Bước đầu học Phật - P1

Đăng lúc: Thứ ba - 25/09/2012 03:14 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
Bước đầu học Phật - P1

Bước đầu học Phật - P1

“Sau khi Ta diệt-độ, phàm hết thảy pháp-tạng của Ta nói ra, các vị cần suy-nghĩ, vâng theo gìn-giữ, siêng làm tinh-tiến, không lâu tự mình sẽ được giải-thoát”.
 

“Sau khi Ta diệt-độ, phàm hết thảy pháp-tạng của Ta nói ra, các vị cần suy-nghĩ, vâng theo gìn-giữ, siêng làm tinh-tiến, không lâu tự mình sẽ được giải-thoát”.

KINH ĐẠI BÁT-NIẾT-BÀN

VÀI LỜI…

Bắt đầu gặp nhau trong nhà Đạo, người quy-y và người hướng-dẫn biết hỏi và biết tặng món quà pháp-vị gì cho hợp?
Thực vậy, kinh sách man-mác, giáo-lý cao-siêu, danh-từ khúc-mắc, nghi-thức tụng-niệm quá nhiều – nghiêng nặng về cầu-siêu, cầu-an – không biết xem gì, tụng gì và nhất là nhiều người không có hoàn-cảnh, thỉnh đủ.

Giải-đáp thực-trạng phân-vân trên, giúp người Phật-tử hiểu qua những điểm chính trong giáo-lý, biết qua sự nghiệp người xưa, công việc hiện nay và biết đặt mình vào sự rèn-luyện thân-tâm trong khuôn-khổ giác-ngộ và xử-thế, tôi biên-soạn cuốn sách nhỏ này.

Cuốn sách nhỏ này không có kỳ-vọng cao xa, nó chỉ ứng theo nhu-cầu cần-thiết, mong giúp một số vốn tối-thiểu cho người mới vào Đạo muốn tiến trên đường tu-học thực-sự.

Viết tại Sài-thành mùa Đông năm Mậu-tuất (1958)
Thích-Tâm-Châu

 
GIÁO-LÝ

“…Khai-thị chúng-sinh ngộ-nhập Phật-tri-kiến.”

1.- MỤC-ĐÍCH PHẬT-HỌC và HỌC PHẬT

PHẬT-HỌC: thông-thường gọi là học-thuyết[1] giáo-lý[2] của Phật. Nghĩa là những lời của bậc giác-ngộ[3], kết-tinh[4] thành giáo-lý, chia thành từng môn, cho người sau tu-học, giác-ngộ.
Mục-đích[5] của Phật-học là huân-tập[6] cho con người trở thành con người có nhân-cách tương-đối, đầy-đủ ba đức tính: từ-bi, trí-tuệ, dũng-mãnh. Và, tiến lên, hướng-dẫn con người hoàn-thành nhân-cách viên-mãn; nghĩa là rèn-luyện cho con người đầy-đủ phúc-đức, trí-tuệ thành bậc giác-ngộ hoàn-toàn.
HỌC-PHẬT là nghiên-cứu, học-hỏi, tu-học Phật-pháp (giáo-pháp của Phật).
Mục-đích của sự học Phật là không cầu tư-lợi, không nghiên-cứu suông; chỉ mong phát trí hiểu biết, diệt-trừ khổ-não, đạt tới chỗ thành Phật và cứu-độ chúng-sinh.
Người Phật-tử tin-nhận học-thuyết của Phật tinh-tiến tu-học giáo-lý ấy, không nhận lẫm sự vật, tiến-triển đúng đường chân-chính, phát-sinh trí-tuệ, mở lòng rộng lớn, hiện-tại thoát khổ được vui và dần dần thành bậc Đại-giác (Phật).

2.- TAM-QUY
(Quy-y 3 ngôi báu)
Một người được gọi là tín-đồ Phật-giáo hay được gọi là Phật-tử, phải thụ Tam-quy trước đã.
Tam-quy tức là quy-y Tam-bảo. Nghĩa là, quay về, nương-tựa và sống theo ba ngôi báu là Phật, Pháp và Tăng.
Phật (Buddha) là đấng giác-ngộ hoàn-toàn.
Pháp (Dharma) là giáo-lý, phương-pháp diệt khổ được vui.
Tăng (Samgha) là đoàn-thể hòa-hợp, cầu đạo giác-ngộ của Phật và hành-trì[7] chính-pháp của Phật.
Người Phật-tử quy-y Tam-bảo là người tránh xa sự tà-vạy, si-mê, nguyện trọn đời quay về và sống theo Tam-bảo, quyết không tin theo đạo-giáo khác.

3.- TAM-BẢO
(3 ngôi báu)
Tam-bảo là ba ngôi báu: Phật, Pháp, Tăng.
Vàng bạc, châu-báu ở đời tuy rằng quý nhưng, còn trong vòng mất, còn, thay đổi. Đối với Phật, Pháp, Tăng hàm-tàng 10 ý-nghĩa cao quý: vững bền, không nhơ, cho vui, khó gặp, phá phiền-não, uy-đức, mãn-nguyện, trang-nghiêm, rất mầu-nhiệm và không chuyển-biến…đem lại cho chúng-sinh phương-pháp thoát khổ, được vui, nên tôn xưng là “Bảo”.
Tam-bảo phân chia nhiều bậc, nhưng tóm-tắt có thể thành ba bậc như sau:
1.- Đồng-thể Tam-bảo:[8] Còn gọi là Nhất-thể Tam-bảo, Đồng-tướng Tam-bảo: a) Phật bảo: Phật và chúng-sinh đồng một lý-thể giác-chiếu (bản-thể chân-lý hiểu biết, sáng-suốt hoàn-toàn). b) Pháp-bảo: Phật và chúng-sinh đồng một pháp-tính[9] viên-mãn, thường-trụ và bình-đẳng. c) Tăng-bảo: Phật và chúng-sinh đồng một thể-tính[10] hòa-hợp thanh-tịnh.
2.- Biệt-thể Tam-bảo:[11] Còn gọi là Chân-thực Tam-bảo[12], Xuất-thế Tam-bảo:[13] a) Phật bảo: Pháp-thân, Báo-thân, Hóa-thân[14] của Phật, chỉ vào các đấng đã giác-ngộ hoàn-toàn như đức Phật Thích-Ca Mưu-Ni. b) Pháp-bảo: Chính-Pháp của Phật như Tam-học, Tứ-đế, Lục-độ v.v…[15] c) Tăng-bảo: Các vị Thánh-tăng, Bồ-tát tăng…
3.- Trụ-trì Tam-bảo:[16] a) Phật-bảo: Tranh, tượng Phật. b) Pháp-bảo: Kinh, Luật, Luận: Tam-tạng thánh-giáo của Phật. c) Tăng-bảo: Các vị Tăng-sĩ.
Nếu ai quy-y Tam-bảo, nhận rõ ý-nghĩa Tam-bảo, như-thực tu-hành, thoát-ly khỏi các nơi khổ-não, được đạt tới cảnh-giới giải-thoát Niết-bàn.[17]

4.- TAM-TẠNG
(3 kho giáo-lý)
Tam-tạng: Ba kho-tàng chứa đựng giáo-lý của Phật là: Kinh, Luật và Luận:
1.- Kinh: Tiếng Phạm (Ấn-độ) gọi là Tu-đa-la (Sutra). Tàu dịch là Kinh. Kinh gọi đủ là Khế-kinh, có nghĩa là thâu-tóm những giáo-pháp hợp-lý, hợp-cơ của Phật thành một loại, hầu hướng dẫn cho sự tu-học và đem lại lợi-ích chân-thực cho chúng-sinh. Kinh có kinh Đại-thừa và kinh Tiểu-thừa.
2.- Luật: Tiếng Phạm gọi là Tỳ ni (Vinaya). Tàu dịch là Luật. Là giới-luật của đức Phật chế cấm để dạy cho chúng đệ-tử ngăn-ngừa và diệt-trừ nghiệp ác, hầu tiến trên đường thiện-chính, làm cửa ngõ vào cảnh-giới Niết-bàn.
3.- Luận: Tiếng Phạm gọi là A-tỳ-đạt-ma (Abhidharma). Tàu dịch là “đối-pháp, vô-tỷ-pháp…” Đối-quán[18] trí-tuệ thù-thắng[19] của chân-lý là “đối-pháp”. Và, trí-tuệ thù-thắng ấy không có gì sánh kịp nên gọi là “vô-tỷ-pháp”. Theo tiếng Phạm, Luận còn có một tên riêng nữa là “Ưu-bà-đề-xá” (Upadesa), Tàu dịch là ‘Luận” và có nghĩa là hỏi, đáp, bàn-bạc về tính-tướng[20] của mọi pháp, phát-sinh trí-tuệ thù-thắng.
Tam-tạng có chỗ thêm Bát-nhã-tạng và Đà-la-ni-tạng thành Ngũ-tạng.
Người Phật-tử nhất tâm duy-trì[21] Tam-tạng làm cơ-sở tu-học: Giới, Định, Tuệ, sẽ đạt tới giác-ngộ và giải-thoát.

5.- NGŨ-GIỚI
(5 điều răn)
Muốn con người được xứng-đáng với ý-nghĩa con người; muốn xã-hội trở thành một xã-hội an-vui, cần thực-hành năm điều răn:
1.- Không được sát-sinh: Không được giết-hại các sinh-mệnh khác mà nó cùng có sự ham sống sợ chết như mình.
2.- Không được trộm cắp: Tôn-trọng của người; vật gì không phải của mình không được lấy.
3.- Không được tà-dâm: Không được ngoại-tình.
4.- Không được nói dối: Không nói những lời sai sự thực, có hại.
5.- Không được uống rượu: Không được say-sưa rượu-chè, có hại cho tư-cách, trí-tuệ và gia-nghiệp.
Ngoài việc đối với tự-thân, xã-hội hiện-tại, năm điều răn còn là cửa ngõ sinh lên Nhân, Thiên và Niết-bàn.

6.- BÁT QUAN-TRAI
(8 pháp quan-trai)
Nghiêm-trì giới-luật và tịnh-tâm tu-niệm là hai món tư-lương tối-yếu trên con đường giải-thoát của người Phật-tử.
Với lòng từ-bi của Phật, người Phật-tử tại-gia vì bận việc gia-đình, xã-hội, không thể thoát-ly trọn đời để tu niệm được, Ngài chế ra tám pháp quan-trai[22], thực-hành một ngày một đêm cũng được công-đức vô-lượng. Tám pháp ấy là:
1.- Không sát-sinh.
2.- Không trộm-cắp.
3.- Không dâm-dục.
4.- Không nói dối.
5.- Không uống rượu.
6.- Không trang-sức các vật quí-báu và không xoa-bôi đồ thơm vào mình.
7.- Không ca múa hát xướng, không đi xem, nghe.
8.- Không nằm giường cao, rộng.
Và một trai-pháp là không ăn phi-thì, nghĩa là không ăn quá giờ ngọ.
Việc thụ-trì 8 pháp quan-trai này hoặc phải có giới-sư truyền-thụ hay là tự mình phát-nguyện thụ-trì[23] ngay ở nhà cũng được, nhưng phải làm đúng. Làm đúng, ba nghiệp[24] được thanh-tịnh, do đó thiện-nghiệp phát-triển, gieo sâu hạt-giống vô-lậu[25] giải-thoát trong tâm-điền[26], khỏi sa đường ác và sẽ sinh về nơi An-lạc.[27]

7.- THẬP-THIỆN
(10 nghiệp lành)
Tiến xa, rộng hơn, người Phật-tử nên thụ-trì thập-thiện.

Thập-thiện là mười nghiệp lành do nơi thân, miệng, ý tạo ra:

A.- Ba nghiệp nơi thân:
1.- Không sát-sinh, hay làm việc hộ-sinh.
2.- Không trộm cắp, hay làm hạnh bố-thí.
3.- Không dâm-dục, thường giữ hạnh thanh-tịnh.

B.- Bốn nghiệp nơi miệng:
4.- Không nói dối, nói chân-thực.
5.- Không nói thêu-dệt, nói đúng nghĩa.
6.- Không nói lưỡi đôi chiều, nói hòa-hợp.
7.- Không nói thô-ác, nói dịu-dàng.

C.- Ba nghiệp về ý:
8.- Không tham-lam, quán bất-tịnh,[28] thực-hành thiểu-dục (ít muốn) tri-túc (biết đủ).
9.- Không sân-hận, quán từ-bi[29], thực-hành nhẫn-nhục.
10.- Không tà-kiến (si-mê), quán nhân-duyên[30], phát trí hiểu biết.
Mười nghiệp lành trên đây là cả một chương-trình vĩ-đại đối với mình và người. Nếu thực-hành đúng, kết-quả cũng vĩ-đại.

8.- TỤNG KINH
Tụng kinh là đọc lên những lời Phật dạy ghi chép trong kinh-sách bằng cách chí-thành, suy-ngẫm, và tin-tưởng.
Tụng kinh làm cho thân, miệng trong sạch, tâm-ý bình-tĩnh, phát-sinh trí-tuệ và gây nhân-quả tốt. Tụng kinh tập-trung được tư-tưởng, tạo thành một năng-lực mạnh-mẽ, diệt-trừ tội lỗi nơi mình, đem lại sự trong sạch, an-vui cho người trong tinh-thần giao-cảm.[31]
Tụng kinh là một phương-pháp hay nhất của người Phật-tử muốn tu và muốn tiến. Người Phật-tử tự coi mình có bổn-phận tụng kinh hai thời: sớm, tối trong ngày hay ít ra cũng một tháng hai kỳ.

9.- NIỆM PHẬT
Người Phật-tử tin-tưởng mình có Phật-tính[32] và sẽ thành Phật, nên cần niệm Phật.
Niệm Phật là nhớ-nghĩ đến Phật; nhớ-nghĩ đến đức-tính: từ-bi, tinh-tiến của Phật, tức là gợi lại cái tính Phật sẵn có tại nơi mình, hầu đem áp-dụng vào cuộc sống lợi-ích cho mình và cho người.
Niệm Phật có ba phương-pháp:
1/ Xưng-danh niệm Phật: Miệng niệm danh hiệu Phật.
2/ Quán-tưởng niệm Phật: Ngồi yên quán-sát, tưởng-niệm công-đức tướng-hảo của Phật.
3/ Thực-tướng niệm Phật: Quán-tưởng pháp-thân của Phật là lý thực-tướng trung đạo chẳng phải có, chẳng phải không.
Nhưng, phương-pháp niệm danh-hiệu Phật là dễ-dàng và thông-dụng nhất. Niệm Phật, dù niệm danh-hiệu đức Phật nào theo bản-nguyện của mình đều được, nhưng điều quan-trọng hơn hết là phải nhất-niệm. Nghĩa là chỉ nhớ-nghĩ tới Phật, đức-tính Phật, không một vọng-niệm (nhớ-nghĩ xằng) nào xen vào.
Người nhất-tâm niệm Phật, huân-tập đức-tính Phật, không tưởng-niệm mông-lung, sẽ tạo cho mình có đức-tính như Phật, cải-tạo thế-giới vẩn-đục, độc-ác, thành thế-giới trong sạch, yên-vui.
Người Phật-tử cần tinh-tiến niệm Phật.

10.- LẦN TRÀNG (chuỗi)
Lần tràng (chuỗi) là một hình-thức trợ-duyên cho chính-niệm (nhớ-nghĩ chân-chính) khỏi bị tạp-niệm (nhớ-nghĩ phức-tạp) xen vào; là tiêu-chuẩn[33] cho ý-định niệm Phật của người niệm và là biểu-tượng[34] đối-trị[35] của chính niệm diệt-trừ phiền-não.
Lần tràng gắn liền với niệm Phật. Khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, tràng mang theo mình và chí-tâm niệm Phật, không phân-tán ý-niệm, được công-đức vô-lượng.
Tràng có nhiều thứ: 1.080 hạt, 108 hạt, 54 hạt, 42 hạt, 27 hạt, 21 hạt và 14 hạt. Số mục của tràng hoặc lớn hoặc nhỏ đều có biểu-thị[36] cho các tôn-vị,[37] các quả-vị[38] để đối-trị phiền-não.
Vật-liệu làm tràng hoặc bằng vàng, bạc, châu-báu hay các thứ hạt, các thứ gỗ nhưng, nhiều phúc-báo hơn phải kể là tràng bằng hạt bồ-đề[39], hạt sen, kim cương.
Phép lần tràng tay phải sạch-sẽ, tay hữu cầm tràng để vừa trước ngực ngang trái tim; chuỗi tràng để trên ngón tay giữa, đầu ngón tay cái và đầu ngón tay chỏ cầm vào hạt tràng, mỗi niệm lần một hạt. Lần từ hạt giáp hạt giữa, lần vòng đến khi lại giáp hạt giữa, lần quay trở lại không được lần qua hạt giữa.
Lần tràng có nhiều ý-nghĩa như trên, người Phật-tử nên cố-gắng thực-hành.

11.- ĂN CHAY
Ăn chay là ăn các thức rau, trái.
Loài vật cũng là một động-vật như người, cũng biết ham sống, sợ chết, cũng biết thương-xót trước cảnh biệt-ly và đau-đớn trong khi xúc-phạm tới thân-thể, vì thế người có lòng từ-bi không nỡ giết và ăn thịt nó.
Thịt sinh-vật có nhiều chất kích-thích, làm cho người ăn nó sinh ra tính-tình hung-bạo, nhiều dục-vọng, nhiều bệnh-tật và kém phần trí-tuệ, nên nhiều nhà y-học khuyên ta không nên ăn thịt hay là nên ăn ít.
Vì hai lẽ trên, người Phật-tử giữ giới, ăn chay trường được càng quý hoặc ăn chay từng kỳ như sau:
- Mỗi năm ăn chay 3 tháng: tháng giêng, tháng năm và tháng chín.
-Mỗi tháng ăn chay 10 ngày: 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30 (tháng thiếu tính từ ngày 27)
- Mỗi tháng ăn chay 6 ngày: mồng 8, 14, 15, 23, 29 30.
- Mỗi tháng ăn chay 4 ngày: mồng 1, 14, 15, 30.
- Mỗi tháng ăn chay 2 ngày: mồng 1 và 15.

12.- SÁM-HỐI
Là con người, trong sự hoạt-động thường ngày chưa chắc đã tránh khỏi lỗi-lầm. Có lỗi-lầm, biết ăn-năn sửa-đổi, tu-tiến là một cử-chỉ đáng khen và nên theo. Đó là sám-hối, theo danh-từ Phật-học.
“Sám-hối” là hai chữ ghép chung tiếng Phạm (Ấn-độ) và tiếng Hán mà thành. Tiếng Phạm gọi là Sám-ma (Ksamayati) Tàu dịch là “hối-quá”, gọi chập lại là “Sám-hối” và có nghĩa là tự mình bày tỏ những lỗi mình làm trước, ăn-năn từ nay xin sửa đổi, không dám phạm nữa.
Sám-hối có ba pháp:
1/ Tác-pháp-sám: Y-pháp, hướng Phật-tiền sám-hối (hoặc lễ danh-hiệu Phật).
2/ Thủ-tướng-sám: Định-tâm vận-tưởng sám-hối, thấy Phật xoa đầu hoặc thấy hào-quang.
3/ Vô-sinh-sám: Chính-tâm, quán-lý vô-sinh (không sinh diệt).
Nơi con người từ vô-thỉ tới nay do thân, miệng, ý tạo ra biết bao nhiêu tội-lỗi. Lỗi-lầm càng che-dấu, tội báo càng tăng thêm, càng vòng quanh trong sinh-tử mãi mãi, thế nên cần phải sám-hối. Ngay như trong phẩm Phổ-Hiền kinh Hoa-Nghiêm cũng nói lên rằng: “Ngã tích sở tạo chư ác-nghiệp, giai do vô-thỉ tham, sân, si. Tòng thân, ngữ, ý chi sở sinh, nhất-thiết ngã kim giai sám-hối ”. (Xưa tôi tạo nên các nghiệp ác, đều do tâm tham, sân, si của tôi từ đời vô-thỉ và, từ nơi thân, miệng (lời nói) ý của tôi mà sinh ra. Vậy, hết thảy tội-lỗi ấy, nay tôi đều sám-hối).
Người Phật-tử cho sám-hối là phương-thức tốt-đẹp nhất trong đường tu-hành của mình. Sám-hối viên-dung (dung-hợp đầy-đủ) cả sự, lý sẽ được như kinh Nghiệp-báo sai-biệt nói: “Người gây tội nặng, thâm-tâm tự-trách, sám-hối không làm nữa sẽ nhổ hết được những tội căn-bản ”.

13.- PHÁT-NGHYỆN
Việc làm của con người muốn đạt tới mục-đích không thể không có một đề-án, một chương-trình, một sư cam-kết hay một sự hứa-hẹn. Người Phật-tử bước chân vào đạo cũng phải có sự hứa hẹn ấy, nhưng theo danh-từ Phật-học gọi là “Phát-nguyện.”
Phát nguyện có nghĩa là tự đáy lòng chân thành của mình phát-khởi ra lời thề-nguyện (lời hứa-hẹn) tự-lợi, lợi-tha rộng lớn, làm tiêu-chuẩn cho mình tu-tiến, khả-dĩ xứng đáng là Phật-tử, là vị Phật tương lai.
Lời phát-nguyện tùy theo tâm-niệm, hoàn-cảnh có nhiều, nhưng đại-để chư Phật, Bồ-tát, Thánh-tăng hay chúng ta noi theo, có thể tóm-tắt trong bốn điều chính-yếu này: “Chúng-sinh vô-biên thệ-nguyện độ. Phiền-não vô tận thệ-nguyện đoạn. Pháp-môn[40] vô-lượng thệ-nguyện học. Phật-đạo vô-thượng thệ-nguyện thành ”. (Chúng-sinh rất nhiều, thề-nguyền xin độ hết. Phiền-não rất nhiều, thề-nguyền xin bỏ hẳn. Pháp-môn rất nhiều, thề-nguyền xin học hết. Đạo Phật cao siêu, thề-nguyền quyết đạt thành).
Phát-nguyện là một việc làm quan-trọng. Nó ghi sẵn bước đường cần đi của người Phật-tử. Nó đánh giá cả một tâm niệm, một việc làm lùi hay tiến của người Phật-tử.

14.- LỤC-HÒA
(6 pháp hòa kính)
Để trong một đoàn-thể luôn luôn được sự hòa-hợp, đức Phật nói ra sáu pháp hòa-kính sau đây:
1.- Thân-hòa đồng trụ: Thân hòa hợp cùng làm việc Phật, cùng chung sống một nơi với nhau.
2.- Khẩu-hòa vô tránh: Miệng hòa không cãi-cọ nhau, luôn luôn nói lời hòa-dịu, lợi-ích, tụng-kinh, niệm Phật, tán-dương công-đức Phật.
3.- Ý-hòa đồng duyệt: Tâm-ý hòa cùng tin-tưởng, vui-vẻ trao đổi lẫn nhau.
4.- Giới-hòa đồng tu: Cùng hòa-hợp tu theo giới-pháp của Phật.
5.- Kiến-hòa đồng giải: Mọi sự hiểu biết chân-chính, sâu rộng, đồng giải tỏ cho nhau cùng hiểu.
6.- Lợi-hòa đồng quân: Có quyền-lợi gì đồng chia đều cho nhau cùng hưởng.
Sáu pháp hòa-kính này, đem lại sự an-hòa cho mọi người, để sống theo lời Phật dạy, tinh-tiến trên đường xây-dựng và giải-thoát.

15.- TAM-HỌC
(3 nền-tảng tu-học)
Người học Phật muốn hướng-thượng, cần phải đứng trên ba nền-tảng tu-học sau đây:
1.- Giới-học: Giới-luật để ngăn-ngừa và trừ-diệt ba ác-nghiệp: thân, khẩu, ý. Giới-học có ba loại:
a) Nhiếp-luật nghi-giới: Các giới-luật, uy-nghi của Phật-tử tại-gia[41], các bậc Sa-di[42] Thức-soa ma-na[43], Tỳ-khưu[44], Tỳ-khưu-ni[45], Bồ-tát[46].
b) Nhiếp-thiện-pháp-giới: Các pháp lành như thập-thiện v.v…
c) Nhiêu-ích hữu-tình-giới: Làm việc cứu khổ cho vui đối với chúng-sinh.
2.- Định-học: Thiền-định làm tâm-ý vẳng-lặng, trong sạch không xáo-động. Định-học có 8 bậc gọi là “bát-định”: 4 thiền của Sắc-giới là Sơ-thiền, Nhị-thiền, Tam-thiền, Tứ-thiền và 4 định của Vô sắc-giới là Không-vô-biên-xứ, Thức-vô-biên-xứ, Vô-sở hữu-xứ và Phi-tưởng, phi-phi-tưởng-xứ.
3.- Tuệ-học: Trí-tuệ quán-suốt chân-lý, dứt bỏ mê lầm. Tuệ-học có 3 thứ: Văn, tư, tu.
Nhân Giới sinh Định, nhân Định phát Tuệ, Niết-bàn giải-thoát do đó chóng thành.

16.- TAM-TUỆ
(3 pháp sinh trí-tuệ)
Trí-tuệ là sự nghiệp.Người học Phật muốn phát-sinh trí-tuệ, phải y theo ba pháp sau đây:
1.- Văn-tuệ: Nương vào chỗ nghe, học, tìm hiểu kinh-giáo mà phát-sinh trí-tuệ.
2.- Tư-tuệ: Nương vào chỗ suy-nghĩ đạo-lý, phát-sinh trí-tuệ.
3.- Tu-tuệ: Nương vào chỗ tu-tập thiền-định, phát-sinh trí-tuệ.
Ba pháp sinh trí-tuệ này đạt được sẽ dứt trừ mê-lầm và chứng được chân-lý.

17.- BÁT-CHÍNH-ĐẠO
(8 con đường chính)
Muốn chúng-sinh diệt khổ, được vui, đức Phật dạy chúng-sinh cần đi theo tám con đường chính dưới đây:
1.- Chính-kiến: Thấy biết chân-chính.
2.- Chính-tư-duy: Suy-nghĩ chân-chính.
3.- Chính-ngữ: Nói-năng chân-chính.
4.- Chính-nghiệp: Hành-động chân-chính.
5.- Chính-mệnh: Nghề sống chân-chính.
6.- Chính-tinh-tiến: Gắng làm chân-chính.
7.- Chính-niệm: Nhớ-nghĩ đạo chân-chính.
8.- Chính-định: Nhập thiền-định chân-chính, vô-lậu và thanh-tịnh.
Phật-tử muốn giác-ngộ chân-chính như Phật, phải tu-tập Bát-chính-đạo.

18.- TAM-THẬP-THẤT ĐẠO-PHẨM
(ba mươi bảy đạo-phẩm)
Ba mươi bảy đạo-phẩm này là ba mươi bảy món tư-lương để đi tới Niết-bàn:
1.- Tứ niệm-xứ: Bốn chỗ cần quán-niệm: a) Quán-thân bất-tịnh: Quán-sát thân-thể này là túi nhơ, không sạch. b) Quán-thụ thị khổ: Quán-sát những sự cảm-thụ là khổ. c) Quán-tâm vô-thường: Quán-sát tâm-thức luôn luôn chuyển-biến không thường. d) Quán-pháp vô ngã: Quán-sát tất cả sự-vật đều không có cái “ta” có tự-chủ.
2.- Tứ-chính-cần: Bốn thứ siêng-năng chân-chính (còn gọi là “tứ chính-đoạn, tứ ý-đoạn, tứ chính-thắng”): a) Đối với việc ác đã sinh phải trừ hẳn. b) Đối với việc ác chưa sinh không cho sinh. c) Đối với việc thiện chưa sinh làm cho sinh. d) Đối với việc thiện đã sinh làm cho tăng-trưởng.
3.- Tứ như-ý-túc (còn gọi là “tứ thần-túc”): Bốn pháp thiền-định làm cho được đầy-đủ như ý: a) Dục : Y vào sự muốn tiến mà định phát-khởi. b) Cần : (có chỗ gọi là “tiến”): Y vào sức siêng tu, định phát-khởi. c) Tâm (có chỗ gọi là “niệm”): nhất tâm chuyên-trụ, định phát-khởi. d) Quán (có chỗ gọi là “tuệ”): quán-sát chân-lý, định phát-khởi.
4.- Ngũ-căn: Năm pháp căn-bản sinh ra các pháp thiện khác: a) Tín-căn : tin-tưởng Tam-bảo, Tứ-đế. b) Tinh-tiến-căn (có chỗ gọi là “cần”): Dũng mãnh tu pháp lành. c) Niệm-căn : Nhớ-nghĩ chính-pháp. d) Định-căn : Tâm trụ vào một cảnh mà không tán-loạn. đ) Tuệ-căn : Suy-nghĩ tìm hiểu chân-lý.
5.- Ngũ-lực: Năm thứ năng-lực để đối-trị với ác-pháp, tức là năng-lực của năm căn trên.
6.- Thất-giác-chi (còn gọi là “thất Bồ-đề-phận, thất giác-phận”): Bảy phần hiểu-biết và quán-sát rõ-ràng làm cho Định, Tuệ quân-bình: a) Trạch-pháp : Dùng trí-tuệ lựa-chọn sự thực, giả của các pháp. b) Tinh-tiến : Dùng tâm dũng-mãnh bỏ tà, theo chính. c) Hỷ : Được thiện-pháp tâm vui mừng. d) Khinh-an : Đoạn-trừ phiền-não nặng-nề, thân-tâm nhẹ-nhàng, an-vui. đ) Niệm : Nhớ rõ Định, Tuệ không quên, làm cho Định, Tuệ quân-bình. e) Định : Tâm trụ một cảnh không tán-loạn. g) Hành-xả : Bỏ những dối-trá, mê-lầm và bỏ hết thảy trong tư-tưởng, hành-động, giữ tâm bình-thản.
7.- Bát chính đạo: Tám con đường chính: Chính-kiến, chính tư-duy, chính-ngữ, chính-nghiệp, chính-mệnh, chính tinh-tiến, chính-niệm và chính-định.

19.- NHÂN-QUẢ
Một ý-nghĩ, một lời nói, một hành-động, hay nói chung là một pháp (sự-vật) đã có sự phát-khởi ở ban đầu, đem lại sự đáp-ứng cho phút cuối cùng, đó là thuộc trong đạo-lý nhân-quả.
Nhân là nguyên-nhân, Quả là kết-quả. Tỷ-dụ: học (nhân) thì biết chữ (quả); trồng cây (nhân) thì có trái (quả); đánh trống (nhân) thì có tiếng (quả). Nhân-quả chi-phối tất cả.
Nhân-quả rất phức-tạp: Có khi nhân nào sinh quả ấy. Có khi nhân tốt sinh quả xấu; nhân xấu sinh quả tốt. Có khi nhân không thể sinh ra quả được vì thiếu trợ-duyên v.v…Nhân làm quả; quả làm nhân, chuyển-biến tế-nhị và linh-động vô cùng trong lẽ tương-quan của nó.
Thời-gian-tính thực-hiện lý nhân-quả ấy cũng không nhất định: Có khi có nhân, có quả liền, như đánh chuông thấy tiếng ngay. Có khi trồng nhân hiện-tại, kết-quả trong hiện-tại. Có khi trồng nhân hiện-tại sẽ có kết-quả trong một đời hay hai, ba hoặc nhiều đời sau này. Nhưng, dù gần hay xa, hễ có nhân, đủ duyên là có quả.
Người Phật-tử hiểu rõ đạo-lý nhân-quả tức là hiểu rõ được sự-vật, không bị mê-lầm, không bị cám-dỗ và cố-gắng trồng nhân tốt để hưởng quả tốt; làm theo Phật sẽ thành Phật như Phật. Thế là người Phật-tử phải có trí-tuệ, phải có đức tự-chủ, tự-tín: Không tin thần-quyền, bói-toán, đồng-bóng, vàng mã…, phải tích-cực sống theo lẽ sống của đạo, mới xứng-đáng là người Phật-tử chân-chính.

20.- NHÂN-DUYÊN
Nhân-quả hình-thành[47] là nhờ có mọi duyên giúp đỡ.
“Nhân” là thứ có năng-lực phát-sinh. “Duyên” là những thứ giúp đỡ cho nhân kia phát-sinh, tăng-trưởng và đưa tới kết-quả. Tỷ-dụ:Hạt lúa (nhân) nhờ có ruộng đất, cày bừa, bón tưới…làm duyên thành cây lúa và bông lúa (quả).
Người Phật-tử hiểu lý “nhân-duyên”, tức là hiểu rõ sự-sự, vật-vật trong vũ-trụ này có ra là do sự tác-hợp của mọi thứ mà thành, không phải tự-nhiên có hay một người nào tạo ra. Do đó có sự tác-thành và tác-hại lẫn nhau, nếu nó hòa-hợp hay không hòa-hợp.
Lý nhân-duyên tạo cho người Phật-tử một sự hiểu biết chân-chính.

21.- LUÂN-HỒI NGHIỆP-BÁO
Theo đạo-lý nhân-quả, dù nhanh hay chậm, tốt hay xấu…đã có nhân tất-nhiên phải có quả và, quả sinh nhân, nhân sinh quả, luẩn-quẩn, loanh-quanh trong vòng luân-hồi nghiệp-báo.
“Luân-hồi ” là bánh xe quay. “Nghiệp-báo ” là những hành-động tạo-tác nơi thân, miệng, ý thế nào, một thời-gian nhanh hay chậm nó sẽ trả lại cái kết-quả như hành-động, tạo-tác trước.
Làm thiện tiến lên, làm ác trụt xuống, vòng quanh trong sáu ngả: Thiên (trời), nhân (người), A-tu-la (Tàu dịch là Phi-thiên: 1 loại quỉ-thần), địa-ngục, ngã-quỉ (quỉ đói) và súc-sinh (loài vật) như bánh xe quay tròn không dứt, nên gọi là “luân-hồi, nghiệp-báo ” (hay nghiệp-báo luân-hồi).
Dứt hẳn luân-hồi nghiệp-báo là một việc khẩn-thiết đối với người Phật-tử cầu tiến trên đường giải-thoát thực-sự.

22.- NGHIỆP, PHIỀN-NÃO, HOẶC, CHƯỚNG
NGHIỆP là những hành-động, tạo-tác do 3 nơi thân, miệng, ý.
Nghiệp có ba tính: thiện, ác và vô-ký (không thiện, không ác). Làm thiện là “thiện-nghiệp”, làm ác là “ác-nghiệp”, không thiện, không ác là “vô-ký-nghiệp”. Đối với những hành-động thiện, ác, vô-ký ấy gọi là “nghiệp-nhân” và nó sẽ đem lại những kết-quả: vui, khổ, không vui, không khổ thời gọi là “nhiệp báo, nghiệp-quả ”. Nghiệp thuộc về đời đã qua là “túc-nghiệp”. Nghiệp trong hiện nay là “hiện-nghiệp ”.
Chỉ-định cho việc làm, nghiệp còn có hai thứ nữa là: “Biểu-nghiệp” và “Vô-biểu-nghiệp”. “Biểu-nghiệp” là chỉ cho những hành-động nơi thân, miệng có thể biểu-lộ, người ta trông thấy, nghe thấy được. “Vô-biểu-nghiệp” là hành-động do nơi ý-nghĩ, không biểu-lộ ra, người ta không thể trông thấy nhưng, nó không phải là không kém phần tai-hại.
PHIỀN-NÃO là những thứ mê-hoặc như: tham, sân, si v.v…làm phiền cho tâm, làm não cho thân; làm cho chúng-sinh bị ràng-buộc, buồn-phiền, đau-khổ trong vòng sinh-tử luân-hồi.
HOẶC là tên riêng của phiền-não và có nghĩa là mê-lầm. “Hoặc” có 3 thứ:
1.- Kiến, tư-hoặc: Tức kiến-hoặc và tư-hoặc. “Kiến-hoặc” là cố-chấp tư-tưởng tà-vạy (tà-kiến) không thấu rõ chân-lý. “Tư-hoặc” là tâm suy-nghĩ, tham-đắm sự-vật, hoàn-cảnh. Do mê-lầm về lý (kiến) và sự (tư) này làm chướng-ngại cho sự hiểu biết.
2.- Trần-sa-hoặc: “Trần-sa” là cát-bụi. Cảnh-giới vô-số, chúng-sinh vô-lượng, tâm mê-lầm của chúng-sinh cũng nhiều như cát bụi. Do tâm mê-lầm này không thấu-suốt được các pháp-môn, làm chướng-ngại cho hạnh lợi-tha của Bồ-tát, nên gọi là “Trần-sa-hoặc”.
3.- Vô-minh-hoặc: Sự mê-lầm sâu-dầy và vi-tế che-lấp chân-lý thực-tướng (tướng-trạng như-thực) của trung đạo (đạo trung-dung) và làm cỗi-gốc cho sự sống chết.
CHƯỚNG là tên riêng của phiền-não. Phiền-não làm chướng-ngại chính-đạo, hư-hại thiện-tâm nên gọi là “chướng”. Chướng có ba thứ:
1.- Phiền-não-chướng: Những thứ như: tham, sân, si v.v…
2.- Nghiệp-chướng: Những hành-động như giết cha, mẹ, A-la-hán, Phật, phá hòa-hợp Tăng cùng làm 10 điều ác v.v…
3.- Báo-chướng: Chịu khổ-báo trong địa-ngục, ngã-quỉ, súc-sinh v.v…
Người Phật-tử cố-gắng tạo nghiệp thiện. Nghiệp thiện tăng thêm, phiền-não, hoặc, chướng do đó sẽ bớt dần và tiêu-diệt.

23.- THẾ-GIỚI
THẾ-GIỚI: Đổi dời, lưu-chuyển là “thế ”. “Thế” chỉ cho thời-gian quá-khứ, hiện-tại và vị-lai. Có biên-giới Đông, Tây, Nam, Bắc là “giới ” “Giới” chỉ cho không-gian, như đất-đai mà chúng-sinh nương ở. “Thế-giới ” là chỉ chung cho không-gian và thời-gian trong đó có ý-nghĩa liên-tục và chuyển-biến. “Thế-giới ” còn gọi là “thế-gian ”.
Theo Phật-học, thế-gian có 2 :
1.- Hữu-tình thế-gian: Chỉ về thân-thể của các loài chúng-sinh, do nghiệp-nhân mà cảm chịu quả-báo chính-thức về thân-thể ấy. Quả-báo này gọi là “chính-báo”.
2.- Khí-thế-gian: Chỉ về đất-đai, núi sông, nhà cửa, áo mặc, cơm ăn…những vật ấy là chỗ nương-tựa của chúng-sinh để sống. Quả-báo này gọi là “Y-báo”.
Trong vũ-trụ này không biết bao nhiêu là thế-giới. Một Thái-dương-hệ là một tiểu, thế-giới. Một nghìn tiểu-thế-giới thành một tiểu-thiên thế-giới. Một nghìn tiểu-thiên thế-giới thành trung-thiên thế-giới. Một nghìn trung-thiên thế-giới thành đại-thiên thế-giới. Thế là tam thiên đại-thiên thế-giới.
Thế-giới xoay-vần không ngớt. Mỗi thế-giới đều trải qua 4 thời-kỳ: thành, trụ, hoại, không. Mỗi thời-kỳ gồm có 20 tiểu-kiếp. Mỗi kiếp chừng 16.000.000 năm. Hai mươi tiểu-kiếp là một trung-kiếp. Hai mươi trung-kiếp là một đại-kiếp.
Thế-giới vô-thường, người Phật-tử phải tìm lẽ chân-thường, như-thực.

24.- TAM-GIỚI
(Ba-cõi)
Tam-giới là ba cõi. Là thế-giới của phàm-phu còn phải đi, lại trong sinh-tử. Thế-giới này chia làm ba phần:
1.- Dục-giới: Cõi có ý-tưởng về ham-muốn dâm-dục và ham muốn ăn-uống. Cõi này gồm tất cả các loài hữu-tình trong 4 đại-châu: Đông thắng-thần-châu, Tây-ngưu-hóa-châu, Nam-thiệm-bộ-châu, Bắc-câu-lô-châu, xuống đến Vô-gián địa-ngục và lên đến sáu cõi trời dục (Lục Dục-thiên): Tứ-thiên-vương (Đông, Trì-quốc-thiên, Nam, Tăng-trưởng-thiên, Tây, Quảng-mục-thiên, Bắc, Đa-văn-thiên) Đao-lỵ-thiên, Dạ-ma-thiên, Đâu-xuất-thiên, Hóa-lạc-thiên và Tha-hóa-tự-tại-thiên.

2.- Sắc-giới: Cõi có những hình-sắc tinh-hảo về thân-thể, cung-điện, quốc-độ và bỏ được 2 thứ ham-muốn: dâm-dục, ăn-uống của Dục-giới. Cõi Sắc này gọi chung là cõi Tứ-thiền (do tu 4 thiền-định mà thành): Sơ-thiền có 3 cõi: Phạm-chúng-thiên, Phạm-phụ-thiên, Phạm-vương-thiên. Nhị-thiền có 3 cõi: Thiểu-quang-thiên, Vô-lượng-quang-thiên, Quang-âm-thiên. Tam-thiền có 3 cõi: Thiểu-tịnh-thiên, Vô-lượng-tịnh-thiên, Biến tịnh-thiên. Tứ-thiền có 9 cõi: Phúc-sinh-thiên, Phúc-ái thiên, Quảng-quả-thiên, Vô-tưởng-thiên, Vô-phiền-thiên, Vô-nhiệt-thiên, Thiện-kiến-thiên. Thiện-hiện thiên và Sắc-cứu-cánh-thiên.

3.- Vô-sắc-giới: Cõi này không còn hình-sắc, vật-chất, thân-thể, cung-điện, quốc-độ, chỉ dùng tâm-thức trụ vào thiền-định sâu xa, vi-diệu mà thôi. Cõi này gọi chung là cõi Tứ-không (4 nơi trống-rỗng): Không-vô-biên-xứ, Thức-vô-biên-xứ, Vô-sở-hữu-xứ và Phi-tưởng, phi phi-tưởng-xứ.

Ba cõi không yên, như trong nhà lửa, muốn rời bỏ ba cõi phải quy-y Tam-bảo, tiến tu tịnh-nghiệp.

25.- TỨ-ĐẾ
(4 lẽ chân-thực)
TỨ-ĐẾ là bốn lẽ chân-thực rõ-ràng ai cũng có thể tự chứng-nghiệm. Bốn lẽ chân-thực ấy là:
1.- KHỔ-ĐẾ: Chúng-sinh chưa thoát sự ràng-buộc trong đời, đều phải chịu những sự đau-khổ: sinh-khổ, già-khổ, bệnh-khổ, chết-khổ, ân-ái chia-lìa khổ, cầu không được khổ, oán-ghét phải gặp khổ, năm-ấm[48] áp-bức đầy-dẫy khổ. Đây là sự kết-quả mà chúng-sinh gây nhân phải chịu.

2.- Tập-đế: Những nguyên-nhân hành-động, tạo-tác của chúng-sinh gây ra khiến chúng-sinh phải chịu quả khổ trên. (Tập-đế nói về 12 nhân-duyên).

3.- Diệt-đế: Muốn hưởng quả Niết-bàn thanh-tịnh giải-thoát, cần diệt-trừ mầm-mống phiền-não.

4.- Đạo-đế: Con đường chân-chính là nguyên-nhân hướng-dẫn chúng-sinh đến quả-vị Niết-bàn (con đường này là “bát-chính-đạo”).

Bốn lẽ chân-thực trên đây là chương-trình tu-tiến của bậc Thanh-văn.[49]

26.- THẬP-NHỊ NHÂN-DUYÊN
(12 nhân-duyên)
Theo lý nhân-duyên, sự-vật trong vũ-trụ có nguyên-nhân phải có nhiều trợ-duyên mới đem tới kết-quả. Mười hai nhân-duyên này là sợi giây chuyển-tiếp, tạo-thành các sự-vật:

1.- Vô-minh: Sự mê-lầm, nhận giả làm thực.

2.- Hành: Hành-động sai-lầm.

(Hai nhân-duyên này thuộc về nhân quá-khứ ).

3.- Thức: Phân-biệt sai-lầm.

4.- Danh-sắc: Tâm (tinh-thần) và sắc (vật-chất) hòa-hợp nhau tạo ra vật-thể.[50]
5.- Lục-nhập: 6 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc-nhập với 6 trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thành hình-thể và sinh-trưởng.

6.- Xúc: Va-chạm với cảnh-vật.

7.- Thụ: Cảm-thụ sự đáp-ứng của cảnh-vật.

(Năm nhân-duyên này là quả hiện-tại )

8.- Ái: Tham-ái (ham muốn, yêu mến).

9.- Thủ: Giữ-gìn.

10.- Hữu: Gây sự tạo-tác, sẽ có cái thân sau này.

(3 nhân-duyên này là nghiệp-nhân hiện-tại )

11.- Sinh: Sinh-mệnh.

12.- Lão, tử: Già và chết.

(2 nhân-duyên này là quả-báo vị-lai )

Mười hai nhân-duyên trên đây là chương-trình tu-tiến của bậc Duyên-Giác.[51]

27.- LỤC-ĐỘ
(6 pháp độ-thoát)
LỤC-ĐỘ là 6 phương-pháp vượt qua bể sinh-tử đến bờ Niết-bàn. Sáu pháp này là phương-châm thực-hành của các vị Bồ-tát.[52]
Sáu pháp ấy là:
1.- Bố-thí: Mở lòng từ-bi rộng lớn và chân-thành đem của-cải, pháp-lợi[53] và vô úy (không sợ-hãi) giúp đỡ người khác.
2.- Trì-giới: Giữ-gìn những giới-luật Phật chế ra, để ngăn-ngừa tội-lỗi. Giới có: Ngũ-giới, Sa-di-giới, Thức-soa-ma-na-giới, Tỳ-khưu-giới, Tỳ-khưu-ni-giới, Bồ-tát-giới.
3.- Nhẫn-nhục: Nhẫn chịu tất cả những hoàn-cảnh thuận, nghịch ngay nơi mình và chung-quanh mình.
4.- Tinh-tiến: Làm cho thân-tâm tinh-thuần thanh-tịnh và cố-gắng tiến tu trước, sau 5 độ, hướng cầu đạo giải-thoát. (Tinh-tiến thấp hơn thì là 4 chính-cần trong 37 đạo-phẩm).
5.- Thiền-định: Định-chỉ tâm tán-loạn và quán-sát suy-nghĩ chân-lý. Pháp thiền-định có nhiều nhưng, tóm-tắt lại có 4 Thiền (Sơ, nhị, tam, tứ thiền) 8 Định (4 thiền và 4 định của Vô-sắc-giới).
6.- Trí-tuệ: Thông suốt mọi pháp, dứt trừ mê-lầm và chứng-nhập chân-lý. Tu trí-tuệ có 3: Văn (nghe), tư (suy nghĩ) và tu (tu-hành).
Trừ mê, diệt khổ là nguyện-vọng duy-nhất của người Phật-tử đối với mình và người. Muốn đạt nguyện-vọng ấy, cần thực-hiện 6 pháp “độ” này.

28.- TỨ NHIẾP-PHÁP
(4 phương-pháp nhiếp-thụ)
TỨ-NHIẾP là bốn phương-pháp thực-hành để dắt-dẫn chúng-sinh, tin theo chính-đạo. Bốn phương-pháp ấy là:
1.- Bố-thí: Theo sự mong-muốn của chúng-sinh, mình đem cho họ, do đó họ sinh tâm thân-ái, tin theo chính-đạo
2.- Ái-ngữ: Theo căn-tính chúng-sinh, nói ra những lời nói hiền-lành, dịu-hòa và an-ủi họ, do đó họ sinh tâm thân-ái, tin theo chính-đạo.
3.- Lợi-hành: Thực-hành những việc thiện về thân, miệng, ý, đem lại lợi-ích cho chúng-sinh, do đó chúng-sinh sinh tâm thân-ái, tin theo chính-đạo.
4.- Đồng-sự: Tùy theo sự ưa muốn của chúng-sinh, có khi phải phân-hình thị-hiện, sống nhịp-nhàng với đời sống của chúng-sinh, làm lợi ích cho chúng-sinh, do đó chúng-sinh tin theo chính-đạo.
Hạnh lợi-sinh là hạnh chính của chư Phật. Tứ nhiếp-pháp có giá-trị cao-đẹp, biểu-lộ ý-chí cao-thượng của chư Phật, người Phật-tử cần cố-gắng thực-hành.

29.- TỪ-BI, BÌNH-ĐẲNG
“Từ-bi, bình-đẳng” là mục-đích, là phương-pháp độ-sinh của đạo Phật.
TỪ-BI: có nghĩa là cho vui, cứu khổ. Tâm từ-bi coi tất cả chúng-sinh như cha mẹ, quyến-thuộc…, nên thường nghĩ tới sự cho vui, cứu khổ họ. Tâm từ-bi thương những người cố-chấp nhân, ngã…, làm cho họ hiểu sự-vật là “không”, để cho họ khỏi khổ, được vui. Tâm từ-bi thương-xót chúnh-sanh lăn-lộn trong sinh-tử…, dầu là tâm không duyên gì với họ, chư Phật vẫn luôn luôn cho họ tự-nhiên được sự lợi-ích trong sự cho vui, cứu khổ.
BÌNH-ĐẲNG: Đối với tất cả trong mọi sự đều bằng nhau, không phân-biệt cao, thấp, sang, hèn.
Tâm bình-đẳng đối với chúng-sinh không có tư-tưởng phân-biệt kẻ oán, người thân, vì đồng chứng lý bình-đẳng của mọi pháp. Mọi pháp đều sẵn tính bình-đẳng, nên hết thảy chúng-sinh đều bình-đẳng thành Phật.
Người Phật-tử nhận rõ sự bình-đẳng với tất cả pháp, nên hòa mình trong sứ-mệnh cho vui, cứu khổ không phân-biệt.

30.- TỨ-ÂN
(Bốn ơn)
Người Phật-tử sống giữa thế-gian cần phải biết ơn, trả ơn bốn bậc có ơn sau này:
1.- Ơn cha mẹ, thầy dạy: Cha mẹ, thầy dạy là bậc sinh-đẻ, nuôi-nấng và dạy bảo ta khôn lớn, thành người, ta phải hiếu-dưỡng, cung-kính, tôn-trọng và ghi nhớ lời răn dạy.
2.- Ơn xã-hội: (chúng-sinh): Xã-hội với ta có tương-quan mật-thiết. Xã-hội giúp ta nhiều phương-diện sống còn và thành-đạt, ta phải biết ơn và thành-thực đem năng-lực của ta giúp-đỡ mọi người, xây-dựng một xã-hội yên-vui, lành mạnh.
3.- Ơn quốc-gia: Quốc-gia bảo-đảm và duy-trì cho ta được an-cư, lạc-nghiệp, ta phải có bổn-phận tin theo quốc-chế, góp phần xây-dựng, làm trọn nghĩa-vụ công-dân.
4.- Ơn Tam-bảo: Phật, Pháp, Tăng đem lại cho ta những gương-mẫu và những phương-pháp biết sống trong yên vui, vợi khổ, biết nhận lẽ chân, giả, biết đường đi đến chỗ giải-thoát chân-thực. Là Phật-tử ta phải có lòng tin vững-chắc, thực-tâm cung-kính, cúng-dàng, hộ-trì và truyền-bá chính-pháp.
Người Phật-tử nhận rõ bổn-phận mình đối với bốn bậc có ơn, y theo giáo-lý Phật dạy mà trả ơn là cách trả ơn cao-thượng.

31.- CĂN, TRẦN, THỨC, XỨ, GIỚI
1.- CĂN tức lục (sáu) căn: nhãn-căn, nhĩ-căn, tỵ-căn, thiệt-căn, thân-căn và ý-căn (nghĩa là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý). “Căn ” có nghĩa là căn-bản, chủ-động phát-sinh ra ngành-ngọn khác, như do mắt mà sinh ra sự nhận-thức của mắt (nhãn-thức) v.v…
2.- TRẦN tức lục (sáu) trần và còn gọi là lục (sáu) cảnh: sắc-trần, thanh-trần, hương-trần, vị-trần, xúc-trần, pháp-trần (nghĩa là hình-sắc, giọng-tiếng hương-vị, mùi-vị, va-chạm và các pháp. “Trần” nghĩa là bụi-nhơ, là hết thảy sự-pháp của thế-gian có tính-cách nhiễm-ô chân-tính. “Cảnh” là cảnh-sắc, là hình-tướng, là duyên dính-líu với tâm.
3.-THỨC tức lục (sáu) thức: nhãn-thức, nhĩ-thức, tỵ-thức, thiệt-thức, thân-thức, ý-thức (nghĩa là sự phân-biệt rõ-ràng về mắt v.v…). “Thức” là tên riêng của tâm, có nghĩa là liễu-biệt (phân-biệt rõ-ràng); tâm đối với cảnh phân-biệt rõ-ràng gọi là “Thức”. Ngoài 6 thức trên còn thêm thức thứ 7 là Mạt-na-thức, Tàu dịch là “Ý” và có nghĩa là “tư-lượng” (suy-nghĩ, so-lường) và thức thứ 8 là A-lại-da-thức (Alaya) (Tàu dịch là Tạng-thức).
4.- XỨ tức thập nhị (mười hai) xứ, còn gọi là thập nhị (mười hai) nhập, tức là 6 căn, 6 trần ở trên, thành 12 xứ hay 12 nhập. “Xứ” là 6 căn, 6 trần hòa-hợp, là nơi (xứ) làm cho 6 thức nhận biết sự-vật. “Nhập” là căn và cảnh thiệp-nhập (liên-quan vào nhau) lẫn nhau mà sinh ra “thức”.
5.- GIỚI tức thập bát (mười tám) giới: 6 căn, 6 trần và 6 thức thành 18 giới. “Giới” có nghĩa là giới-hạn, địa-vị: mỗi mỗi thứ đều có giới-hạn, địa-vị riêng-biệt của nó mà không lẫn-lộn.
Căn, trần, thức, xứ, giới không còn liễu-biệt vọng-động, sẽ phát-sinh trí-tuệ.

32.- TÂM, Ý, Ý-THỨC
TÂM có nghĩa là “tập-khởi” (tập-hợp và phát-khởi). Ý là thức thứ 7 có nghĩa là “tư-lượng” (suy-nghĩ, so-lường). Ý-THỨC là thức thứ 6, có nghĩa là “liễu-biệt” (phân-biệt rõ-ràng).
Theo sự phân-tích thì tâm có 6 thứ:
1.- Nhục-đoàn-tâm: tức là tâm-tạng, trái tim bằng khối thịt.
2.- Duyên-lự-tâm: tức là tâm nhận-thức, suy-nghĩ khi đối-tượng với sự-vật.
3.- Tư-lượng-tâm: tức là tâm suy-nghĩ, so-lường tỷ-mỷ.
4.- Tập-khởi-tâm: tức là tâm huân-tập các chủng-tử (hạt-giống) và phát-khởi hiện-hành (sự-vật do hành-động hiển-hiện).
5.- Kiên-thực-tâm: tức là tâm-tính chân-như thường-trụ.
6.- Tích-tụ tinh-yếu tâm: gồm chứa tất cả nghĩa tinh-yếu trong kinh.
Y nghĩa tinh-yếu, thanh-tịnh tâm, ý, ý-thức, thể-nhập kiên-thực-tâm là phương-châm rèn-luyện của Phật-tử.

33.- NGŨ-UẨN
(5 thứ tụ-họp)
NGŨ-UẨN còn gọi là “ngũ-ấm” (5 thứ ngăn che chân-tính). Chữ “Uẩn” có nghĩa là tụ-họp. “Ngũ-uẩn” là năm thứ tụ-họp lại. Hết thảy hiện-tượng (sự vật hiện có) tâm-tượng (trạng-thái của tâm) đều do nhiều yếu-tố[54] tụ-họp lại mà thành. Sự tụ-họp này theo Phật-học thời có năm thứ:
1.- Sắc-uẩn: Hình-sắc: Tức là chỉ cho những vật-chất hữu-hình như ngũ (năm) căn: nhãn (mắt), nhĩ (tai), tỵ (mũi), thiệt (lưỡi), thân và ngũ (năm) trần (cảnh): sắc, thanh, hương, vị, xúc cùng “vô-biểu-sắc” (sắc-thái không biểu-lộ, người ta không thấy được).
2.- Thụ-uẩn: Cảm-thụ. Tác-dụng của Tâm đối với cảnh khởi ra sự cảm-thụ: vui, buồn và không vui, không buồn.
3.- Tưởng-uẩn: Tưởng-tượng. Tác-dụng của tâm đối với cảnh khởi ra sự tưởng-tượng sự-vật.
4.- Hành-uẩn: Công-năng tạo-tác. Tác-dụng của Tâm đối với cảnh khởi ra hành-động thiện, ác…(thuộc các tâm-sở-pháp, trừ thụ, tưởng…)
5.- Thức-uẩn: Nhận-thức, phân-biệt. Tác-dụng của tâm đối với cảnh nhận-biết, phân-biệt rõ-ràng sự-vật. Thức-uẩn chia làm tám loại, thường gọi là bát (tám) thức:
- Nhãn-thức: Mắt nhận biết sắc-tướng.
- Nhĩ-thức: Tai nhận biết thanh-âm.
- Tỵ-thức: Mũi nhận biết hương-vị.
- Thiệt-thức: Lưỡi nhận biết các mùi.
- Thân-thức: Thân nhận biết các cảm-xúc như nóng, lạnh, ngứa-ngáy…
- Ý-thức: Ý nhận biết, phân-biệt rõ-ràng các sự-vật đối-tượng dù hữu-hình hay vô-hình.
- Mạt-na-thức (Tàu dịch là Ý): Thức này suy-nghĩ, so-lường và chấp-chặt ngã-pháp.
- A-lại-da thức (Tàu dịch là Tạng-thức): Thức này là kho-tàng chứa-chất các chủng-tử (hạt giống) và phát-khởi hiện-hành (sự-vật do hành-động hiển-hiện).
Người Phật-tử tu-hành nhận rõ sự giả-hợp của sự-vật, diệt-trừ vọng-tâm, vọng-cảnh, chuyển tám thức thành bốn trí:
- Chuyển A-lại-da-thức thành Đại-viên-kính-trí.
- Chuyển Mạt-na-thức thành Bình-đẳng-tính-trí.
- Chuyển Ý-thức thành Diệu-quán-sát-trí.
- Chuyển nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân-thức ra Thành-sở-tác-trí.

34.- NGŨ ĐÌNH TÂM
(5 pháp làm dừng vọng-tâm)

Ngũ-đình-tâm là năm pháp tu quán-tưởng làm dừng vọng-tâm lại:
1.- Bất-tịnh-quán: Người có nhiều tâm tham-dục, quán-sát thân-thể và cảnh-giới là không trong-sạch, để đình-chỉ tâm tham-dục ấy.
2.- Từ-bi-quán: Người hay giận-tức, quán-tưởng tất cả chúng-sinh như cha mẹ, quyến-thuộc…, sinh tâm thương-xót: cho vui, cứu khổ, để đình-chỉ tâm giận-tức ấy.
3.- Nhân-duyên-quán: Người nhiều ngu-si, quán-sát lẽ tiếp-nối của mười hai nhân-duyên trong ba đời (quá-khứ, hiện-tại, vị-lai), để đình-chỉ sự ngu-si ấy.
4.- Giới phân-biệt-quán: Người nhiều ngã-kiến (kiến-thức, tư-tưởng, thấy biết của cái Ta), quán-sát thân ta hay sự-vật đều do sự giả-hợp của địa, thủy, hỏa, phong, không, thức (hay thời), sáu giới-phận ấy mà thành, cùng quán-sát mười tám giới: 6 căn, 6 trần, 6 thức đều là giả-dối, để đối-trị ngã-kiến ấy.
5.- Sổ-tức-quán: Người tâm hay toán-loạn, đếm hơi thở ra, vào bằng cách tinh-chuyên, để đối-trị tâm tán-loạn ấy.
Pháp quán “Ngũ đình-tâm” là phương thuốc chữa bịnh: tham, sân, si, tán-loạn và chấp-ngã. Người Phật-tử tu, chứng không thể bỏ qua năm pháp này.

35.- HỮU-VI, VÔ-VI
- HỮU-VI chỉ cho những sự-vật do nhân duyên tạo-tác mà thành như: năm căn, năm cảnh (trần), vô-biểu-sắc v.v…Nhân-duyên năng-sinh (năng-lực sinh ra…) là cái tạo-tác ra sự-vật sở-sinh (cái bị sinh ra). Sự-vật sở-sinh quyết-định có sự tạo-tác của nhân-duyên ấy nên gọi là “hữu-vi-pháp”. Hữu-vi-pháp dù trong một sát-na hay trong một kỳ-hạn nào, nó đều trải qua 4 tướng-trạng: sinh, trụ, dị, diệt.

- VÔ-VI: chỉ cho chân-lý, có nghĩa là không còn nhân-duyên tạo-tác, không còn 4 tướng-trạng: sinh, trụ, dị, diệt. Vô-vi còn có những tên riêng như: Niết-bàn, Pháp-tính, Thực-tướng, Pháp-giới v.v…

Say-đắm hữu-vi phải lăn-lộn trong sinh-tử, hướng-tiến vô-vi là Niết-bàn giải-thoát.

36.- HỮU-LẬU, VÔ-LẬU
“LẬU” nghĩa là dò-rỉ. “Lậu” là tên riêng chỉ cho phiền-não.

Sự-vật hàm-tàng phiền-não là “hữu-lậu”. Hết thảy sự-thể trong thế-gian là “hữu-lậu”. Sự-thể xuất-thế-gian, xa phiền-não là “vô-lậu”.

- HỮU-LẬU (còn tạo-tác, còn dò-rỉ) đối với chúng-sinh do hành-động tạo-tác gây thành phiền-não, phải sa-rơi, lăn-lộn trong sinh-tử.

- VÔ-LẬU (không còn tạo-tác, không còn dò-rỉ) đối với chúng-sinh tu-tiến diệt-trừ phiền-não, không phải lăn-lộn trong vòng sinh-tử.

Hữu-lậu vô-lậu nói lên những sự vẩn-đục, trong-sạch, lên cao, xuống thấp trong từng tâm-niệm của chúng-sinh.

37.- VÔ-NGÃ, VÔ-THƯỜNG
Sự-sự, vật-vật trong vũ-trụ đều do nhân-duyên tác-hợp, không có gì là có tự-thể, tự-chủ độc nhất, nên Phật-học cho là “VÔ-NGÔ, nghĩa là nó không có cái “ta” có tự-thể, tự-chủ, thường hằng bất-biến.

Sự-vật đã không có tự thể, tự-chủ, thường hằng bất-biến, tức là nó luôn luôn biến-chuyển, tương-tục từng một niệm, từng sát-na, không cố-định, thường còn, nên Phật-học cho là “VÔ-THƯỜNG”.

Người Phật-tử nhận-xét sự-vật hay nhận-xét bản-thân thấy là “vô-ngã, vô-thường”, làm cho người Phật-tử không chấp đắm và cố-thủ cho là “ta”, là “của ta”, là “thường còn”, là “đoạn-tuyệt”, tức là dễ-dàng trong sự hỷ-xả, chóng đạt tới mục-đích giải-thoát.

38.- VÔ-THỦY, VÔ-CHUNG
Sự-vật đã bị chi-phối trong lý nhân-quả, thì thời-gian-tính của nó là liên-tục.

Nhân thành quả, quả thành nhân, sinh diệt không ngừng, nên không thể cho nó là có lúc ban đầu và có lúc sau cùng. (Đó là hướng về tính-cách tuyệt-đối mà nói). Với thời-gian liên-tục ấy Phật-học gọi là “VÔ-THỦY (không có lúc ban đầu), VÔ-CHUNG” (không có lúc sau cùng).

Người Phật-tử nhận rõ tính-cách vô-thủy, vô-chung của thời-gian sẽ cố gây nhân lành để được quả tốt, mà không sợ mất-mát.

39.- VÔ-BIÊN, VÔ-TẬN
Đứng trên sự duyên-khởi và liên-lạc của sự-vật do tạo-tác mà có, thời nó có tính-cách hết sức rộng lớn, không cùng-tận, không biên-giới; vì thế-giới nhiều, chúng-sinh nhiều, tâm-hạnh nhiều…, nên “vô-biên, vô-tận ”.

Đứng trên vô-vi-pháp là những pháp không phải có bằng sự tạo-tác, xa-lìa hết thảy tướng sinh-diệt, không còn bị ngăn-ngại; tự-tại viên-dung trong pháp-giới, không biên-giới, không cùng-tận… nên là “vô-biên, vô-tận ”.

Nhận-chân sự-vật hữu-vi, vô-vi, biết rõ lẽ rộng lớn của nó, người Phật-tử khởi lên tâm vô-thượng rộng lớn, để sẽ chứng-nhập pháp-thân[55] rộng lớn và giải-thoát cứu-cánh.

40.- PHÁP-GIỚI, PHÁP-TÍNH
- PHÁP-GIỚI: Đứng về mặt sự mà nói thời “pháp” là các pháp (sự-vật), “giới” là ranh-giới. Các pháp đều có tự-thể nhưng, chia ra từng ranh-giới bất-đồng của mỗi pháp, nên gọi là “pháp-giới ”.
Pháp-giới trong khung-cảnh hẹp-hòi là chỉ cho mỗi pháp nhưng, trên phạm-vi rộng lớn, nó là tượng-trưng cho đại-khối vạn-hữu. Do đó, Hoa-Nghiêm-gia tạm chia pháp-giới thành 10 loại: 1.- Phật pháp-giới. 2.- Bồ-tát pháp-giới. 3.- Duyên-giác pháp-giới. 4.- Thanh-văn pháp-giới. 5.- Thiên-pháp-giới. 6.- Nhân-pháp-giới. 7.- A-tu-la pháp-giới. 8.- Quỉ-pháp-giới. 9.- Súc-sinh pháp-giới. 10.- Địa-ngục pháp-giới.
Đứng về mặt lý mà nói, pháp-giới chỉ cho lý-tính chân-như, hoặc gọi là “chân-như, pháp-tính, thực-tế, thực-tướng”. Tới đây chữ “giới” có nghĩa là “tính”, là tính sở-y của các pháp lại là các pháp đồng một tính, nên gọi là “pháp giới”.
Tóm lại, PHÁP-GIỚI là ranh-giới của các pháp và cũng là thể-tính của các pháp
- PHÁP-TÍNH: Thể-tính của các pháp là chân-như thực-tướng. Chân-như là bản-thể của vạn pháp; ở nơi nhiễm, nơi tịnh, nơi hữu-tình, nơi vô-tình tính nó không biến-đổi, nên gọi là “PHÁP-TÍNH”.
Pháp-tính có nhiều tên gọi: Chân-như, pháp-giới, pháp-tính, bất-hư-vọng-tính, bất-biến-dị-tính, bình-đẳng-tính, ly-sinh-tính, pháp-định, pháp-trụ, thực-tế, hư-không-giới, bất-tư-nghị-giới, vô-ngã-tính, không-tính, vô-tướng, thắng-nghĩa, thực-tướng, tự-tính thanh-tịnh-tâm, Phật-tính, Pháp-thân, Như-lai-tạng, Niết-bàn…
Chứng-nhập pháp-tính là mục-đích tu-hành cứu-cánh của Phật tử.

41.- SINH-TỬ, GIẢI-THOÁT, NIẾT-BÀN
SINH-TỬ là một hình-tướng của hết thảy chúng-sinh do tác-động mê-lầm chiêu-cảm. Sinh-tử theo nghĩa Phật nói trong kinh Tăng-già-tra thì “Thức diệt là tử, Thức khởi là sinh”. Có nghĩa là: cái do 5 uẩn tụ-họp bắt đầu nẩy ra là sinh, 5 uẩn rã-rời là tử. Sinh-tử, tử-sinh; sinh-sinh, tử-tử như vòng lửa quay tròn, tất nhiên phải chịu nhiều sự đau-khổ.
GIẢI-THOÁT là cởi-mở sự ràng-buộc, được tự-do, tự-tại. Giải-thoát đây là cởi-mở sự ràng-buộc của tác-động mê-lầm, thoát khỏi khổ-quả trong cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô-sắc. Nghĩa là thoát-ly cảnh sinh-hoạt bó buộc, khổ đau trong sinh-tử luân-hồi, phục-hồi lại năng-tính tự-tại, tiến đến nơi giải-thoát Niết-bàn không sinh-diệt.
NIẾT-BÀN nghĩa là diệt-trừ hết phiền-não ràng-buộc, vượt khỏi sinh-tử luân-hồi, chứng-nhập nơi yên-tịnh, sáng-suốt, tự-tại.
Sinh-tử là thế-giới ràng-buộc, đau-khổ; giải-thoát, Niết-bàn là trạng-thái tự-tại, trong-sạch, sáng-suốt, an-vui và thường còn.

42.- NHỊ-ĐẾ. TAM-ĐẾ
“Đế” có nghĩa là đạo-lý chân-thực không hư-vọng.
- NHỊ-ĐẾ: Hai thứ đạo-lý chân-thực:
1.- Chân-đế: Thực-nghĩa của chân-lý. Là thực-nghĩa mà các bậc Thánh nhận thấy. Còn gọi là “Thắng-nghĩa-đế ”.
2.- Tục-đế: Thực-nghĩa của việc thế-tục. Còn gọi là “Thế-đế ”.
-TAM-ĐẾ: Ba thứ đạo-lý chân-thực:
1.- Không-đế: Sự-vật do nhân-duyên-sinh là giả-hợp nhưng, thể-tính chân-không không có giả-tướng của các pháp. Còn gọi là “Chân đế ”.
2.- Giả-đế: Thể-tính tuy không nhưng, vẫn đầy-đủ các pháp. Còn gọi là “Tục-đế”.
3.- Trung-đế: Trung là “trung-dung”. Ý nói các pháp xưa, nay không ra ngoài có, không và cũng không tức nơi có, không, dung-thông tất cả.
Tam-đế do nơi tam-quán (3 pháp quán-sát): không-quán, giả-quán và trung-quán mà ra.
Quán-sát sự-vật là không-giả, là thế-đế, bình-đẳng chứng-nhập trung-đế, chân-đế là thực-nghĩa của chân-lý.

43.- NHỊ TRÍ, TAM TRÍ, TỨ TRÍ
“Trí” là trí-tuệ. Sự hiểu biết trong thứ-bậc tu-chứng khác nhau, nên trí-tuệ cũng do đó mà phân-định khác nhau.
-NHỊ TRÍ: Hai thứ trí-tuệ:
1.- Căn-bản-trí: Trí-tuệ không phân-biệt, hiểu rõ các pháp là chân-như bình-đẳng. Và, do trí này phát-sinh các trí-tuệ khác nên gọi là “căn-bản”. Căn-bản-trí còn gọi là: như-lý-trí, vô-phân-biệt-trí, chính-thể-trí, chân-trí, thực-trí.
2.- Hậu-đắc-trí: Trí-tuệ sau khi chứng được thực-tính của chân-như mà hiện ra, không sinh chấp trước mê-muội là có thực-ngã, thực-pháp. Hậu-đắc-trí còn gọi là: như-lượng-trí, hữu phân-biệt-trí, tục-trí, biến-trí.
- TAM TRÍ: Ba thứ trí-tuệ:
1.- Nhất-thiết-trí: Biết rõ tướng chung của hết thảy pháp (tướng chung tức là “không-tướng”). Trí-tuệ này là trí-tuệ của Thanh-văn, Duyên-giác.
2.- Đạo-chủng-trí: Biết hết thảy mọi đạo-pháp sai biệt. Trí-tuệ này là trí-tuệ của Bồ-tát.
3.- Nhất-thiết chủng-trí: Đây là trí-tuệ của Phật. Trí-tuệ của Phật viên-minh, thông-suốt hết thảy mọi pháp về tổng-tướng (tướng chung) biệt-tướng (tướng riêng), biết đạo-pháp của chư Phật, nhân-chủng của chúng-sinh, hóa-đạo chúng-sinh dứt trừ mê-hoặc.
-TỨ TRÍ: Bốn thứ trí-tuệ. Bốn trí-tuệ này do tu chuyển 8 Thức mà thành:
1.- Chuyển thức thứ 8 thành Đại-viên-kính-trí. Trí này đối với hết thảy cảnh-tượng sáng-suốt, tỏ-rõ như tấm gương sáng, các mầu sắc hiện đủ trong ấy
2.- Chuyển thức thứ 7 thành “Bình-đẳng-tính-trí”. Quán-sát hết thảy pháp đều bình-đẳng, hiểu suốt lý bình-đẳng vô-ngã.
3.- Chuyển thức thứ 6 thành “Diệu-quán-sát-trí”. Quán-sát rành-rẽ những tướng của các pháp.
4.- Chuyển nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân-thức thành “Thành-sở-tác-trí”. Trí-tuệ biến-hóa thành mọi sự, để làm lợi-ích cho Thanh-văn, Duyên-giác và phàm-phu.

44.- GIÁC
Chữ “giác” tiếng Phạm gọi là Bồ-đề (Bodhi). “Giác” có 2 nghĩa: Giác-sát và Giác-ngộ. “Giác-sát” nghĩa là xét biết việc ác, không bị xâm-hại. “Giác-ngộ” là khai-ngộ chân-lý.
Giác có: tự-giác, giác-tha, giác-hành viên-mãn. A-la-hán[56] chứng phần tự-giác, Bồ-tát đủ tự-giác, giác-tha, Phật đủ cả tự-giác, giác-tha, giác-hành viên-mãn.
“Giác” còn có nhiều danh-từ chỉ cho thứ-bậc giác-ngộ như sau:
- BẢN-GIÁC: Là tâm-thể chúng-sinh, tự-tính thanh-tịnh, lìa bỏ hết thảy vọng-tưởng, có tính-đức sáng-suốt hiểu biết. Bản-giác là tính-đức sẵn có như thế, không phải tu-tập mà thành. Tức là pháp-thân Như-Lai.
- THỦY-GIÁC: Chúng-sinh bị vô-minh phiền-não che lấp chân-tính nhưng, nhất đán do công tu-trị, vọng-tâm hết, mới bắt đầu khởi lên tri-giác, khế-hợp với bản-giác gọi là “Thủy-giác”.
- BẤT-GIÁC: Bất-giác là địa-vị phàm-phu, có nghĩa là không giác-ngộ. Nhưng, bất-giác đây còn có nghĩa là hiểu biết tương-đối, chưa biết được như thực-pháp chân-như.
- TƯƠNG-TỰ-GIÁC: Bồ-tát trong địa-vị Thập-trụ[57], Thập-hạnh[58], Thập hồi-hướng[59] phát-sinh trí-tuệ tựa như giác-ngộ chân-thực, để chế-phục các phiền-não.
- TÙY-PHẬN-GIÁC: Trí giác-ngộ của hàng Bồ-tát Sơ-địa trở lên, tùy theo sự hiểu biết về niệm-trụ (trụ nơi vọng-niệm) vô-niệm-trụ (trụ nơi không vọng-niệm) mà chứng-ngộ.
- CỨU-CÁNH-GIÁC: Sự giác-ngộ cùng cực của hàng Bồ-tát mà đại-hạnh đã viên-mãn rốt-ráo. Cứu-cánh-giác tức là quả-vị Phật.
Trở về Bản-giác là mục-đích tối-cao của người tu-hành Phật-giáo.

45.- TAM-THÂN
(3 thân)
Chư Phật có ba thân là Pháp-thân, Báo-thân và Ứng-hóa-thân.
1.- PHÁP-THÂN: Chân-thân của Phật, đầy-đủ vô-lượng pháp-công-đức. Còn gọi là “tự-tính-thân” là thể-tính chân-như pháp-giới thanh-tịnh, bình-đẳng của hết thảy pháp.
2.- BÁO-THÂN: Do gây nhân công-đức nhiều đời mà hiển-thị thân Phật trang-nghiêm. Thân này còn gọi là “Thụ-dụng-thân”: Nơi mình do tu-tập nhiều công-đức, được sắc-thân thanh-tịnh và được hưởng pháp-lạc rộng lớn nhiệm-mầu, gọi là “Tự-thụ-dụng-thân”. Đối với hàng Thập-địa[60] Bồ-tát, chư Phật thị-hiện sắc-thân, hiện đại-thần-thông, chuyển pháp-luân (quay xe pháp) làm cho các vị khỏi ngờ, được thụ-dụng pháp-lạc của Đại-thừa, như thế gọi là “Tha-thụ-dụng-thân”.
3.- ỨNG-HÓA-THÂN: Do Phật-trí biến-hóa nhiều thân, tùy theo căn-cơ chúng-sinh mà hóa-độ. Ứng-hiện-thân trong Thập-địa Bồ-tát là “Thắng-ứng-thân”. Ứng-hiện-thân trong phàm-phu, Thanh-văn, Duyên-giác là “Ứng-liệt-thân”.
Tam thân Phật là chân-như, do công-đức từ-bi, trí-tuệ mà có.

46.- TAM-ĐỨC
(3 đức)
Tùy theo tính, tướng, nhân, quả, lợi mình, lợi người, Phật-học chia tam (ba) đức ra các loại sau đây:
1.- Đại-Niết-bàn có ba đức, đầy-đủ cả thường (thường hằng, không thay-đổi), lạc (an-vui chân-thực), ngã (tự-tại không chướng-ngại), tịnh (trong-sạch thực-sự) là: Pháp-thân, Bát-nhã và Giải-thoát.
- PHÁP-THÂN: Bản-thể của Phật, lấy pháp-tính thường-trụ bất-diệt làm thân.
- BÁT-NHÃ: Trí-tuệ. Trí-tuệ của Phật hiểu biết rõ-ràng trạng-thái các pháp như-thực, bình-đẳng, không thêm, bớt, sinh, diệt.
- GIẢI-THOÁT: Xa-lìa hết thảy sự ràng-buộc; được tự-tại.
2.- Về phần lợi mình, lợi người, chư Phật có ba đức: Trí-đức, Đoạn-đức và Ân-đức
- TRÍ-ĐỨC: Phá hết thảy sự mê-lầm không biết; đầy-đủ vô-thượng-giác.
- ĐOẠN-ĐỨC: Đoạn-trừ hết thảy phiền-não; đầy-đủ vô-thượng Niết-bàn.
- ÂN-ĐỨC: Đầy-đủ tâm đại-bi, cứu giúp hết thảy chúng-sinh.
3.- Về phần nhân-quả, chư Phật có ba đức: Nhân-viên-đức, Quả-viên-đức và Ân-viên-đức.
- NHÂN-VIÊN-ĐỨC: Sự tu-hành trong ba đại-kiếp viên-mãn.
- QUẢ-VIÊN-ĐỨC: Trí-đức, đoạn-đức đều hoàn-toàn viên-mãn.
- ÂN-VIÊN-ĐỨC: Độ hết thảy chúng-sinh được giải-thoát hoàn-toàn.
Toàn-thể ba đức trên, chứng-thực sự giác-ngộ cao cả của chư Phật và lòng thương vô-biên của chư Phật.

47.- BỔN-PHẬN NGƯỜI PHẬT-TỬ
Trí-tuệ, từ-bi và sự-thực là ba yếu-điểm trong giáo-lý Phật-đà.
Y-cứ vào giáo-lý ấy người Phật-tử cần phải thực-hành:
1.- Đối với bản-thân a) Bỏ dần dục-vọng, ích-kỷ, tập sống đời sống tự-chủ giải-thoát, rộng-rãi, phát-triển điều lợi mình, giúp người. b) Nhận rõ sự-vật đều vô-thường, chuyển-biến theo định-luật nhân-quả, phá bỏ tà-chấp, phát ý-chí dũng-mãnh, quyết thắng dục-vọng, hướng theo đường chân-chính, xây-dựng một lý-tưởng vững-vàng trên đường tu-học, giác-ngộ.
2.- Đối với Tam-bảo: Có lòng tin chân-chính, vững-chắc. Tinh-tiến tu-học đúng giáo-lý Phật, hộ-trì và truyền-bá chính-pháp của Phật.
3.- Đối với gia-đình: Hiếu-thảo cha mẹ, hòa-thuận anh em, vợ chồng, họ-hàng thân-thích…, hướng-dẫn gia-đình trên đường thiện-chính và xây-dựng gia-đình trên nền-tảng Phật-hóa.
4.- Đối với xã-hội: Đem tinh-thần từ-bi bình-đẳng phục-vụ xã-hội và xây-dựng xã-hội trên tinh-thần hiểu-biết, hòa-hợp, an-vui chân-thực trong giáo-lý Phật-đà.
Ý-tưởng thanh-tịnh, lời nói thanh-tịnh, hành-động thanh-tịnh, hiểu biết rốt-ráo, thực-hiện lòng thương rộng lớn là bổn-phận người Phật-tử.
 
Tác giả bài viết: HT. Thích Tâm Châu
Nguồn tin: www.quangduc.com
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 252
  • Khách viếng thăm: 239
  • Máy chủ tìm kiếm: 13
  • Hôm nay: 53702
  • Tháng hiện tại: 2987411
  • Tổng lượt truy cập: 91878984
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012