Góc nhớ Cố đô…

Đăng lúc: Thứ hai - 08/07/2013 05:50 - Người đăng bài viết: Nhuận tâm bình
Nhớ làm sao những ngày thời sinh viên ở Huế, lên chùa học bài, lên chùa ăn cơm chay, lên chùa xin hoa về trang trí phòng ở, và cả những lần… bạo miệng xin trái cây đêm về lót… cái dạ dày những lúc học bài khuya…
 

Cứ đến mùa Phật đản là tôi lại có được một cảm giác thanh thoát an nhiên khi nhớ nghĩ về một nét văn hóa mà tôi đã được hấp thụ đến mức thấm đẫm từ thời thơ ấu.


Kỷ niệm vẫn hằn sâu trong ký ức xa xăm về một thời gian khó, cứ vướng vít neo đậu trong thế giới hồn nhiên từ lúc trẻ thơ cho đến bây giờ; rồi bất chợt, vào thời khắc rằm tháng Tư về, lòng tôi lại hân hoan với những cảm xúc trong trẻo về những mùa Phật đản ngày xưa. Tôi nhớ đến xóm làng tôi sau lũy tre xanh êm đềm với ngôi chùa làng có đầy ắp người trang nghiêm về dự lễ Phật đản. Tiếp nối tháng ngày thơ bé ở quê nhà rong chơi quanh ngôi chùa làng, lớn lên, ra Huế học đại học, tôi đã có môi trường nuôi lớn tâm hồn mình trong những dịp vãng cảnh chùa.

Mà quả đúng, cố đô Huế là chốn kinh kỳ đồng thời cũng là xứ sở của chùa chiền và người dân theo đạo Phật. Các chùa ở Huế thường nằm ở vùng ven thành phố với quang cảnh thật đẹp. Khi nghĩ về chùa, ấn tượng trong tôi là những giò phong lan nguyên sơ, những vườn hoa bốn mùa khoe sắc trong cảnh quan thanh tịnh, là mùi trầm ngào ngạt tỏa hương thơm, là uy nghi những bức tượng Phật nhìn mỗi người đến chùa như thấu tận tâm can. Tôi thích nghe tiếng chuông chùa trong đêm khua thanh vắng, trong sáng sớm sáng trong tinh khiết hay chiều hoàng hôn khép lại ngày qua. Những lúc ấy, tôi như thấy lòng mình được thanh thản hơn, những ưu tư phiền muộn trong cuộc sống như được vơi dần…

Nhớ hồi ở Huế, vào mỗi dịp lễ Phật đản, những ngày trăng tròn tháng Tư, ngày kỷ niệm Đức Phật đản sanh, khắp nơi tràn đầy một không khí hân hoan, rộn rã. Tôi và mấy đứa bạn cùng phòng ở ký túc xá từ chiều đã háo hức lắm, tối đến là hòa vào dòng người đi bộ trên khắp nẻo đường để được xem diễu hành xe hoa, xem lễ rước Phật từ các chùa mà điểm cuối là đến chùa Từ Đàm trong sự im lặng và ánh nến lung linh. Không khí bỗng hóa thành thiêng liêng khiến niềm thành kính tự dâng lên trong sâu thẳm tâm linh mỗi người con Phật. Trong tiếng chuông chùa, tôi nghe phảng phất lời bài hát Từ Đàm quê hương tôi của Nguyễn Thông: “Ai đi qua miền Trung sớm hôm chuông chùa nhẹ rung. Ôi anh linh bóng chùa Từ Đàm. Nơi Nam – Bắc nối giữ đạo vàng… Từ Đàm ơi…” với một cảm xúc khó tả. Bất chợt tôi nhớ đến lời mẹ nơi quê nhà, rằng “đất vua chùa làng”. Tôi như thấy rõ hiển hiện hình bóng quê nhà, ngôi chùa, mái đình, cây đa, bến nước là những biểu tượng làng quê Việt Nam, khắc ghi vào tâm khảm mỗi người ngay từ thơ bé.

Không chỉ trong ngày lễ Phật đản, mà mỗi ngày qua đi, tôi lắng nghe tiếng chuông chùa vang lên như rửa sạch lớp bụi trần gian tục lụy. Tôi có cảm giác giải thoát đến từ tiếng chuông. Tiếng chuông đến từ sự vô ngã. Hiện hữu là một sự thức tỉnh, là khách cửa thiền. Nhớ lần lên chùa Bảo Quốc học bài thi, nói về đạo Phật, một thầy trụ trì ở đây đã cho tôi biết: hai biểu trưng không thể thiếu ở chùa là hoa sen và chuông. Hoa sen biểu trưng cho diệu pháp của đạo Phật, còn chuông dùng để thức tỉnh và gọi. Bởi tiếng chuông ngân lên để rồi lại tắt, có thể nghe được mà không thể bắt được. Sự vô thường của thế giới hiện hữu là cả một sự tư tưởng lớn của Phật giáo.

Trong mùa lễ Phật đản, có lẽ ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là lễ thả hoa đăng trên dòng sông Hương thơ mộng. Làm sao quên được từng dòng người từ chiều tỏa về với các chùa, rồi tối đến tập trung các ngả đường chính xem đoàn xe diễu hành, sau đó là xuôi theo dọc hai bờ sông Hương ngắm những chiếc thuyền hoa lấp lánh, những ngọn đèn lung linh như những đóa sen trên sông bàng bạc ánh trăng rằm. Hòa nhập với dòng người khắp trên thành Huế, mọi nẻo đường tưng bừng cờ hoa rực rỡ, tôi cảm nhận không khí Phật đản chốn kinh kỳ. Tôi đọc được từ mình, từ bạn bè và cả từ những khuôn mặt mà tôi không hề quen biết là những niềm vui, những nụ cười, những ánh mắt rạng ngời, những lời nói đầy tự hào về Phật giáo. Dường như tinh thần Phật đản thật sự ngập tràn trên xứ sở này…

Bây giờ, sau những năm học tập và công tác ở Huế, tôi về lại quê nhà xứ Quảng thân yêu. Và thói quen vãng cảnh chùa, đi chùa vẫn nguyên vẹn trong tôi như thời còn ở Huế. Chùa ở quê tôi không “hoành tráng” như ở Huế về nhiều mặt, từ số lượng Phật tử cho đến kiến trúc ngôi chùa. Nhiều ngôi chùa xây nhỏ nhắn như ngôi nhà ba gian, trụ cổng đi vào đắp nổi bằng hoa sen rất dễ nhận biết. Tôi biết, chùa chiền vẫn là nơi gửi gắm tâm linh, niềm tin của con người. Ai đó cho rằng trong bộn bề cuộc sống mưu sinh, tâm lý tìm về chốn bình an như là nhu cầu không thể thiếu, đặc biệt những lúc tinh thần bị lung lạc, con người muốn có chỗ bấu víu, nương tựa. Tôi thường ngẫm lời Phật dạy về khổ, mọi người sẽ nhận ra mình đáng thương, cần có sự cảm thông, chia sẻ. Không chỉ dịp lễ Phật đản, Vu lan, tôi vẫn thường đi chùa vào những lúc rảnh rỗi hay có sự bất an trong tâm hồn. Tôi nhìn những làn khói hương trầm bay phảng phất, tôi lắng nghe những tiếng chuông chùa, tiếng kinh cầu nguyện đều đều. Những thanh âm và hình ảnh ấy đã làm tôi tĩnh tâm, tự tại và nhận ra bản ngã của chính mình. Đó cũng là sức mạnh của triết lý nhân sinh trong cuộc sống là không buông xuôi “hồi đầu thị ngạn” (quay đầu là bờ) và cuộc đời như một dòng trôi duyên phận, cho nhận, tỉnh thức và cả những điều diệu kỳ lúc nào đó con người chợt nhận ra.

Nhớ làm sao những ngày thời sinh viên ở Huế, lên chùa học bài, lên chùa ăn cơm chay, lên chùa xin hoa về trang trí phòng ở, và cả những lần… bạo miệng xin trái cây đêm về lót… cái dạ dày những lúc học bài khuya… Chao ôi, đó là những món quà “vô giá” trong ký ức… Để mỗi mùa lễ Phật đản về, trong sâu thẳm tâm hồn tôi vẫn như còn nguyên vẹn tiếng kinh nguyện cầu, tiếng chuông chùa xa vọng, trầm nhẹ và và cả những chiếc thuyền hoa thả xuống dòng nước Hương giang ngàn năm chảy mãi… Tất cả là góc nhớ cố đô của lòng tôi. 

Sưu tầm


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 282
  • Khách viếng thăm: 275
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 88562
  • Tháng hiện tại: 2822402
  • Tổng lượt truy cập: 88627005
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012