Ðạo thầy trò trong Phật giáo

Đăng lúc: Thứ sáu - 19/01/2018 03:28 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Phật giáo truyền thừa hơn 2.600 năm đến nay, đã viết nên trang lịch sử huy hoàng về nhiều mặt, như nghệ thuật, văn hóa, phiên dịch, triết học, trong đó luân lý Phật môn - đạo thầy trò - mối quan hệ Tăng luân không thể thay thế giữa sư phụ với đồ đệ thọ pháp, càng đáng được phát huy, làm rạng rỡ truyền thống.
Từ xưa Phật môn có kiến giải “tam phân sư đồ, thất phân đạo hữu” (ba phần thầy trò, bảy phần bạn đạo). Đứng trên lập trường của người làm thầy, trong tâm lúc nào cũng xem đồ đệ là bạn đạo, dùng phương thức giáo dục khai sáng, khiến pháp đồ (đồ chúng học pháp) dưới sự dẫn dắt của người thầy, có càng nhiều không gian tự thân khơi ngộ và khai sáng; đứng trên lập trường của người làm trò, không chỉ phụng hành mỹ đức “nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ” (một ngày làm thầy, suốt đời làm cha), mà đặc biệt trong thiền môn còn thường nhận được sự chỉ bảo từng câu từng chữ, thì huệ mạng hồi sinh, nhân sinh đổi mới. Ví dụ câu chuyện của Bách Trượng với con chồn già, bằng một chữ nhân quả bất “muội”, khiến nó được vượt qua nghi hoặc hơn 500 năm (1). Đạo tràng chùa viện hiện đại, sư phụ không chỉ làm thầy, mà bên trong còn lấy Phật pháp chăm sóc nuôi dưỡng huệ mạng đồ chúng, bên ngoài lấy đạo tràng bồi dưỡng sắc thân đồ chúng, khiến họ chăm học hướng thượng, hoằng pháp lợi sinh, để không lo về sau, lại càng không dễ dàng. 
 
Trung Quốc được mệnh danh là “lễ nghi chi bang” (nước của lễ nghi), vậy giữa thầy trò làm thế nào để sống chung với nhau? Hàn Dũ (768-824) từng nói: “Sư giả, sở dĩ truyền đạo, thụ nghiệp, giải hoặc dã.” Nghĩa là, thầy giáo là người truyền thụ đạo lý, phổ biến kiến thức, giải trừ những điều nghi hoặc. Đây là thiên chức (trách nhiệm thiêng liêng) của người thầy, mà thân là đệ tử, phải xem “tôn sư trọng đạo” là bổn phận (trách nhiệm và nghĩa vụ mà bản thân phải tận lực làm). Tuy nhiên, với Đức Phật lại có những khai thị sâu sắc hơn, như Tứ phần luật nói: “Hòa thượng khán đệ tử, đương như nhi ý; đệ tử khán Hòa thượng, đương như phụ ý. Triển chuyển tương kính, trọng tương chiêm thị, như thị chánh pháp tiện đắc cửu trụ”.  Nghĩa là, Hòa thượng đối đãi đồ đệ, giống như cha mẹ đối đãi con cái; đồ đệ cư xử với Hòa thượng, giống như con cái cư xử với cha mẹ. Tương kính nhau, coi trọng nhau, Chánh pháp như thế liền được trụ lâu ở đời. Đạo thầy trò trong cửa Phật, lúc thì như cơn gió mát, lướt nhẹ qua muôn vật, Bồ-đề sinh khởi khắp nơi; lúc thì như sương tuyết, che kín vô minh, khiến phiền não bộc phát vô số. Trong kinh A-nan vấn sự Phật cát hung, Đức Phật nói: “Sư đệ chi nghĩa, nghĩa cảm tự nhiên, đương tương tín hậu, thị bỉ nhược kỷ; kỷ sở bất hành, vật thí vu nhân. Hoằng sùng lễ luật, huấn chi dĩ đạo, hòa thuận trung tiết, bất tương oán tụng. Đệ chi dữ sư, nhị nghĩa chân thành: Sư đương như sư, đệ tử đương như đệ tử, vật tướng phỉ báng, thận mạc hàm độc, tiểu oan thành đại, hoàn tự thiêu thân” (2). Nghĩa là, tình nghĩa thầy trò ân nghĩa tương cảm tự nhiên, tin tưởng nhau sâu đậm, phải xem trong thầy có trò và ngược lại; những điều mình không muốn làm, chớ nên làm cho người khác, tôn giữ rộng truyền lễ nghĩa giới luật, hướng dẫn dạy bảo đạo đức cho trò, hòa thuận trung tiết, không tạo oán hờn kiện tụng nhau. Đệ tử cũng như vậy. Thầy trò ân nghĩa chân thành: thầy phải ra thầy (thầy phải làm tròn bổn phận của thầy), trò phải ra trò (trò phải làm tròn bổn phận của trò), chớ gièm pha nói xấu nhau, thận trọng chớ ôm lòng ác độc tạo nên oán hận, việc bé xé thành to, rồi lại tự thiêu chính mình. 
 
Đức Phật không chỉ dùng ngôn giáo (thuyết giáo - dạy bằng lời - lý thuyết) giáo dục học trò, mà còn dùng thân giáo (giáo dục bằng hành động gương mẫu của mình). Ví dụ: trong định Đức Phật thấy một Tỳ-kheo già bị bệnh, liền tiến về phía trước thăm hỏi, đồng thời tự thân gột rửa thân thể người bệnh ấy. Ở nước Hiền-đề của Ấn Độ, từ già đến trẻ đều cảm động trước lòng từ bi của Đức Phật (3). Ưu-bà-ly (Upali) xuất thân từ dòng tộc Thủ-đà-la (Shudra), lúc vì Đức Phật cắt tóc, thông qua chỉ bảo của Đức Phật là làm thế nào để cạo bỏ râu tóc, dần từ cảnh giới Sơ thiền đi vào cảnh giới Tứ thiền. A-na-luật (Anuruddha) - một trong mười đệ tử lớn của Đức Phật, lúc Phật đang giảng kinh, thì ngủ gà ngủ gật, bị Đức Phật quở mắng, từ đó kích khởi lòng tinh tiến hướng đạo, chứng được thần thông thiên nhãn. Để thay đổi thói quen nói dối của La-hầu-la (Rāhula), Đức Phật dùng nước và chậu rửa chân, nghiêm khắc dạy bảo, khiến La-hầu-la về sau trở thành vị Tôn giả “mật hạnh đệ nhất” (4). Đức Phật xem đệ tử như con đẻ của mình; đệ tử xem Đức Phật như cha ruột của mình. Lúc Đức Phật dự báo về thời điểm sẽ nhập Niết-bàn (nirvana) của mình, các đệ tử lớn của Ngài như Xá-lợi-phất (Sāriputra), Mục-kiền-liên (Maudgalyāyana) không nỡ chứng kiến cảnh đau buồn khi Đức Phật nhập Niết-bàn nên đã lần lượt nhập diệt trước Đức Phật. 
 
“Dưỡng tử đệ như dưỡng chi lan, ký tích học dĩ bồi chi, cánh tích thiện dĩ nhuận chi.” Nghĩa là, nuôi con em như dưỡng cỏ chi và cỏ lan, vừa tích lũy học vấn để bồi dưỡng nó, lại tích thiện tích đức để tưới tẩm vun trồng nó. Bậc thầy xuất thế nên xem việc nuôi dưỡng thiện căn đệ tử, tăng thêm pháp thiện (kusala dharma) làm nội dung chính, như Nam Hải ký quy nội pháp truyện nói: “Phù giáo sư môn đồ, thiệu long chi yếu, nhược bất tồn niệm, tắc pháp diệt khả kỳ.” Nghĩa là, thầy dạy cho đồ đệ chỗ quan trọng là kế tục phát huy Chánh pháp, khiến cho nó hưng thịnh rộng lớn; nếu không ấp ủ điều này trong suy nghĩ, thì Phật pháp sẽ không mong đợi gì. Vì vậy, việc dạy và học giữa thầy và trò có vai trò ảnh hưởng, thúc đẩy phát triển lẫn nhau, làm gương cho nhau; thậm chí trò có thể giỏi hơn thầy, ưu tú hơn thầy, càng trở thành điểm đặc sắc về đạo thầy trò trong cửa Phật. Ví dụ: Bồ-tát Quán Thế Âm trong quá khứ đã thành Phật hiệu Chánh Pháp Minh Như Lai, vì để xuống trần gian cứu độ chúng sinh, đã tái làm Bồ-tát bổ xứ của Phật A Di Đà (Amitabha). Bàn-đầu-đạt-đa (Bandhudatta) và Cưu-ma-la-thập (Kumarajiva) từng thầy trò Đại Tiểu thừa của nhau, là câu chuyện muôn thuở được người đời sau ca tụng. Cưu-ma-la-thập sau khi đến Trung Quốc, môn đệ hiền triết đông đúc, trong đó Tăng Triệu (384-414) - Tăng nhân thời Đông Tấn tham gia dịch trường của Cưu-ma-la-thập, đảm nhiệm trợ dịch chấp bút, đồng thời hoàn thành rất nhiều kinh chú. Đại sư Huyền Trang (600-664) vì Khuy Cơ (632-682) mà đã hướng dẫn gieo trồng thiện căn duyên Phật, đem ba xe (xe dê, xe nai, xe bò, ý chỉ cho Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Đại thừa) quyền xảo (khéo thuận với thời cơ) hóa độ, đào tạo ra “bách bộ luận sư” của Trung Quốc giữa Ngũ tổ Hoàng Nhẫn (602-675) và Lục tổ Huệ Năng (638-713), “mê thời sư độ, ngộ thời tự độ” (khi mê muội thì thầy cứu giúp; khi ngộ ra rồi thì mình tự cứu giúp), trở thành giai thoại (chuyện lý thú) trong thiền môn. 
 

 
Tình nghĩa giữa thầy trò đôi lúc nặng hơn tình thân của thế gian, như Đàm Ấn đời nhà Tấn bị bệnh nguy cấp, đệ tử Pháp Khoáng bảy ngày bảy đêm vì thầy mà lễ sám thành kính. Ấn Giản nhà Nguyên gặp binh nạn, cũng vẫn theo việc thường ngày mà phụng dưỡng thầy Trung Quán Trảo Công, nhận được sự kính trọng sâu sắc của quân nhà Nguyên. Pháp Ngộ nhà Tấn vì đệ tử của mình uống rượu, chỉ bị phạt cho qua chuyện, mà chưa bị đuổi ra khỏi sư môn (5), nhận được gậy (bằng cây mận gai) mà thầy Đạo An gửi tới, thế là Pháp Ngộ gõ chùy triệu tập đại chúng, dùng gậy tự đánh phạt mình để lãnh hội lời giáo huấn của thầy (Đạo An).Thị giả Bố Mao theo Thiền sư Điểu Khoa mười sáu năm mới nhận được chỉ bảo, liễu ngộ mặt mũi (vốn có) chính mình. Hoài Chí nhà Tống nghiêm cẩn tuân theo những lời di huấn của thầy Chân Tịnh Khắc Văn, quyết từ chối trụ trì dẫn chúng, quẳng bỏ danh lợi sau lưng. Một câu làm thầy, kiên định có thể “vén mây thấy mặt trời”, trừ bỏ một khối hoài nghi, tình nghĩa học trò xem thầy như là cha, cũng không nén nổi khiến người ta thể hiện cảm động. 
 
Thầy đối xử với học trò, bằng phương thức ngôn ngữ nhẹ nhàng yêu thương cố nhiên có thể bồi dưỡng long tượng (người tu hành hùng dũng và có đại lực) Phật môn, nhưng mà giáo dục công án (6) không hẳn là không thể pháp khí luyện mài (7). Mã-nhĩ-ba (Mar-pa, 1012-1097)- người sáng lập phái Già-nhĩ-cư (Bkah’ brgyud pa) Tây Tạng, để thanh tịnh hắc nghiệp (ác nghiệp) của cao tăng Mật-lặc-nhật-ca (Milaraspa, 1040-1123), đã không ngừng dành đủ loại khổ hạnh mãi cho đến lúc thành tựu đạo nghiệp (sự nghiệp tu đạo). Bồ-đề-đạt-ma đến Trung Quốc, Huệ Khả vì cầu đại pháp đã chặt tay đứng trong tuyết, cuối cùng đưa tới đắc pháp, trở thành Nhị tổ Thiền tông. Thái Bình ngự lãm nói: “Sư giả, phát mông chi cơ, học giả hữu sư, diệc như thụ chi hữu căn dã.” Tức thầy là người chỉ dạy những kiến thức nền tảng, người học cần có thầy, cũng như cây cần có gốc rễ vậy. Lại như kinh Trung tâm nói: “Đạo thành nãi tri sư ân”. Tức đạo có thành thì phải biết ơn thầy. Ở trong Phật môn, giáo dục “công án” so với “ái ngữ” là nhanh hơn, không dùng pháp khí thì không thể vâng nhận (thuận thụ). Người thầy sử dụng điều này nuôi nấng bồi dưỡng đệ tử, làm cho đạt tới thánh cảnh. Đệ tử một lòng tin tưởng kiên cố để đền báo. Tình nghĩa vi diệu giữa thầy trò như vậy, quả thực không phải cứ là kẻ phàm phu chúng sinh nào cũng có thể hiểu được. 
 
Phật giáo là tôn giáo coi trọng giáo dục. Đức Phật được tôn là đạo sư trời người, giỏi ở việc giáo hóa chúng sinh. Nguyên tắc giáo dục đệ tử của Ngài chủ yếu là khai thông trí tuệ, gợi mở Phật tính, bởi muốn đáp ứng các loại căn cơ chúng sinh mà có phương tiện thiện xảo khác nhau. Vì vậy khi giáo dục đệ tử, Tổ sư các triều đại cũng đều tuân theo tinh thần của Đức Phật, mở rộng các phương pháp giáo dục khác nhau cho các nhà. Từ truyện cao tăng qua các triều đại đến công án thiền, ghi chép cách truyền tâm ấn giữa thầy và trò, cũng như “giao phong khả tri” của thiền cơ, trông như vô tình, kỳ thực là đại hữu tình. Đạo thầy trò trong Phật môn do đó là rất rõ ràng. 
 
Tinh Vân Nhã Tuệ dịch (GNO)
______________
 
Nguồn: Tinh Vân (2008), Phật giáo và thế tục, Nxb Từ Thư Thượng Hải, tr.137-139 
 
(1) Bất muội nhân quả, là cơ duyên đối thoại giữa con con chồn và Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải. Thung dung lục, tắc thứ tám: “Bách Trượng lên nhà giảng, thường có một ông già đến nghe pháp, nghe xong, theo mọi người ra về. Một hôm, ông già không về, Bách Trượng bèn hỏi: ‘Ai đứng đó?’ Ông già đáp: ‘Vào thời Đức Phật Ca-diếp xưa kia, tôi đã từng ở núi này. Có người đến học đã hỏi: Bậc đại tu hành có còn rơi vào nhân quả nữa không? Tôi trả lời: Không rơi vào nhân quả. Cũng vì câu nói ấy mà tôi đã phải đọa làm thân chồn hoang 500 kiếp rồi. Nay xin Hòa thượng thay cho một chuyển ngữ.’ Bách Trượng nói: ‘Chẳng lầm nhân quả.’ Với câu nói này, ông già đại ngộ.” Ông già nhờ ngài Bách Trượng thay cho chuyển ngữ “bất muội nhân quả” mà tiêu sạch cái mê muội ở quá khứ, rồi ngay ở câu nói đó mà đại ngộ, thoát được thân chồn hoang. Xưa nay, trong Thiền gia phần nhiều gọi những kẻ bác không có nhân quả mà lại tự cho mình là người thấu suốt nhân quả là “dã hồ thiền” (thiền chồn hoang). 
 
(2) Trong các kinh khác Đức Phật cũng có khai thị đạo về thầy trò, như kinh Trường A-hàm: “Đệ tử kính phụng sư trưởng, lại có năm việc. Năm việc ấy là gì? (1) Hầu hạ cung cấp những điều cần; (2) Kính lễ cúng dường; (3) Tôn trọng quý mến; (4) Thầy có dạy bảo điều gì thì kính thuận không trái nghịch; (5) Theo thầy nghe pháp, khéo nhớ không quên. Này Thiện Sinh! Kẻ làm đệ tử phải thờ kính sư trưởng với năm điều trên. Sư trưởng cũng có năm điều đối với đệ tử. Thế nào là năm? (1) Dạy dỗ có phương pháp; (2) Dạy những điều chưa nghe; (3) Giải nghĩa rõ ràng những điều trò hỏi; (4) Chỉ cho bạn hiền; (5) Dạy tất cả những điều mình biết không hối tiếc. Này Thiện Sinh! Nếu đệ tử kính thuận cung phụng sư trưởng, thì phương ấy được an ổn, không có điều lo sợ". Kinh Phật thuyết Thi-ca-la việt lục phương lễ nói: “Được xem là đệ tử thờ thầy, cần có năm việc: (1) Cung kính tán thán; (2) Nhớ ơn thầy; (3) Nghe lời thầy dạy; (4) Nhớ nghĩ không chán; (5) Nên theo và khen ngợi thầy. Thầy dạy đệ tử cũng có năm việc: (1) Phải làm cho hiểu biết; (2) Làm cho đệ tử mình hơn đệ tử khác; (3) Muốn làm cho điều đã biết không quên; (4) Giảng giải những điều hoài nghi khó hiểu; (5) Muốn khiến trí tuệ đệ tử hơn thầy”. 
 
(3) Tham khảo Phật-đà thiên thuộc Phật giáo tùng thư. 
 
(4) Mật hạnh, tức là gìn giữ giới hạnh vi tế (nhỏ bé), cũng tức là ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh, có thể phòng giữ vô khuyết. Về Ưu-bà-ly, A-na-luật, và La-hầu-la, xin đọc Thập đại đệ tử truyện.
 
(5) Uống rượu là phạm đại giới căn bản, lẽ ra phải đuổi ra khỏi chùa viện, nhưng Pháp Ngộ vì nghĩ thương đệ tử của mình chỉ phạm lần đầu, với lại vẫn chưa có những hành vi vượt quá khuôn phép, nên chỉ quở trách một trận rồi thôi. Sau khi việc đó xảy ra, lan đến tai Đại sư Đạo An, thầy của Pháp Ngộ.Đạo An nhờ người mang một cây gậy đến Pháp Ngộ, thâm ý là trách Pháp Ngộ dạy đồ đệ không nghiêm, giữ gìn giới pháp chưa đủ nghiêm túc. 
 
(6) Phương thức mà Tổ sư Thiền tông tiếp hóa đệ tử. Khi bậc thầy thiền gia hướng dẫn người học, để ngăn chặn tận gốc những suy nghĩ không có căn cứ hoặc khảo nghiệm ngộ cảnh, hoặc dùng gậy đánh, hoặc thét lớn một tiếng, để ám thị (ra hiệu ngầm, gợi ý) và khai ngộ đối phương. 
 
(7) Chỉ có thể tu hành Phật đạo, người có thể nhận đại pháp (pháp thâm sâu đại thừa), không phải chỉ cái dùi dùng gõ trong các buổi khóa tụng trên điện đường.
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 411
  • Khách viếng thăm: 370
  • Máy chủ tìm kiếm: 41
  • Hôm nay: 125007
  • Tháng hiện tại: 1846786
  • Tổng lượt truy cập: 87651389
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012