Thư kính gửi Đức Thế Tôn

Đăng lúc: Thứ bảy - 30/03/2019 04:48 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Hạnh phúc thay khi con được là đệ tử Ngài, được sống trong Tăng đoàn Thế Tôn. Chiếc áo con mặc, bát cơm con ăn, chiếc giường con ngủ, viên thuốc con uống ... tất thảy đều của Đức Thế Tôn. Chúng sinh mười phương đều tôn kính Ngài. Vì con là con của Ngài, sống trong căn nhà của Ngài, đi trên đường của Ngài nên cũng được thương yêu, nuôi nấng, bảo bọc. Những huynh đệ của con sống trong Tăng đoàn của Ngài cũng được như thế.

 
Kính bạch đức Thế Tôn!
 
Con viết lá thư này gửi đến Ngài với tất cả ưu tư và lòng trắc ẩn nơi tận đáy hồn con. Một lá thư có thể giúp con vơi đi những mệt nhoài thế sự, vì biết rằng con đang được Ngài an ủi, lắng nghe.
 
Hạnh phúc thay khi con được là đệ tử Ngài, được sống trong Tăng đoàn Thế Tôn. Chiếc áo con mặc, bát cơm con ăn, chiếc giường con ngủ, viên thuốc con uống ... tất thảy đều của Đức Thế Tôn. Chúng sinh mười phương đều tôn kính Ngài. Vì con là con của Ngài,  sống trong căn nhà của Ngài, đi trên đường của Ngài nên cũng được thương yêu, nuôi nấng, bảo bọc. Những huynh đệ của con sống trong Tăng đoàn của Ngài cũng được như thế.
 
Con đang tiếp xúc với Thế Tôn, con thấy Thế Tôn nơi tăng đoàn nguyên thủy, một tăng đoàn vững chãi với năng lực của từ ái, bao dung. Con nhớ đến hình ảnh một Tăng đoàn với những vị tôn giả trí tuệ và uy đức khôn lường như trưởng lão Xá Lợi Phất, tôn giả Mục Kiền Liên, tôn giả Ma Ha Ca Diếp, tôn giả Anan... các vị là những trợ thủ đắc lực của Ngài trên đường hoằng truyền giáo pháp, xây dựng Tăng thân và đạo tràng tu học. Nhưng trong đó cũng có những vị còn rất yếu kém trong sự tu tập như Tu Đề Na đã từ bỏ gia đình sống đời thoát tục nhưng vẫn quay về nhà sống với vợ củ khiến xã hội đàm  tiếu,  như Đàn Di Ca qua mặt luật pháp đốn cây về xây dựng Thất riêng khiến vua phiền lòng, quần chúng dè bửu hay như Đề Bà Đạt Đa, nhiều lần chống phá Thế Tôn, chia rẽ Tăng đoàn.
 
Con còn nhớ có lần nội bộ Tăng đoàn xào xáo khiến Ngài phải phiền lòng và vô rừng sống độc cư suốt ba tháng liền không về tịnh  xá. Ngài vô rừng không phải quay lưng với Tăng đoàn mà là tĩnh cư để truyền năng lượng về cho tăng đoàn, giúp hàn gắn những đổ vỡ có thể xảy ta; Ngài dành thời gian để chế tác giới luật mầu nhiệm,  giúp những vị còn khiếm khuyết trong ứng dụng thực tập.
 
Con kính trọng và biết ơn các bậc Giải thoát tăng, chư vị là những đệ tử lớn, đệ tử giỏi của Ngài, là những người tiên phong trong thực tập và thành công trong truyền đạo để hàng hậu học chúng con noi theo, hành trì và tiếp nối đúng nghĩa sự nghiệp của Thế Tôn. Con cũng  kính thương và rất biết ơn các vị “nghiệp chướng tăng”, nhờ chư vị mà Thế Tôn đã chế tác giới luật để hàng đệ tử chúng con không vướng phải những sai lầm.
 
Hai chữ "Tăng đoàn" - làm con xao xuyến! Một đoàn thể sống thanh tịnh,  hòa hợp với những chiếc áo màu nâu đất - màu của nhẫn nại,  bao dung, tha thứ, không kỳ thị, trung kiên và nuôi dưỡng; những chiếc áo vàng - màu của ánh sáng chân lý chiếu soi,  màu của giải thoát, giác ngộ.
 
Nhưng, Thế Tôn ơi...! Con phải biết giải bày với ai ngoài Ngài khi mà hàng loạt những sự cố trong nội bộ Tăng đoàn liên tục xảy ra qua truyền thông, báo chí. Huynh đệ của con gặp nạn và tai nạn này lại là cớ sự nối tiếp tai nạn kia.
 
Pháp mà Ngài dạy cho chúng con là pháp hành. Có những huynh đệ tu tập, hành trì tinh chuyên, đầy đủ giới hạnh và uy đức.  Bên cạnh đó cũng có những huynh đệ không chịu nghiên cứu, học hỏi giáo pháp, yếu kém trong công phu tu tập, không thấu đáo giáo pháp của Thế Tôn, tâm không có một tí chất liệu Phật pháp mà đã vội ra làm Phật sự kết quả dẫn đến là ... ma sự; hậu quả là bị đánh phá, bị vùi dập thay vì được thấu hiểu và thương yêu nhiều hơn.
 
Cũng có những vị chịu học, học rất giỏi, kiến thức sâu rộng, khả năng hoạt ngôn tốt nhưng chỉ dừng lại ở hiểu biết, kiến thức mà không vững chãi trên bước hành trì nên dù mang danh hoằng pháp độ sinh nhưng thực chất chỉ là lí thuyết suông, hí luận, diễn trò ngôn ngữ, lội bể văn chương. Đau đớn hơn, những vị này lại lấy những kiến thức hiểu biết Phật pháp như thứ vũ khí sắc bén công kích, đập phá, xỉa xói vào những huynh đệ của mình đang bị nạn do vì chưa hiểu biết thấu đáo Phật pháp - Đánh cho nó chết.
 
Có đáng trách không khi mà huynh đệ con đã quá khổ đau rồi. Khổ đau vì những ồn ào từ dư luận, khổ đau vì bị tước đoạt mọi mỹ hiệu của một vị tăng, khổ đau vì không thấy được giáo pháp tự bên trong mình sau những phút giây nhìn lại. Tai nạn đã đến với huynh đệ con.
 
Con đau đớn vì có những huynh đệ khác chưa hoặc  không gặp nạn, cũng cố góp phần giải quyết vấn nạn trong khi chưa chánh niệm,  thiếu chất liệu giáo pháp nên vô tình tiếp tục tạo ra tai nạn lớn hơn. Con quặn người khi nghe một ai hỏi "Cùng là con Phật sao không thương quí nhau?". Câu nói quá đổi bình thường nhưng sao đầy chua sót. Nghe xong con đã khóc, con khóc thật nhiều. Con chưa đủ vững chải và điềm tỉnh khi Tăng đoàn bị xúc phạm. Có những vị không phải đệ tử Thế Tôn,  chỉ là có tình cảm với đạo thôi nhưng họ biết đồng cảm, lắng nghe, chia sẻ và dùng tình thương ôm ấp những chiếc áo vàng đang bị nạn.
 
Trong khi có những chiếc áo vàng đang đứng trong hàng ngũ Tăng đoàn thì lại lên án nhau, bài trừ nhau thay vì  lắng nghe để thấu hiểu, cảm thông chia sẻ và thương yêu. Đây mới thật sự là điều làm con trăn trở.
 
Không phải vì một đứa con hư trong một gia đình tốt mà gia đình ấy trở nên xấu xa, đáng bị ghét bỏ. Chính hành động của anh em, họ hàng trong gia đình ấy không đối xử bằng tình thương ngược lại còn mắng mỏ, đánh đập, xỉ vả đứa con hư kia mới làm cho gia đình ấy trở nên xấu xa hơn, tồi tệ hơn. Trong gia đình, đây là gia nạn. Trong Phật pháp, đây chính là pháp nạn. Không một con thú dữ nào có thể giết chết sư tử ngoài những con vi trùng trong thân sư tử.
 
Con còn nhớ, có lần Sadi Cunda chứng kiến Nigantha Nataputta - giáo chủ một tôn giáo - vừa mới qua đời ở Pava, các đệ tử của vị này đã chia bè, chia phái, tranh chấp, tranh luận và sống tàn hại nhau với binh khí miệng lưỡi, đến nỗi tín đồ của Nigantha Nataputta cũng chán ngấy muốn bỏ đạo.
 
Sa di Cunda đã bộc bạch Tôn giả Ananda rồi cả hai cùng đến Thế Tôn, mong được chỉ giáo.
 
Đức Phật dạy,  những pháp Ta dạy cho các ông với vô thượng trí như Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy Bồ đề phần, Thánh đạo tám ngành, không có pháp nào dạy về luận tranh, khẩu tranh, đấu tranh cả mà chỉ nhằm mục đích ứng dụng tu hành. Nếu thực hành tốt sẽ không có bất cứ mẩu thuẩn nào xảy ra. Còn những vị nào chỉ dùng giáo pháp để tranh luận hơn thua, đúng sai, phải trái  giữa tăng chúng. Tranh luận ấy sẽ đem đến bất an cho đa số, bất hạnh cho đa số, đau khổ cho loài Trời và loài Người.
 
Kính bạch đức Thế Tôn! 
 
Không còn bao ngày nữa là chúng con kỷ niệm ngài Thế Tôn ra đời, vậy mà tăng đoàn chúng con đang phải vướng vào tai nạn lớn. Món quà nào sẽ là phẩm vật quý báu nhất mà tăng đoàn con dâng cúng đức Thế Tôn nhân ngày Phật đản? Con biết dù sự đau đớn trong con có lớn thế nào thì người đau nhất vẫn là đức Thế Tôn.
 
Chúng con đã cố tình đã gắn vào môi Thế Tôn những câu chữ mà Ngài chưa bao giờ nói;  Chúng con cố tình đã gắn vào tay Thế Tôn những điều  mà Ngài chưa bao giờ làm; Chúng con đã cố tình đã nhét vào đầu  Thế Tôn những học thuyết mà Ngài chưa bao giờ nghĩ đến. Chúng con tự dựng lên hình ảnh một đức Phật theo tư duy trần thế rồi vin vào đó, nhân danh Thế Tôn làm những điều phi chánh pháp, phi giới luật.
 
Thế Tôn đã dạy về Sáu pháp hòa kính để hàng đệ tử chúng con lấy đó làm nền tảng căn bản, xây dựng nếp sống tăng đoàn hòa kính, hạnh phúc và an lạc, cùng đồng một tâm, cùng hoà một chốn.
 
Con chỉ có một ước nguyện duy nhất rằng Tăng đoàn con hòa hợp, thương kính nhau.
 
Kính bạch đức Thế Tôn! 
 
Dù tai nạn có lớn thế nào thì huynh đệ con cũng đều đáng thương hơn là đáng trách. Huynh đệ con đều muốn xây dựng hơn là đập  phá. Tất cả chỉ vì chưa đủ tuệ giác tỉnh thức để Thế Tôn luôn biểu hiện nơi mỗi huynh đệ mà thôi. Một bộ phận trong cơ thể đang bị tổn thương, nhiệm vụ của con là chữa lành. Tăng đoàn con gặp nạn, hiển nhiên một điều con phải thương yêu. Càng nương tựa Tăng thân, chúng con càng dễ buông bỏ mặc cảm mình là một cái ta riêng lẻ. Con ý thức sáng tỏ nếu thả mình vào Tăng thân, chúng con sẽ thấy rất rõ rằng con mắt, bàn tay, trái tim của Tăng thân lớn hơn bất kỳ một cá nhân nào. Con nguyện không đi vào vết đỗ mà huynh đệ con đã đi mà chỉ nguyện sống tỉnh thức, bao dung. Lấy giới luật làm thầy, lấy từ tâm mà hóa giải, lấy chánh ngữ, ái ngữ để làm chất liệu xây dựng lại công trình dang dỡ từ những đau khổ, nạn tai.
 
Bình minh chỉ thật sự có mặt khi con nhìn cuộc đời đầy biến động và vô thường với đôi mắt thương, biết nghe những câu chuyện thị phi với tấm lòng rộng mở, không thành kiến, không phán xét và biết nói với nhau những lời ái ngữ, nhẹ nhàng.
 
Chúng con nhận thức sâu sắc rằng, nếu chúng con siêng năng tu tập, hành trì đúng lời Đức Thế Tôn dạy, thì Ba Vàng kia chính là Ba ngôi cao quý Phật Pháp Tăng. Ngược lại đó cũng chính là ba độc tham sân si.
 
Phật thân, Pháp thân và Tăng Tăng thân tương tức cho nên con phải nuôi dưỡng Tăng thân con, cũng là nuôi dưỡng Phật và Pháp thân Thế Tôn mãi trường tồn.
 
Điều Ngự Tử Trí Chơn 
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 378
  • Khách viếng thăm: 370
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 125007
  • Tháng hiện tại: 1849849
  • Tổng lượt truy cập: 87654452
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012