Phía trước là chân trời

Đăng lúc: Thứ hai - 16/01/2017 21:16 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Năm 2016 rõ là một khúc quanh lịch sử của đất nước. Đây là một năm mà nền kinh tế trong nước và giao thương với thế giới đạt đến một tầm mức khác trước. Các hiệp định kinh tế dự kiến trong 2016 cũng như các mối liên kết với các nước phương Tây cho phép ta tin đất nước đứng trước một bước phát triển hứa hẹn.
Nhưng cũng như nhiều lần trong quá khứ, sự chuẩn bị trong nội bộ về tâm thức và cấu trúc xã hội hình như chưa đầy đủ. Lịch sử đã nhiều lần cho thấy, các biến cố quan trọng thường trờ tới mà tâm thức dân tộc chưa kịp sẵn sàng, luôn luôn rơi vào thế bị động. Cụ thể nhất là biến cố 1975, đó là một cơ hội tuyệt diệu cho dân tộc chúng ta chuyển mình trên mặt cơ cấu chính trị và văn hóa. Thế nhưng, như những nghiên cứu nghiêm túc trong chục năm qua cho thấy, chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội trong việc hòa hợp dân tộc, đổi mới văn hóa, chuyển hướng chính trị và kinh tế. 

Năm 2016 sẽ là một năm bắt đầu cho một thập niên tuy chứa đầy thách thức nhưng cũng mang nhiều hứa hẹn cho dân tộc. Cùng lúc với đà biến chuyển này là những thay đổi đang diễn ra sâu sắc trên trường quốc tế mà rõ nét nhất là sự hình thành một thế giới đa cực với nhiều siêu cường và cuộc đấu tranh trực diện giữa các nền văn hóa và tôn giáo. Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, niềm tin và tôn giáo sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành tâm thức xã hội, nó chính là “phông” văn hóa của một quốc gia và sẽ chiếm vị trí nền tảng mặc dù không lộ diện rõ như các biến chuyển kinh tế hay chính trị hàng ngày. Vì tâm thức xã hội vốn ẩn, không hiện nên chính nó chi phối một cách vô thức lên hành vi con người trên mọi tầng lớp. 

Trước biến chuyển đầy hứa hẹn và thách thức như nói trên, ta không thể không ưu tưvề nền tảng văn hóa hiện nay trong xã hội Việt Nam. Đặc trưng của nó là gì và ta có thể làm gì? 

Một điều mà ta có thể thấy khắp nơi trong xã hội hiện nay là tâm lý chạy theo đồng tiềnvà thói quen sử dụng bạo lực càng ngày càng gia tăng trong xã hội. Điều này thực racũng là hiện trạng chung trong các nước trên thế giới, nhưng tại Việt Nam yếu tố bạo lực và coi thường pháp luật có xu thế lan tràn nhanh hơn các nước khác. Về nguyên nhâncủa nó đã có nhiều sách báo đề cập, ở đây ta hãy xem yếu tố này là hết sức trầm trọng, cần lưu ý để tìm lời giải đáp. 

Song song với đà sa sút về văn hóa và tâm thức xã hội, kỳ diệu thay, trong xã hội chúng ta xuất phát càng lúc càng rõ nhiều dấu hiệu ngược lại. Ta có thể kể đến những nhóm quần chúng, nhóm tín đồ các tôn giáo, nhóm thanh niên trẻ... thiết tha tìm hiểu các giá trị đạo đức, nhân sinh quan cao đẹp, các phép tu tập thân tâm. Những nhóm người đó tìm đến học tập lẫn nhau, nghe thuyết giảng, thực hành các phép tu dưỡng tâm linh, hoạt động thiện nguyện và xã hội. Họ muốn cuộc đời mình không uổng phí, muốn giáo dụccon em mình bằng chính cuộc đời ngay thẳng của mình, muốn xoa dịu nỗi đau của người khác trong một xã hội vô cảm, muốn chính mình được thăng hoa lên trên những nhu cầu thường ngày và tâm lý thế tục. 

Số người đó không hề nhỏ trong xã hội chúng ta, trong đó có khá nhiều người trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân, cả người đang có chức có quyền. Họ có năng lực và trình độ, quan tâm sâu xa đến vận mệnh của đất nước. Họ dần dần tìm thấy một thế giới quan tích cực, một tâm thức lành mạnh và thiết tha tầm cầu một ý thức hệ hợp lý, hợp thời đại, đặt giá trị con người lên chỗ cao nhất, từ chối dối trá và bạo lực. 

Nền văn hóa Phật giáo Việt Nam thực ra có thể đáp ứng điều đó. Và thực sự ta cũng thấy ngày càng có thêm nhiều nhóm quần chúng, nhà doanh nhân, thanh niên trí thứcđang tìm hiểu và tu tập trong các trường phái khác nhau của Phật giáo. Từ Bắc vào Nam ở đâu ta cũng thấy có nhiều hoạt động sôi nổi, xây dựng chùa chiền, thuyết giảng, sinh hoạt định kỳ trong khung cảnh Phật giáo. Hình như trong vô thức, người Việt Nam đang quay trở lại tìm trong nền văn hóa dân tộc và Phật giáo những giá trị xã hội có thể thay thế cho những khẩu hiệu và chủ trương đã lỗi thời và không còn được nhiều người tin tưởng. 

Đó là một bước phát triển đáng vui mừng, hợp với qui luật sinh tồn trong thiên nhiên và xã hội. Thế nhưng chúng ta hãy có một cái nhìn nghiêm khắc, vì xuất phát từ kỳ vọng rằng, qua một thập niên mới đất nước sẽ đổi mới, trong đó sự đổi mới về văn hóa và tâm thức sẽ đóng một vai trò then chốt. Do đó hãy nhìn thẳng vào thực trạng của sinh hoạt Phật giáo, trong đó còn tồn tại nhiều điều bất cập. Đã đến lúc Phật giáo cũng phải tự thay đổi chính mình, nếu còn muốn đồng hành với dân tộc. 

Nói thì dễ nhưng bắt tay vào làm thì vô cùng khó, vì Phật giáo Việt Nam, cũng như thuyết Vô ngã đã dạy, cũng là một tập hợp của vô vàn những yếu tố khác nhau. Các yếu tố đó chủ yếu là a) bản thân các vị Tăng Ni, b) tâm lý của quần chúng và c) vai trò của Nhà nước. 

Người viết bài này chỉ là Phật tử sơ cơ và thân phận bé nhỏ, không đủ khả năng góp ý gì về cả ba yếu tố to lớn nói trên, chỉ vì lòng yêu quê hương và đạo pháp mạo muội xin góp vài ý kiến. 

Các vị Tăng Ni là rường cột của giáo pháp, quí vị là “Tăng”, một trong ba pháp bảo mà tín đồ qui y. Tất nhiên quí vị phải đầy đủ giới đức và trên cơ sở tu chứng mà giảng giải đạo lý cho quần chúng. Một khoảng cách nhất định đối với chính trị cần phải được gìn giữ. 

Các vị quần chúng Phật tử là người học hỏi giáo pháp, cần học đúng lời Phật dạy, hiểu rõ các nguyên lý cơ bản của giáo pháp như Duyên sinh và Nhân quả, không rơi vào mê tín dị đoan. Quần chúng cần hiểu rằng, thái độ của mình đối với tu sĩ cũng phần nào ảnh hưởng lên phẩm hạnh của các vị đó. Nhà nước là khung cảnh hoạt động của Tăng Ni và Phật tử. Dân có mạnh thì nước mới giàu. Phật tử và Tăng Ni tinh tấn thì tâm thức xã hội của toàn quốc gia mới phát triển. Trách nhiệm Nhà nước là thành tâm hỗ trợ cho Phật giáo được phát triển, Nhà nước không cần lo ngại các tổ chức Phật giáo sẽ ảnh hưởng lên vai trò lãnh đạo của mình. 

Ngoài Phật giáo, chúng ta còn những tôn giáo khác và cả những ai không tin tôn giáonào. Nhưng nhìn các hoạt động đang diễn ra trên đất nước, ta có thể tin rằng, văn hóaPhật giáo đóng một vai trò then chốt trong đời sống tâm linh của dân tộc, đủ khả năng đồng hành với cả nước đổi mới về xã hội và kinh tế trong thập niên sắp tới. 

Lịch sử chứng minh quyền lợi Phật giáo không bao giờ mâu thuẫn quyền lợi của dân tộc. Phật giáo có thể giúp nước và ngược lại nền chính trị nước nhà cũng giúp ngược lại Phật giáo. Phật giáo có thể cung cấp một cơ sở văn hóa hiện đại và hiếu hòa, năng độngvà nhân bản, phù hợp với đòi hỏi hiện nay của thời đại.

Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 241
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 398
  • Khách viếng thăm: 395
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 61443
  • Tháng hiện tại: 1855318
  • Tổng lượt truy cập: 87659921
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012