Sư quan hệ về hoằng pháp

Đăng lúc: Thứ bảy - 29/09/2018 07:07 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Bằng tinh thần trách nhiệm, sứ giả của Như Lai, là thành viên trung kiên của Giáo hội, mô phạm của Tăng Ni, Phật tử, với ý nghĩa truyền thừa và phát huy giáo pháp Đức Phật trong thời đại phát triển của đất nước, xã hội và hội nhập thế giới. Ngày nay Phật giáo Việt Nam không còn đóng khung trong lĩnh vực Kinh Viện, hình thức có sẵn, mà có sáng tạo và tùy nghi, uyển chuyển để thích ứng trào lưu phát triển và nhu cầu xã hội, trong đó có tín đồ Phật tử.


HT. Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch HĐTS GHPGVN
 
* Dẫn Nhập:

Giáo pháp Đức Thế Tôn đã để lại cho chúng sanh nói chung, cho hàng đệ tử Phật nói riêng, trong đó có cả hàng tại gia và xuất gia. Nhưng trên thực tế, hàng xuất gia được hưởng nhiều nhất, còn giới tại gia chỉ thừa hưởng được phần rất nhỏ, dù hiện nay số lượng tín đồ Phật tử cả nước ước tính có trên 45 triệu người, còn Tăng Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ có gần 40 ngàn vị. Qua đó, cho thấy cán cân quân bình về sự được thừa hưởng giáo pháp Đức Phật lệch hẳn về phía Tăng Ni. Như vậy, giới Phật tử tại gia còn nhiều thiệt thòi trong vấn đề thừa hưởng giáo pháp của Phật. Điều nầy chứng tỏ công tác truyền bá Phật pháp chưa được phổ cập, dù có cố gắng, nhưng chưa thực sự phát huy trọn vẹn. Vì vậy, ước nguyện giáo pháp Phật cần được phổ biến rộng rãi trong quảng đại quần chúng, khắp mọi miền đất nước, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo và một số vùng lãnh thổ trên thế giới có Phật tử Việt kiều sinh sống và làm việc, là ước nguyện:
 
“Ngàn năm giáo pháp mưa bay
 
Ngàn năm giáo pháp tuyên bày muôn phương
 
Ngàn năm như sóng trùng dương
 
Ngàn năm giáo pháp tỏa hương ngạt ngào”.
 
* Nội dung:
 
A. Quan hệ về Chủ thể:
 
Vẫn còn văng vẳng đâu đây lời huấn thị của Đức Thế Tôn: “Nầy các Tỳ kheo, hãy mang giáo pháp Đức Như Lai đi truyền bá khắp mọi nơi. Hãy đi một nơi một người. Không đi một nơi hai người, truyền bá giáo lý Đức Thế Tôn một cách không mệt mõi. Làm được như vậy, các ông đã đền đáp công ân của Đức Thế Tôn” (Kinh. Tăng nhất). Đồng quan niệm, Trần Thái Tông nói: “Thuyết pháp là làm thỏa mãn ý nguyện của chư Phật” (Thuyết pháp giả mãn Phật chi nguyện) (Khóa Hư Lục). Do đó, là sứ giả Như Lai, Trung tôn trong đại chúng, phúc điền của chúng sanh, là người chuyên chở đạo pháp, truyền thông đến với mọi người, mọi giới, mọi nơi, thời gian này, thời gian sau, không bao giờ gián đoạn. Vì vậy, Cổ đức nói: “Đạo pháp hưng thịnh, chính do Tăng Ni hoằng hóa”. Nói khác đi, “con người có khả năng hoằng truyền đạo pháp, chớ không phải đạo pháp hoằng truyền con người”.
 
Với tinh thần trách nhiệm và ý nghĩa cao đẹp, tự thân chủ thể thuyết giảng cần trang bị cho mình Tâm từ bi, gọi là “Nhà Như Lai”; tinh thần nhẫn nhục, gọi là “Áo Như Lai”; phục vụ chúng sanh không biết mệt mõi, với tinh thần không vụ lợi, không phân biệt thân sơ, vùng miền, dân tộc ít, nhiều v.v… gọi là “Tòa Như Lai”; khơi nguồn trí tuệ, khai tâm chúng sanh, là nói pháp Như Lai. Vì tâm chúng sanh là tâm Phật, tâm Phật là tâm chúng sanh. Do đó, Pháp Phật là chỉ cái mà chúng sanh đã có, hay đối trị những cái chúng sanh mắc phải, đáp ứng yêu cầu của chúng sanh, đưa đến kết quả tức thì, ngay hiện tại. Thế nên, Đức Phật dạy: “Giáo pháp Như Lai đến để mà thấy, chớ không phải để mà tin. Nếu thực hiện có kết quả hiện tại và thăng hoa tức thì”. Nói khác đi, giáo pháp sẽ làm chuyển hóa con người từ xấu trở thành tốt, hung dữ trở thành hiền lương, tiến bộ, có đạo đức, có nhân phẩm, làm lợi ích cho mình, cho người, cho xã hội, có an lạc, giải thoát ngay hiện tại trong cuộc sống tu hành, hướng thượng không ngừng. Quả thực: “Phật pháp cao sâu rất nhiệm mầu. Hay trừ nghiệp chướng diệt lo âu. Thân tâm thanh tịnh trời xuân sắc. Phúc tuệ trang nghiêm tỏ đạo mầu” (Pháp Trích lục).
 
Một yếu tố chủ quan khác, không thể thiếu là Trí tuệ. Bởi trí tuệ soi sáng tư duy, soi sáng hành động, soi sáng lộ trình giác ngộ. Do đó, trong quá trình hoằng pháp lợi sinh, yếu tố xả kỷ, vị tha, dấn thân phục vụ, hy sinh tất cả, để đạt mục đích và lợi ích cho tha nhân trong môi trường trí tuệ, thắp sáng hiện hữu, khơi nguồn tuệ giác cho mọi người. Do đó, Kinh Lăng già nói: “Tông thông, thuyết cũng thông. Thông tông duyên sự tự tánh. Thuyết thông duyên giáo pháp. Khéo nói, khéo phân biệt, không chạy theo vọng tưởng”. Khi tâm mình có an trụ, thì mới làm cho người khác an trụ. Tâm an thì cảnh mới an, đối tượng cũng an, xã hội an, thế giới an. Từ đó, tỏa sáng gương lành, nêu cao ngọn đèn trí tuệ, đưa đường dẫn lối tu hành, hành trì đúng chánh pháp, đạt kết quả hữu hiệu, bình đẳng nhất vị. Với tâm thanh tịnh nhờ không chấp ngã và pháp, đạt lý không, cho nên giải thoát trong ý nghĩ và hành động. Như Kinh Bát nhã nói: “Thiên Đế thích thưa: Tôn giả giảng kinh Bát nhã quá hay. Tu Bồ Đề đáp: Ta đâu có giảng kinh Bát nhã. Đế Thích đáp: Nếu Tôn giả không giảng kinh Bát nhã, thì tôi không nghe kinh Bát nhã. Tôn giả Tu Bồ Đề nói: Như vậy, mới thật nói, thật nghe kinh Bát nhã”. Cho nên một Thiền sư cũng thấm thía ý nghĩa nầy và có một bài kệ sách tấn: “Níu nhánh chuyền cây chẳng phải tài. Dốc thẳng buông tay ấy mới hay. Đêm lạnh, trời khuya, câu không có, thuyền không chở một bóng trăng thanh” (Xuyên Công Thiền sư). Do có trí tuệ mà chúng ta được tự tại, giải thoát, trong các lĩnh vực tu tập và thi hành Phật sự: “Làm tất cả nhưng không thấy mình làm gì cả”, thì sẽ thành tựu công đức vô lậu, vô tướng, cứu cánh, viên mãn.
 
B. Quan hệ về Phương tiện:
 
Phương tiện truyền bá Phật pháp ngày nay không còn là vấn đề nan giải, dù ngôn ngữ phổ cập trong một số dân tộc ít người còn thiếu hẳn. Về ngôn ngữ phổ cập, như Đức Phật dạy: “Như Lai xuất hiện ở Ta bà, phương tiện tiếp cận Chân lý hữu hiệu nhất là âm thanh. Giáo pháp thanh tịnh, sự lắng nghe thanh tịnh từ nhĩ thức (thính giác), thành tựu tâm định tĩnh, chính là do nghe lại Tánh nghe từ giáo pháp Phật dạy” (Như Lai xuất ư Ta bà, thủ phương Chơn giáo thể. Thanh tịnh tại âm văn. Dục thủ Tam ma đề, thật tùng văn trung nhập) (Kinh Lăng Nghiêm). Từ đó suy ra, phương tiện Kinh, Luật, Luận, báo chí, sách vở, băng từ, mạng Internet, website v.v… là những phương tiện giúp cho Phật tử các nơi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, Phật tử Việt kiều nước ngoài am hiểu Phật pháp, thâm nhập tâm tánh, như Cổ đức nói: “Hương thiền gió lộng tỏa ngàn phương. Trăng sáng năm xưa ngập dặm đường. Hoa lòng đã nở từ thuở ấy. Nương Pháp âm về tận cố hương” (Hương thiền). Ngoài ra, cần tổ chức các đoàn Hoằng pháp đi hoằng hóa các nước, do Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng dẫn và chỉ đạo Ban Hoằng pháp thực hiện. Kết quả ấy, sẽ tạo sự gắn kết giữa Phật giáo trong nước và Phật giáo nước ngoài, Phật tử hiểu nhau qua giáo pháp, trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Quả thực: “Tần già vỗ cánh tung bay. Vang lời pháp thoại xưa nay nhiệm mầu. Lời vàng truyền bá đến đâu. Tốt đời đẹp đạo trồng sâu căn lành”.
 
Qua gần 30 năm hoạt động Ban Hoằng pháp Trung ương đã đạo gần 500 Giảng sư Cao – Trung cấp, và gần 300 Giảng sư cơ hữu tại các địa phương. Do đó, cần có sự phân bổ hợp lý theo từng miền, vùng, tỉnh, thành, cơ sở Tự, Viện, các Đạo tràng, Pháp hội, lớp giáo lý, Câu lạc bộ, các khóa tu, sinh hoạt hè … Với một hệ thống giáo lý Nam truyền, Bắc truyền được tiếp thụ từ chư Tôn đức giáo thụ tại các Trường Phật học, Học viện, các khóa Đào tạo, các Lớp Bồi dưỡng Hoằng pháp v.v… hy vọng sẽ đáp ứng phần nào công tác thuyết pháp, hoằng pháp trong thời đại hiện nay của thế kỷ này và gạch nối cho những thế kỷ sau.
 
c. Quan hệ về Đối tượng:
 
Sự kết thân trong sinh hoạt giáo lý, những buổi thuyết giảng Phật pháp là nhân tố kết hợp, tạo thành nhân duyên quyến thuộc với nhau, đời này và đời sau đều được làm bạn trong Chánh pháp, không phân biệt vùng, miền, địa phương, dân tộc, Hệ phái, pháp môn tu tập v.v… Tất cả những điều mơ ước, thầm nguyện, bắt đầu từ hôm nay, đời nầy và tự mỗi cá nhân chúng ta phải gieo nhân duyên, có gieo nhân duyên thì mới gặt được kết quả, là lý đương nhiên. Như vậy, công tác tạo nhân duyên quyến thuộc qua giáo pháp, qua những thời pháp, những buổi tọa đàm, sinh hoạt câu lạc bộ, nghe băng thuyết giảng, xem từ website v.v… là nhân tố quyến thuộc Bồ đề và quyến thuộc pháp duyên, pháp sự, Phật sự trong chính pháp. Và nhất định đời sau chúng ta cũng gặp nhau và tiếp tục thực hiện công tác hoằng pháp độ sinh. Vì thế, Cổ đức thường nhắc nhở: “Linh sơn nghĩa cũ tình xưa. Ta bà Tịnh độ say sưa Pháp mầu. Kiếp sau xin nhớ nguyện đầu. Xây tình Pháp lữ, bắt cầu Tâm giao. Đời nay đến những đời sau. Chung lo Phật sự biết bao nhiêu tình. Quyết lòng độ tận chúng sinh. Từ bi Trí tuệ, thỏa tình ước mong. Không rời bản thể chân không. Tùy duyên hóa đạo thong dong mọi miền”. Thế nên, khi đối đáp với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, Đức Lục Tổ nói: “Đối với Tổ thì có phân Nam Bắc, chớ Phật tánh thì không có Bắc Nam. Thân mọi rợ nầy, đối với Tổ thì có khác, chớ Phật tánh có khác gì đâu?” (Kinh Pháp Bảo Đàn).
 
Đất nước Việt Nam là một nước đa tôn giáo, riêng đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng do nhiều Hệ phái, sắc thái Phật giáo hợp thành, Phật giáo Nam tông, Bắc tông, Khất sĩ, Phật giáo Người Hoa .v.v… Truyền thống tu học của Hệ phái Phật giáo, pháp môn cũng đa dạng như: Thiền, Tịnh, Mật, Pháp Hoa, ngày An lạc, Thiền thất, Phật thất, Thiền quán, quán niệm v.v… Chung quy cũng đều là giáo lý Đức Phật mà hành trì sẽ được lợi lạc tự thân, giải thoát. Như Đức Phật dạy: “Về nguồn vốn một không hai, Pháp tu sai biệt xưa nay rõ ràng” (Qui nguyên tánh vô nhị. Phương tiện hữu đa môn) (Kinh Lăng Nghiêm).
 
d. Quan hệ về Môi trường:
 
Xuất phát từ khái niệm đầu tiên là Đạo tràng Tịch diệt, nơi Đức Phật Thành đạo dưới cội Bồ đề, đã biểu thị Chân lý Tịch tịnh, thể nhập Chân lý lợi lạc chúng sinh, bắt đầu từ thuở ấy. “Thế giới thuở nào đang tối tăm. Rồi đêm Thành đạo sáng hơn Rằm. Tâm từ đọng dưới Bồ đề thọ. Thành đạo đi vào với tháng năm. Thế giới ba nghìn chuyển động kinh. Đêm đen tĩnh mịch thấy tâm mình. chúng sinh thế giới từ đâu tới. Thấy rõ ba đời kiếp nhân sinh” (Đêm Thành đạo).
 
Từ đó cho đến vườn Nai, các Pháp hội tại Linh Thứu, Xá Vệ, Sa la Song thọ v.v… đều được hình thành theo ý nghĩa cao cả và thực tiễn ấy. Ngày nay, chúng ta cũng có các Đạo tràng Pháp Hoa, Dược Sư, Từ Bi, Di Lặc, các lớp Giáo lý, Khóa tu, Thiền thất, Phật thất, Hội quy tại các cơ sở Tự viện … Như Cổ đức nói: “Chân bước nhẹ lên thềm hoa của Phật. Lòng Từ bi nô nức bổng dâng trào. Nhìn khói hương nghi ngút tự bàn cao. Thầm khấn nguyện tiêu tan bao khổ lụy”. Và mở rộng ra, các Câu lạc bộ, sinh hoạt Hè, dã ngoại, Hội trại, Tọa đàm, Pháp thoại v.v… trong các khu rừng, bờ suối, công viên, sân vận động… đều là ý nghĩa đạo tràng, thuyết pháp, hoằng pháp, thể nhập Chân lý, có được an lạc, như Ngài Tô Thức nói: “Tiếng suối rạt rào, lưỡi rộng dài. Sắc núi đúng màu thanh tịnh thân. Đêm về bát ngát bao lời kệ. Rồi ra gặp lại nói sao vừa”. Cũng từ ý này, Thiền sư Động Sơn xác lập: “Một điều quả thật lạ kỳ. Vô tình thuyết pháp bất tư nghì. Nếu chỉ tai nghe sao biết được. Phải bằng cả mắt mới toàn tri”.
 
Với nhiều hình thức đa dạng trong công tác hoằng pháp, điều căn bản là có định hình và quản lý tốt với một nội dung giáo lý thích hợp, Phật pháp sẽ được chan hóa và đến với tất cả được an lạc và thâm nhập Chân lý trong các sinh hoạt bình nhật và Lễ hội Tín ngưỡng tôn giáo tại cơ sở Tự, Viện hay ngoài thiên nhiên, xã hội cộng đồng. Quả thật: “Sớm trống, tối chuông cảnh tỉnh người đời trong bể ái. Lời kinh tiếng kệ giục người thức tỉnh giữa cơn mê” (Mộ cổ thần chung cảnh tỉnh ái hà danh lợi khách. Kinh thinh Phật hiệu hoán hồi khổ hải mộng mê nhơn).
 
* Kết luận:
 
Bằng tinh thần trách nhiệm, sứ giả của Như Lai, là thành viên trung kiên của Giáo hội, mô phạm của Tăng Ni, Phật tử, với ý nghĩa truyền thừa và phát huy giáo pháp Đức Phật trong thời đại phát triển của đất nước, xã hội và hội nhập thế giới. Ngày nay Phật giáo Việt Nam không còn đóng khung trong lĩnh vực Kinh Viện, hình thức có sẵn, mà có sáng tạo và tùy nghi, uyển chuyển để thích ứng trào lưu phát triển và nhu cầu xã hội, trong đó có tín đồ Phật tử.
 
Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt vẫn là ở con người, cho nên chủ thể thuyết pháp phải luôn luôn tự thanh tịnh chính mình, tâm hồn an lạc giải thoát, vô trụ trong hoạt động bao dung, chính kiến trong ý nghĩ, tương ứng nội tâm, sống với chân lý và những lời mình giảng dạy. Như Đức Phật huấn thị: “Tự mình vui Chánh pháp. Suy tư về Chánh pháp, làm lợi lạc chúng sinh, ấy là hạnh Sa môn” (PC.368). Có được như vậy, chính mình có lợi ích, có an lạc và bản thân giáo pháp Phật cũng khởi lên ý nghĩa, tác dụng cụ thể và sống động trong mọi thời đại cũng như các giai tầng trong xã hội, khu vực, vùng miền, hải đảo và thế giới đều được thắm nhuần pháp vũ, lợi lạc vô biên, trong cuộc sống bon chen, hối hã và thực dụng. Như Đức Phật dạy: “Giáo pháp Như Lai chuyển tải, truyền bá đến đâu, đều có thể đoạn trừ những chướng ngại, tà kiến và nghi ngờ, làm cho chúng sanh được an lạc, giải thoát, giác ngộ thành Phật” (Luận Đại Trí Độ).
 
Tài liệu tham khảo:
-----------------------------------------------
 
- Kinh A Hàm
- Kinh Bát nhã
- Kinh Lăng già
- Kinh Pháp Hoa văn cú
- Khóa Hư lục
- Kinh Pháp cú
- Hướng Thiền
- Luận Trí độ
- Kinh Lăng Nghiêm
- Kinh Viên Giác
- Kinh Duy Ma Cật.

 
 
Tác giả bài viết: HT. Thích Thiện Nhơn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 436
  • Khách viếng thăm: 428
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 105196
  • Tháng hiện tại: 2913339
  • Tổng lượt truy cập: 88717942
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012