Về thăm chùa Đại Tuệ huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An những ngày cuối Thu

Đăng lúc: Thứ bảy - 18/10/2014 12:34 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Những ngày cuối mùa Thu năm Giáp Ngọ, sau những năm tháng miệt mài đèn sách, hôm nay tôi có dịp về thăm chùa Đại Tuệ - ngôi chùa cổ có niên đại khoảng 600 năm ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An mặc dù tôi sinh ra và lớn lên tại thành phố Vinh nhưng hôm nay mới có cơ hội viếng cảnh chùa cũng như đảnh lễ Phật Bà Đại Tuệ.


Phật tử Quảng Hưng - Nguyễn Anh Đức
 
Tạo hóa ban tặng cho huyện Nam Đàn một quần thể danh thắng thiên nhiên vô cùng hấp dẫn , khí hậu trong lành, phong cảnh nên thơ như núi Đại Huệ. Núi Thiên Nhẫn, hồ Tráng Đen, thác Hồ thành… Lich sử huy hoàng mấy ngàn năm dựng nước và giữa nước của dân tộc lại trao cho người dân Nam Đàn bảo tồn nhiều di tích của các dòng họ vĩ đại, các danh nhân kiệt xuất. Đó chính là tiềm năng to lớn để Nam Đàn phát triển ngành du lịch sinh thái- lịch sử- văn hóa tâm linh.

Chùa Đại Tuệ là ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ XIV để thờ Phật bà Đại Tuệ - Phật Mẫu Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa (nghĩa là Trí tuệ lớn làm giác ngộ thành Phật Mẫu), toạ lạc trên núi Đại Huệ, thuộc xã Nam Anh, huyện Nam Đàn.

Tương truyền chùa có cách đây trên 600 năm do Vua Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương xây để thờ Phật bà Đại Tuệ - người đã có công phù hộ cho nhà Hồ xây thành đắp luỹ trên núi Đại Huệ để chống giặc Minh xâm lược nước ta. Khi Vua Quang Trung hành quân ra Bắc đại phá 29 vạn quân Thanh vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789 có nghỉ tại đây, đêm đến được sư bà ở chùa mách bảo đi theo đường thượng đạo (truông Băng) để hành quân ra thành Thăng Long vừa nhanh mà tránh được phục kích. Khi chiến thắng trở về, Hoàng đế Quang Trung xuống chiếu cắt 20 mẫu đất làm ruộng chùa.

Chùa nằm trên khuôn viên khoảng 600m2, ở độ cao hơn 450m so với mực nước biển trong một không gian tĩnh lặng,cảnh vật thơ mộng, hữu tình. Chùa Đại Tuệ và núi Đại Huệ có thể xem như một trong những danh thắng nổi tiếng của xứ Nghệ xưa nay. Đây là một công trình tín ngưỡng tôn giáo, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, hướng thiện nổi tiếng của nhân dân trong vùng.
 


Chùa Đại Tuệ
 
Ở Nghệ An có câu ca dao:

“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”


Thật đúng như vậy, con đường lên chùa từ chân núi đến đỉnh có độ dài khoảng 4 km được đắp bằng đá và đất đỏ quanh co, uốn khúc ôm trọn cả ngọn núi vào lòng, xung quanh là rừng cây bạt ngàn với những cây thông, cây bạch đàn và cả những cây hồng trái chín đỏ một màu. Thi thoảng tôi lại bắt gặp những con bò được người dân nơi đây thả rông trên núi với mỗi con là một chiếc chuông ở cổ, vừa đi vừa nghe tiếng chuông làm cho tôi có cảm giác như đang nghe tiếng chuông gió xa xa vọng về. niềm vui sướng vỡ òa khi gần tới đỉnh núi tôi được nhìn thấy mái của tháp chùa – đó như một lời chúc mừng tôi đã gần tới được nơi mà bấy lâu nay tôi vẫn mong được một lần đặt chân đến.

May mắn cho tôi là thời tiết hôm ấy rất đẹp, không nắng cũng không có mưa lớn, thi thoảng trên đường đi tôi bắt gặp những cơn mưa đám mây, lên tới đỉnh núi, tôi có thể phóng tầm mắt ra xa, chiêm ngưỡng cả một vùng di tích danh thắng bao quanh với cảnh sương mù và núi non hùng vĩ.

Tới nơi, tôi được ngồi uống trà và trò chuyện cùng các Đạo hữu cùng các kỹ sư, công nhân xây dựng tại đây. Sau khi trò chuyện tôi được một Đạo hữu dẫn đi lễ Phật và thăm vãn cảnh chùa.

Hiện nay, dấu tích còn lại của chùa cổ là 3 bức tượng xây bằng gạch cao 2,2m; dày 0,5m xung quanh khuôn viên có kè đá bao quanh rộng khoảng 20m, dài 30m. Phía đông chùa có một ngôi mộ được ghép bằng đá cao khoảng 1m mà nhân dân cho rằng đó là mộ Vua Cảnh Thịnh. Cách chùa 50m về phía Đông Bắc là một giếng nước được kè đá xung quanh.

Bên cạnh đó, tôi được dẫn đi tham quan những công trình đang trong quá trình phục dựng của Chùa như Chính điện Chùa thượng, tháp 9 tầng, nhà tăng… ngoài ra, các Đạo hữu ở đây còn kể cho tôi nghe về việc khó khăn trong việc phục dựng lại Chùa đặc biệt là khâu vận chuyển nguyên, vật liệu và việc thiếu nước phải dẫn nước từ dưới núi lên. Dự kiến công trình phục dựng lại chùa Đại Tuệ kéo dài 10 năm và đến nay đã được 3 năm.

Việc bảo tồn và phục dựng lại Chùa Đại Tuệ có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy di sản văn hóa dân tộc, đáp ứng nguyện vọng thờ Phật, hướng thiện, nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân và phục vụ khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế.
 


Đường lên chùa
 
Bởi vì Đại Tuệ là một danh thắng tuyệt đẹp của xứ Nghệ. Đứng trên đỉnh Thăng Thiên ta nhìn thấy dòng Lam Giang uốn lượn, phóng tầm mắt say ngắm toàn cảnh Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Hưng Nguyên, Vinh, Nghi Lộc và Hòn Ngư, Hòn Mắt, Hòn Mê ở Biển Đông. Đứng ở sân chùa ta nhìn thấy vùng đất rộng lớn từ Đức Thọ, Hồng Linh, Nghi Xuân và ta sẽ được nhìn rõ hơn dãy Hồng Lĩnh, dãy Thiên Nhẫn. Vì thế trước đây các tạo nhân mặc khách hàng năm vãn cảnh lên chùa vãn cảnh, làm thơ. Đã có nhiều áng thơ văn đầy cảm xúc về chốn cảnh quan kỳ thú này, tiêu biểu như bài thơ của Hoàng Giáp Bùi Huy Bích, đốc đồng trấn Nghệ An (1778 - 1781): 

“Tiểu thạch tằng loan tối thượng đầu 
Càn khôn diểu diểu ý du du 
Thiên tranh liệt chướng hồn nghi dực 
Đại chiết trường giang lược tự công 
Khứ lộ xuyên điều tăng hiệp hổ 
Quy tiên khiêu thái mục tuần ngưu 
Tối lân thạch tỉnh tuyền nguyên quát 
Thâm cận dung bình, bất tận thu”


Dịch: 

“Bậc đá lần lên tới đỉnh cao 
Núi non man mác dạ nao nao 
Trời chăng rặng núi như xoà cánh 
Đất nắn dòng sông tựa uốn quanh 
Lối cũ ngõ xuyên, sư bỡn hổ 
Đường về roi phất trẻ dong trâu 
Lạ cho giếng nước vừa tầm lạ 
Múc mãi mà nguồn có hết đâu”

 
Tác giả bài viết: Quảng Hưng - Nguyễn Anh Đức
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 465
  • Khách viếng thăm: 463
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 93393
  • Tháng hiện tại: 1887268
  • Tổng lượt truy cập: 87691871
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012