Hoằng pháp

Đăng lúc: Thứ tư - 26/09/2018 14:03 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Đức Phật đã vắng bóng trên cuộc đời hơn 25 thế kỷ, nhưng nhân cách thánh thiện của Ngài vẫn còn tác động cho mọi người kính ngưỡng tôn thờ.

 
Và lời dạy của Đức Phật, cho đến ngày nay vẫn còn là kim chỉ nam hướng dẫn loài người thăng hoa tri thức, đạo đức. Đặc biệt là ở vào thời đại của chúng ta được coi là thời kỳ văn minh khoa học tột đỉnh, giáo lý của Đức Phật lại càng sáng rực hơn, nhất là ở các nước tiến bộ phương Tây, vì đã mở ra cho con người một phương hướng thoát khỏi sự khủng hoảng, bế tắc do chính họ gây ra.

Ngày nay, tiếp nối sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của Đức Phật, nghĩ đến tinh ba Phật pháp, chúng ta không thể không ôn lại những nét đặc sắc trong phương cách giáo hóa của Đức Phật và các vị Tổ sư tiền bối, đồng thời vạch ra đường hướng mới trong giai đoạn hiện tại để hoạt động hoằng pháp thích nghi và phát triển lợi lạc cho đạo pháp và dân tộc.
 
I. Đức Phật và cách giáo hóa của Ngài
 
Nhân cách siêu tuyệt của Đức Phật hàm chứa ba điểm quan trọng nổi bật, đó là sự hiểu biết cao tột, chính xác, đạo đức thánh thiện không chút lỗi lầm và đức hạnh vô ngã vị tha. Vì vậy, Ngài dung hóa được mọi thành phần xã hội quy ngưỡng theo Ngài, từ hàng vua chúa, trưởng giả, giới trí thức cho đến người bình dân và cả những người bị liệt vào hạng thấp kém trong xã hội. Dù là hạng người nào đến với Phật, Ngài đều dìu dắt họ thăng hoa tri thức và đạo đức.

Trên bước đường hoằng hóa độ sanh, Đức Phật đã thể hiện rõ nét việc phát huy trí tuệ và năng lực nhiếp hóa của Ngài. Suốt cuộc đời Ngài giáo dưỡng người không biết mệt mỏi. Nói cách khác, ở nơi Phật toát ra đầy đủ sức mạnh về trí lực, nghị lực và thể lực và đó chính là đặc tính ưu việt giúp Ngài thành tựu trọn vẹn công việc hoằng pháp lợi sanh. Bước chân du hóa đến nơi nào, Đức Phật đều tùy hoàn cảnh của nơi ấy mà giúp người được an vui, lợi lạc. Có thể khẳng định cách giáo hóa của Đức Phật là vì người, làm lợi ích cho người.
 
Trước khi đi giáo hóa, Đức Phật nhập định, nghĩa là Ngài suy nghĩ xem nên đến nơi nào và làm gì, để giúp ai. Ngài có suy nghĩ, có định hướng trong việc độ sanh và biết việc thật chính xác, biết rõ tâm tư, nguyện vọng, năng lực của đối tượng mà Ngài đến tiếp độ và tìm ra cách giải quyết tốt. Bấy giờ, Ngài mới đến với họ, khai thông bế tắc, đưa họ trở về nếp sống thánh thiện.
 
Phương hướng mà Đức Phật truyền bá đạo pháp mang lại lợi ích thiết thực và cũng thể hiện trí tuệ vô thượng, hoàn toàn khác hẳn với cách nói suông, viển vông của hàng ngoại đạo thời ấy. Khi hoàn tất công việc độ sanh, Ngài trở về tịnh xá và lại nhập định; nói cách khác là suy nghĩ, tự xét lại những việc vừa làm. Sau đó Ngài xả định, thuyết pháp cho đại chúng, để họ nhận ra giá trị của bài pháp sống mà họ vừa được chứng kiến khi theo Phật và lấy đó làm kinh nghiệm tu hành. Đức Phật giáo hóa trong khi du hành như vậy, rất phù hợp với thực tế cuộc sống; giống như ngày nay giáo sư dẫn sinh viên đi dã ngoại để nắm bắt tình hình rồi sau đó hội thảo, học tập. Và cuộc sống của con người thì luôn luôn trôi chảy, diễn tiến không ngừng. Bước đi trên dòng chảy của cuộc sống nhân sinh, Đức Phật cũng không ngừng thuyết pháp giáo hóa. Từ kim khẩu của Ngài, từ cuộc sống cao thượng của Ngài, các bài pháp cùng theo dòng đời mà lưu xuất, mang lợi lạc cho từng lúc, từng nơi, từng người khác nhau.

Sau khi Phật Niết bàn, những người chấp giáo điều, không phát triển được sức sống của trí tuệ, của đạo hạnh, nên rơi vào cục bộ, không thể tiếp nối mạng mạch đạo pháp. Tuy nhiên, các nhà truyền giáo chịu ảnh hưởng tinh thần Phật giáo phát triển, nắm bắt được yếu nghĩa kinh và thể hiện trong cuộc sống theo phương cách của Phật. Nhờ đó, họ cũng phát huy được thể lực, trí lực và nghị lực, trở thành nhà tôn giáo lãnh đạo thực sự. Thật vậy, chúng ta thấy các vị Tổ sư đều có óc sáng tạo, không đi theo lối mòn cũ. Các ngài nương theo tinh ba Phật pháp, phát huy tầm nhìn chính xác, đưa ra những cương lĩnh mới, thích nghi với thời đại, nên có sức thuyết phục được người. Từ đó mới lập giáo khai tông, xây dựng người cùng tiến tu tạo thành tông môn, hệ phái.
 
II. Sự kế thừa và phát huy việc hoằng pháp của các vị Tổ sư
 
Tiếp nối sự nghiệp truyền bá chánh pháp, có thể nói mỗi vị Tổ sư đều có sự thấy biết riêng, không vị nào giống nhau. Nhưng, điều chắc chắn là các ngài đều có tầm tri thức chính xác thích hợp với sinh hoạt đương thời, thể hiện thành việc làm lợi ích lớn lao cho đất nước, cho dân tộc, cho sự sống của đạo pháp được trường tồn.

Điển hình như ở Nhật Bản, ngài Nhật Liên đã đưa ra đường hướng thích hợp để vực dậy tình trạng trì trệ cổ hủ, tạo ra sinh khí mới cho việc phát triển sinh hoạt tôn giáo lẫn chính trị.
 
Đề xướng đổi mới như vậy, tất nhiên ngài gặp không ít chống đối hiểm nguy. Nhưng, với trí lực, nghị lực và thể lực thật phi thường, nên cả thảy bốn lần bị sát hại, mà chẳng có một thế lực ác độc nào làm hại ngài được. Thậm chí ở nơi lưu đày là đảo Sado quanh năm chỉ có tuyết phủ, không một sinh vật nào tồn tại nổi, ngài vẫn sống khỏe mạnh, thanh thản. Và cuối cùng, chính quyền đương thời cũng nhận thấy những đề nghị trong Lập Chánh An Quốc luận của ngài Nhật Liên thật chính đáng và họ đã chấp thuận. Cuộc đời hành đạo của ngài Nhật Liên ngời sáng đạo đức, trí tuệ, nên được dân chúng Nhật kính ngưỡng như Thượng Hạnh Bồ tát của kinh Pháp Hoa.

Hoặc ngài Đạo Nguyên Thiền sư là Tổ của phái Thiền Tào Động. Ngài đề xướng phương pháp Thiền phổ cập cho quần chúng, ai cũng có thể thực hành được. Có thể nói đó là hình thức Thiền hóa sinh hoạt xã hội mà ngày nay đang phát triển mạnh. Một người làm việc mệt mỏi có thể ngồi thư giãn năm, mười phút, luyện tập hô hấp cho điều hòa trở lại, giải tỏa sự căng thẳng trí óc và tâm lý phiền muộn. Nhờ đó phục hồi thể lực khỏe lại, trí lực sáng lên và tăng trưởng nghị lực để có sức phấn đấu tiếp tục công việc.

Ở Trung Quốc thì có Tổ Huệ Năng xuất thân từ giai cấp nghèo, nhưng cuộc sống của ngài có sức tập trung kỳ diệu, chỉ nghe một câu kinh Kim Cang mà ngộ đạo. Chỉ giã gạo, gánh nước, bửa củi mà phát sinh trí tuệ vô lậu, trở thành vị Tổ thứ sáu thừa kế sự nghiệp của ngài Hoằng Nhẫn.

Riêng ở Việt Nam, chúng ta có thể nêu vài vị tiêu biểu như Thiền sư Thảo Đường, vua Lý Thánh Tông, Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, v.v... Mỗi vị đều có cách nhìn riêng và cách truyền bá đạo pháp thích nghi với diễn biến đương thời; nhờ đó các ngài đã làm lợi cho đất nước, làm sáng danh đạo. Ở đời Lý, các nhà Sư rất được vua chúa kính trọng, lâu ngày tạo thành nếp sống xa hoa, uống trà ngâm thơ, sáng tác thi phú. Thiền sư Thảo Đường nhận thấy nếu hàng tu sĩ chỉ lo phát triển văn học, nghệ thuật, không có lợi cho đất nước đang lâm vào tình trạng hiểm nguy vì giặc ngoại xâm và còn phải đối phó với nạn nghèo đói. Vì vậy, ngài Thảo Đường có khuynh hướng đổi mới, chủ trương đơn giản việc ăn, mặc, ở. Điều cần thiết là lo đào tạo, xây dựng người, dùng phúc lợi trang trải cho người nghèo khó, nâng cuộc sống họ lên để giải quyết các tệ nạn xã hội.

Vua Lý Thánh Tông đã chịu ảnh hưởng giáo hóa của Thiền sư Thảo Đường. Tinh thần lo cho người được thể hiện qua câu nói thương dân và những việc làm nhân từ của vua, dù là đối với tù nhân, còn ghi lại trong sách Đại Việt sử ký: "Trẫm ở trong thâm cung, sưởi lò than, mặc áo cừu dày mà còn thấy lạnh buốt, huống là tù nhân ở trong ngục chưa rõ ưng hay oan... Trẫm rất xót thương họ. Hãy bảo viên cai ngục lấy chăn chiếu phát cho họ và cho họ ăn mỗi ngày hai bữa cơm đủ no...”. Năm đó (1055), vua cũng giảm một nửa thuế cho dân.
 
Chúng ta cũng thường tự hào với hình ảnh Tổ Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân TônG. Tùy theo tình hình đất nước mỗi lúc khác nhau mà ngài có những việc làm tương ưng, lúc làm vua, lúc làm sư, làm chiến sĩ, đều lợi ích cho đất nước, phát triển tinh ba Phật pháp.

Nói chung, các vị Tổ sư xuất thân từ hàng vua chúa hoặc từ giai cấp nghèo khó, làm nghề đốn củi như Tổ Huệ Năng, là con nhà chài lưới như Nhật Liên thánh nhân. Nhưng các ngài đều có cái nhìn mới thích nghi với thời đại, thấy được cách truyền bá Phật pháp tương ưng với thành phần nào trong xã hội đương thời. Cộng thêm thể lực tốt, nghị lực phi thường giúp các ngài đủ sức vượt qua mọi chống đối, ám hại. Từ đó, chư vị Tổ sư mới trở thành nhà lãnh đạo tập hợp, cảm hóa được những người có duyên, chỉ đạo họ sống theo hướng thánh thiện, lợi ích cho chính họ và cho xã hội, đạo pháp. Còn người tham lam, mê muội, yếu kém về tri thức lẫn đạo đức mà muốn độ người giàu, người giỏi, giống như người nấu cát muốn thành cơm.

III. Phương hướng hoằng pháp trong giai đoạn hiện tại
 
Ai cũng biết vào thời đại chúng ta ngày nay, kinh tế đóng vai trò quyết định việc thành bại ở nhiều lĩnh vực và dĩ nhiên chi phối được nhiều lĩnh vực. Các nhà tôn giáo truyền bá đạo cũng nhìn thấy quy luật này và họ đã khai thác yếu tố kinh tế để phát triển sinh hoạt của tôn giáo. Thực tế cho thấy các tổ chức tôn giáo thường mở công ty, xí nghiệp hay nhà máy; nói chung là lập các cơ sở kinh doanh, vừa đầu tư tiền bạc để chiếm lãnh thị trường, tạo ra của cải, vừa tập hợp người dưới hình thức công nhân, thợ thuyền làm việc cho họ. Tạo cho người có công ăn việc làm, có mức thu nhập cao để phục vụ cho cơ sở của họ, nghĩa là họ đã tạo mối quan hệ gắn bó thiết thực và chặt chẽ với người. Và từ đó dễ dàng hướng dẫn người trở thành tín đồ theo tôn giáo của họ.

Nói một cách công bằng, ai có khả năng nâng cao đời sống vật chất cho người khác, thì chắc chắn được người theo. Ngoài việc giúp cho người phát triển về mặt vật chất, sự hướng dẫn người mở rộng tri thức, thăng hoa tinh thần cũng là điều cần thiết cho việc thu hút quần chúng.

Thiết nghĩ, Phật giáo chúng ta muốn phát triển trong giai đoạn kinh tế làm bá chủ, thì cũng không thể không đáp ứng những yêu cầu của thời đại. Có thể khẳng định chúng ta muốn mạnh phải tự giải quyết được đời sống của chính mình và còn thừa sức lực, của cải, tri thức để xây dựng cho tín đồ vượt trội lên về vật chất lẫn tinh thần.

Phật giáo không thể tồn tại nếu tu sĩ sống xa hoa, lãng phí, dựa vào tín đồ, hay tệ hơn nữa làm cho họ kiệt quệ thêm.

Xưa kia, các bậc Tổ sư đều thông suốt Ngũ minh và trên bước đường hành đạo, các ngài đã sử dụng ngũ minh để dạy dỗ, cảm hóa người, giúp họ mở mang kiến thức, phát huy nghề nghiệp, nâng cao cuộc sống tốt đẹp.

Theo tôi, ở thời đại chúng ta ngày nay, nhà truyền giáo cần trang bị vững vàng kiến thức về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Thực tế nhất là những hiểu biết về khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh vật, Tin học, chúng ta phải nắm bắt được. Vì đó là tổng hợp tinh ba của tri thức con người đã phát triển theo trình độ văn minh tiến hóa, chúng ta sử dụng nó như phương tiện để rút ngắn vũ trụ bao la, lý giải cho người thời nay nhận ra những điều Phật dạy về pháp giới, về môi sinh, về sự sống chết, diễn biến của các loài, v.v... mà kinh điển diễn tả dưới dạng siêu hình.

Về khoa học xã hội như lịch sử, văn học, triết học, chúng ta cũng cần biết rõ. Thật vậy, để có thể song hành, hội thảo với mọi người, đòi hỏi nhà truyền giáo tất yếu phải nắm vững được lịch sử văn minh con người và sự tiến triển của tư duy con người thể hiện qua những tư tưởng lớn trên thế giới như triết Đông, triết Tây, văn học Trung Quốc, v.v...

Bên cạnh những hiểu biết cần thiết nói trên, hàng tu sĩ hơn người ở tri thức đạt được từ sự thể nghiệm Phật pháp trong cuộc sống. Với nền tảng trí tuệ hữu lậu và vô lậu, giúp chúng ta ít nhất chưa đắc đạo, thì cũng hiểu rõ được những hiện tượng thiên nhiên và xã hội, đồng thời đưa ra đáp số đúng đắn cho những vấn đề mà mọi người không giải nổi. Làm được như vậy, mới có sức thuyết phục người theo ta.

Thực tế sinh hoạt của Phật giáo trên thế giới cho thấy những nhà truyền giáo ngày nay thành công vì đã đi đúng hướng hoằng pháp theo tinh thần Phật dạy. Điển hình là các Thiền sư Nhật bản đưa ra phương cách hành Thiền gọi là Triết học Zen, hoặc các vị Lạt ma Tây Tạng truyền bá sinh hoạt Phật pháp theo Mật tông. Cả hai phương cách truyền bá đạo pháp nói trên đều thích nghi với sinh hoạt xã hội và đáp ứng được yêu cầu bức xúc của thời đại, nên đã phát triển mạnh, nhất là ở các nước văn minh phương Tây, đã được đa số người quy ngưỡng, kể cả giới trí thức cũng tìm được cuộc sống có ý nghĩa theo Phật đạo. Đặc biệt là trong cả hai cách hành đạo này, vấn đề nghi lễ cúng kính chỉ đóng vai trò thứ yếu.

Tóm lại, chúng ta ý thức sâu sắc con đường giáo hóa lợi ích thiết thực của Đức Phật đã trải qua và nhận rõ được sự thành công trọn vẹn của chư vị Tổ sư tiền bối trong việc nối tiếp mạng mạch hoằng dương chánh pháp.

Chúng ta tự khẳng định cho chính mình sứ mạng kế thừa sự nghiệp thánh thiện vô giá của Đức Đạo sư Thích Ca Mâu Ni Phật cùng chư vị Tổ sư, không gì khác hơn là mỗi nhà truyền giáo phải tự phát huy thể lực, trí lực, nghị lực để thể hiện nếp sống đạo đức, hiểu biết đúng đắn, việc làm lợi ích cho đời, tốt đẹp cho đạo.

Tiến bước theo lộ trình hoằng pháp của nhà truyền giáo chân chính như vậy, chúng ta xứng đáng là trưởng tử của Như Lai, hiện hữu trên cuộc đời được mọi người thương kính, quý trọng.
 
(Bài giảng tại khóa tập huấn Giảng sư các tỉnh phía Bắc tổ chức tại chùa Quán Sứ - Hà Nội ngày 20/11 - 29/11/1998)
 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 682
  • Khách viếng thăm: 678
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 68654
  • Tháng hiện tại: 1862529
  • Tổng lượt truy cập: 87667132
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012