Tu sĩ cần bằng cấp để làm gì?

Đăng lúc: Chủ nhật - 25/09/2016 22:24 - Người đăng bài viết: Quảng Châu
Cuộc sống trong bất cứ xã hội nào, thời đại nào, đều hướng đến mục đích cao đẹp hơn, hoàn thiện hơn và đạo đức hơn. Tuy nhiên, vẫn còn rơi rớt một vài thành phần có khuynh hướng tiêu cực, luôn đi xuống nhiều mặt, nhất là ý thức đưa đến hành động thiếu tích cực.
Theo ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó ban Tuyên giáo T.Ư, nói riêng về lĩnh vực quyền lực, cũng đã đưa đến tiêu cực, tiêu cực đó đã lan tỏa vào phạm vi mà ai cũng ngỡ là những tổ chức lý tưởng như học đường, tôn giáo. 

Nó cứ lan rộng dần vào tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, của công việc quản lý và quản trị quốc gia, vào ngay trong các lĩnh vực mà trước đến nay thường được cho là trong sạch, thiêng liêng như: lĩnh vực dạy người, cứu người, an ninh quốc gia, nắm cán cân công lý để bảo vệ sự nghiêm minh, kể cả cơ quan ở cấp cao, cả nhà thờ, chùa chiền, cả lĩnh vực làm từ thiện, nhân đạo, chính sách đền ơn đáp nghĩa.v.v….
 
Góc độ quyền lực trong xã hội nhiễm virus tiêu cực đã đành, những lĩnh vực mang tính thiêng liêng cũng không tránh khỏi nhiễm bệnh bởi loại vi khuẩn "tam độc" vốn là hạt giống tiềm ẩn sâu trong nghiệp thức của mỗi chúng sinh. Chính những hạt giống xấu đó, làm tắc nghẻn đường về "cỏi Phật", đức Phật đã suốt 49 năm không ngừng nói đến việc tiêu trừ nghiệp chướng, đưa ra pháp chuyển hóa hạt giống tiêu cực để mỗi nhân thân được thánh hóa trong cuộc sống, làm thân giáo cho mọi chúng sinh, để cùng thoát khỏi sinh tử luân hồi. 

Hình ảnh tăng thân lý tưởng đó, khuôn vàng thước ngọc trong thánh giáo đó, ngày càng tục hóa để tương thích với hạt giống phàm phu. Phàm phu phát triển tối đa những hạt giống tiêu cực để đắp bồi thêm cao những tham vọng trần tục như những bầy mối vun cao khối đất làm tổ, điều đó là tất yếu nên gọi là chúng sinh, phàm tục.
 
Từ ngày thành lập Tăng đoàn, hình ảnh ´"xuất thế tục gia - xuất phiền não gia - xuất tam giới gia" của Như Lai tướng đã được quần sinh sùng kính, ái mộ, nhờ vậy, suốt ba ngàn năm, hàng triệu tu sĩ trên toàn cầu, trong quá khứ cũng như hiện tại, không sản xuất ra của cải vật chất, không làm kinh tế và tạo mãi...vẫn có cuộc sống không thiếu. 

Những bậc ẩn cư trên non sâu núi thẳm cũng chưa từng chết vì đói, phải chăng do cuộc sống thoát ly quá lý tưởng của người con Phật, buông bỏ tất cả quyền lợi thế gian để tìm đến thế giới siêu thế gian hầu phục vụ lại cho nhân sinh ở thế gian, làm giảm thiểu niềm đau nỗi khổ của nhân thế, vì vậy được gọi là "xuất sĩ".
 
Cuộc sống trong xã hội bị ràng buộc bởi quy tắc tổ chức để tổ chức kiểm soát, nhất là trong xã hội như Việt Nam hiện nay, hành động, đời sống đều được giám định dưới lăng kính của chủ nghĩa; trong ràng buộc đó, lòng tham con người tìm cách thoát khỏi cơ chế để vun quén cho riêng tư, thì vấn đề tiêu cực là điều kiện ắt có phải phát sinh. 

Một xã hội tự do phóng khoáng thì tính tiêu cực lại ít phát triển, hoặc phát triển một cách vừa phải, hợp lý, đó là quy luật tương phản. Cái gì càng cấm đoán, càng o ép thì càng bùng phát. Tâm lý chúng sinh là thế. 

Tuy nhiên, một khi ai đó tự nguyện trong cuộc sống an thân thủ phận hoặc tự thân khép mình vào quy tắc tôn giáo, theo một lý tưởng nhất định, phủ nhận mọi cám dỗ Danh - Lợi - Tình, may ra những tiêu cực khó mà phát sinh. Những bậc chân tu lại càng không để hạt giống tiêu cực Danh - Lợi - Tình phát triển ngoài tầm kiểm soát của Giới - Định - Tuệ.
 
Kẻ có quyền lực thì tiêu cực phát sinh trong tầm tay quyền lực, kẻ không có quyền lực thì tiêu cực phát sinh trong môi trường đang sống. Không có quyền lực địa vị thì vun quén bằng những thủ đoạn khác, cho dù đem đến tổn hại sức khỏe, sinh mạng kẻ khác, miễn mình có thu nhập đầy túi tham, cứ làm. 

Khởi đầu hành động từ thiện là hướng đến sự khổ đau nghèo đói của kẻ khác, nhưng sau đó, hạt giống tham lam len lỏi vào, khiến hành động từ thiện che đậy ý đồ xấu bắt đầu phát sinh. Mọi lĩnh vực trong xã hội đều như thế nếu không tự kiểm soát thường xuyên ý tưởng, hành động của mình. Người tu theo nhà Phật được hướng dẫn tự quán chiếu để hạn chế đưa đến triệt tiêu Tham - Sân - Si, mà con đường giải thoát tự chọn.
 

 
Thế nhưng, trong một xã hội trăm hoa đua nở, đôi khi người tu quên mình đang trang phục chiếc áo, đang thọ nhận sự cúng dường của bá tánh, quên mình là hành giả đang đi trên đạo lộ giải thoát, từ những bước chân đầu tiên nhúng chàm, lần lần lún sâu vào con đường thế tục, chiếc áo trở thành một phương tiện hữu hiệu che đây lòng tham trần tục. 

Những vị mang hình tướng giải thoát mà tâm phàm tục như thế, chư Tổ gọi là "cư sĩ trọc đầu". Những tu sĩ giả sống nhờ chiếc áo, những tu sĩ từ thiền môn cũng sống nhờ chiếc áo mà tâm thoát khỏi thiền môn, đều giống nhau, nhưng khác nhau là được bá tánh trọng vọng và hợp thức hóa trong một tổ chức Giáo hội.
 
Rất may, những tiêu cực trong Thiền môn chỉ là thiểu số, nhưng là thiểu số đáng ngại khi họ là những chức sắc ăn trên ngồi trước, quyền cao chức trọng, nắm sinh mạng hàng vạn tu sĩ và tự viện trong cả nước. Có người bảo - như thế đã là sao nào? 

Một tu sĩ từ nước ngoài về thăm một thiền sư chân tu, - bạch Hòa thượng, con vừa tốt nghiệp tiến sĩ... Thiền sư hỏi - thầy học cao hiểu rộng, cho tôi biết đức Phật ngày xưa đã đậu bằng cấp nào vậy?
 
Trong cuộc sống ngày nay, Phật giáo trở thành chiếc bóng nghiêng của xã hội. Bằng cấp tiến sĩ trăm hoa đua nở từ quan chức nhà nước cho đến chức sắc Phật giáo. 

Xã hội cần bằng cấp để tiến thân trên địa vị xã hội hầu nuôi vợ con, hoặc cung cấp cho chân dài, tu sĩ cần bằng cấp để làm gì khi mà địa vị chức quyền đã không còn chỗ để tiến, (nói theo ngôn ngữ bình dân gọi là đã đụng nóc), chức sắc trong Giáo hội không có lương bổng, lộc Phật hưởng thụ cũng đã đầy đủ, thì cái bằng tiến sĩ như thế có thể thay giấy thông hành để vào Niết Bàn chăng?
 
Một tiến sĩ thực thụ, phải bao năm dồi mài kinh sử, thậm chí thiết lập và bảo vệ luận án không có thời gian ăn uống ngủ nghỉ, thế thì, một chức sắc của Phật giáo hiện nay, càng cao thì công tác phật sự càng nhiều, thời gian đi chứng trai, chứng minh cũng không đủ, công phu tu tập không thể miên mật thì làm sao có thể nghiên cứu, tham khảo sách vở, học ngoại ngữ, dồi mài kinh sử như những thí sinh thuần chủng. 

Phát biểu, ban đạo từ đôi khi cần thư ký soạn sẵn, hướng dẫn tỉ mỉ...ôi, bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh vây quanh những loại tiến sĩ như thế thì luận án được bảo vệ thành công xuất sắc cũng là chuyện lạ trong những cái lạ của thế tục.
 
Trước năm 1975, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phần lớn, các vị lãnh đạo không có bằng cấp, chỉ trong 11 năm mà vừa tổ chức Giáo hội, vừa điều hành phật sự trong thời chiến, nhưng phật sự rất chu toàn và gây tiếng vang trên thế giới, tạo một tầm vóc và thế đứng vững chãi. 

Nhìn lại như thế để thấy 35 năm Giáo hội hiện nay được điều hành bởi những tiến sĩ xuất sắc như thế, rồi mai đây, có lẽ không xa lắm, sẽ có hàng trăm tiến sĩ không cần thông qua trường lớp, các trụ trì lớn nhỏ đều tiến sĩ thì thế giới sẽ nghiêng mình bái phục Phật giáo Việt Nam như bái phục một tập thể từ hành tinh xa lạ. Phật giáo như thế sẽ không cần giải thoát, không thiết Niết Bàn, không cần giáo lý mà chỉ cần thế lý để vinh thân.
 
Luật tương phản hiện rõ, người có khả năng thì không cần bằng cấp, người cần bằng cấp lại không có khả năng. Bậc chân tu thì không cần chức quyền, người thích chức quyền thì đâu gọi là chân tu. Những hạt giống tiêu cực từ xã hội ăn luồng vào Phật giáo như loại vi khuẩn giết người, nó đã giết uy tín của Phật giáo, nó biến các chức sắc Phật giáo thành những quan chức thế tục không cần lợi dưỡng mà cần danh vọng. 

Đức Phật nếu biết hàng trưởng tử của Ngài đều là tiến sĩ, có lẽ Ngài không cần phải khổ công bỏ ngai vàng và suốt 49 năm truyền giảng giáo lý xuất sĩ để ngày nay biến thành tiến sĩ.
 
Ai đó đang mang tâm bảo vệ luận án tiến sĩ một cách xuất sắc, thì hãy dừng lại, vì tiền cúng dường của bá tánh để các ngài tu tập, hướng dẫn quần chúng giải thoát khổ đau phiền não và giúp đỡ bao bệnh nhân nghèo khó, những trẻ cần ăn học, những tu sĩ nơi vùng xa đang thiếu thốn. 

Tu tập tự thân và phát triển phật sự quan trọng hơn bằng tiến sĩ giấy. Bằng tiến sĩ vượt cấp càng nhiều thì Phật giáo càng bị thu hẹp, tín đồ càng bị mất, không xa lắm, Phật giáo Việt Nam chỉ còn lại trên trang giáo sử với danh xưng là Phật giáo tiến sĩ hay là đạo Phật tiến sĩ chứ không còn là đạo Phật giải thoát. Hãy để những vị tiến sĩ thực học, thực tài lãnh đạo Giáo hội thì may ra tránh khỏi cơn khủng hoảng virus tiến sĩ hiện nay.
 

Minh Mẫn, ngày 24 tháng 09 năm 2016

Chú thích: Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn và cách hành văn riêng của tác giả


 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 452
  • Khách viếng thăm: 386
  • Máy chủ tìm kiếm: 66
  • Hôm nay: 59963
  • Tháng hiện tại: 1853838
  • Tổng lượt truy cập: 87658441
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012