Bệnh đổ thừa

Đăng lúc: Thứ hai - 07/09/2015 23:01 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Chúng ta phải quay trở về thực tập, học thấy lỗi của mình để chuyển hóa bản thân.

Có bao nhiêu người trong chúng ta, khi gặp chuyện gì xảy ra không như ý muốn, thì điều đầu tiên nhất là kiếm cớ đổ tội cho người khác, cho hoàn cảnh! Ðây là mẩu chuyện ngắn xảy ra cho một bà nội trợ, có bệnh hay đổ thừa: Bà ta đang đứng trong nhà bếp, mặc chiếc áo hồng nhạt, và cái quần trắng tươm tất, đắt tiền. Trong tay bà là tách cà-phê đầy, vừa mới pha xong, còn nóng hổi. Ðây là ly cà-phê thứ hai. Bỗng dưng, bà hụt tay làm rơi cái ly cà-phê xuống sàn nhà bếp, mảnh vỡ văng tứ tung, nước cà-phê đen đậm tung tóe lên bộ quần áo đắt tiền. Và câu nói đầu tiên phát ra từ miệng bà là: “Ðúng là tại ông chồng mắc dịch!”.

Bạn hãy thử xem cách bà ta giải thích như thế nào về cái lỗi của ông chồng khiến bà ta làm đổ ly cà-phê và làm lấm lem bộ đồ đắt tiền mà bà yêu thích: Ông chồng bà thích chơi tennis, và ngày hôm trước ông ta đi chơi tennis với một số người bạn. Bà ta có dặn chồng nhớ về sớm, khoảng 10 giờ tối, vì bà không thể đi ngủ trước khi chồng bà về nhà. Ông chồng, vì lý do nào đó, đến 11 giờ tối mới về tới nhà. Do đó mà bà bị đi ngủ trễ mất một tiếng. Chính vì vậy mà bà cần tách cà-phê thứ hai để được tỉnh ngủ. Nếu như mà ông chồng bà về đúng giờ thì bà đâu có uống tách cà-phê thứ hai, nên làm gì có chuyện bà làm đổ tách cà-phê, làm lấm lem bộ đồ đẹp! 

Trong lúc bà đang lau dọn nhà bếp vì tách cà-phê bị đổ thì ông chồng của bà gọi điện thoại về, hỏi rằng: “Ở nhà vui vẻ chứ hả, bà xã?”. Bà ta liền trả lời: “Tôi sẽ nói cho ông nghe chuyện gì vừa xảy ra!”. Và bà bắt đầu kể lể với cái giọng rất hậm hực, hờn giận. Bà mới nói tới câu tách cà-phê bị đổ thì ông chồng cúp điện thoại vì ông ta biết chuyện gì đã xảy ra.

Như vậy, bệnh đổ thừa là bệnh gì? Chúng ta đều biết chuyện đổ thừa cho thời tiết, cho chính phủ, cho cha mẹ, hoặc cho cái máy vi tính mắc dịch hay trở chứng của mình!  Ðây là những ví dụ điển hình. Ðã bao nhiêu lần chúng ta đi đến kết luận như vậy khi có chuyện gì xấu xảy ra; và việc đầu tiên bạn muốn biết là lỗi tại ai đây (chớ không phải tại tui)? Thậm chí còn có bài hát đổ thừa cho trời đất: “Không phải tại anh, cũng không phải tại em. Tại trời xui khiến nên…”. Nói cho vui vậy thôi chớ căn bệnh đổ thừa này đang càng ngày càng tràn lan trong giới trẻ, và tất nhiên là luôn cả giới già vì dễ quá! Cứ đổ thừa đại cho ai đó là mình phủi tay, vô trách nhiệm! 

Những nghiên cứu gần đây về bệnh hay đổ thừa: Ðổ lỗi cho người, hay cho cái gì đó là một hình thức giải phóng những sự khó chịu và đau đớn trong lòng. Nó có một mối liên hệ trái ngược với tinh thần trách nhiệm. Có trách nhiệm là một tiến trình dễ bị tổn thương, hay dễ bị chỉ trích. Ví dụ, khi mình muốn nói chuyện với ai đó vì cảm giác bị đau khổ do trách nhiệm chưa tròn, hay làm sai quấy một điều gì đó mà mình đang chịu trách nhiệm, mình thường chỉ nói chuyện này với người nào dễ thông cảm cho mình.

Người nào có tật hay đổ thừa thường ít có tính kiên trì bền bỉ, và thiếu can đảm để nói người khác phải chịu trách nhiệm cho việc chính người đó đã làm, bởi vì mình cứ lo phí sức vào việc sân giận người khác và đổ lỗi cho họ; và chính mình cũng ít khi nhận lỗi.  Bệnh đổ thừa thường làm cho các mối liên hệ tình cảm bị bào mòn và nó cũng chính là tác nhân khiến chúng ta đánh mất cơ hội để cảm thông với người. Bởi vì khi có chuyện gì đó xảy ra, chúng ta không dành thời gian lắng nghe hết câu chuyện mà lo tìm kiếm càng nhanh càng tốt, những đầu mối nào đã khiến cho mình làm sai.

Khi mình đổ thừa lỗi lầm của mình cho ai đó, mình đang che giấu sự thật về bản thân mình. Phật dạy chúng ta phải nói sự thật, dù đôi lúc, sự thật có thể làm tổn thương chính mình. Ðổ thừa là một dạng nói dối, phạm giới thứ tư. Mình sợ bị liên lụy, hay sợ bị gánh trách nhiệm, hay vì sợ bị xấu hổ nên mới đổ thừa lỗi cho người khác. Cách hành xử này chỉ mang đến tai họa cho mình về sau vì mình không học được gì từ những sai lầm do mình gây ra. Thay vì rút kinh nghiệm cho lần sau, chúng ta lo đổ hết công sức tìm cách bào chữa cho mình, và trút hết lỗi lầm lên người khác. Nên chi, mình không ăn năn, hối lỗi về những điều sai phạm do chính mình gây ra thì làm sao mà tu tập, sửa sai được! Ðức Phật có dạy rằng, trên đời có hai hạng người tốt nhất. Một là hạng người không bao giờ lầm lỗi. Còn hạng thứ hai là biết mình lầm lỗi mà lo ăn năn, sám hối, tránh không tái phạm.

Bệnh đổ thừa còn khiến mình sống vô trách nhiệm. Vì sợ bị chê cười nên mình cứ luôn viện cớ đổ lỗi cho người khác. Tệ hại hơn nữa, kể cả khi mình biết chắc tự đáy lòng, đó là lỗi do chính mình gây ra! Chúng ta sống dối trá, bề ngoài. Trong gia đình, thậm chí còn đổ lỗi lẫn nhau. Người này đổ lỗi người kia, người kia lại đổ lỗi người này. Cái trò đổ lỗi cho nhau là rất thông thường, nếu bản thân họ không bị bắt quả tang, đang làm sai. Cách sống ‘tốt khoe, xấu che’ đã trở thành thói quen nguy hại, thường tìm cách trốn tránh, không dám đối diện với những cái dở, cái xấu của bản thân.

Kinh Pháp cú, phẩm Cấu uế, Phật dạy:

Dễ thay thấy lỗi người,

Lỗi mình thấy mới khó.

Lỗi người ta phanh tìm,

Như sàng trấu trong gạo.

Còn lỗi mình, che đậy,

Như kẻ gian giấu bài.

(HT.Thích Minh Châu dịch)

Ngoài ra, đổ thừa cũng là một hình thức đưa mình lên và hạ người khác xuống. Khi mình nhanh chóng đổ thừa cho ai vì họ làm cẩu thả, bừa bãi mình cũng cảm thấy một thoáng hả hê vì mình ‘ngon lành’ hơn họ. Hoặc dĩ mình có làm sai thì cũng tại họ mà ra nông nỗi này. Nói chung, người hay có căn bệnh đổ thừa, ngay trong tâm ý, họ đã không có thói quen nhận lỗi về mình. Họ luôn tìm một lý do nào đó để chạy tội. Thậm chí có lúc mình làm như mình là ‘nạn nhân’ của người kia. Sở dĩ có cớ sự như vầy vì người kia, người nọ ghét bỏ mình. Cho nên, mọi chuyện sai trái xảy ra là do người khác cố tình gài bẫy cho mình làm sai!

Cho nên Phật dạy chúng ta phải ý thức những khổ đau, phiền não do mình gây ra qua những lời nói thiếu chánh niệm từ việc đổ thừa lỗi lầm của mình cho người khác. Chúng ta phải quay trở về thực tập, học thấy lỗi của mình để chuyển hóa bản thân. Có thể căn bệnh đổ thừa này phát nguồn từ đời sống thiếu trách nhiệm, và thiếu ý thức mà mình học được từ những người khác, hay trong hoàn cảnh sống. Hãy học sống chân thật, dẹp bỏ những dối gian, lừa đảo, đổ lỗi cho người vì tự ái, vì muốn khoe khoang, hay vì bất cứ lý do gì! Chúng ta ý thức rằng cái lối sống hay đổ lỗi cho người này đã không mang lại an lạc, hạnh phúc gì cho mình; ngược lại, nó còn làm cho chúng ta luôn âu lo, sợ hãi người khác khám phá ra sự thật về bản thân mình. Cho nên Phật còn dạy thêm bốn điều cần thiết để tự vấn lương tâm trước khi nói:

- Tại sao mình nói điều này?

- Lời nói này có hoàn toàn đúng như sự thật?

- Bây giờ có phải là đúng thời, đúng lúc để nói ra hay không?

- Lời nói này mang lại lợi lạc hay tai hại?

Nếu động lực khiến mình nói ra lúc này là vì lợi ích cho bản thân, hay vì giận hờn; nếu nó hoàn toàn không đúng sự thật; nếu nó không phải lúc để nói ra; hay nó có thể đem lại đau khổ nhiều hơn là an lạc, vậy tốt hơn hết là đừng nên nói, đừng nên đổ thừa. Chỉ đơn giản vậy thôi! Trong Kinh tạng, chúng ta thấy Ðức Phật thường trì hoãn trả lời những điều có thể khiến người hỏi không thích, hay không vui cho đến khi họ lặp lại câu hỏi đến ba lần.

Trong kinh Pháp cú, phẩm Song yếu, Phật dạy:

Ý dẫn đầu các pháp

Ý chủ trì, tạo tác

Nếu ngôn từ, hành động

Với tâm ý nhiễm ác

Khổ theo tựa bánh xe

Ði sau dấu chân bò.

(TK.Giác Ðẳng dịch)

Như vậy, căn bệnh đổ thừa, suy cho cùng, chẳng mang lại lợi lạc gì cho mình cả; ngược lại, nó còn mang đến khổ đau, tuyệt vọng. Nếu chúng ta muốn tu thân mà cứ tiếp tục đổ thừa cho cái này, cái kia, người kia, người nọ thì mình sẽ chẳng bao giờ tu học được gì! 

 

Tác giả bài viết: Thiện Ý
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 258
  • Khách viếng thăm: 243
  • Máy chủ tìm kiếm: 15
  • Hôm nay: 133520
  • Tháng hiện tại: 2970617
  • Tổng lượt truy cập: 91862190
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012