Xã hội hài hòa

Đăng lúc: Thứ hai - 28/10/2013 07:04 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Xã hội hài hòa tức là một xã hội tỉnh táo, ổn định về mọi mặt, vận hành có đạo đức, có trật tự, trong đó mọi người và mọi thành phần của xã hội đều hưởng được phúc lạc, ý thức rõ vai trò xã hội của mình và nỗ lực thực hiện tốt vai trò ấy trong các tương giao với người khác.
Không một cá nhân nào là độc lập cả, và sự hiện hữu cũng như vị thế của mỗi cá nhân luôn luôn ở trong thế tương quan với người khác và với xã hội. Một người không thể trở thành thủ tướng khi không có một nội các gồm các bộ trưởng. Vị thủ tướng ấy cũng không thể tồn tại và chẳng làm gì được nếu không có những người chuyên trồng lúa và dệt vải mỗi ngày cung cấp cho ông ta và nội các của ông ta. Một nhận thức khá đơn giản như vậy về xã hội thiết tưởng là cần thiết đối với mọi người, dù ở cương vị nào, bởi lẽ có nhận thức cho thật đúng về ý nghĩa cấu trúc và sự vận hành của xã hội thì con người mới xây dựng được một xã hội hài hòa.

Đạo Phật nhìn cuộc đời rất thực và rất bình an. Đức Phật xem mọi thứ trên cuộc đời là do nhân duyên sinh. Con người do ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành thức) mà có, xã hội do nhiều cá nhân và nhiều thành phần khác hợp lại mà thành. Mỗi đơn vị, cá nhân hay xã hội, vốn đã do nhiều yếu tố kết hợp; nó cũng không thể thiếu các yếu tố khác làm nền cho sự tồn tại và vận hành của nó. Cuộc sống là sự hiện hữu hỗ tương nên không ai và không có gì là đặc biệt duy nhất cả. Mọi người và mọi thứ đều quan trọng và đều cần cho nhau. Hiểu như vậy về con người và về xã hội thì mới thấy tại sao Đức Phật khuyên mọi người nên sống hài hòa, có lòng thương quý, tôn trọng và hỗ trợ cho nhau; mỗi người nên làm tốt phận việc của mình với tâm tư hiểu biết, hướng thiện và đừng tranh chấp hoặc ganh tỵ nhau về địa vị. Bởi mỗi người đều có vai trò quan trọng là hỗ trợ cho cuộc sống tồn tại hài hòa và giá trị của cá nhân nằm ở chỗ góp phần đúng đắn cho sự tồn tại hài hòa ấy. Đức Phật cho rằng khi mọi công dân ý thức đầy đủ vai trò trách nhiệm xã hội của mình và nỗ lực thể hiện tốt vai trò trách nhiện ấy trong các mối tương giao với gia đình và xã hội thì bấy giờ đất nước sẽ thái bình thịnh vượng. Những lời dạy sau đây [1] phản ánh quan điểm của Ngài về một xã hội hài hòa:   
 

 
“Này Gia chủ tử, vị Thánh đệ tử cần hộ trì sáu phương như vầy: Phương Đông cần được hiểu là cha mẹ. Phương Nam cần được hiểu là sư trưởng. Phương Tây cần được hiểu là vợ con. Phương Bắc cần được hiểu là bạn bè. Phương Dưới cần được hiểu là tôi tớ, lao công. Phương Trên cần được hiểu là Sa-môn, Bà-la-môn.

Này Gia chủ tử, có năm cách người con phải phụng dưỡng cha mẹ như phương Đông: “Được nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ; tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ; tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống; tôi sẽ bảo vệ tài sản thừa tự; tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời”. Này Gia chủ tử, được con phụng dưỡng như phương Đông theo năm cách như vậy, cha mẹ có lòng thương tưởng đến con theo năm cách: Ngăn chận con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp, cưới vợ xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con.

Này Gia chủ tử, như vậy là cha mẹ được con phụng dưỡng như phương Đông theo năm cách và cha mẹ có lòng thương tưởng con theo năm cách. Như vậy phương Đông được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.

Này Gia chủ tử, có năm cách đệ tử phụng dưỡng các bậc sư trưởng như phương Nam: Đứng dậy để chào, hầu hạ thầy, hăng hái học tập, tự phục vụ thầy, chú tâm học hỏi nghề nghiệp. Này Gia chủ tử, được đệ tử phụng dưỡng như phương Nam theo năm cách như vậy, các bậc sư trưởng có lòng thương tưởng đến các đệ tử theo năm cách: Huấn luyện đệ tử những gì mình đã được khéo huấn luyến; dạy cho bảo trì những gì mình được khéo bảo trì; dạy cho thuần thục các nghề nghiệp; khen đệ tử với các bạn bè quen thuộc; bảo đảm nghề nghiệp cho đệ tử về mọi mặt.

Này Gia chủ tử, như vậy là bậc sư trưởng được đệ tử phụng dưỡng như phương Nam theo năm cách và sư trưởng có lòng thương tưởng đến đệ tử theo năm cách. Như vậy phương Nam được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.

Này Gia chủ tử, có năm cách, người chồng phải đối xử với vợ như phương Tây: Kính trọng vợ, không bất kính đối với vợ; trung thành với vợ; giao quyền hành cho vợ; sắm đồ nữ trang với vơ. Này Gia chủ tử, được chồng đối xử như phương Tây theo năm cách như vậy, người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách: Thi hành tốt đẹp bổn phận của mình; khéo tiếp đón bà con; trung thành với chồng; khéo gìn giữ tài sản của chồng; khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc.

Này Gia chủ, như vậy là người vợ được người chồng đối xử như phương Tây theo năm cách và người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách. Như vậy phương Tây được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.

Này Gia chủ tử, có năm cách vị thiện nam tử đối xử với bạn bè như phương Bắc: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, không lường gạt. Này Gia chủ tử, được vị thiện nam tử đối xử như phương Bắc theo năm cách như vậy, bạn bè có lòng thương kính vị thiện nam tử theo năm cách: Che chở nếu vị thiện nam tử phóng túng; bảo trì tài sản của vị thiện nam tử nếu vị này phóng túng; trở thành chỗ nương tựa khi vị thiện nam tử gặp nguy hiểm; không tránh xa khi vị thiện nam tử gặp khó khăn; kính trọng gia đình của vị thiện nam tử.

Này Gia chủ tử, như vậy là bạn bè được vị thiện nam tử đối xử như phương Bắc theo năm cách và bạn bè có lòng thương tưởng vị thiện nam tử theo năm cách. Như vậy phương Bắc được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.

Này Gia chủ tử, có năm cách một vị chủ nhân đối xử với hạng nô bộc như phương Dưới: Giao việc đúng theo sức lực của họ; lo cho họ ăn uống và tiền lương; điều trị cho họ khi bệnh hoạn; chia xẻ các mỹ vị đặc biệt cho họ; thỉnh thoảng cho họ nghỉ phép. Này Gia chủ tử, các hàng nô bộc được chủ nhân đối xử như phương Dưới với năm cách như kia, có lòng thương tưởng đối với vị chủ nhân theo năm cách như sau: Dậy trước khi chủ dậy; đi ngủ sau chủ; tự bằng lòng với các vật đã cho; khéo làm các công việc; đem danh tiếng tốt đẹp cho chủ.

Này Gia chủ tử, như vậy là các hàng nô bộc được vị chủ nhân đối xử như phương Dưới theo năm cách, và các hạng nô bộc có lòng thương tưởng đối với chủ nhân theo năm cách. Như vậy phương Dưới được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.

Này Gia chủ tử, có năm cách vị thiện nam tử đối xử với các vị Sa-môn, Bà-la-môn như phương Trên: Có lòng từ trong hành động về thân; có lòng từ trong hành động về khẩu; có lòng từ trong hành động về ý; mở rộng cửa để đón các vị ấy; cúng dường các vị ấy các vật dụng cần thiết. Này Gia chủ tử, các vị Sa-môn, Bà-la-môn được vị thiện nam tử đối xử như phương Trên theo năm cách như vậy, có lòng thương tưởng vị thiện nam tử ấy theo năm cách sau đây: Ngăn họ không làm điều ác; khuyến khích họ làm điều thiện; thương xót họ với tâm từ bi, dạy họ những điều chưa nghe; làm cho thanh tịnh điều đã được nghe; chỉ bày con đường đưa đến cõi Trời.

Này Gia chủ tử, như vậy là các Sa-môn, Bà-la-môn được vị thiện nam tử đối xử như phương Trên theo năm các và các Sa-môn, Bà-la-môn có lòng thương tưởng vị thiện nam tử theo năm cách. Như vậy phương Trên được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.

Cha mẹ là phương Đông,
Sư trưởng là phương Nam,
Vợ chồng là phương Tây,
Bạn bè là phương Bắc,
Nô bộc là phương Dưới,
Sa-môn, Bà-la-môn,
Có nghĩa là phương Trên.
Cư sĩ vì gia đình,
Đảnh lễ phương hướng ấy.

Kẻ trí giữ Giới, Luật,
Từ tốn và biện tài,
Khiêm nhường và nhu thuận,
Nhờ vậy được danh xưng.

Dậy sớm không biếng nhác,
Bất động giữa hiểm nguy,
Người hiền, không phạm giới,
Nhờ vậy được danh xưng.

Nhiếp chúng, tạo nên bạn,
Từ ái, tâm bao dung,
Dẫn đạo, khuyến hóa đạo,
Nhờ vậy được danh xưng.

Bố thí và ái ngữ,
Lợi hành bất cứ ai,
Đồng sự trong mọi việc,
Theo trường hợp xử sự.

Chính những nhiếp sự này,
Khiến thế giới xoay quanh,
Như bánh xe quay lăn,
Vòng theo trục xe chính.

Nhiếp sự này vắng mặt,
Không có mẹ hưởng thọ,
Hay không cha hưởng thọ,
Sự hiếu kính của con.

Do vậy bậc có trí,
Đối với nhiếp pháp này,
Hãy quán sát chấp trì,
Nhờ vậy thành vĩ đại,
Được tán thán, danh xưng.”
                                                     

 
                                       
 
 

[1] Kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt, Trường bộ.

Tác giả bài viết: Thích Tâm Phương
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 324
  • Khách viếng thăm: 316
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 85903
  • Tháng hiện tại: 3108604
  • Tổng lượt truy cập: 92000177
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012