Bình Định: Vài nét sơ lược tiểu sử Ni trưởng Thích Nữ Tâm Hoa khai sơn Chùa Tâm Ấn – Quy Nhơn

Đăng lúc: Thứ sáu - 27/02/2015 03:30 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Chùa tọa lạc tại 58 Ngô Quyền, phường Lê Lợi, thành phố Quy Nhơn. Diện tích khuôn viên hiện còn khoảng 2000m2, chung quanh có tường cao bao bọc, trước chùa có Tam quan trổ hướng Đông, biển đề hai chữ 心 印
CHÙA TÂM ẤN
心 印 寺

 

Tam quan chùa Tâm Ấn. ảnh Như Tịnh (2011)
 
Chùa tọa lạc tại 58 Ngô Quyền, phường Lê Lợi, thành phố Quy Nhơn. Diện tích khuôn viên hiện còn khoảng 2000m2, chung quanh có tường cao bao bọc, trước chùa có Tam quan trổ hướng Đông, biển đề hai chữ 心 印 TÂM ẤN

Dưới biển hiệu, trên bốn mặt trụ có hai câu đối:

心 佛 眾 生 迷 悟 去 來 原 一 体
印 含 萬 象 妄 真 出 入 本 同 宗

Phiên âm: 

Tâm Phật chúng sanh, mê ngộ khứ lai nguyên nhất thể,
Ấn hàm vạn tượng, vọng chân xuất nhập bổn đồng tông.
 
Dịch nghĩa: 

Tâm Phật lòng mọi loài, mê tỉnh đến đi nguyên một thể,
Ấn gồm tướng muôn vật, đúng sai ra vào vốn cùng tông.

心 体 孤 圓
印 真 獨 路

Phiên âm: 

Tâm thể cô viên
Ấn chân độc lộ

Dịch nghĩa: 

Tâm vốn tròn đầy một thể
Ấn thật riêng biệt một đường.

Bên trong cổng, qua vuông sân hẹp thì tới toàn nhà lầu đồ sộ, tầng trên làm Chánh điện, tầng trệt làm Giảng đường, hai bên có lầu chuông trống.
 

 
Chánh điện chùa Tâm Ấn. ảnh Như Tịnh (2011)
 
Tầng trệt rộng 8m dài 18m, diện tích 144m2, cao 3m50, hông có hè chạy dọc theo chiều dài, mỗi hè rộng 2m. Tại hè trước tầng trệt có ba câu liễn, chữ thảo rất khó nhận, tôi sao lại theo thể chữ chân như sau:

心 即 實 相 涅 槃 教 外 別 傳 萬 古 宗 風 微 妙 法
印 似 長 空 鳥 跡 龍 言 絕 慮 無 邊 剎 海 一 真 如

Phiên âm: 

Tâm tức thật tướng Niết bàn, giáo ngoại biệt truyền vạn cổ tông phong vi diệu pháp,
Ấn tợ trường không điểu tích, long ngôn tuyệt lự vô biên sát hải nhất chân như.

Dịch nghĩa: 

Tâm ấy tướng thật của Niết Bàn, ngoài giáo riêng truyền muôn thuở nếp nhà vi diệu pháp,
Ấn như dấu chim nơi khoảng trống, trong lời dứt nghĩ khôn lường đất biển nhất chân như.

心 月 孤 圓 炤 見 無 邊 吞 萬 像
印 珠 夜 靜 澄 光 不 盡 入 真 源

Phiên âm: 

Tâm nguyệt cô viên, chiếu kiến vô biên thôn vạn tượng,
Ấn châu dạ tỉnh, trừng quang bất tận nhập chân nguyên.

Dịch nghĩa: 

Lòng như trăng lẻ tròn dìn, soi thấu vô biên, bao trùm vạn tượng,
Ấn tợ ngọc châu vắng lặng, lóng trong bất tận tới tận chân nguyên.

納 沙 界 於 為 塵 翠 竹 黃 花 非 幻 相
會 三 乘 于 一 實 青 天 碧 海 豈 他 觀

Phiên âm: 

Nạp sa giới ư vi trần, thúy trúc hoàng hoa phi huyễn tướng,
Hội tam thừa vu nhất, thật thanh thiên bích hải khởi tha quan.

Dịch nghĩa: 

Nhét thế giới vào trong hạt bụi, trúc biếc mai vàng không là huyễn tướng,
Gom ba thừa cũng một lẽ thật, trời xanh biển bạc, há lại khác xem?
 
Chú: Nhất thật: tức Nhất thừa, tức Phật thừa là chân lý rốt ráo.

Bên trong tầng trệt làm Giảng đường, bài trí đơn giản, không có ghế giành cho thính giả, có lẽ khi dự thuyết giảng, người nghe phải ngồi trên nền nhà.

Hai bên Giảng đường có lầu chuông lầu trống cất riêng biệt. Mỗi lầu có kích thước ngang 3m, dọc 2m, cao 8m. Trên lầu chuông có treo quả hồng chung cao 1m kính 0m,6 nặng ước chừng 150kg. Quanh thân chuông đúc nổi bốn đại tự 心 印 尼 寺 Tâm Ấn Ni Tự. Trên lầu trống có đại cổ dài 1m20, kính giữa thân 1m, dăm trống nguyên cả bộng cây.

Tầng trên làm chánh điện ngang 8m, dọc 20m diện tích 160m2, từ nền lên tới lầu cao 4m, hè hai bên hông mỗi hè rộng 2m, mái chồng diêm, lợp ngói, trên nóc đắp tượng lưỡng long chầu pháp luân. Từ mặt nền tầng trệt lên đụng nóc hơn 10m.

Mặt tiền chánh điện, dưới cổ lầu có đắp hiệu chùa:
 
心 印 尼 寺 TÂM ẤN NI TỰ (Chùa Ni Tâm Ấn)
 
Dưới biển ngạch, trên mặt hai trụ chính có câu liễn:

暮 鼓 晨 鐘 日 夜 徘 徊 萬 頃 鴻 波 魂 炤 耀
妙 音 梵 韻 江 邊 響 渡 千 重 旅 次 夢 回 光

Phiên âm: 

Mộ cổ thần chung, nhật dạ bồi hồi, vạn khoảnh hồng ba hồn chiếu diệu
Diệu âm Phạm vận, giang biên hưởng độ, thiên trùng lữ thứ mộng hồi quang.

Dịch nghĩa: 

Trống chiều chuông sớm, sáng tối bồi hồi, vạn khoảng sóng to hồn chiếu rõ,
Kinh diệu kệ hay, bờ sông vang vọng, ngàn trùng đất khách mộng soi về.

Bên trong chánh điện thờ độc tôn, tượng Đức Thế Tôn bằng đồng ngồi kiết già trên tòa sen cao 2m kể cả tòa sen được đặt trên bệ thờ ở gian giữa. Gian tả thờ Bồ tát Quan Âm, gian hữu thờ Bồ tát Thế Chí.
 
Tượng hai vị Bồ tát làm bằng xi măng, mỗi tượng cao 1m2.
Trước bệ thờ Phật, bên trên đắp nổi bốn đại tự:
 
                                   大 雄 寶 殿 ĐẠI HÙNG BỬU ĐIỆN (Điện Báu Đại Hùng)
 
Bên dưới, trên bốn mặt cột có hai câu liễn:

慈 悲 為 本 懷 沙 界 眾 生 含 悟 入
智 慧 作 大 炬 迷 流 暗 夢 盡 開 明

Phiên âm: 

Từ bi vi bổn hoài, sa giới chúng sanh hàm ngộ nhập,
Trí huệ tác đại cự, mê lưu ám mộng tận khai minh.

Dịch nghĩa: 

Từ bi là gốc chí cao, trong cõi mọi loài ngộ thì nhập,
Trí tuệ làm cây đuốc lớn, sống mê thức mộng khai ắt minh.

兜 率 天 宮 示 現 降 神 為 教 主
娑 婆 忍 土 弘 開 妙 法 座 菩 提

Phiên âm:  

Đâu Suất thiên cung, thị hiện giáng thần vi Giáo chủ,
Sa Bà nhẫn độ, hoằng khai diệu pháp tọa Bồ đề.

Dịch nghĩa: 

Đâu Suất cung trời, hiện xuống trần gian, ở ngôi Giáo chủ,
Sa Bà cõi đất, rộng bày diệu pháp, ngồi cội Bồ đề.

Mặt sau vách hậu điện Đại hùng có bàn Tổ. Trên bàn tôn trí hai long vị của hai vị thầy của đương kim trụ trì. Một vị của thầy thế độ pháp danh Đạt Quang, tự Tâm Minh, hiệu Huệ Định: Hòa thượng trụ trì chùa Phước Long ở Cái Tàu Hạ. Một vị là thầy truyền giới Sa-di Ni pháp danh Trừng Thông, tự Chơn Thường, hiệu Tịnh Khiết: Hòa thượng trụ trì chùa Tường Vân ở Huế.
Tại đây có treo bức hoành: 心 印 重 光 TÂM ẤN TRÙNG QUANG (Ấn Tâm Thêm Sáng)
 
Và hai câu liễn:

一 派 浮 香 水
千 秋 道 脈 長

Phiên âm: 

Nhất phái phù hương thủy,
Thiên thu đạo mạch trường.

Dịch nghĩa: 

Một phái phù hương thủy,
Ngàn thu mạch đạo dài.

八 敬 堪 當 自 此 尼 流 承 大 業
三 心 弘 誓 長 開 道 脈 振 慈 航

Phiên âm: 

Bát kính14 kham đương, tự thử Ni lưu thừa đại nghiệp,
Tam tâm15hoằng thệ, trường khai đạo mạch chấn từ hàng.

Dịch nghĩa:

Gìn tám pháp kính lễ với Tăng, từ ấy giới Ni thừa nghiệp lớn,
Giữ ba lòng rộng thề cùng Phật, mở mang mạch đạo chống bè từ.

Tất cả hoành liễn nói trên đều do cố Hòa thượng Thích Kế Châu đặt và viết.
 

14. Bát kính: Tám điều kính giới: 1. Dầu Tỳ kheo Ni già trăm tuổi thầy Tỳ kheo Tăng mới thọ giới cũng nên tiếp rước lễ bái, bày chỗ thanh tịnh mời ngồi. 2. Tỳ kheo Ni chẳng đặng mắng nhiếc Tỳ kheo Tăng. 3. Chẳng đặng nhắc ra những việc sau lưng của Tỳ kheo, nói điều lầm lỗi hoặc oan ức của Tỳ kheo. 4. Thức-xoa-ma-na đã học giới rồi nên do theo chúng Tăng mà cầu thọ Đại giới. 5. Tỳ kheo Ni phạm giới trong mỗi nửa tháng ở trong hai bộ Tăng Ni nên làm phép sám hối trừ tội. 6. Mỗi kỳ nửa tháng chư Tỳ kheo Ni phải đến giáo hội Tỳ kheo mà thỉnh một vị đến thuyết pháp. 7. Chẳng nên kiết hạ ở xứ nào mà chẳng có Tỳ kheo. 8. Hạ xong nên theo hàng Tăng làm phép Tự tứ (xưng tội) và hỏi Tỳ kheo có chỉ dạy việc gì chăng (Đoàn Trung Còn, Phật học từ điển, bản in năm 1968, tập nhứt, tr.232, 233).
 
15. Tam tâm: Ba tấm lòng là: Chí thành tâm; thâm tâm và hồi hướng phát nguyện tâm.
 
Nhà Tổ cũ, Phương trượng, Ni phòng, Trai phòng, Trù phòng đều ở sau Chánh điện, xây gạch lợp ngói có vẻ đã xuống cấp.

Giờ nói đến duyên khởi kiến tạo chùa Tâm Ấn.
 

Tổ đường chùa Tâm Ấn. ảnh Như Tịnh (2011)
 
Nguyên trước đây nửa thế kỷ, tại Quy Nhơn có một tín nữ nổi tiếng mộ đạo và hằng tâm hằng sản tên là Tạ Xuân Lan. Tín nữ họ Tạ từng có duyên gặp gỡ Sư cô Tâm Hoa, trọng Sư Cô về đạo học, mến Sư cô về hạnh kiểm nên ngỏ lời mời Sư cô về hoằng hóa tại Quy Nhơn.
 
 Bà xin hiến Sư cô một khoảng đất ở trung tâm thành phố, diện tích 2.117m2 để Sư cô lập chùa. Sư cô nhận lời. Bà làm thủ tục cúng đất từ giữa năm 1954, sang đầu năm 1955 Sư cô về nhận đất, huy động tín hữu dọn xong mặt bằng thì đến ngày 18 tháng Giêng năm Bính Thân (1956) khởi công cất chùa. Đến tháng 11 năm này thì lạc thành, làm lễ khai sơn đặt tên là Tâm Ấn Ni Tự. Chùa bấy giờ tuy quy mô còn nhỏ hẹp nhưng cũng có đủ Chánh điện, Tổ đường, Đông Tây đường v.v... Tất cả đều xây gạch lợp ngói. Sư cô Tâm Hoa trụ trì từ ấy đến nay, mở rộng cửa tiếp Ni độ chúng, không ngừng quảng tác Phật sự nên từng được Giáo hội tấn phong Ni trưởng, để tỏ dấu kính trọng người ta thường kêu vị trụ trì chùa này là Sư bà Tâm Ấn.

Sau một thời gian dài chuẩn bị tài vật, năm Quý Dậu (1993), Sư bà hưng công xây dựng trên nền cũ chánh điện chùa Tâm Ấn một ngôi nhà lầu đồ sộ, tầng trên làm Chánh điện, tầng dưới làm Giảng đường, công tác xây dựng hoàn tất trong năm Ất Hợi (1995).

Công tác Đại trùng tu khá nặng nề, Phật sự cũng đa đoan mà mọi việc đều tiến hành tốt đẹp trong khi Sư bà mắc bệnh huyết áp cao hơn 10 năm nay. Không nói hẳn ai cũng biết là nhờ bởi khối óc và bàn tay của người trợ thủ. Người đó là Ni sư Hạnh Quang, đệ tử của Sư bà, được Sư bà chỉ định làm Tri sự tại chùa Tâm Ấn trong nhiều năm nay.

Ni sư tên Phạm Thị Thuấn sinh năm Canh Thìn (1940) tại thôn Chánh Thiện, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát. Quy y tại chùa Khánh Sơn, đệ tử Thượng tọa Như Phẩm, được Thượng tọa đặt tên pháp là Thị Nhật. Năm 11 tuổi, được song thân cho phép, Thượng tọa Như Phẩm đích thân tiến dẫn đệ tử Thuấn đến xuất gia tại chùa Tâm Ấn do Sư bà Tâm Ấn thế độ, đặt thêm pháp danh Nguyên Nhật, pháp tự Hạnh Quang. Thọ đại giới tại giới đàn mở ở chùa Từ Nghiêm, Sài Gòn năm 1965 do Sư bà Đàm Hương chùa Diệu Ấn, Phan Rang làm Đường đầu. Có học qua chuyên khoa Phật học tại Tu viện Nguyên Thiều khóa đầu trước năm 1960. Ni sư hữu học hữu tu, hoạt động Phật sự không biết mệt mỏi, là cánh tay đắc lực của Sư bà, có công không nhỏ trong việc điều hành và phát triển tự viện.

Chùa Tâm Ấn từ xây dựng đến nay chưa đầy 50 năm mà bề thế nguy nga, ảnh hưởng lớn rộng của chùa đã khiến chùa trở thành Đại tùng lâm, xứng đáng làm tiêu biểu cho Ni tự thuộc hệ Thiền tông chẳng những của thành phố Quy Nhơn mà cho toàn tỉnh Bình Định. Hy vọng trong tương lai, chùa càng phát triển mọi mặt để quần sanh được hưởng vô vàn lợi lạc.
 
VÀI NÉT SƠ LƯỢC TIỂU SỬ NI TRƯỞNG thượng TÂM hạ HOA
KHAI SƠN CHÙA TÂM ẤN

 
Ni trưởng thế danh Nguyễn Thị Diệp, sinh năm Bính Thìn (1916) tại làng Tân An, thành phố Cần Thơ. Thân sinh là cụ ông Nguyễn Quý Công, hiệu Từ Thúc Nhơn, là một nhà Nho uyên thâm và thân mẫu là cụ bà Đào Thị Lớn, pháp danh Giác Xuân, một Phật tử thuần thành.

Thuở nhỏ, Ni trưởng thường theo mẹ đi chùa lễ Phật nên hạt giống Bồ đề ngày một tăng trưởng trong tâm. Vào ngày 18 tháng 2 năm 1932, Ni trưởng quyết chí xuất gia, nhập chúng tu học tại chùa Phước Long, Cái Tàu Hạ tỉnh Đồng Tháp dưới sự hướng dẫn của Hòa thượng Đạt Quang, tự Tôn Minh, hiệu Huệ Định. Tại đây, Ni trưởng tùng học được một năm thì Hòa thượng Huệ Định viên tịch.

Năm Quý Dậu (1933), Ni trưởng ra tham học tại chùa Từ Đàm, Huế. Năm Giáp Tuất (1934), Ni trưởng vào lại miền Nam tham học tại
 chùa Quán Âm, thuộc ngã 5 Bình Hòa, Gia Định.
 

Ni trưởng  Thích Nữ Tâm Hoa  hiệu Diệu Liên. ảnh Chùa Tâm Ấn
 
Năm Ất Hợi (1935), Ni trưởng ra Huế tham học tại chùa Diệu Đức. Cũng trong năm này, Ni trưởng đến chùa Tường Vân cầu pháp thế độ với Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, được Hòa thượng truyền trao Sa di Ni giới với pháp danh Tâm Hoa, tự Diệu Liên, nối pháp đời 43 dòng thiền Lâm Tế Liễu Quán.
 
Năm Đinh Sửu (1937), Ni trưởng cùng với quý Ni đồng học trở vào miền Nam về Cái Tàu Hạ mở Ni viện tại chùa Bà Ba Xoàn để tiếp tục tu học và hành đạo. Cũng trong năm này, Ni trưởng được thọ Đại giới tại chùa Kim Huê do Hòa thượng Kim Huê làm Đường đầu, Hòa thượng Vạn An làm Yết-ma; Hòa thượng Bảo Sơn làm Giáo thọ. Tuy nhiên lúc bấy giờ đàn giới tấn tập thể. Vì lẽ đó, nên năm Quý Mùi (1943), Ni trưởng thọ Cụ túc lại tại chùa Bình Quang, Phan Thiết do Hòa thượng Thích Tôn Thắng làm Đường đầu truyền giới; Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Yết-ma; Hòa thượng Thích Mật Nguyện làm Giáo thọ.

Năm Canh Thìn (1940), Ni trưởng tham học tại chùa Vạn An ở Cái Khoa học 1 năm do Hòa thượng Chánh Quang, Huyền Cơ, Ni trưởng Diệu Tịnh đảm trách giảng dạy.

Năm Nhâm Ngọ (1942), Ni trưởng ra Nha Trang tham học lớp Phật học tại chùa Hải Đức do quý Hòa thượng Thích Giác Phong, Thích Bích Nguyên giảng dạy. Cùng học khóa này có các vị như Hòa thượng Thích Kế Châu; Hòa thượng Thích Bình Chánh v.v...

Từ năm 1943 đến năm 1954, Ni trưởng theo học kinh luật với Hòa thượng Phước Tường tại Thủ Đức. Năm 1955, Ni trưởng tiếp tục theo học lớp Giảng sư tại Đà Lạt do Hòa thượng Thích Thiện Minh và Hòa thượng Thích Trí Nghiêm giảng dạy.

Trong quá trình tham gia các khóa học, Ni trưởng cũng đã kiến lập đạo tràng để tiếp độ Ni chúng, dẫn dắt nữ giới vào con đường chánh pháp. Đầu tiên, Ni trưởng lập chùa Quán Âm tại ngã 5 Bình Hòa, Gia Định. Đến năm Ất Dậu (1945), Ni trưởng nhận trụ trì chùa Sanh Liên thuộc thôn Trung Ái, xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Trong thời gian này đến năm 1954, Ni trưởng chuyên tâm tu học và thu nhận đồ chúng để đào tạo người kế thừa mạng mạch.

Năm Bính Thân (1956), được sự cúng dường của nữ thí chủ Tạ Xuân Lan, Ni trưởng khai sơn chùa Tâm Ấn và cuộc đời Ni trưởng gắn bó ngôi chùa này cho đến ngày hôm nay mà Tăng Ni Phật tử thường gọi Ni trưởng với cái tên trìu mến: Sư bà Tâm Ấn.

Năm Canh Tý (1960), Ni trưởng tiến hành thiên di chùa Sanh Liên từ trong thôn xóm lên mặt đường lộ để đạo hữu Phật tử tiện bề trong việc đi lại bái sám. Công cuộc thiên di tái thiết này kéo dài đến tháng 2 năm 1962 mới hoàn tất.
 
Năm Nhâm Dần (1962), Ni bộ Bắc tông được thành lập tại chùa Từ Nghiêm, Sài Gòn, Ni trưởng được đặc trách trưởng ban Ni bộ tỉnh Bình Định và thành viên của Giáo Hội tỉnh Bình Định thời bấy giờ.

Năm Bính Thân (1956), Chư tôn túc tại Bình Định kiến lập Tu viện Nguyên Thiều để làm trường đào tạo Tăng tài cho bổn tỉnh, Ni trưởng tích cực vận động tài chánh cùng với Chư tôn đức hoàn thành công tác Phật sự quan trọng này.

Năm Đinh Mùi (1967), Ni trưởng nhận chùa tại thôn An Mỹ, Gia Lai tục danh là chùa Bà Cửu Tám. Ni trưởng đứng ra trùng tu chánh điện và cải danh thành chùa An Thạnh.

Là một bậc trưởng lão Ni giới đức trang nghiêm nên từ những năm 1958 đến năm 1975, Ni trưởng thường được cung thỉnh vào ngôi vị Đệ nhất tôn chứng, Giáo thọ A-xà-lê; Yết ma A-xà-lê tại các giới đàn ở miền Nam thời bấy giờ. Ngoài ra, Ni trưởng thường mở các tiểu giới đàn tại Tâm Ấn để truyền trao giới Thức-xoa; Sa-di Ni cho Ni chúng tu học. Thông thường những đàn giới này, Ni trưởng được thỉnh làm Hòa thượng Đường đầu Ni; Ni trưởng Tịnh Viên làm Yết-ma; Ni sư Hạnh Nghiêm làm Giáo thọ.

Vào các năm 1989 và 1994, Ni trưởng được cung thỉnh làm Hòa thượng Đường đầu Ni tại các giới đàn Nguyên Thiều và Phước Huệ do Ban trị sự tỉnh Bình Định tổ chức.

Năm Nhâm Thân (1992), trường Cơ bản Phật học tỉnh Bình Định thành lập, Ni trưởng đã xin chư tôn đức và vận động các chùa, đạo hữu Phật tử xây dựng cư xá Ni trong khu vực đất tại tu viện Nguyên Thiều để Ni chúng thuận tiện trong việc tu học.

Năm Quý Dậu (1993), Ni trưởng vận động đại trùng tu chùa Tâm Ấn quy mô như hiện nay.

Mặc dù Phật sự đa đoan nhưng Ni trưởng vẫn không quên sứ mệnh "Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức". Dưới sự giáo dưỡng của Ni trưởng, hàng đệ tử Ni của Người đã trưởng thành và đóng vai trò quan trọng trong Ni bộ tỉnh Bình Định cũng như một số các tỉnh phụ cận như: Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Nghiêm: Trụ trì chùa Lộc Uyển; Ni sư Thích Nữ Hạnh Quang: Tri sự chùa Tâm Ấn; Ni sư Thích Nữ Hạnh Minh: Trụ trì chùa Tăng Quang; Ni sư Thích Nữ Hạnh Trực: Trụ trì chùa Sanh Liên; Ni sư Thích Nữ Hạnh Nhu: Trụ trì chùa Thiền Ấn v..v...tỉnh Bình Định; Ni trưởng Thích Nữ Hạnh Tín: Trụ trì chùa Diệu Tịnh, Sông Cầu, Phú Yên; Ni sư Thích Nữ Hạnh Thông: Trụ trì chùa Linh Bửu, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; Ni sư Thích Nữ Hạnh Nguyện: Trụ trì chùa Bửu Sơn; Ni sư Thích Nữ Hạnh Đức: Trụ trì chùa Bửu Thọ, tỉnh Gia Lai; Ni sư Thích Nữ Hạnh Tâm: Trụ trì chùa Phổ Hiền; Ni sư Thích Nữ Hạnh Trí: Trụ trì chùa Hòa Phú, thành phố Đà Nẵng v.v... Đệ tử thành danh của Ni trưởng khoảng 40 vị đang hành đạo khắp nơi trong nước. Các thế hệ thứ 3, thứ 4 của chùa Tâm Ấn có trên 100 vị đang tu học và hành đạo khắp mọi nơi.
Hiện tại, Ni trưởng tuổi đã gần 100 nên lui vào tu niệm, mọi Phật sự đều giao cho Ni sư Thích Nữ Hạnh Quang thay mặt xử lý và điều hành tại chùa Tâm Ấn.

 

Tác giả bài viết: Chùa Tâm Ấn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 226
  • Khách viếng thăm: 216
  • Máy chủ tìm kiếm: 10
  • Hôm nay: 75980
  • Tháng hiện tại: 2795561
  • Tổng lượt truy cập: 88600164
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012