Phật đản sanh: Con người giác ngộ xuất hiện

Đăng lúc: Thứ hai - 16/10/2017 19:52 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
“Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác” (1).

 
Những ngày này, nhân loại ở khắp nơi trên thế giới đang hân hoan hướng về lễ kỷ niệm Đản sanh lần thứ 2638 của Đức Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni, bậc Đạo sư của chư Thiên và loài Người. Ngài ra đời ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ bảy trước Tây lịch. Mặc dù đã hơn 26 thế kỷ trôi qua, sự thị hiện đản sanh của bậc Đại giác Thế Tôn ở trên cõi đời vẫn luôn luôn là sự kiện mang lại nhiều ý nghĩa lợi lạc cho nhân thế, vì lẽ sau bao nhiêu biến cố con người đã nhận ra yếu tính của giác ngộ trong cuộc sống và hiểu ra rằng Đức Phật xuất hiện là đồng nghĩa với con người giác ngộ trong mỗi chúng sinh xuất hiện. Con người giác ngộ trong chúng sinh xuất hiện thì nhân loại hết mê lầm, hết tranh chấp, hết sầu muộn khổ đau.

Hơn 26 thế kỷ trước, Đức Thế Tôn đã tuyên bố với nhân thế: “Này các Tỷ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. Này các Tỷ-kheo, hãy lóng tai, Pháp bất tử đã chứng được, Ta sẽ giảng dạy, Ta sẽ thuyết pháp. Nếu các ngươi đi theo con đường Ta chỉ dạy thì không bao lâu, sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt ngay trong hiện tại, các người sẽ đạt được mục đích vô thượng của Phạm hạnh”.(2)

Lời khẳng quyết của Như Lai cho nhóm năm Tỷ-kheo đầu tiên trước lúc đấng Giác ngộ chính thức chuyển vận bánh xe Chánh pháp bằng bài pháp thoại nói về Tứ diệu đế tại xứ sở Banares xác nhận rất rõ quan niệm nền tảng của đạo Phật: Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, đều có khả năng thành tựu mục tiêu giác ngộ. Phật là người đã đạt đến giác ngộ nhờ biết phát huy các tiềm năng giác ngộ của chính Ngài. Chỉ cần đi theo con đường do Phật chỉ bày thì hết thảy mọi người đều có thể đạt được mục đích cứu cánh của Phạm hạnh, hoàn thiện chính mình, trở thành bậc giác ngộ giống như Phật.

Không ai khác chính mỗi người là chủ nhân của cuộc đời mình. Giác ngộ hay mê lầm, thanh tịnh hay nhiễm ô, hạnh phúc hay khổ đau, hoàn toàn không do ai khác quyết định và không thể trông chờ từ đâu khác, ngoài ý chí nỗ lực và trí tuệ của chính mình. Phật tiếp tục khai sáng con người giác ngộ trong mỗi chúng sinh bằng sự xác tín về ý thức tự quyết và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với vận mệnh khổ đau hay hạnh phúc của chính mình:
 
Tự mình, điều ác làm,
Tự mình làm nhiễm ô;
Tự mình, ác không làm,
Tự mình làm thanh tịnh.
Tịnh, không tịnh, tự mình,
Không ai thanh tịnh ai. (3)

Để giúp cho nhân loại phát huy tiềm năng giác ngộ của chính mình, đạt đến thanh tịnh hay thực hiện mục tiêu hạnh phúc Niết-bàn, Đức Phật nêu rõ một con đường và khuyên mọi người nên nỗ lực bước đi trên con đường ấy bằng cách thực hiện một nếp sống hiền thiện thông qua việc nuôi dưỡng và phát huy tám đức tính chơn chánh hay tám tiềm năng giác ngộ có sẵn trong chính mình gồm Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Đây được gọi là Thánh đạo tám ngành, tức con đường Giới-Định- Tuệ do bậc Giác ngộ giảng dạy hay còn gọi là nếp sống nuôi lớn giới đức, tâm đức, tuệ đức của con người, có khả năng đưa nhân loại đạt đến cứu cánh giác ngộ, cứu cánh Niết-bàn, chấm dứt hoàn toàn mọi phiền não khổ đau.
 
Chánh tri kiến (Sammà-ditthi) hay còn gọi là quan điểm đúng đắn, ngụ ý một đường lối nhận thức chơn chánh có khả năng đưa con người ra khỏi các mê lầm khổ đau. Đó chính là sự hiểu biết rõ ràng về bản thân mình và thế giới chung quanh, về mối tương hệ mật thiết giữa bản thân mình và môi trường chung quanh, về lẽ thiện ác và nhân quả của các hành vi thiện ác, về hạnh phúc và khổ đau ở trên đời là hoàn toàn do hành động thiện hay bất thiện (thiện nghiệp hay ác nghiệp) của con người quyết định.

Chánh tư duy (Sammà-sankappa) hay lối suy nghĩ đúng đắn, tức những suy tư chơn chánh hiền thiện, không liên hệ đến dục tham, không liên hệ đến sân hận, không liện hệ đến si mê hay tà kiến, có công năng dẫn dắt đời sống chơn chánh hiền thiện của con người, hướng con người đến chân-thiện-mỹ. Nói cách khác, đó chính là những suy tư trong sáng hiền thiện, không bị tham-sân-si chi phối, không đưa đến hại mình, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai mà thuật ngữ Phật học gọi là ly dục tư duy, vô sân tư duy, bất hại tư duy.

Chánh ngữ (Sammà-vàcà) hay lời nói đúng đắn, tức những lời nói chơn chánh hiền thiện, có công năng hướng thiện cho con người và cuộc đời, mang đến cho con người niềm tin tưởng, hân hoan, hướng thiện, ý tưởng lợi lạc. Đó là những lời nói trong sáng hiền thiện, không bị tham-sân-si chi phối, những lời nói chân thật, không giả dối, ngay thẳng, không quanh co, tao nhã, không thô bạo, có lợi ích, không phù phiếm, chỉ đưa đến lợi mình, lợi người, lợi cả hai, không đưa đến hại mình, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai.

Chánh nghiệp (Sammà-kammanta) hay thân hành đúng đắn, ngụ ý những hành động chơn chánh hiền thiện, sáng suốt, có từ tâm, có lòng tôn trọng đối với hạnh phúc của người khác. Đó chính là sự nỗ lực làm các việc thiện lành đưa đến lợi lạc cho mình và lợi lạc cho người, quyết tâm từ bỏ các hành vi ác bất thiện đưa đến hại mình và hại người như sát hại sinh linh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục.

Chánh mạng (Sammà-àjìva) hay nuôi sống đúng đắn, tức là sinh sống theo chánh đạo, thực hiện việc sinh sống bằng các phương tiện chơn chánh hiền thiện, không để cho lòng tham dục chi phối và dẫn dắt, sinh sống với thái độ tri túc, cốt yếu là để tu nhân tích đức, không vì lý do sinh tồn mà rơi vào các việc làm sai trái xấu ác hay theo đuổi các nghề nghiệp không lương thiện.
 
Chánh tinh tấn (Sammà-vàyàma) hay sự nỗ lực đúng đắn, ngụ ý sự quyết tâm dẫn dắt đời mình theo chánh đạo để đạt cho được mục tiêu cứu cánh giác ngộ; kiên quyết dứt trừ mọi điều ác, nỗ lực làm các việc lành; chuyên tâm hành sâu về con đường giới-định-tuệ để đạt cho được cứu cánh giải thoát, cứu cánh Niết-bàn.

Chánh niệm (Sammà-sati) hay chú tâm nhận diện đúng đắn về các pháp hay các hiện tượng, ngụ ý sự tỉnh giác xem xét hay quán sát về các hoạt động của thân thể (quán thân trên thân), các hiện trạng cảm xúc (quán thọ trên các cảm thọ), các hiện trạng tâm thức (quán tâm trên tâm) và diễn tiến của sắc pháp và tâm pháp (quán pháp trên các pháp), thấy rõ chúng là các hiện tượng duyên sinh, chịu sự thay đổi, không thường hằng, không làm chủ được nhằm loại trừ tập quán tham ái, buông bỏ chấp thủ, đạt đến tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Chánh định (Sammà-samàdhi) hay sự định tâm đúng đắn, ngụ ý sự chuyên tâm hành trì thiền định để tâm được điều phục, được thanh lọc, được chuyển hóa, đạt đến định tĩnh, trong sáng, thuần tịnh, nhất tâm. Đó chính là sự nỗ lực loại trừ năm triền cái (tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi), thu nhiếp tâm trên một đối tượng chọn lựa, lần lượt chứng nghiệm các trạng thái định tâm thuộc về sắc giới như “hỷ lạc do ly dục sinh” ở Thiền thứ nhất, “hỷ lạc do định sinh” thuộc Thiền thứ hai, “xả niệm lạc trú” thuộc Thiền thứ ba, “xả niệm thanh tịnh” thuộc Thiền thứ tư. Nói cách khác, đó phương pháp huấn luyện tâm do công phu hành Thiền, qua đó tâm thức lần lượt đạt đến định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản, có khả năng giúp cho hành giả hướng đến sự chứng đắc tam minh (Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh), đoạn tận các lậu hoặc, chấm dứt hoàn toàn mọi khổ đau.
 
Trên đây là con đường đi đến giác ngộ hay nếp sống đưa đến hoàn thiện nhân tính mà đấng Đại giác Thế Tôn đã khai thị cho nhân loại ngay trong bài thuyết pháp đầu tiên sau khi Ngài giác ngộ và khẳng định tiềm năng giác ngộ vốn có trong mỗi chúng sinh. Kể từ thời điểm ấy, Thánh đạo do bậc Giác ngộ tuyên thuyết đã đóng vai trò dẫn dắt nếp sống giác ngộ hiền thiện của bao thế hệ Tăng Ni Phật tử ở khắp nơi trên hành tinh và cho đến nay vẫn tiếp tục sứ mạng hướng thiện cho đời sống của con người trong thế giới hiện đại, góp phần làm lợi lạc cho vô số chúng sinh.
 
Tóm lại, Đức Phật xuất hiện ở đời là vận may lớn cho toàn nhân loại. Ngài ra đời đã mở ra một hướng đi hoàn toàn mới mẻ và lợi lạc cho nhân thế. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử, con người được xác chứng về tiềm năng giác ngộ có mặt trong chính mình, cùng lúc được chỉ bày về cách thức nhằm phát huy tiềm năng giác ngộ vốn có của chính mình. Đây hẳn là công đức lớn nhất mà bậc Đại giác Thế Tôn đã làm cho con người và cho cuộc đời. Chính sự phát hiện và khai minh về hai yếu tố giác ngộ cao quý này cho nhân thế đã khiến cho Đức Phật trở thành bậc Đạo sư vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Bởi lẽ chỉ có bậc Chánh Đẳng Giác như Đức Phật mới có cái nhìn toàn triệt về chúng sinh và mới có thể mở ra một con đường thật sự đưa đến giác ngộ, đưa đến lợi lạc cho muôn loài hữu tình. Trong một cuộc đàm đạo với vị vua Hy Lạp Manender, Nâgasena nói rằng giáo pháp giác ngộ do bậc Chánh Đẳng Giác tuyên thuyết giống như “một trận mưa lớn đổ xuống trần gian nắng hạn lâu ngày khiến thấm sâu vào vô lượng chúng sinh, làm cho muôn vật đâm chồi nẩy lộc, người người no vui hỷ lạc, thịnh mãn phước báo, sanh trưởng đức tin và trí tuệ, tẩy sạch bụi bặm cấu uế, dập tắt lửa tham sân si. Khi nước từ bi ấy chảy tràn qua lịch sử, chảy qua các quốc độ, chảy qua thời gian, có mặt ở đâu thì ở đó không có hận thù, oan trái, kẻ cướp buông đao, hung dữ mỉm cười, tình tương thân tương ái, thuận hòa làm mát mẻ trái tim, làm phơi phới lòng người”. (4)
 
Nhân loại sẽ luôn luôn nhớ đến Đức Phật với lòng kính ngưỡng vô biên vì những gì lợi lạc mà Ngài đã đem lại cho cuộc đời. Trong cảm thức sâu lắng của chư vị đệ tử hiền trí, Đức Thế Tôn là vị Đạo sư có một không hai của loài người mà sự xuất hiện của Ngài trên cõi đời là đồng nghĩa với giác ngộ xuất hiện, hạnh phúc xuất hiện, con người giác ngộ xuất hiện, thế giới an lạc xuất hiện, vì “Thế Tôn là bậc làm cho khởi dậy con đường trước đây chưa từng được hiện khởi, làm cho biết con đường trước đây chưa từng được biết, nói lên con đường trước đây chưa từng được nói". (5)

Thế Tôn đã giác ngộ, Ngài thuyết pháp để giác ngộ (người khác). Thế Tôn đã điều phục, Ngài thuyết pháp để điều phục. Thế Tôn đã tịch tĩnh, Ngài thuyết pháp để tịch tĩnh. Thế Tôn đã vượt qua, Ngài thuyết pháp để vượt qua. Thế Tôn đã chứng Niết-bàn, Ngài thuyết pháp để (người khác) chứng Niết-bàn”. (6)
 
Trong niềm hân hoan đón mừng Đản sanh, chúng ta kính nguyện đấng Giác ngộ tiếp tục thị hiện để cho con người giác ngộ trong mỗi chúng sinh tiếp tục được đánh thực, tiếp tục được khai sáng, tiếp tục xuất hiện trên cõi đời còn lắm mê chấp khổ đau này.

-------------------------------------------
1. Kinh Như Lai, Tăng Chi Bộ.
 
2. Kinh Thánh cầu, Trung Bộ.
 
3. Pháp Cù, kệ số 165.
 
4. Thích Giới Nghiêm, Mi Tiên vấn đáp, tr. 840-841.
 
5. Kinh Gopaka Moggallàna, Trung Bộ.
 
6. Tiểu kinh Saccaka, Trung Bộ.

Tác giả bài viết: Diệu Hương
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 401
  • Khách viếng thăm: 391
  • Máy chủ tìm kiếm: 10
  • Hôm nay: 72045
  • Tháng hiện tại: 2880188
  • Tổng lượt truy cập: 88684791
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012