Đường vế đất tâm

Đăng lúc: Thứ ba - 04/06/2013 23:19 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Bình tâm mà quan sát mọi diễn biến của sự vật, người con Phật ước mơ về một thế giới bất sinh bất diệt, trong đó,Đức Phật A -Di -Đà thủ trì liên hoa phóng đại hào quang tiếp độ cho hương hồn khi xả bỏ thân tứ đại giã huyền về cõi nước của Ngài với 48 lời thệ nguyện sâu rộng thể hiện tâm đại từ bi của đấng Pháp Vương Vô Thượng.

ĐƯỜNG VỀ ĐẤT TÂM (bài 1)

Có nghĩ đến những đau khổ triền miên, luân hồi bất tận của thân phận làm người mới tỉnh giấc khi đối diện giữa tri thức với Ngã và Ngã sở.

Có nghĩ đến những loài hoa cỏ dại bên đường, ước mơ tìm một tia nắng còn sót lại trong buổi hoàng hôn sắp tắt mới thấy ra cái bèo bọt phù du sinh tồn của vạn vật.
Có nghĩ đến những giọt nước mắt tiễn đưa người thân về nơi chín suối đã hoan lệ mờ mi trước giá buốt quan tài mới cảm nhận được lẽ sống Vô thường,Vô ngã.

Người con Phật hiểu rằng: đời sống con người cũng như vạn vật, tất cả là mối quan hệ giữa các nhân duyên mà sinh khởi,khởi sinh. Nhưng một khi những biến động âm thầm trôi chảy lặng lẽ của nhân duyên, có một đột biến bất ngờ xảy ra sự cố. Ta gọi sự cố này là Diệt hay là Chết. Thực ra, Diệt để mà Sinh. Chết để mà chuyển sang một kiếp sống mới. Chẳng khác nào làn sóng hiện lên lại bắt đầu lặn xuống, lặn xuống rồi lại hiện lên mãi mãi bất tận không bao giờ ngừng nghỉ.

Bình tâm mà quan sát mọi diễn biến của sự vật, người con Phật ước mơ về một thế giới bất sinh bất diệt, trong đó,Đức Phật A -Di -Đà thủ trì liên hoa phóng đại hào quang tiếp độ cho hương hồn khi xả bỏ thân tứ đại giã huyền về cõi nước của Ngài với 48 lời thệ nguyện sâu rộng thể hiện tâm đại từ bi của đấng Pháp Vương Vô Thượng.

Niềm tin đó đã được đa số người con Phật tin nhận.Và cũng từ đó Pháp môn niệm Phật càng ngày được đa số Phật tử y giáo phụng hành.Pháp môn này được xây dựng trên nền tảng Tín, Hạnh, Nguyện.

Tín là nguồn gốc của muôn hạnh lành.Có tin mới kiên trì hành động(Hạnh) biến thành diệu dụng của đại bi tâm mới thành tựu của đại nguyện (Nguyện)

Một khi người con Phật đã tin tưởng tuyệt đối thì không có một sức mạnh nào có thể lay chuyển được. Từ đó, nổ lực thăng tiến trên đường tâm linh,đó chính là do tâm nguyện. Tâm nguyện viên mãn vì nhận biết rõ những gì đang xảy ra ở đây và bây giờ,thì tinh thần thảnh thơi,chỉ yên lặng nhất tâm niệm Phật.Thế giới Tây Phương Cực Lạc sẽ hiện ra rõ ràng và linh động trong tâm thể của chúng ta.Lúc đó,thế giới Tây Phương với Tâm thể chúng ta là Một. Nói khác đi,bằng vào chánh niệm,hành giả tiếp xúc được với thực tại nhiệm mầu mới cảm nhận được rằng:thế giới Cực Lạc dù có xa cách chúng ta hàng vạn na-do-tha cũng chỉ ở trong gang tấc của thời gian và dù có xa cách chúng ta hàng triệu a tăng kỳ cũng chỉ tóm gọn trong phút giây.Xem đó,đủ rõ không gian và thời gian chỉ là do mê vọng mà có.Nếu ly niệm về không - thời - gian và ý niệm sai biệt của hiện tượng thì không còn biên giới phân chia mà hội nhập vào thực tại tuyệt đối thấy rõ Hoa Khai Kiến Phật triển nở trên miếng đất tâm của chúng ta.

Pháp môn niệm Phật khác với các pháp môn khác không? Trong lúc thiền đòi hỏi hành giả có một thiên tư thông suốt mới liễu ngộ được loại ngôn ngữ "bất lập văn tự" của chư vị thiền sư để "Trực chỉ nhân tâm,kiến tánh thành Phật" hay muốn hiểu "sự sự vô ngại" của Kinh Hoa Nghiêm đòi hỏi hành giả phải có một kiến thức uyên bác mới dám bước vào thế giới vũ trụ vĩ đại này. Muốn khám phá những uy lực của một đại thần chú tạo ra âm hưởng có khả năng tiếp nhận từ lực của Phật hãy bước vào thế giới Mật Tông.

Pháp môn niệm Phật vẫn được coi là "tối thượng thừa" vì có công năng đưa hành giả đến giải thoát. Bởi lẽ,niệm Phật đến mức "Nhất tâm bất loạn", ta sẽ bắt gặp trạng thái của thiền. Căn bản của pháp môn niệm Phật là phải chế ngự được Tâm.Tâm là Chủ. Vì vậy, niệm Phật cũng là niệm Tâm.Khi ta chắp tay đãnh lễ Ngài, ta phải hiểu rằng đó là đảnh lễ Phật tánh trong ta. Hiểu như vậy ta mới hiểu được lời dạy của Phật trong kinh Kim Cang: "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược hữu chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai"(Tất cả những gì có hình tướng đều là hư vọng. Nếu thấy hình tướng đều không có hình tướng tức thấy được Như Lai)

Kính lạy Đức Phật A Di Đà.

Chúng con tin tưởng một cách tuyệt đối có một thế giới Tây Phương Cực Lạc mà Ngài đang hiện hữu. CHúng con nguyện nổ lực tinh tấn niệm Phật cũng là niệm Tâm hầu biến nghiệp lực thành nguyện lực. Nguyện cầu cho thế giới khổ đau thành thế giới Cực Lạc.

Hoa trái của công năng niệm Phật sẽ chín dần, chín dần dù chúng ta không nhận diện được tiến trình của nó. Cũng vậy,tâm chúng ta đang chín mùi,đang có sự thay đổi lớn lao trong đó những gì đang xảy ra bây giờ và ở đây.Đó chính là cảnh Tịnh Độ của nhân gian vậy.
 

ĐƯỜNG VỀ ĐẤT TÂM (bài 2)

Pháp môn niệm Phật được xây dựng trên nền tảng căn bản: Tín, Hạnh, Nguyện.

Tín, Hạnh, Nguyện là chìa khóa để mở cánh cửa giải thoát. Hai bộ kinh A Di Đà và Vô Lượng Thọ là cốt lõi của pháp môn Tịnh độ. Hành giả tu theo pháp môn này phải đặt trọn niềm tin tuyệt đối vào sự cảm ứng tạo ra âm hưởng có khả năng tiếp nhận từ lực của Phật A Di Đà mới mong được tiếp dẫn về cõi Tây phương Cực lạc. Cảnh giới cực lạc qua bộ kinh A Di Đà được mô tả là một áng văn chương tuyệt tác: nào là ao thất bảo có lối đi lát bằng vàng bạc, lưu li. Có vô số lâu đài nguy nga tráng lệ bằng pha lê, xà cừ, mã não. Nào là sen xanh, sen vàng, sen trắng, sen đỏ chiếu tỏa hào quang, hương thơm tinh khiết vi diệu. Lại nữa, có những loài chim âm thanh hòa nhã diễn xướng các pháp môn như chim Khổng tước, Anh vũ, Ca lăng tần già...Nói tóm lại, toàn là cảnh giới thần tiên thoát tục tràn ngập châu báu; là miền đất phước đức vô lượng cho những hành giả nào được diễm phúc sanh vào cõi nước của Ngài.

Nhưng xin lưu ý hành giả đừng nên chấp chặt và mơn trớn vào cảnh giới đó mà hãy thường trực cảnh giác tâm mình; vì đó chỉ là phương tiện thiện xảo để dẫn dụ chúng sanh vào nẻo đạo chẳng khác nào Hóa Thành trong kinh Pháp Hoa.

Nếu hành giả nào trì kinh A Di Đà mà lạc vào mê hồn trận giữa cảnh trí thần tiên thơ mộng thì xa rời cảnh giới Tây phương ngay.Tâm Tịnh thì cảnh giới Tây phương Cực lạc hiện ra trong sát na đương niệm tỉnh giác này. Sống giữa cõi đời trần gian khổ lụy, con người thường ước mơ về một thế giới an vui hạnh phúc. Nhưng lắm khi ước mơ vẫn chỉ là mơ ước không bao giờ trở thành hiện thực. Vì đó chỉ là sản phẩm của tư tưởng, của ý thức. Nhưng xét cho cùng đời sống mà vắng mặt sự hy vọng, sự ước mơ thì chẳng khác nào cỏ cây muôn vật có xác mà không có hồn; Có chất mà không có phẩm. Sinh ra và hoại diệt qua hai bến bờ sinh tử. Ngược lại, con người có xác mà cũng có hồn; Có chất mà cũng có phẩm. Sinh ra và hoại diệt trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi, ngụp lặn trong dòng đời vẩn đục, sạch trong. Tất cả đều tùy thuộc vào Nghiệp Nhân của mỗi người đã tạo ra trong kiếp này để hứng chịu quả báo ở kiếp sau.

Vậy nghiệp là gì?

Nghiệp là những hành động tạo tác do thân khẩu ý gây ra. Nói một cách chính xác hơn là do ngũ thức (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) dưới quyền điều khiển và chi phối của thức thứ sáu là Ý tạo ra nhiều thứ nghiệp. Sau đó thức thứ bảy có tên là Mạt Na chuyển đến thức thứ tám là A Lại Gia cất giữ. Như vậy thức A Lại Gia là chủ thể dòng sinh mệnh của kiếp người có công năng lưu giữ, nhiếp thủ các chủng tử thiện, ác. Kết thúc một giai kỳ sinh mệnh là lúc A Lại Gia lìa khỏi thân xác. Thực ra, thức này cùng với Thân trung ấm là một chẳng khác nào sóng và nước. Nước không ngoài sóng. Sóng không ngoài nước.

Sự diễn biến của dòng sinh mệnh đến một giai kỳ chấm dứt, Thân Trung Ấm lúc đó lại đi đầu thai chớm nở một cuộc sống mới. Cứ thế tiếp diễn luân hồi bất tận không bao giờ ngừng nghỉ.

Là Phật tử chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào luật nhân quả chỉ cần căn cứ vào việc làm của mình ở hiện tại sẽ biết được thân thế ở kiếp sau (dục tri lai thế quả; kim sanh tác giả thị).

Xem đó, đủ rõ thiện nghiệp và ác nghiệp là nhân tố quyết định đọa lạc hay thăng tiến trong vấn đề đầu thai. Hãy nhớ rằng cận tử nghiệp (nghiệp gây ra lúc sắp lìa đời) là điều kiện thiết yếu cho việc thọ báo. Nếu người bệnh biết nhất tâm niệm Phật đến giây phút cuối cùng tắt thở có thể tiêu được trọng tội trong nhiều kiếp sanh về cảnh giới tốt đẹp và ngược lại. Nói một cách khác, một niệm trước khi từ giã cõi đời; nếu là niệm thiện sanh về thiện đạo; nếu là niệm ác sanh về ác đạo; nếu là Phật niệm sanh về cảnh giới của Phật. Đây được coi là tối hậu nhất niệm có tác dụng trong vấn đề thọ báo.

Trong tiến trình của đời sống, người Phật tử phải nhận thức rằng: tự thân tác nghiệp, tự thân thọ nghiệp. Gieo nhân nào gặp quả nấy. Đó là chân lý bất di bất dịch. Nếu hành giả dụng công tự thân tu tập mong cầu giải thoát là thuộc đẳng lưu nhân quả. Còn việc thân nhân đem tâm cầu nguyện khẩn thiết cho hương linh siêu tiến là cách thế tăng thượng nhân quả mà thôi.

Hiểu rõ nhân quả nghiệp báo, người con Phật chúng ta cương quyết dứt bỏ việc ác, làm các việc thiện, giữ tâm ý trong sạch chắc chắn tâm hồn sẽ thanh thản trong lúc xả báo tấm thân tứ đại giả huyễn này. Kết thúc một giai kỳ để rồi lại tiếp tục biến chuyển không ngừng theo nhân duyên, nối tiếp theo nghiệp lực mãi mãi lưu chuyển trong dòng đời bất tận; nhưng hướng đi của thần thức cho nghiệp thọ báo trong trường hợp này chắc chắn sẽ là hướng đi cao đẹp trong những cảnh giới an vui hạnh phúc hơn. Một khi đã tin tưởng tuyệt đối vào luật nhân quả thì lúc đối diện với cái chết sẽ thấy tâm mình có sự bình tĩnh lạ thường, có sự an lành hạnh phúc, không còn lo sợ khi ngọn lửa vô thưởng đốt cháy thân xác, cũng không dính dáng đến con người đích thực của chúng ta. Hãy chuẩn bị cái chết có ý nghĩa để cho cái sống tốt đẹp hơn. Muốn vậy, chúng ta ngay từ bây giờ phải biết tích lũy vốn liếng, phải sống theo thiện pháp để làm hành trang cho một chuyến lữ trình rong chơi ở trong một cuộc hẹn mai sau gặt hái an vui hạnh phúc. Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã dạy cho chúng ta một bài học vô cùng quý giá về vấn đề chết sống. Chết để mà sống. Sống không ân hận không hối tiếc vì thấu rõ chết không phải là chấm dứt đoạn tuyệt mà là khởi điểm cho một sự sống bắt đầu:

Thu lai bất báo nhạn lai quy
Lãnh tiếu nhân gian tạm phát bi
Vị báo môn nhân hưu luyến trước
Cổ sư kỷ độ tác kim sư

(Thu về đâu hẹn nhạn bay
Nhạt cười một tiếng thương thay cho đời
Hơi nào lưu luyến môn đồ
Thầy xưa mấy độ đây rồi Thầy nay)

THANH TRÚC (Sách tham khảo:"Sống và Chết" của HT. Thích Chánh Lạc và một số sách báo đã viết về vấn đề này) 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 535
  • Khách viếng thăm: 525
  • Máy chủ tìm kiếm: 10
  • Hôm nay: 55659
  • Tháng hiện tại: 2989368
  • Tổng lượt truy cập: 91880941
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012