Bổn phận của người Phật tử tại gia

Đăng lúc: Thứ năm - 30/08/2018 19:52 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Con người ngoài bổn phận làm người ra còn có bổn phận khác nữa. Làm cha mẹ thời có thêm bổn phận làm cha mẹ, làm quan lại thì có thêm bổn phận làm quan lại. Như thế nếu làm Phật tử thì có thêm bổn phận làm Phật tử. Mỗi người đều phải hoàn thành tốt bổn phận của mình. Làm cha mẹ thì phải lo cho con cái đến nới đến chốn. Làm quan thì phải thanh liêm, chánh trực, lấy lợi ích bá tánh làm lợi ích của mình. Vì lý do đó mà đức Khổng Tử dạy thuyết “chính danh” để chỉnh đốn xã hội. Vậy bổn phận của người Phật tử tại gia thì thế nào?

 
I. Người đời ai cũng có bổn phận
 
Người ta sanh ra ai cũng có bổn phận, nói cách khác là đã có cái danh thì tất phải có cái phận. Con kiến, con ong thì có cái phận của con kiến con ong; mặt trăng, mặt trời thì có cái phận của mặt trăng, mặt trời. Dù nhỏ, dù lớn, mọi người đều có cái phận riêng của mình. Những điều phải làm đối với cái phận ấy gọi là bổn phận.
 
Con người ngoài bổn phận làm người ra còn có bổn phận khác nữa. Làm cha mẹ thời có thêm bổn phận làm cha mẹ, làm quan lại thì có thêm bổn phận làm quan lại. Như thế nếu làm Phật tử thì có thêm bổn phận làm Phật tử. Mỗi người đều phải hoàn thành tốt bổn phận của mình. Làm cha mẹ thì phải lo cho con cái đến nới đến chốn. Làm quan thì phải thanh liêm, chánh trực, lấy lợi ích bá tánh làm lợi ích của mình. Vì lý do đó mà đức Khổng Tử dạy thuyết “chính danh” để chỉnh đốn xã hội. Vậy bổn phận của người Phật tử tại gia thì thế nào?
 
II. Bổn phận của người Phật tử tại gia
 
Người Phật tử tại gia có bổn phận hơn ai hết. Ngoài bổn phận làm người tại gia ra, Phật tử còn có thêm bổn phận làm Phật tử nữa. Một số người còn có thêm những bổn phận khác như làm bác sĩ, kỷ sư, kiến trúc sư...vì thế nói làm Phật tử tại gia khó là vì nghĩa này. Ở đây chúng ta nói đến bổn phận làm Phật tử mà thôi.
 
Phật tử có nghĩa là người con Phật. Khi một người thọ tam quy, ngũ giới thì chính thức làm người con Phật. Là Phật tử, chúng ta sẽ làm những gì?
 
Đức Phật là bậc toàn trí toàn năng, đã hoàn toàn giác ngộ, đã giải thoát tất cả mọi chấp thủ ngã tướng, đã liễu tri quy luật nhân quả. Ngài có công đức và trí tuệ vô lượng, từ bi, hỷ xã vô lượng.
Làm con của Phật thì phải tu học theo đức Phật, tiếp tục sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, đi theo con đường mà Ngài đã đi, làm theo những việc mà Ngài đã làm. Tuy nhiên, người Phật tử tại gia nhất định phải còn nhiều ràng buộc, vì phải sống với thế tục nên còn một số bổn phận, trách nhiệm của người tại gia. Nhưng Phật tử tại gia cần hiểu rằng: hoàn thành tốt trách nhiệm của người tại gia thì cũng đồng nghĩa hoàn thành tốt bổn phận của người Phật tử. Theo lời đức Phật dạy, người tại gia cần phải hoàn thành tốt những bổn phận sau đây.
 
I. Bổn phận đối với tự thân
 
Người Phật tử tại gia cần hoàn thành tốt nhân cách của mình để xứng đáng là một công dân trong xã hội, ngoài ra còn phải tu thân dưỡng tánh, trau dồi đức hạnh hầu để được thân tâm thanh tịnh, an lạc, vui hưởng hạnh phúc trong hiện tại và tiến lên con đường giải thoát trong tương lai.
 
Bổn phận quan trọng nhất của người Phật tử là làm sao thoát khỏi biển sanh tử, luân hồi. Từ vô thỉ kiếp về trước, chúng ta đã sống trong mộng huyễn giả danh vì thế mà cứ mê mờ tạo nghiệp, đến nay vẫn quanh quẩn trong tứ sanh lục đạo. May thay ngày nay chúng ta có duyên lành, được gặp Phật pháp, thấy được quyển kinh, được nghe diệu lý như bóng tối gặp sáng, người mù sáng mắt, trong bể khổ gặp thuyền tế độ. Nếu chúng ta không gắng sức tu tập mà cứ chạy theo các thói hư tật xấu thì chẳng phải phụ cái duyên lành từ kiếp trước hay sao, chẳng phải phụ tấm lòng của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni hay sao!
 
Là Phật tử tại gia thì phải giữ ngũ giới, tu Thập thiện, chuyên tâm niệm Phật, sám trừ các phiền não, phát tâm từ bi tế độ kẻ mê lầm để cùng nhau tiến lên con đường giải thoát.
 
II. Bổn phận đối với gia đình và thân quyến
 
Phật tử tại gia còn có gia đình, bà con thân quyến nên cần phải hoàn thành bổn phận đối với họ. Mỗi tầng lớp người trong gia đình, từ ông bà, cha mẹ đến người công kẻ mướn đều phải có trách nhiệm của chính mình. Trong kinh Thiện Sanh (A hàm) và Kinh Sigàlovàda (Nikàya) đức Phật dạy về bổn phận người Phật tử tại gia như sau:
 
1. Bổn phận đối với cha mẹ: có 5 điều
 
• Làm con phải hiếu kính cha mẹ, tùy mùa nóng lạnh mà lo chuyện ăn mặc cho cha mẹ phù hợp với thời tiết để cha mẹ nghỉ ngơi.
 
• Lo sắp xếp công việc trong ngày, giúp đỡ những vật cần thiết, nhất là khi tối lửa tắt đèn,
 
• Thay cha mẹ gánh vác công việc nặng nhọc trong gia đình để cha mẹ được thảnh thơi mà vui hưởng tuổi già.
 
• Luôn tâm niệm báo đáp ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ để kịp báo đáp phần nào trọng ân khi cha mẹ còn sanh tiền, nhất là phải chăm sóc đời sống tinh thần cho cha mẹ.
 
• Săn sóc hết lòng khi cha mẹ bị đau ốm, phải ân cần hầu hạ thuốc thang.
 
2. Bổn phận đối với con cái
 
• Làm cha mẹ phải dạy dỗ con cái không được làm điều ác, phải làm điều lành để trở nên người có đức hạnh.
 
• Khuyên răn con cái sống gần gũi thiện hữu tri thức để có thể học hỏi nhiều điều tốt từ họ.
 
• Nhắc nhở con cái cần mẫn học hành để thành người hữu ích.
 
• Phải lo việc gia đình cho con cái.
 
• Cho con cái tham gia bàn tính công việc gia đình để góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình chung.
 
3. Bổn phận của vợ đối với chồng: đủ 5 điều
 
• Kính yêu hòa thuận với chồng, cư xử lịch sự nhã nhặn.
 
• Khi chồng đi vắng vợ phải lo việc nhà và phải hết mực trung thành với chồng
 
• Phải giữ tiết hạnh không được ngoại tình.
 
• Có của ngon vật lạ không nên dùng riêng cho mình, khi chồng nóng giận thì không nên bừng mặt cải vã, làm mất hòa thuận, mà phải đợi khi chồng bình tỉnh lại rồi mới dùng lời lẽ để khuyên bảo. Ngược lại khi chồng có lời khuyên giải đúng thì phải vâng theo.
 
• Phải xem tài sản trong gia đình là của chung, người vợ phải quán xuyến mọi việc nhà cửa.
 
4. Bổn phận của chồng đối với vợ: có 5 điều
 
• Khi vợ đi về phải hỏi thăm lịch sự.
 
• Nên dễ giải trong vấn đề ăn uống để khỏi phiền lòng vợ phải nấu nướng cực nhọc.
 
• Phải mua sắm áo quần, nữ trang đầy đủ cho vợ nếu gia đình mình có khả năng, đừng hẹp hòi mà không làm đẹp lòng vợ. Điều này giúp ích rất nhiều cho hạnh phúc gia đình.
 
• Không được sanh tâm tà vạy mà phải trung thành với vợ, không được ngoại tình.
 
• Phải tin tưởng vợ và giao phó một số công việc nhà.
 
5. Bổn phận đối với bà con thân thích: có 5 điều
 
• Khi bà con của mình làm điều chẳng lành thì phải hết lòng khuyên can nhắc nhở.
 
• Phải biết giúp đỡ bà con khi họ gặp tai ương bệnh tật. Nếu không có thể giúp tiền bạc thì có thể giúp cháo cơm, thang dược.
 
• Bà con có những việc kín đáo không muốn cho ai biết mà nếu mình biết thì không nên nói cho ai biết.
 
• Bà con thân thích thì nên hay lui tới thăm viếng lẫn nhau, đừng vì bất đồng ý kiến mà cố chấp giận hờn nhau.
 
• Trong thân bằng quyên thuộc thì người  giàu có cố nhiên phải giúp người nghèo, kẻ ăn dư thì phải giúp đỡ cho người thiếu hụt.
 
III. Bổn phận đối với người không phải bà con thân quyến: có 5 điều
 
Gọi là người không phải thân quyến không có nghĩa là những người xa lạ. ở đây muốn nói họ không phải là bà con ruột thịt, không chung sống một mái nhà nên tạm gọi là người ngoài thân quyến.
 
1. Bổn phận của trò đối với Thầy: có 5 điều
 
• Phải kính mến Thầy như cha mẹ.
 
• Phải vâng lời Thầy chỉ bảo.
 
• Phải giúp đỡ Thầy trong cơn hoạn nạn
 
• Phải siêng năng học tập để làm cho Thầy vui lòng.
 
• Khi thôi học cũng phải năng lui tới thăm viếng Thầy để tỏ lòng cảm mến công ơn dạy bảo của Thầy.
 
2. Bổn phận của Thầy đối với trò: có 5 điều
 
•  Phải cần mẫn dạy dỗ trò.
 
• Dạy học trò phải dạy cả kiến thức lẫn đức hạnh, làm sao để học trò mình ngày mỗi tiến bộ.
 
• Làm Thầy phải dạy cho học trò những điều ấn tượng nhất, gây ấn tượng mạnh cho tâm trí học trò.
 
• Những điều gì khó hiểu (lý thuyết mắc mỏ) thì Thầy phải giảng giải làm sao cho học trò không bị hiểu lầm.
 
• Phải có lòng rộng rãi mong muốn học trò giỏi hơn mình.
 
3. Bổn phận của chủ nhà đối với người giúp việc: có 5 điều
 
• Chủ nhà phải quan tâm đến sức khỏe và những phương tiện sống của người giúp việc để họ vui vẻ mà làm lụng.
 
• Khi người giúp việc bệnh hoạn thì phải quan tâm, thuốc thang đầy đủ để họ chóng lành bệnh mà tiếp tục công việc.
 
• Nếu người giúp việc phạm lỗi gì thì phải xem xét cẩn thận kẻo trách oan, nếu họ có phạm lỗi thật thì phải dùng lời thanh nhã mà trách cứ hẳn hoi để họ thấy lỗi mà chừa.
 
• Không nên tước đoạt tài sản mà họ tiết kiệm dành dụm.
 
• Khi thưởng công thì phải công bằng, tùy theo sức lao động của từng người mà thưởng để khuyến khích họ làm việc cho tốt.
 
4. Bổn phận của người giúp việc đối với chủ nhà: có 5 điều
 
• Phải thức dậy trước chủ nhà mỗi buổi sáng không đợi kêu.
 
• Phải tuân theo thời khóa phân chia công việc của mình mà làm, không đợi chủ nhà sai bảo.
 
• Làm việc phải cẩn thận, phải giữ gìn tài sản của chủ, không được làm thiếu hụt hư hao.
 
• Phải kính trọng và thương mến chủ nhà. Đi thưa về trình tỏ ra thân mật, lúc nào cũng ân cần đón tiếp.
 
• Không nên chỉ trích, nói xấu chủ nhà với người ngoài.
 
5. Bổn phận của cư sĩ Phật tử đối với chư Tăng và thiện hữu tri thức: có 5 điều
 
• Phải hết lòng thành thật với chư Tăng và thiện hữu tri thức.
 
• Phải cung kính và vâng lời chỉ dạy của những bậc minh sư và thiện hữu tri thức.
 
• Chăm chú lắng nghe những lời dạy của những vị Tăng có đức độ, xem xét kỹ lưỡng rồi như pháp mà tu hành.
 
• Có tâm cầu học Phật pháp, cần tham vấn những đạo lý mà mình chưa hiểu.
 
• Phải thỉnh cầu minh sư chỉ dạy các pháp môn như tham thiền, niệm Phật... để ngày đêm tu trì không gián đoạn.
 
IV. Một số nghi thức xưng hô và cách đối xử của cư sĩ Phật tử
 
* Cách đối xử và xưng hô đối với chư Tăng
 
Khi gặp một hay nhiều vị Tăng tại chùa hay ngoài đường, nên chắp tay kính cẩn chào hỏi bằng cách niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” với vẻ mặt hoan hỷ làm cho người được chào cũng hoan hỷ như mình. Lối chào này biểu hiện tình cảm đậm đà và đầy ý nghĩa. Cái chắp tay chính là tượng trưng cho hoa sen với công đức đầy đủ, thanh tịnh, câu niệm Phật chính là để nhắc nhở mỗi con người đều có Phật tánh và rồi sẽ thành Phật, bởi thế mà hiện nay một số nước trên thế giới lấy hình ảnh chắp tay niệm Phật này để chào nhau. Đối với chư tăng, Phật tử không nên dùng những từ như sư huynh sư đệ, đạo hữu hay chữ gì để gọi, mà phải xưng bằng tiếng Thầy mặc dầu là đồng sư.
 
Không nên lạm dụng những tiếng như Thượng Tọa, Đại Đức quá đáng. Không phải bất cứ ai cũng gọi là Thượng Tọa, Đại Đức được, mặc dù trên danh nghĩa đã thụ đại giới thì có thể gọi Đại Đức nhưng Phật tử cũng nên tránh gọi những chữ ấy. Đại Đức hay Thượng Tọa là chỉ cho những người có đạo hạnh, có công đóng góp vào việc xây dựng Giáo hội, đầy đủ tuổi hạ thì mới gọi là Đại Đức hay Thượng Tọa. Ngày xưa người ta gọi đức Phật cũng dùng từ Đại Đức mà thôi. Đối với Bổn sư của mình hay những vị Thầy quen thuộc thì nên gọi Thầy là đủ, vì như thế sẽ thấy thân mật và đầy đủ ý nghĩa hơn. Những chữ Thượng Tọa hay Đại Đức thường được dùng trên giấy tờ hành chính cho trang nghiêm và phải lễ, không nên sử dụng nhiều trong cách xưng hô hàng ngày. Hiện nay, việc dùng những từ này như là một bệnh dịch, ai cũng muốn gọi Thầy mình là Thượng Tọa, Đại Đức thậm chí còn dùng từ Ôn đối với những người trẻ tuổi, và như thế sẽ gây hiểu lầm cho một số ngoại đạo cho rằng tăng sĩ Phật giáo thích hư danh...
 
Phật tử khi vào chính điện phải nghiêm trang, đi đứng từ tốn thân tâm thanh tịnh,không mang dày dép vào. Khi vào điện thờ thì nên đi về hướng phải theo cách hữu nhiễu của nhà Phật, đi ba vòng hay bảy vòng tùy ý.
 
Khi tụng kinh phải chắp tay ngang ngực, ngón tay không so le, bàn tay khít, mắt nhìn thẳng, chân đứng hình chữ bát thẳng thớm. Tụng kinh phải đều đặn không quá to cũng không quá nhỏ.
Khi lễ Phật thì phải gieo 5 vóc xuống đất (đầu, hai cùi tay, hai đầu gối) không nên đứng giữa chính điện mà lạy, lạy xong nên bước lui không nên quay lưng lại.
 
Khi tụng những kinh không thuộc nếu cầm kinh thì phải rửa tay cho sạch, phải kính cẩn như kính cẩn Phật, không được để kinh ở đâu cũng được. Khi chào người thì tuyệt đối không cầm kinh mà chào. Nếu không có chỗ để kinh thì ôm kinh vào ngực rồi cúi đầu chào chứ không được cầm kinh mà xá người.
 
Ngoài ra còn một số nghi thức khác nữa Phật tử phải tùy theo hoàn cảnh mà xử trí cho đúng, ở đây chỉ nói đến những điều cơ bản và thông dụng nhất trong đời sống thường ngày của người cư sĩ .
 
Tuy chúng tôi kể ra nhiều bổn phận và phức tạp như thế nhưng thật ra chẳng có gì khó đối với bổn phận này cả. Những điều này một người không phải là Phật tử cũng có thể hiểu rồi. Tuy  nhiên hiểu là một điều mà thực hành là một điều khác. Giữ những điều này thì lợi ích sẽ không lường được. Phật tử tại gia cần nhẫn nại thực hành cho trọn đời để có phước đức vô lượng, đừng xem những điều này nhỏ nhặt mà không làm. Nếu những điều này mà không làm được thì chúng ta không làm được bất cư điều gì cả./.

 
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 716
  • Khách viếng thăm: 711
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 68634
  • Tháng hiện tại: 1862509
  • Tổng lượt truy cập: 87667112
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012