Tổng lượt truy cập: 87649204
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012