Nội quy Ban Tăng sự T.Ư khóa VIII (2017-2022)

Đăng lúc: Thứ tư - 31/10/2018 21:23 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Nội quy Ban Tăng sự T.Ư khóa VIII (nhiệm kỳ 2017-2022) được HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo VN ấn ký Quyết định số 185/QĐ-HĐTS ban hành vào ngày 18-9-2018, gồm 15 chương, 85 điều.



Chương I: Danh xưng - Văn phòng - Chức năng - Nhiệm vụ

Điều 1. Danh xưng

Ban Tăng sự là một trong các Ban, Viện thuộc hệ thống tổ chức của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Hội đồng Trị sự giao phó. Ban Tăng sự có danh xưng theo cấp hành chính như sau:

1. Cấp Trung ương: Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (sau đây gọi là Ban Tăng sự Trung ương);

2. Cấp Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương: Ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, thành phố (sau đây gọi là Ban Tăng sự Tỉnh).

Điều 2. Nhiệm kỳ 

Nhiệm kỳ của Ban Tăng sự theo nhiệm kỳ của Giáo hội cùng cấp.

Điều 3. Văn phòng Ban Tăng sự Trung ương

1.Văn phòng khu vực phía Bắc: Chùa Quán Sứ, số 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.

2. Văn phòng khu vực phía Nam: Thiền viện Quảng Đức, số 294 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động của Ban Tăng sự

Ban Tăng sự hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể bàn bạc, thảo luận, quyết định theo đa số, có phân công cá nhân phụ trách.

Điều 5. Chức năng, nhiệm vụ của Ban Tăng sự

1. Giám sát, hướng dẫn các Tự viện, Tăng Ni tuân thủ Giới luật, chấp hành Hiến chương Giáo hội, các Quy chế của Giáo hội và Nội quy Ban Tăng sự Trung ương. Y cứ Giới luật, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các quy định của Giáo hội và Pháp luật Nhà nước để giám sát, hộ trì việc tu học, hành đạo, sinh hoạt của Tăng Ni và hoạt động Phật sự của Tự viện.

2. Tham mưu, đề xuất trực tiếp với Ban Thường trực và Lãnh đạo Giáo hội cùng cấp nghiên cứu và có ý kiến chỉ đạo giải quyết các công tác Phật sự, giải quyết vụ việc có liên quan đến lĩnh vực Tăng sự; Đề xuất các dự án, chương trình hoạt động thuộc phạm vi hoạt động của Ban Tăng sự, trình Ban Thường trực và Lãnh đạo Giáo hội cùng cấp phê duyệt, triển khai thực hiện.

3. Trực tiếp tham mưu cho Ban Thường trực và Lãnh đạo Giáo hội cùng cấp trong việc giám sát, đôn đốc, kiểm tra hoạt động Phật sự; ban hành cơ chế làm việc để đảm bảo cho những quy định của Giới luật, Hiến chương Giáo hội, Nội quy Ban Tăng sự được chấp hành nghiêm chỉnh.

4. Thống nhất sự lãnh đạo và quản lý các Chùa, Tổ đình, Tịnh xá, Thiền viện, Tu viện, Tịnh viện, Tịnh thất, Niệm Phật đường (sau đây gọi là Tự viện, cơ sở tôn giáo trực thuộc) và Tăng Ni GHPGVN trong và ngoài nước theo quy định của Hiến chương Giáo hội, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương và pháp luật Nhà nước.

5. Phối hợp với các Ban chuyên môn trong hệ thống GHPGVN để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Giáo hội giao phó trong việc truyền bá Chính pháp, chấn chỉnh việc sinh hoạt, tu học, hành đạo, hoạt động tôn giáo của Tự viện và Tăng Ni.

6. Phối hợp với các Ban chuyên môn trong hệ thống Giáo hội để xây dựng, phát triển bền vững Giáo hội Phật giáo Việt Nam; chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của các Tự viện, Tăng Ni.

7. Chỉ đạo Trụ trì các Tự viện, Tăng Ni trong sinh hoạt, tu học, hành đạo luôn kính ngưỡng, phụng hành Giáo pháp, Giới luật Phật chế, tuân thủ Hiến chương Giáo hội và pháp luật nước Nhà nước.

Chương II: Tổ chức - Nhân sự


Điều 6. Tổ chức, nhân sự của Ban Tăng sự Trung ương

1) Ban Tăng sự Trung ương có số lượng thành viên theo quy định của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, gồm các chức danh:

-Trưởng ban

-2 Phó Trưởng ban Thường trực

-Các Phó Trưởng ban

-1 Chánh Thư ký

-Các Phó Thư ký

-1 Thủ quỹ

-1 Ủy viên Thường trực phụ trách Ni giới

-Các Ủy viên Thường trực

-Các Ủy viên.

2) Trưởng Ban Tăng sự Trung ương do Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc suy cử. Hội đồng Trị sự chuẩn y thành phần nhân sự Ban Tăng sự Trung ương theo quy định tại khoản 1, điều 6 Nội quy này.

Thường trực Ban Tăng sự Trung ương có số lượng thành viên không quá 1/3 số lượng thành viên của Ban Tăng sự Trung ương.

3) Vì tính chất đặc thù, tôn trọng và duy trì các truyền thống, pháp môn và phương tiện tu hành của các thành viên sáng lập GHPGVN, Ban Tăng sự Trung ương có các Phân ban:

-Phân ban Phật giáo Nam tông Khmer;

-Phân ban Phật giáo Nam tông Kinh;

-Phân ban Phật giáo Khất sĩ;

-Phân ban Phật giáo người Hoa;

-Phân ban Ni giới.  

4) Các Phân ban có số lượng không quá 27 thành viên.

5) Phân ban Ni giới Trung ương có số lượng bằng số lượng thành viên của Ban Tăng sự Trung ương. Phân ban Ni giới Trung ương hoạt động theo Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, Nội quy của Phân ban Ni giới Trung ương được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN phê chuẩn và có con dấu riêng.

Điều 7. Tổ chức, nhân sự của Ban Tăng sự tỉnh

1) Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ban Trị sự tỉnh) được thành lập Ban Tăng sự tỉnh, có số lượng không quá 37 thành viên, gồm các chức danh:

-Trưởng ban

-1 Phó Trưởng ban Thường trực

-Các Phó Trưởng ban

-1 Chánh Thư ký

-2 Phó Thư ký

-1 Thủ quỹ

-1 Ủy viên Thường trực phụ trách Ni giới

-Các Ủy viên Thường trực

-Các Ủy viên

Thường trực Ban Tăng sự tỉnh có số lượng thành viên không quá 1/3 số lượng thành viên của Ban Tăng sự tỉnh.

2) Trưởng Ban Tăng sự tỉnh do Đại hội Đại biểu Phật giáo cấp tỉnh suy cử. Ban Trị sự tỉnh chuẩn y thành phần nhân sự Ban Tăng sự tỉnh theo quy định tại khoản 1 điều 7 Nội quy này.

3)  Ban Tăng sự tỉnh được thành lập Phân ban Ni giới tỉnh có số lượng không quá số lượng thành viên Ban Tăng sự tỉnh. Phân ban Ni giới tỉnh hoạt động theo Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, Nội quy Phân ban Ni giới Trung ương.

Chương III: Nhiệm vụ - Quyền hạn


Điều 8. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Tăng sự Trung ương

1) Tổng hợp tình hình Tự viện, Tăng Ni GHPGVN ở trong và ngoài nước; lập các dự án, chương trình hoạt động, kế hoạch thực hiện những chủ trương, công tác Phật sự thuộc lĩnh vực Tăng sự.

2) Thường xuyên đôn đốc Ban Tăng sự tỉnh triển khai thực hiện các Nghị quyết, chương trình hoạt động của Giáo hội.

3) Lập danh bạ Tự viện, Tăng Ni và chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động, sinh hoạt, tu học, hoạt động tôn giáo của Tự viện, Tăng Ni theo Giới luật, Hiến chương Giáo hội, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương và Pháp luật Nhà nước.

- Lập hồ sơ cấp giấy Chứng điệp Thụ giới, Chứng điệp An cư, Chứng nhận Tăng Ni, Chứng nhận Tu sĩ Phật giáo Nam tông, Chứng nhận Tu nữ Phật giáo Nam tông; lập hồ sơ Tăng Ni hoàn tục.

- Lập hồ sơ Tăng Ni được tấn phong Giáo phẩm, Tuyên dương công đức trình Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, hoặc Hội nghị thường niên Hội đồng Trị sự xét duyệt, trình Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc thông qua.

- Thủ tục tấn phong Giáo phẩm chính thức được thực hiện tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc, được Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh phê chuẩn, Đức Pháp chủ GHPGVN ban hành Giáo chỉ tấn phong Giáo phẩm.

- Phối hợp với 02 Văn phòng Trung ương Giáo hội tổ chức triển khai, thực hiện các công tác Tăng sự có liên quan, sau khi được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN thông qua.

Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của Lãnh đạo Ban Tăng sự Trung ương và  các đơn vị trực thuộc

Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực, Trưởng Phân ban Ni giới trực thuộc Ban Tăng sự Trung ương là thành viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự; thừa ủy nhiệm Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN xem xét giải quyết và ký các văn bản có liên quan công tác Tăng sự.

Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Tăng sự tỉnh

Đề xuất dự án, kế hoạch về Tăng sự trình Ban Thường trực Ban Trị sự cùng cấp quyết định. Tổ chức, triển khai thực hiện các công tác Phật sự thuộc phạm vi chuyên môn do Trung ương Giáo hội chủ trương, chỉ đạo hoặc do yêu cầu thực tế của địa phương.

1) Tổng hợp tình hình Tự viện, Tăng Ni của địa phương, báo cáo với Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh và Ban Tăng sự Trung ương.

2) Lập danh bạ và quản lý Tự viện, Tăng Ni tại địa phương.

3) Tham mưu cho Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh giải quyết những vấn đề liên quan đến Tự viện, Tăng Ni.

4) Tham mưu cho Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh lập quy hoạch xây dựng, phát triển Tự viện mới tại địa phương theo chủ trương của Ban Trị sự tỉnh, quy định của pháp luật.

5) Lập hồ sơ Tăng Ni hội đủ điều kiện tấn phong Giáo phẩm theo quy định của điều 53 – 56 chương IX Hiến chương Giáo hội, báo cáo Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh thẩm tường, đệ trình Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Tăng sự Trung ương phê chuẩn tại Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, hoặc Hội nghị thường niên Hội đồng Trị sự.

6) Lập hồ sơ Tăng Ni được khen thưởng hoặc kỷ luật tại điều  64 – 67 chương XII Hiến chương Giáo hội, điều 71 - 75 Nội quy này.

Điều 11. Nhiệm vụ, quyền hạn của Lãnh đạo Ban Tăng sự tỉnh và      các đơn vị trực thuộc

1) Trưởng Ban Tăng sự, Trưởng Phân ban Ni giới là thành viên Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh; thừa ủy nhiệm Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh xem xét giải quyết và ký các văn bản có liên quan đến công tác Tăng sự.

2) Phân ban Tăng sự Nam tông lập thủ tục trình Hòa thượng Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban Tăng sự Trung ương phụ trách Phật giáo Nam tông ký giấy Chứng nhận Tu sĩ và Tu nữ Phật giáo Nam tông. Đối với các thành viên lớn tuổi của hệ phái, tu lâu hoặc phát nguyện tu trọn đời thì trình Hòa thượng Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự phụ trách Phật giáo Nam tông ấn ký.

Chương IV: Thành phần Tăng, Ni trong Giáo hội

Điều 12. Thành phần Tăng, Ni trong GHPGVN 

1) Hàng Giáo phẩm.

2) Thành phần Đại chúng.

Điều 13. Hàng Giáo phẩm

1) Giáo phẩm Tăng: Hòa thượng, Thượng tọa.

2) Giáo phẩm Ni: Ni trưởng, Ni sư.

Điều 14. Thành phần Đại chúng

1) Chư Tăng: Các Tỳ kheo (Đại đức), Sa di;

2) Chư Ni: Các Tỳ kheo Ni (Sư cô), Thức Xoa Ma Na, Sa di Ni, Tu nữ Nam tông.

Điều 15. Thành phần khác

1) Tu nữ Phật giáo Nam tông Kinh, Nam tông Khmer là những người nữ Phật tử xuất gia, tu học theo truyền thống của Phật giáo Nam tông và không phải là Tỳ kheo Ni.

2) Những nam nữ Phật tử sống và tu hành trong các Tự viện đã đăng ký hộ khẩu hoặc tạm trú nhưng chưa xuất gia, được gọi chung là "Tịnh nhân".

Chương V: Quản lý tự viện

Điều 16. Vị trí, tính chất của Tự viện

Tự viện là giáo sản của GHPGVN, được pháp luật bảo hộ.

Điều 17. Tính hợp pháp của Tự viện

1) Phải được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật Nhà nước.

2) Phải được Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh chấp thuận, sau đó mới được đăng ký danh bạ Tự viện của Giáo hội.

Điều 18. Phân cấp quản lý Tự viện

Giáo hội Phật giáo Việt Nam giao cho Ban Trị sự tỉnh và Ban Trị sự huyện quản lý các Tự viện. Cụ thể đối với tính chất của các Tự viện như sau:

1) Các Tự viện được xây dựng trước ngày 07.11.1981 (ngày Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam) là cơ sở tôn giáo hợp pháp của GHPGVN theo quy định tại điều 57 Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

2) Những Tự viện do tổ chức Giáo hội, tổ chức Hội, Hệ phái xây dựng trước ngày 07.11.1981 thuộc quyền quản lý, điều hành trực tiếp của các cấp Giáo hội Phật giáo từ Trung ương đến địa phương, có sự lưu tâm đến đặc thù, truyền thống của từng Sơn môn, Hệ phái trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

3) Tự viện đã, đang hoạt động tôn giáo theo truyền thống của Sơn môn, Hệ phái đều do Sơn môn, Hệ phái trực tiếp quản lý, điều hành. Tất cả các hoạt động Phật sự của Tự viện đều đặt dưới sự thống nhất quản lý về mặt tổ chức của Giáo hội các cấp từ Trung ương đến địa phương.

4) Những Tự viện được xây dựng sau ngày 07.11.1981 cho đến nay, chưa đăng ký danh bạ Tự viện thì phải lập các thủ tục đăng ký danh bạ Tự viện theo quy định của điều 20 Nội quy này và pháp luật Nhà nước.

Điều 19. Quyền và nghĩa vụ của Tự viện

1) Các Tự viện theo điều 57 chương X Hiến chương GHPGVN đều có địa vị pháp lý như nhau trong các hoạt động Phật sự, sinh hoạt tôn giáo.

2) Quyền chuyển đổi tên gọi từ Chùa sang tên gọi Tổ đình được quy định:

-Chùa do Tổ sư là danh Tăng của Phật giáo Việt Nam, Hệ phái sáng lập;

-Chùa có nhiều cơ sở chi nhánh trực thuộc, ít nhất từ 05 (năm) chi nhánh trực thuộc trở lên;

-Chùa được công nhận là cổ tự, danh lam, di tích văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, cấp tỉnh và có bề dày lịch sử từ 100 năm trở lên.

3) Chuyển đổi tên gọi từ Tịnh thất sang tên gọi Chùa, Tịnh xá:

-Vấn đề chuyển đổi tên gọi này thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Trị sự tỉnh, nhưng cần lưu ý những yếu tố pháp lý có liên quan đến Tự viện như quyền sử dụng đất và các giao dịch khác có liên quan đến tên gọi Tự viện hiện hữu.

-Tiêu chí chuyển đổi tên Tịnh thất sang tên gọi Chùa, Tịnh xá đối với Tịnh thất có thời gian hình thành từ 05 năm trở lên, có diện tích đất phù hợp sự phát triển lâu dài, và có số lượng tín đồ Phật tử địa phương theo tiêu chí của Ban Trị sự tỉnh ấn định.

4) Các Tự viện có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quy định của Hiến chương Giáo hội, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương và pháp luật Nhà nước.

Điều 20. Thủ tục xây dựng Tự viện mới

Việc xây dựng Tự viện mới tại các khu đô thị mới, khu dân cư mới, vùng dân tộc ít người, và các vùng đặc biệt khác được tiến hành theo thủ tục như sau:

1) Trung ương Giáo hội, hoặc Ban Trị sự tỉnh chủ trương xây dựng Tự viện mới, thủ tục đăng ký do Cơ quan có chủ trương xây dựng Tự viện mới thực hiện.

2) Ban Trị sự tỉnh có kế hoạch chi tiết xây dựng Tự viện mới cho từng năm, trao đổi thống nhất với Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh về tiêu chí, điều kiện để xây dựng Tự viện mới tại địa phương và quy định của pháp luật Nhà nước.

3) Cá nhân Tăng Ni hoặc Cư sĩ Phật tử xây dựng, thì cá nhân đó làm thỉnh nguyện thư gửi Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh. Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh là cơ quan duy nhất được quyền tiến hành các thủ tục đăng ký thành lập cơ sở tôn giáo với Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh theo quy định của pháp luật Nhà nước.

4) Tăng Ni xây dựng Tự viện mới phải được sự đồng ý của Thầy Nghiệp sư, hoặc Y chỉ sư, và Ban Trị sự tỉnh chấp thuận. Các trường hợp Tăng Ni xây Tự viện mới không đúng các quy định của Giáo hội, pháp luật Nhà nước, Nội quy này đều là bất hợp pháp.

5) Trường hợp cá nhân Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử xây dựng Tự viện mới không thực hiện đầy đủ các điều kiện đã quy định nêu trên, Ban Trị sự tỉnh có đủ thẩm quyền để giải quyết dứt điểm những trường hợp tự phát xây dựng Tự viện mới được coi là bất hợp pháp tại địa phương.

Điều 21. Phục hồi Tự viện

1) Ban Trị sự tỉnh tổ chức khảo sát, thống kê Tự viện bị hư hoại do chiến tranh, hoặc hoàn cảnh khác, trao đổi thống nhất phương án phục hồi với Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh.

2) Tiêu chí phục hồi:

- Còn các giấy tờ liên quan trước đây để làm cơ sở tham khảo;

- Còn dấu tích của Tự viện;

- Còn nhân chứng xác định vị trí Tự viện;

- Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, áp dụng đầy đủ các tiêu chí, hoặc áp dụng một phần các tiêu chí nêu trên.

3) Hồ sơ gồm:

- Lập kế hoạch phục hồi;

- Văn bản kiến nghị của Hệ phái, của các đệ tử Tăng Ni có thời gian xuất gia tại Tự viện đó, hoặc của nhân dân, Phật tử địa phương;

- Văn bản đề nghị của Ban Trị sự tỉnh gửi Ủy ban nhân dân cùng cấp.

Điều 22. Quản lý Tự viện của gia tộc

1) Do hoàn cảnh lịch sử để lại, trong hệ thống Tự viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có một số Tự viện do gia tộc xây dựng và quản lý, không đăng ký hoạt động tôn giáo với Ban Trị sự tỉnh. Ban Trị sự tỉnh có trách nhiệm:

- Lần thứ nhất, Ban Trị sự tỉnh tiến hành vận động gia tộc đăng ký hoạt động tôn giáo dưới sự quản lý của GHPGVN các cấp theo hướng tôn trọng công đức xây dựng Tự viện của gia tộc;

- Lần thứ hai, Ban Trị sự tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động;

- Lần thứ ba, Ban Trị sự tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động;

2) Biện pháp giải quyết:

Sau ba lần tuyên truyền, vận động, gia tộc kiên quyết không đăng ký hoạt động tôn giáo dưới sự quản lý của GHPGVN, Ban Trị sự tỉnh trao đổi thống nhất với Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh để giải quyết:

- Thông báo với Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh, về việc Tự viện này không còn là cơ sở tôn giáo của GHPGVN để chuyển đổi nơi đây chính thức là nhà thờ họ tộc, hoặc nhà riêng bằng các tiêu chí cụ thể do Ban Trị sự tỉnh ấn định;

- Khi đã xóa tên Tự viện, chuyển thành nhà thờ gia tộc, hoặc nhà riêng vẫn được quyền tự do tín ngưỡng, nhưng không được tập hợp tín đồ đến nhà thờ gia tộc, nhà riêng để hoạt động tôn giáo;

- Để đảm bảo tên một Tự viện đã tồn tại nhiều năm tại địa phương khi được chuyển thành nhà thờ gia tộc hoặc nhà riêng, Ban Trị sự tỉnh trao đổi thống nhất với Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh để xây dựng lại Tự viện này tại địa điểm mới để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào Phật tử địa phương.

3) Đối với những Tự viện có hộ gia đình sinh hoạt chung trong khuôn viên Tự viện, Ban Trị sự tỉnh phối hợp với Ban Trị sự huyện, UBND xã thu xếp đưa hộ gia đình này ra bên ngoài khuôn viên Tự viện, hoặc phương án quy hoạch khác để tạo sự tách biệt trong sinh hoạt, ổn định của Tự viện trên cơ sở hài hòa lợi ích.

Điều 23. Tiếp nhận, hiến cúng Tự viện

Việc tiếp nhận hiến cúng Tự viện chưa đăng ký hợp pháp của cá nhân cho Giáo hội, Ban Trị sự tỉnh thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai, giải quyết vấn đề nội bộ của cơ sở được ổn định trước khi tiếp nhận và đăng ký danh bạTự viện.

Điều 24. Cải gia vi tự

Việc cải gia vi tự (sửa nhà làm chùa) do Ban Trị sự tỉnh kết hợp cùng Ban Tăng sự cùng cấp quyết định và phải được sự chấp thuận của Ủy ban Nhân dân tỉnh theo quy định của Pháp luật Nhà nước.

Điều 25. Quản lý, sử dụng con dấu của Tự viện

Con dấu tròn các Tự viện được quản lý và sử dụng theo quy định chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật Nhà nước.

Chương VI: Tài sản tự viện

Điều 26. Sở hữu Tự viện

1) Quyền sở hữu Tự viện được quy định trong Hiến chương GHPGVN:

- Tự viện là giáo sản của GHPGVN;

- Tự viện chịu sự quản lý của GHPGVN.

2) Quyền sở hữu Tự viện theo pháp luật của Nhà nước:

- Tự viện hình thành và phát triển có sự đóng góp của nhiều người hoặc từ các nguồn công sức khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích phục vụ lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng, nên Tự viện thuộc sở hữu chung ;

- Các cấp Giáo hội quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung của Tự viện theo truyền thống, tập quán của Phật giáo Việt Nam, Tông môn, Hệ phái để phục vụ lợi ích chung của Tự viện, nhưng không được vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội;

- Tài sản của Tự viện là tài sản chung hợp nhất không thể phân chia;

3) Các từ ngữ liên quan đến quyền sở hữu được hiểu như sau:

- Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá trị và quyền tài sản;

- Tài sản bao gồm động sản và bất động sản. Động sản và bất động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai;

- Tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể Giáo hội đã xác lập quyền sở hữu, các quyền khác đối với sở hữu tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập công nhận Trụ trì hoặc Ban Hộ tự (Tự viện chưa có Trụ trì) ;

- Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm: Tài sản chưa hình thành; tài sản đã hình thành nhưng chủ thể Giáo hội xác lập quyền sở hữu, các quyền khác đối với tài sản sau thời điểm công nhận Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (Tự viện chưa có Trụ trì);

- Bất động sản gồm: Đất đai; Tự viện, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, Tự viện, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật Nhà nước.

Điều 27. Quản lý tài sản Tự viện

1) Tự viện là giáo sản, là sở hữu chung của cộng đồng do GHPGVN đại diện làm chủ sở hữu duy nhất.

2) Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (Tự viện chưa có Trụ trì) là người được GHPGVN giao quyền sử dụng, quản lý Tự viện theo Hiến chương GHPGVN và pháp luật Nhà nước.

3) Quyền định đoạt tài sản Tự viện do Giáo hội nắm giữ.

Điều 28. Sử dụng tài sản Tự viện

1) Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (Tự viện chưa có Trụ trì) được quyền sử dụng tài sản gắn liền với Tự viện vào các hoạt động Phật sự, sinh hoạt, tu học của Tăng Ni; phục vụ lợi ích chung của Giáo hội và cộng đồng xã hội.

2) Không được sử dụng tài sản Tự viện vào việc lợi ích cá nhân.

Điều 29. Định đoạt tài sản Tự viện

1) Chỉ có Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự tỉnh mới có quyền định đoạt tài sản của Tự viện.

2) Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (Tự viện chưa có Trụ trì) không có quyền định đoạt tài sản Tự viện.

3) Các tài sản Tự viện do cá nhân Trụ trì đứng tên theo giấy khai sinh sau khi được Giáo hội bổ nhiệm trụ trì, những tài sản đó thuộc tài sản của Tự viện.

4) Các tài sản khác do cá nhân Trụ trì sản xuất, kinh doanh hợp pháp, người khác tặng, cho hợp pháp theo pháp luật Nhà nước trước khi được Giáo hội bổ nhiệm trụ trì, không bị chi phối bởi điều 27, 28 Nội quy này.

Điều 30. Quyền hưởng dụng tài sản Tự viện của Trụ trì

1) Tiếp nhận tài sản theo hiện trạng và thực hiện đăng ký theo quy định của Giáo hội và pháp luật Nhà nước.

2) Khai thác tài sản Tự viện phù hợp với công dụng, mục đích sử dụng của tài sản.

3) Giữ gìn, bảo quản tài sản Tự viện.

4) Trùng tu, tôn tạo, sửa chữa tài sản Tự viện theo định kỳ để bảo đảm cho việc sử dụng bình thường; khôi phục tình trạng của tài sản và khắc phục các hậu quả xấu đối với tài sản Tự viện do việc không thực hiện tốt nghĩa vụ của mình phù hợp với yêu cầu kỹ thuật hoặc theo tập quán về bảo quản tài sản.

5) Hoàn trả tài sản Tự viện cho chủ sở hữu là Giáo hội, khi bị Giáo hội truất quyền Trụ trì, hoặc giải tán Ban Hộ tự và các quy định của Hiến chương Giáo hội và pháp luật Nhà nước.

Điều 31. Quyền định đoạt tài sản Tự viện của Giáo hội

1) Giáo hội định đoạt tài sản Tự viện nhưng không được làm thay đổi quyền hưởng dụng của Trụ trì đã được xác lập.

2) Không được cản trở, thực hiện hành vi khác gây khó khăn hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp quyền hưởng dụng của Trụ trì.

3) Sau khi trao đổi thống nhất với Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Ban Trị sự tỉnh ra quyết định hủy bỏ quyền hưởng dụng đối với Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình.

4) Thực hiện việc chỉ đạo trùng tu, tôn tạo, sửa chữa tài sản Tự viện theo quy định của pháp luật Nhà nước về xây dựng, trùng tu, tôn tạo cơ sở thờ tự.

Chương VII: Quyền khiếu nại của trụ trì tự viện và Tăng Ni

Điều 32. Quyền khiếu nại

Trụ trì Tự viện, Tăng Ni được quyền khiếu nại để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Hiến chương Giáo hội và pháp luật Nhà nước.

Điều 33. Trình tự, thủ tục khiếu nại

1) Trình tự, thủ tục khiếu nại gửi Cơ quan Giáo hội:

a) Lần thứ nhất:

- Khi có phát sinh những trường hợp làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của Tự viện và cá nhân Tăng Ni thì Trụ trì và cá nhân Tăng Ni được quyền gửi hồ sơ khiếu nại đến Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện (sau đây gọi là Ban Trị sự huyện);

- Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ban Trị sự huyện có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không giải quyết phải nêu rõ lý do và chuyển hồ sơ lên cấp trên;

- Khi gửi hồ sơ đến Ban Trị sự huyện, Trụ trì Tự viện và cá nhân Tăng Ni yêu cầu nơi nhận hồ sơ có biên nhận hồ sơ nếu gởi trực tiếp; nếu gửi bằng đường bưu điện thì thời gian được tính theo dấu bưu điện đóng trên hồ sơ.

b) Lần thứ hai:

- Sau khi lợi ích hợp pháp của Tự viện và cá nhân không được giải quyết tại Ban Trị sự huyện, trụ trì Tự viện và cá nhân Tăng Ni được quyền gửi hồ sơ khiếu nại đến Ban Trị sự tỉnh;

- Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ban Trị sự tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không giải quyết phải nêu rõ lý do và chuyển hồ sơ lên cấp trên;

- Khi gửi hồ sơ đến Ban Trị sự tỉnh, Trụ trì Tự viện và cá nhân Tăng Ni yêu cầu nơi nhận hồ sơ có biên nhận hồ sơ nếu gửi trực tiếp; nếu gửi bằng đường bưu điện thì thời gian được tính theo dấu bưu điện đóng trên hồ sơ.

c) Lần thứ ba:

- Sau khi lợi ích hợp pháp của Tự viện và cá nhân không được giải quyết tại Ban Trị sự tỉnh, trụ trì Tự viện và cá nhân Tăng Ni được quyền gửi hồ sơ khiếu nại đến Hội đồng Trị sự GHPGVN (khu vực phía Bắc gửi về Văn phòng 1 Trung ương Giáo hội, khu vực phía Nam gửi về Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội);

2) Trình tự, thủ tục khiếu nại gửi Cơ quan Nhà nước:

- Trình tự, thủ tục khiếu nại thực hiện theo quy định của khoản 1 điều 33 Nội quy này. Khiếu nại từ cấp xã, huyện, tỉnh và Trung ương;

- Thời gian trả lời đơn thư theo thời hiệu của Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành.

Điều 34. Xử lý đối với khiếu nại vượt cấp

Các trường hợp khiếu nại vượt cấp, không theo trình tự, thủ tục của điều 33 Nội quy này sẽ được xử lý như sau:

- Lần thứ nhất: Ban Trị sự huyện nhắc nhở;

- Lần thứ hai: Ban Trị sự huyện tiếp tục nhắc nhở, kiểm điểm;

- Lần thứ ba: Ban Trị sự huyện tiếp tục nhắc nhở, kiểm điểm. Nếu tiếp tục khiếu nại vượt cấp, Ban Trị sự huyện báo cáo về Ban Trị sự tỉnh để xử lý.

Điều 35. Xử lý trường hợp khiếu nại vượt cấp, vụ việc đã giải quyết

1) Khiếu nại vượt cấp:

a) Lần thứ nhất: Ban Trị sự tỉnh ra quyết định cảnh cáo;

b) Lần thứ hai: Ban Trị sự tỉnh ra quyết định đình chỉ chức vụ Trụ trì Tự viện trong 03 (ba) tháng; cá nhân Tăng Ni sám hối tại Tự viện 01 (một) tháng;

c) Lần thứ ba: Ban Trị sự tỉnh ra quyết định cách chức trụ trì Tự viện; hình thức xử lý cá nhân Tăng Ni do Ban Trị sự tỉnh quyết định theo Luật Phật; thông tri biện pháp giải quyết trong toàn tỉnh. Nếu tiếp tục tái phạm, Ban Trị sự tỉnh báo trình về Trung ương Giáo hội để xử lý theo điều 65 - 67 Hiến chương GHPGVN;

2) Khiếu nại vụ việc đã giải quyết: Vụ việc khiếu nại đã được cấp có thẩm quyền giải quyết thỏa đáng theo quy định của Hiến chương Giáo hội và pháp luật Nhà nước, trụ trì Tự viện, cá nhân Tăng Ni vẫn tiếp tục khiếu nại.

a) Lần thứ nhất: Ban Trị sự tỉnh ra quyết định cảnh cáo, kiểm điểm;

b) Lần thứ hai: Ban Trị sự tỉnh ra quyết định đình chỉ chức vụ trụ trì Tự viện trong 06 (sáu) tháng; cá nhân Tăng Ni sám hối tại Tự viện 03 (ba) tháng;

c) Lần thứ ba: Ban Trị sự tỉnh ra quyết định cách chức trụ trì Tự viện, thông tri biện pháp giải quyết trong toàn tỉnh. Nếu Tự viện có liên hệ với Sơn môn, Hệ phái sẽ trao đổi với Sơn môn, Hệ phái để thay đổi trụ trì. Đối với cá nhân Tăng Ni, hình thức xử lý do Ban Trị sự tỉnh quyết định theo Luật Phật. Nếu tiếp tục tái phạm, Ban Trị sự tỉnh báo trình về Trung ương Giáo hội để xử lý theo điều 65 - 67 Hiến chương GHPGVN.

Chương VIII: Xuất gia - Cầu thầy y chỉ - Hoàn tục

Điều 36. Xuất gia

Nam, Nữ Phật tử có nguyện vọng phát tâm xuất gia, tu học tại các Tự viện phải theo đúng Luật Phật và đủ các điều kiện sau đây:

1.Được sự chấp thuận của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

2.Không vi phạm pháp luật.

3.Phải đầy đủ các căn, thể chất lành mạnh, không bị bệnh truyền nhiễm, bệnh tâm thần và có phiếu khám sức khỏe tốt.

4.Giấy xác nhận tình trạng độc thân (nếu không có kết hôn và đủ tuổi thành niên).

5.Được vị trụ trì Tự viện bảo lãnh, Ban Trị sự nơi xuất gia chấp thuận.

6.Ban Trị sự huyện xác nhận và báo trình Ban Tăng sự tỉnh tri tường.

7.Việc nhận người vào tu tại Tự viện phải thực hiện theo quy định của Luật Phật, Hiến chương Giáo hội, pháp luật Nhà nước.

8.Nam, Nữ Phật tử dưới tuổi vị thành niên, do cha mẹ hoặc người giám hộ làm đơn ký thác cho vị trụ trì cơ sở Tự viện.

9.Nam nữ Phật tử đã có gia thất, muốn xuất gia phải có sự đồng ý của vợ hoặc chồng và theo các quy định tại khoản 2, 3, 5, 6 điều 36 Nội quy này.

10.Sau khi các thủ tục xuất gia hoàn tất, Ban Tăng sự tỉnh cấp giấy chứng nhận xuất gia.

11.Hồ sơ xuất gia gồm có:

a) Tự tay viết đơn phát nguyện, ghi rõ lý do và nguyện vọng phát tâm xuất gia;

b) Có văn bản ký thác gửi cho Trụ trì Tự viện của Cha - Mẹ, hoặc người Giám hộ. Áp dụng cho trường hợp người xuất gia dưới tuổi thành niên;

c) Sơ yếu lý lịch còn giá trị sử dụng không quá 6 tháng;

d) Phiếu khám sức khỏe;

e) Nếu đã kết hôn, muốn xuất gia phải có văn bản đồng ý của vợ, hoặc chồng, hoặc phán quyết của Tòa án.

Điều 37. Xuất gia cho nam, nữ Phật tử

1) Do nhân duyên, trụ trì được phép xuất gia cho nam, nữ Phật tử. Tăng xuất gia cho nữ Phật tử, sau khi làm lễ xuất gia xong, phải gửi sang Tự viện Ni để được giáo dục, hướng dẫn tu học và thọ giới Sa di Ni, Thức xoa Ma na, Tỳ kheo Ni theo Luật Phật.

2) Ni được phép xuất gia cho nữ Phật tử.

3) Quản lý hồ sơ:

a) Hồ sơ xuất gia được tập trung quản lý tại Văn phòng Ban Trị sự tỉnh;

b) Nếu Phân ban Ni giới tỉnh đủ tiêu chuẩn về Văn phòng, Ban Trị sự tỉnh, chuyển bản sao giấy xuất gia của Ni giới cho Phân ban Ni giới tỉnh quản lý và lưu trữ.  

4) Việc từ bỏ một đệ tử xuất gia, Trụ trì Tự viện phải giáo dục nhiều lần. Nếu không giáo dục được thì y cứ Giới luật để giải quyết. Thông báo cho Ban Trị sự huyện, Ban Trị sự tỉnh và các Tự viện trong tỉnh biết.

Điều 38. Cầu Thầy Y chỉ

1) Tăng Ni khi hết nhân duyên Tự viện này, được quyền đến Tự viện khác để tu học, với các điều kiện:

a) Y chỉ để cầu học;

b) Y chỉ trọn đời;

c) Khi vị Thầy Tế độ (thầy Nghiệp sư, Bổn sư) viên tịch, Tăng Ni được quyền chọn một vị Tôn túc khác để làm Thầy Y chỉ;

d) Khi vị Thầy Tế độ (thầy Nghiệp sư, Bổn sư) còn sinh tiền, Tăng Ni ở Tự viện này muốn sang Tự viện khác xin Y chỉ với vị Tôn túc khác phải hội đủ các điều kiện:

- Không vi phạm trọng giới, không vi phạm pháp luật;

- Phải được vị Thầy Tế độ (thầy Nghiệp sư, Bổn sư) giới thiệu và thực hiện các nghi lễ cầu Thầy Y chỉ theo Luật Phật;

2) Vấn đề Tăng Ni ở Tự viện này sang Tự viện khác tu học, cầu Thầy Y chỉ mang yếu tố xuyên suốt phải thực hiện theo điều 80 Nội quy này, nếu vi phạm sẽ được xử lý nghiêm theo Luật Phật.

Điều 39. Tăng, Ni hoàn tục

Tăng Ni đã hoàn tục, Ban Trị sự, Ban Tăng sự tỉnh thu hồi các giấy tờ do Giáo hội cấp và báo cáo về Văn phòng Ban Tăng sự Trung ương để xóa tên trong danh bạ Tăng Ni.

1) Tăng giới vi phạm Giới luật, tự nguyện hoàn tục, hoặc bị buộc phải hoàn tục, sau khi sám hối đúng Luật Phật được phát nguyện xuất gia trở lại, nhưng phải thực hiện đầy đủ các quy định của điều 36 Nội quy này.

2) Theo luật Phật chế, Ni giới đã hoàn tục thì không được phép xuất gia trở lại.

Điều 40. Tư cách làm Thầy

Trụ trì Tự viện, hoặc Tăng Ni được Trụ trì Tự viện ủy quyền, muốn thu nhận đệ tử phải hội đủ các tiêu chuẩn theo lời Đức Phật dạy trong Kinh điển và Giới luật.

Chương IX: Giới đàn - Giới tử - An cư sinh hoạt định kỳ

Điều 41. Giới đàn

Giới đàn là nghi lễ quan trọng, được tổ chức để truyền giới cho Tăng Ni trong hạn tuổi theo từng giới phẩm do Phật chế để tu học và hành đạo. Luật Phật ấn định như sau:

1. Thành phần Tăng giới có:

a) Giới Sa-di                              b) Giới Tỳ-kheo

2. Thành phần Ni giới có:

a) Giới Sa-di-ni                          c) Giới Tỳ-kheo-ni

b) Giới Thức-xoa-ma-na

Điều 42. Thủ tục đăng ký Đại giới đàn

Ban Trị sự tỉnh trước khi tổ chức Đại giới đàn, phải thực hiện thủ tục đăng ký với Trung ương Giáo hội và Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh.

Hồ sơ gồm có:

a) Văn bản đăng ký tổ chức Đại giới đàn;

b) Danh sách Ban Tổ chức;

c) Danh sách Giới sư Tăng, Giới sư Ni;

1) Giới đàn phải thực hiện đúng theo Giới luật, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, văn bản hướng dẫn của Trung ương Giáo hội và quy định của pháp luật Nhà nước.

2) Trước ngày khai mạc Đại giới đàn, Ban Trị sự tỉnh phải gửi danh sách Giới tử  về Ban Tăng sự Trung ương và Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh. Thời gian gửi là 7 ngày làm việc.

Điều 43. Ban Trị sự tỉnh không đủ điều kiện tổ chức Đại giới đàn 

1) Tăng Ni giới tử được Ban Trị sự tỉnh nơi cư trú giới thiệu đăng ký thụ giới tại các tỉnh, thành khác.

2) Tổ chức Tiểu giới đàn truyền giới Sa-di, Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-na. Tăng Ni giới tử thụ giới Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni được Ban Trị sự cấp tỉnh giới thiệu đăng ký thụ giới tại các tỉnh, thành khác.

Điều 44.Tiêu chuẩn Giới tử được tuyển chọn thụ giới Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni

1) Giới tử được tuyển chọn thụ giới Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni phải có đủ các tiêu chuẩn:

a) Tuổi đời từ 20 tuổi đến 60 tuổi (tính theo khai sinh);

b) Không vi phạm Pháp luật Nhà nước;

c) Các căn đầy đủ, không tàn tật, không mắc bệnh truyền nhiễm và bệnh tâm thần;

d) Đã thụ giới Sa-di (Tăng), Thức-xoa-ma-na (Ni) ít nhất là 2 năm đã học giới luật;

e) Có trình độ tốt nghiệp Trung cấp Phật học, văn hóa phổ thông Trung học hoặc tương đương đối với các giới tử có tuổi đời dưới 30;

f) Trúng tuyển trong kỳ khảo hạch của Đàn giới.

2) Đối với Phật giáo Nam tông (Nam tông Khmer và Nam tông Kinh) thực hiện theo truyền thống của Hệ phái và các tiêu chuẩn về thọ giới của Nội quy này; đối với Tăng Ni giới tử Hệ phái Khất sĩ, về phần khảo hạch Giới luật và Kinh tụng, Ban Giám khảo nên chú ý đến tính biệt truyền của Hệ phái.

Điều 45. Tiêu chuẩn giới tử được tuyển chọn thụ giới Sa di, Sa di Ni

1) Được tuyển chọn là giới tử thụ giới Sa di, Sa di Ni phải đủ các tiêu chuẩn:

a) Tuổi đời theo Luật Phật quy định;

b) Không vi phạm Pháp luật Nhà nước khi từ 16 tuổi trở lên (tính theo khai sinh);

c) Các căn đầy đủ, không tàn tật, không mắc bệnh truyền nhiễm và bệnh tâm thần;

d) Đã tu học ít nhất là 2 năm, tính từ ngày Ban Trị sự tỉnh cấp giấy chứng nhận xuất gia;

e) Có trình độ văn hóa ít nhất là tốt nghiệp phổ thông cơ sở hoặc tương đương đối với các giới tử có tuổi đời dưới 30;

f) Phải thuộc các nghi thức tụng niệm tùy theo từng Hệ phái;

g) Phải trúng tuyển trong kỳ thi khảo hạch của Đàn giới.

2) Đối với Phật giáo Nam tông (Nam tông Khmer và Nam tông Kinh) thực hiện theo truyền thống của Hệ phái và các tiêu chuẩn về thọ giới của Nội quy này; đối với Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ, về phần khảo hạch Giới luật và Kinh tụng, Ban Giám khảo nên chú ý đến tính biệt truyền của Hệ phái.

3) Đối với người xuất gia trên 60 tuổi, chỉ được thọ giới Sa di, Sa di Ni. Khi tham dự các pháp hội, đạo tràng: Lễ phục và Pháp phục của Sa di, Sa di Ni không có nếp gấp ở tay áo và ở cổ áo theo mục c, khoản 5, điều 68 Nội quy này.

Điều 46. Tiêu chuẩn giới tử được tuyển chọn thụ giới Thức xoa Ma na

Được tuyển chọn giới tử thụ giới Thức xoa Ma na phải đủ các tiêu chuẩn:

1. Tuổi đời từ 18 tuổi trở lên đến 60 tuổi, tính theo khai sinh.

2. Không vi phạm Pháp luật Nhà nước.

3. Các căn đầy đủ, không tàn tật, không mắc bệnh truyền nhiễm và bệnh tâm thần.

4. Đã thọ giới Sa di Ni ít nhất là 2 năm đã học giới luật.

5. Có trình độ văn hóa ít nhất là tốt nghiệp phổ thông cơ sở hoặc tương đương đối với các giới tử có tuổi đời dưới 30.

6. Phải thuộc các nghi thức tụng niệm tùy theo từng Hệ phái.

7. Phải trúng tuyển trong kỳ thi khảo hạch của Đàn giới.

Điều 47. Cấp chứng điệp thụ giới

Sau khi thụ giới hợp lệ, các Tăng Ni giới tử sẽ được Ban Tăng sự Trung ương cấp Chứng điệp thụ giới.

Điều 48. Truyền giới, thụ giới và quản lý hồ sơ thụ giới

1) Truyền giới:

a) Khai mạc, bế mạc Đại giới đàn được tổ chức chung cho Tăng Ni giới tử;

b) Thập sư Tăng, Thập sư Ni riêng biệt;

c) Giới trường Tăng, giới trường Ni riêng biệt;

d) Trụ trì được quyền giới thiệu đệ tử xuất gia thụ giới tại Đại giới đàn do Ban Trị sự tỉnh (nơi Giới tử cư trú) tổ chức phải thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn về thọ giới của Nội quy này;

e) Nếu Trụ trì Tự viện giới thiệu đệ tử xuất gia thụ giới tại địa phương khác, phải được Ban Trị sự tỉnh nơi Giới tử cư trú giới thiệu. 

2) Quản lý hồ sơ thụ giới:

a) Hồ sơ Giới tử Tăng Ni được tập trung quản lý tại Văn phòng Ban Trị sự tỉnh;

b) Nếu Phân ban Ni giới tỉnh hội đã tiêu chuẩn về văn phòng, Ban Trị sự tỉnh chuyển bản sao hồ sơ Giới tử Ni cho Phân ban Ni giới cấp tỉnh để có ý kiến, quá trình đóng góp ý kiến phải có đủ thành phần Hệ phái (Bắc tông, Khất sĩ) tại địa phương;

c) Nếu có ý kiến khác, Phân ban Ni giới tỉnh có trách nhiệm kính trình ý kiến với Ban Trị sự tỉnh, Ban Tổ chức Đại giới đàn thẩm tường và quyết định;

d) Trường hợp Ban Trị sự tỉnh chưa thống nhất ý kiến, Phân ban Ni giới tỉnh có trách nhiệm giải trình với Ban Trị sự những trường hợp cụ thể để tạo sự thống nhất, hoan hỷ và đoàn kết trong nội bộ.

Điều 49.An cư Kiết hạ

Theo Luật Phật chế, mỗi năm Tăng Ni phải An cư 03 tháng để thúc liễm thân tâm, tinh tấn đạo nghiệp, tu tập Giới - Định - Tuệ. Việc tổ chức An cư được quy định:

1) Phải tổ chức An cư vào mùa hạ, tiền an cư hoặc hậu an cư.

2) Các trường hạ An cư tập trung bao gồm Tăng hoặc Ni từ 30 người trở lên tại địa phương. Đối với các tỉnh, thành miền núi, khu vực giáp tiếp biên giới, hải đảo, số lượng Tăng Ni tập chúng An cư do Ban Trị sự tỉnh quyết định.

3) Đối với các tỉnh, thành có ít Tăng Ni, trường hạ do Ban Trị sự quyết định việc tổ chức. Trường hợp Ni chúng không đủ điều kiện An cư thì được phép tòng Tăng An cư.

4) Tăng Ni phải an cư riêng biệt.

5) Ban Trị sự tỉnh hoặc Ban Trị sự huyện chịu trách nhiệm tổ chức theo quy định do Trung ương Giáo hội hướng dẫn.

6) Trường hạ tập trung do Ban Trị sự huyện tổ chức thì phải được sự chấp thuận của Ban Trị sự tỉnh.

7) Các cơ sở Tự viện có từ 05 Tỳ kheo (Tỳ kheo Ni) trở lên cư trú theo dạng tập thể, nếu thực hiện An cư tại chỗ, phải làm thủ tục đăng ký tại Ban Trị sự tỉnh thông qua Ban Trị sự huyện. Số lượng Tăng Ni và chương trình sinh hoạt An cư phải được Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh chấp thuận thì việc An cư mới hợp pháp.

8) Ban Trị sự huyện chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc về tình hình sinh hoạt an cư của Tăng Ni tại các cơ sở cùng cấp.

9) Chư Tăng Nam tông (Nam tông Khmer và Nam tông Kinh) An cư theo truyền thống Hệ phái.

Điều 50. Trường hạ an cư tập trung

Trước khi tổ chức trường hạ An cư tập trung, Ban Trị sự tỉnh hoặc Ban Trị sự huyện phải thông báo với Cơ quan Nhà nước cùng cấp để được giúp đỡ.

Điều 51.An cư sinh hoạt định kỳ tại cấp huyện

Ban Trị sự huyện tổ chức sinh hoạt cho Tăng, Ni trong địa phương mỗi tháng ít nhất một lần vào ngày sóc, vọng để Sám hối, Bố tát, kiểm điểm việc tu học của Tăng, Ni trong tháng qua đối với Đạo pháp và Dân tộc theo chủ trương đường lối của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Điều 52. Cấp Chứng điệp An cư

Mỗi Tăng Ni thực hiện An cư hợp pháp lần đầu sẽ được Ban Tăng sự Trung ương cấp Chứng điệp An cư. 

Chương X: Trụ trì - Bổ nhiệm Trụ trì

Điều 53. Trách nhiệm của Trụ trì

1) Trụ trì là người thay mặt Giáo hội và chịu trách nhiệm trước Giáo hội trong việc quản lý, điều hành các hoạt động Phật sự tại Tự viện theo nguyên tắc dân chủ tập thể quyết định theo đa số, cá nhân phụ trách; tuân thủ theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương và các quy định khác của Giáo hội.

2) Trụ trì phải tuân thủ sự quản lý, hướng dẫn của Ban Trị sự tỉnh, Ban Trị sự huyện nơi quản lý cơ sở Tự viện.

3) Trụ trì phải tuân thủ pháp luật Nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại cơ sở tự viện.

4) Trụ trì Tự viện phải có trách nhiệm tham dự đầy đủ các kỳ Bố tát, An cư, Tự tứ, các phiên họp, lễ hội, sự kiện do Ban Trị sự tỉnh, Ban Trị sự huyện triệu tập. Trụ trì không chấp hành, biện pháp xử lý như sau:

a) Trụ trì Tự viện 03 (ba) lần liên tiếp không tham dự, Ban Trị sự huyện nhắc nhở, kiểm điểm;

b) Không chấp hành, Ban Trị sự huyện báo cáo về Ban Trị sự tỉnh xử lý;

c) Hình thức xử lý của Ban Trị sự tỉnh:

- Tiếp tục nhắc nhở, nếu không khắc phục thì cảnh cáo;

- Cảnh cáo mà vẫn không chấp hành, hình thức xử lý:

+ Đình chỉ chức vụ Trụ trì trong 03 (ba) tháng để sửa chữa những hạn chế;

+ Nếu không sửa chữa thì thu hồi quyết định Trụ trì. Nếu có liên hệ với Sơn môn, Hệ phái sẽ trao đổi với Sơn môn, Hệ phái để thay thế Trụ trì.

5) Trụ trì có trách nhiệm tiếp nhận đệ tử xuất gia và hướng dẫn Chúng điệu tu học trong thời gian tập sự 02 năm tính từ ngày Ban Trị sự tỉnh cấp giấy chứng nhận xuất gia. Hướng dẫn, dạy bảo Chúng điệu về Giới luật Phật căn bản, uy nghi, thời khóa tụng niệm và Phật pháp căn bản. Chỉ có trụ trì mới là người giới thiệu cho Chúng điệu thụ các giới theo luật Phật và theo học tại các trường đào tạo Phật học.

6) Trụ trì có trách nhiệm tổ chức tu tập, sinh hoạt thời khóa tụng niệm, đảm bảo sự hòa hợp, đoàn kết trong nội bộ. Đảm bảo đời sống sinh hoạt, an ninh, an toàn cho Tăng Ni sinh hoạt tại tự viện.

7) Khi các đệ tử xuất gia vi phạm các giới luật, có các hành vi không chấp hành các quy định của Giáo hội, gây mất đoàn kết nội bộ Tự viện, căn cứ Luật Phật, điều 65 – 67 chương XII Hiến chương GHPGVN để xử lý:

a) Lần thứ 1: Trụ trì giáo dục, nhắc nhở, kiểm điểm;

b) Lần thứ 2: Trụ trì tiếp tục giáo dục, nhắc nhở, kiểm điểm;

c) Lần thứ 3: Trụ trì căn cứ Luật Phật xử lý để đệ tử sửa đổi lỗi lầm.

d) Sau 03 lần giáo dục, nhắc nhở, kiểm điểm, người phạm lỗi không hối cải, Trụ trì báo cáo bằng văn bản cho Ban Trị sự cấp huyện để xử lý.

8) Việc Trụ trì từ bỏ đệ tử phải hội đủ các điều kiện của Luật Phật và quy định của Hiến chương Giáo hội, điều 71, 72, 73 Nội quy này.

9) Nếu Trụ trì không thực hiện đúng các quy định về trách nhiệm trụ trì, Ban Trị sự tỉnh được quyền hạn chế việc tiếp nhận đệ tử xuất gia của Trụ trì.

Điều 54. Bổ nhiệm Trụ trì

1) Ban Trị sự tỉnh quyết định việc bổ nhiệm trụ trì tại cơ sở Tự viện có Tăng Ni cư trú.

2) Đối với những trường hợp khác, Ban Trị sự tỉnh xin ý kiến chỉ đạo của Hội đồng Trị sự theo khoản 6 điều 19 Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

3) Tự viện chưa có trụ trì, Ban Trị sự tỉnh thực hiện việc đăng ký bổ nhiệm trụ trì với Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh.

4) Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm trụ trì:

a) Đơn đăng ký bổ nhiệm trụ trì của Tăng Ni;

b) Đăng ký bổ nhiệm của Ban Trị sự huyện gửi Ban Trị sự tỉnh;

c) Sơ yếu lý lịch;

d) Phiếu lý lịch tư pháp số 1;

e) Phiếu khám sức khỏe.

Điều 55. Tiêu chuẩn Tăng Ni được bổ nhiệm Trụ trì

Việc bổ nhiệm Trụ trì cần có sự lựa chọn những Tăng Ni với những tiêu chuẩn:

1) Tăng Ni có trình độ tốt nghiệp Trung cấp Phật học trở lên.

2) Tăng Ni đã tốt nghiệp Phổ thông Trung học (tú tài) trở lên.

3) Tăng Ni có đơn phát nguyện trụ trì phải là người đã thọ giới Tỳ kheo ít nhất là 5 năm hoặc có hạ lạp từ 5 năm trở lên, có đạo hạnh tốt.

4) Trụ trì phải là Tăng Ni có khả năng nhiếp chúng, hướng dẫn chúng tu tập, chăm lo đời sống sinh hoạt của chúng.

Điều 56. Thẩm quyền ký quyết định bổ nhiệm Trụ trì

1) Chỉ có Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN và Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh mới có thẩm quyền ra quyết định bổ nhiệm Trụ trì.

2) Ban Trị sự huyện có tờ trình đề xuất bổ nhiệm Trụ trì cơ sở Tự viện tại địa phương mình sau khi xem xét nguyện vọng, tham khảo ý kiến nội bộ cơ sở Tự viện đó. Nếu có liên quan đến Sơn môn, Hệ phái, thì phải được sự thống nhất của chư vị Giáo phẩm trong Sơn môn, Hệ phái có quan hệ với Tự viện đó.

Điều 57. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm Trụ trì

1) Trường hợp bổ nhiệm Trụ trì cho Tăng Ni đang sinh hoạt tại GHPGVN tỉnh:

a) Đại diện Tăng Ni, Phật tử (hoặc đại diện chính quyền địa phương) nơi Tự viện xin bổ nhiệm trụ trì gửi hồ sơ đề nghị bổ nhiệm trụ trì theo khoản 3 điều 54 Nội quy này tới Ban Trị sự huyện;

b) Ban Trị sự huyện có trách nhiệm gửi tờ trình và hồ sơ đề nghị bổ nhiệm trụ trì đến cơ quan Nhà nước cấp huyện, Ban Trị sự tỉnh.

c) Ban Trị sự tỉnh gửi tờ trình và hồ sơ đăng ký bổ nhiệm trụ trì đến Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh đối với Tăng Ni xin bổ nhiệm trụ trì ở các huyện khác chuyển tới cơ sở Tự viện xin bổ nhiệm.

2) Trường hợp bổ nhiệm trụ trì cho Tăng Ni đang sinh hoạt tại GHPGVN tỉnh, thành phố này đến trụ trì cơ sở Tự viện thuộc tỉnh, thành phố khác:

a) Đại diện Tăng Ni, Phật tử (hoặc đại diện chính quyền địa phương) nơi Tự viện xin bổ nhiệm trụ trì gửi hồ sơ đề nghị bổ nhiệm trụ trì như tại khoản 3 điều 54 Nội quy này đến Ban Trị sự huyện;

b) Ban Trị sự huyện có trách nhiệm gửi tờ trình và hồ sơ đề nghị bổ nhiệm trụ trì đến Cơ quan Nhà nước cấp huyện, Ban Trị sự tỉnh.

c) Ban Trị sự tỉnh gửi tờ trình và hồ sơ đăng ký bổ nhiệm trụ trì đến Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh; hồ sơ đồng thời được gửi tới Ban Thường trực Hội đồng Trị sự và Ban Trị sự tỉnh nơi Tăng Ni xin đề nghị bổ nhiệm trụ trì đang sinh hoạt Phật sự để trao đổi.

d) Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh nơi đến ký quyết định bổ nhiệm trụ trì sau khi có được sự nhất trí của Ban Trị sự tỉnh nơi Tăng Ni chuyển đi và Ban Thường trực Hội đồng Trị sự chấp thuận.

3) Đối với trường hợp Tăng Ni được đề nghị bổ nhiệm trụ trì là hàng Giáo phẩm cao cấp của GHPGVN xin thuyên chuyển hoặc điều động công tác Phật sự thì Ban Thường trực Hội đồng Trị sự sẽ tham khảo ý kiến Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh và đăng ký với Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh tại địa phương theo quy định của pháp luật Nhà nước.

Điều 58. Bổ nhiệm Ban Hộ tự

1) Ban Trị sự tỉnh bổ nhiệm Ban Hộ tự cho các cơ sở Tự viện trong trường hợp không bổ nhiệm được Tăng Ni trụ trì cơ sở Tự viện đó. Ban Hộ tự có số lượng không quá 09 thành viên:

- Trưởng ban

- 1 Phó ban 

- 1 Thư ký 

- 1 Thủ quỹ

- 1 Kiểm soát 

- Các Ủy viên.

2) Đối với Tự viện đã bổ nhiệm trụ trì, Ban Hộ tự được giải quyết:

- Tự nguyện giải thể;

- Hoạt động theo sự hướng dẫn của Trụ trì.

Điều 59. Bổ nhiệm Ban Quản trị

1) Đối với các Tổ đình hay cơ sở Tự viện là đại Già lam của các tổ chức Giáo hội, Sơn môn, Hệ phái, hoặc danh lam thắng cảnh của địa phương thì có thể bổ nhiệm 01 Ban Quản trị, có số lượng không quá 11 thành viên:

- Viện chủ 

- Trưởng ban 

- Các Phó ban 

- Thư ký 

- Thủ quỹ 

-  Kiểm soát 

- Các Ủy viên.

2) Căn cứ tình hình thực tế, các chùa Phật giáo Nam tông (Nam tông Khmer và Nam tông Kinh), chùa của Sơn môn, Hệ phái, theo thẩm quyền Ban Trị sự tỉnh ban hành quyết định công nhận Ban Quản trị.

Điều 60. Bổ nhiệm Ban Trụ trì

1) Đối với cơ sở Tự viện không bổ nhiệm được Tăng Ni trụ trì tại cơ sở Tự viện đó và không thực hiện bổ nhiệm được Ban Hộ tự, thì Ban Trị sự huyện đề nghị Ban Trị sự tỉnh bổ nhiệm Ban Trụ trì. Ban Trụ trì sẽ kết thúc ngay sau khi cơ sở Tự viện được bổ nhiệm trụ trì. Ban Trụ trì có số lượng không quá 09 thành viên:

- Trụ trì do Trưởng ban hoặc Phó ban Thường trực Ban Trị sự huyện đảm nhiệm;

- 1 Phó ban Trụ trì do Phó ban Trị sự huyện đảm nhiệm;

- 1 Thư ký do Chánh Thư ký huyện đảm nhiệm;

- 1 Thủ quỹ do Thủ quỹ Ban Trị sự huyện đảm nhiệm;

- 1 Kiểm soát do Kiểm soát Ban Trị sự huyện đảm nhiệm;

- Các Ủy viên.

2) Đối với cơ sở Tự viện do tổ chức Giáo hội, tổ chức Hội, Hệ phái xây dựng trước năm 1975 đang được sử dụng làm trụ sở của Ban Trị sự tỉnh, Ban Trị sự huyện; hoặc các cơ sở Tự viện do Ban Trị sự tỉnh, Ban Trị sự huyện vận động xây dựng để làm Trụ sở thì có thể bổ nhiệm Ban Trụ trì.

Ban Trụ trì được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ của Ban Trị sự. Ban Trụ trì có số lượng không quá 09 thành viên:

- Trụ trì do Trưởng ban hoặc Phó ban Thường trực Ban Trị sự đảm nhiệm;

- 2 Phó ban Trụ trì do Phó ban Trị sự đảm nhiệm;

- 1 Thư ký do Chánh Thư ký đảm nhiệm;

- 1 Thủ quỹ do Thủ quỹ Ban Trị sự đảm nhiệm;

- 1 Kiểm soát do Kiểm soát Ban Trị sự đảm nhiệm;

-  Các Ủy viên.

Điều 61. Bãi nhiệm và thu hồi quyết định bổ nhiệm Trụ trì

Ban Trị sự tỉnh có quyền ra quyết định bãi nhiệm và thu hồi quyết định bổ nhiệm Trụ trì đối với Tự viện khi vị trụ trì đó để xảy ra mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng tại Tự viện, vi phạm Giới luật, Hiến chương Giáo hội, các quy định của Giáo hội và pháp luật Nhà nước. Việc cư trú của đương sự bị bãi nhiệm và thu hồi quyết định trụ trì được giải quyết theo quy định của pháp luật Nhà nước.

Chương XI: Danh xưng giáo phẩm - Danh xưng Tăng, Ni đại chúng - Thủ tục tấn phong giáo phẩm

Điều 62. Danh xưng Giáo phẩm, danh xưng Tăng Ni đại chúng

1) Danh xưng hàng Giáo phẩm Tăng có 2 bậc:

a) Hòa Thượng;

b) Thượng Tọa.

2) Danh xưng hàng giáo phẩm Ni có 2 bậc:

a) Ni Trưởng;

b) Ni Sư.

3) Danh xưng hàng Đại chúng Tăng có 2 bậc:

a) Tăng đã thọ giới Tỳ kheo, gọi là Đại đức;

b) Tăng đã thọ giới Sa di, gọi là điệu chúng.

4) Danh xưng hàng Đại chúng Ni có 2 bậc:

a) Ni đã thọ giới Tỳ kheo Ni, gọi là Sư cô;

b) Ni đã thọ giới Sa di Ni, Thức xoa Ma na, gọi là điệu chúng.

Điều 63. Tiêu chuẩn tấn phong Giáo phẩm

Tiêu chuẩn được tấn phong lên hàng Giáo phẩm của Tăng giới và Ni giới theo điều 53, 54, 55, 56 chương IX Hiến chương GHPGVN; quy định của pháp luật Nhà nước. Tùy trường hợp cụ thể sẽ được đặc cách theo điều 65 Nội quy này để đáp ứng yêu cầu Phật sự của Giáo hội.

Đối với Phật giáo Nam tông Khmer, Nam tông Kinh có sự tùy nghi theo đặc thù của Hệ phái trên cơ sở của điều 65 Nội quy này.

Điều 64. Thủ tục tấn phong Giáo phẩm

1) Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh có trách nhiệm lập thủ tục đề nghị tấn phong Giáo phẩm Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc, hoặc Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Hội nghị thường niên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

2) Hồ sơ tấn phong Giáo phẩm:

a) Sơ yếu lý lịch (có xác nhận của chính quyền địa phương);

b) Phiếu lý lịch tư pháp số 1;

c) Bản sao Chứng điệp thọ giới Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni; Chứng nhận Tăng Ni.

d) Bản sao Giáo chỉ tấn phong Thượng tọa hoặc Ni sư (đối với tấn phong Hòa thượng, hoặc Ni trưởng).

e) Thông báo với Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật Nhà nước.

Điều 65. Đặc cách tấn phong Giáo phẩm

1) Được xét đặc cách tấn phong trước 03 năm về Hạ lạp và tuổi đời theo quy định tại điều 53, 54, 55, chương IX Hiến chương GHPGVN đối với các trường hợp:

- Chư tôn đức là Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự;

- Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký;

- Trưởng ban, Viện trưởng các Ban, Viện Trung ương;

- Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh;

- Tăng Ni trụ trì các Tự viện vùng biên giới, hải đảo đã có thời gian làm Trụ trì ít nhất là 2 năm.

2) Trường hợp đặc biệt Tăng Ni sắp viên tịch, do yêu cầu tôn vinh công đức xin được đặc cách tấn phong và được cấp Giáo chỉ thì Ban Trị sự cấp tỉnh phải có tờ trình đề nghị gửi Ban Thường trực Hội đồng Trị sự và Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh xem xét giải quyết;

3) Các trường hợp đặc cách tấn phong không thuộc trường hợp đặc cách tại khoản 1, 2 điều 65 Nội quy này thì thực hiện theo quy định tại điều 56 chương IX Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Điều 66. Xét duyệt và quản lý hồ sơ

1) Hồ sơ tấn phong Giáo phẩm của Tăng Ni được tập trung quản lý tại Văn phòng Ban Trị sự  tỉnh;

2)Nếu Phân ban Ni giới đủ tiêu chuẩn về văn phòng, Ban Trị sự tỉnh chuyển bản sao hồ sơ tấn phong giáo phẩm của Ni giới cho Phân ban Ni giới tỉnh có ý kiến ; quá trình đóng góp ý kiến phải có đủ thành phần Hệ phái (Bắc tông, Khất sĩ) tại địa phương;

3) Nếu có ý kiến khác, Phân ban Ni giới tỉnh có trách nhiệm kính trình ý kiến với Ban Trị sự tỉnh thẩm tường và quyết định.

4) Trường hợp Ban Trị sự tỉnh chưa thống nhất ý kiến, Phân ban Ni giới tỉnh có trách nhiệm giải trình với Ban Trị sự những trường hợp cụ thể để tạo sự thống nhất, hoan hỷ và đoàn kết trong nội bộ.

Chương XII: Sắc phục Tăng Ni

Điều 67. Sắc phục

1) Tăng Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam biểu hiện qua hình thức sắc phục của các truyền thống Hệ phái Phật giáo Việt Nam.

2) Thống nhất màu sắc của sắc phục trong tất cả các hệ phái Phật giáo.

3) Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer, Phật giáo Nam tông Kinh, Phật giáo Khất sĩ sắc phục theo truyền thống Hệ phái.

4) Hệ phái Phật giáo Bắc tông quy định sắc phục thống nhất của Tăng Ni trong cả nước gồm 3 hình thức là Lễ phục, Pháp phục, Thường phục như sau:

a) Lễ phục của Tăng Ni khi dự các buổi lễ;

b) Pháp phục của Tăng Ni không dùng trong các buổi lễ;

c) Thường phục là hình thức mặc gọn gàng, giản dị, tuy không theo hình thức pháp phục, nhưng vẫn giữ được sắc thái riêng biệt của người xuất gia và đặc thù của Phật giáo Việt Nam (không đồng hóa hình thức mặc thông thường của xã hội).

Điều 68. Lễ phục

1) Giáo phẩm Hòa thượng: Hậu màu vàng, tay có 03 nếp gấp, rộng không quá 80 phân, trên cổ áo trước ngực có 03 nếp gấp, y màu vàng.

2) Giáo phẩm Thượng tọa: Hậu màu vàng, tay có 02 nếp gấp, rộng không quá 80 phân, trên cổ áo trước ngực có 02 nếp gấp, y màu vàng.

3) Giáo phẩm Ni trưởng: Hậu màu lam, tay có 03 nếp gấp, rộng không quá 80 phân, trên cổ áo trước ngực có 03 nếp gấp, y màu vàng.

4) Giáo phẩm Ni sư: Hậu màu lam, tay có 02 nếp gấp, rộng không quá 80 phân, trên cổ áo trước ngực có 02 nếp gấp, y màu vàng.

5) Đại chúng:

a) Tỳ kheo Tăng: Hậu màu vàng, tay có 01 nếp gấp, rộng không quá 80 phân, trên cổ áo trước ngực có 01 nếp gấp, y màu vàng;

b) Tỳ kheo Ni: Hậu màu lam, tay có 01 nếp gấp, rộng không quá 80 phân, trên cổ áo trước ngực có 01 nếp gấp, y màu vàng;

c) Sa di, Sa di Ni, Thức xoa Ma na: Hậu màu lam, tay không có nếp gấp, rộng không quá 30 phân, trên cổ áo trước ngực không có nếp gấp, mạn y màu vàng;

d) Thành phần Tịnh nhân: Chỉ dùng áo tràng màu lam, tay hẹp không có nếp gấp, cổ áo trước ngực không có nếp gấp.

Điều 69. Pháp phục

1) Pháp phục của Tăng Ni hàng Giáo phẩm:

a) Tăng: Áo tràng màu nâu, hoặc màu vàng sậm, tay có nếp gấp tùy theo Giáo phẩm, rộng không quá 30 phân, cổ áo có nếp gấp tùy theo Giáo phẩm;

b) Ni: Áo tràng màu lam, tay có nếp gấp tùy theo Giáo phẩm,rộng không quá 30 phân, cổ áo có nếp gấp tùy theo Giáo phẩm;

2) Pháp phục của Tăng, Ni thuộc thành phần Đại chúng:

a) Tỳ-kheo: Áo tràng màu nâu, tay rộng không quá 30 phân;

b) Tỳ-kheo-ni: Áo tràng màu lam, tay rộng không quá 30 phân;

c) Sa-di: Áo nhựt bình màu nâu, tay rộng không quá 20 phân;

d) Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-na-ni: Áo nhựt bình màu lam, tay rộng không quá 20 phân.

Điều 70. Thường phục

1) Tăng, Ni thuộc thành phần Đại chúng có thể mặc khi lao động, chấp tác.

2) Thành phần Tịnh nhân chỉ mặc theo hình thức thường phục.

3) Hình thức thường phục theo kiểu áo và màu sắc tùy nghi.

4) Hình thức thường phục được áp dụng chung cho Tăng Ni các Hệ phái, nhưng tránh tình trạng xen lẫn giữa các Hệ phái với nhau.

Chương XIII: Khuyến giáo - Kỷ luật - Tuyên dương Công đức

Điều 71. Khuyến giáo

Tăng Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngoài việc hành trì Giới luật, kiểm thúc oai nghi, tu tập Giới - Định - Tuệ, truyền trì Chính pháp, còn được khuyến giáo luôn luôn tuân giữ và thực hành những điều cơ bản như sau:

1) Quan hệ đối xử với nhau theo pháp Lục Hòa cộng trụ, giữ gìn và nâng cao tinh thần hòa hợp trong Giáo hội. Mỗi Tăng Ni thành viên Giáo hội là một công dân tốt của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, là một thành viên trung kiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, quyết tâm thực hiện có hiệu quả phương châm hành động của Giáo hội: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội”.

2) Mỗi cơ sở Tự viện là một đơn vị gương mẫu của Giáo hội trong việc hướng dẫn, giáo dục tín đồ Đạo Phật tại địa phương, thực hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy truyền thống Phật giáo Việt Nam, gắn bó hài hòa trong cộng đồng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

3) Phát huy ánh sáng Chính pháp của Đạo Phật, cương quyết loại trừ ảnh hưởng tà giáo, mê tín dị đoan, chấn chỉnh lễ nghi, cách thức thờ cúng không phù hợp với sinh hoạt tín ngưỡng Đạo Phật tại các cơ sở Tự viện cũng như tại tư gia Phật tử.

4) Tăng Ni xây dựng nếp sống Đạo chân chính, lành mạnh, lấy lao động sản xuất tự túc hợp pháp, đúng Chính pháp làm nền tảng giải quyết các nhu cầu về vật chất trong đời sống thường nhật.

5) Cương quyết ngăn chặn hành vi khất thực phi pháp, lợi dụng hình thức Tu sĩ Phật giáo để làm trái với truyền thống của Đạo Phật. Tăng Ni nào cần duy trì hạnh khất thực để biểu hiện một hạnh nguyện truyền thống đúng Chính pháp, phải được Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh chấp thuận cho phép bằng 01 giấy chứng nhận.

6) Tăng Ni thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải nghiêm chỉnh chấp hành Giới luật, Hiến chương Giáo hội, Nội quy Tăng sự Trung ương và pháp luật Nhà nước.

Điều 72. Kỷ luật

Căn cứ điều 65, 66, 67 chương XII Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, quy định các biện pháp kỷ luật (cử tội) đối với những thành viên Tăng, Ni có hành vi:

1) Vi phạm Giới Luật và pháp luật Nhà nước.

2) Vi phạm Hiến chương và các quy định của Giáo hội.

3) Làm tổn thương đến thanh danh và đường lối hoạt động của Giáo hội.

4) Làm phương hại đến lợi ích của Dân tộc và Tổ quốc Việt Nam.

Điều 73. Hình thức và biện pháp kỷ luật

1) Tăng Ni nào vi phạm Giới luật, Trưởng ban Tăng sự tỉnh có nhiệm vụ thẩm tra, tổng hợp dữ kiện, đề nghị Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh thành lập Hội đồng Yết ma theo luật Phật và áp dụng điều 67 Hiến chương Giáo hội để xử lý. Hội đồng Yết ma chỉ có hiệu lực trong thời gian xét xử vấn đề đó.

Khi Hội đồng Yết ma kết luận Tăng Ni phạm trọng giới, thì tẩn xuất theo trình tự, thủ tục Giới luật, điều 67 Hiến chương Giáo hội, điều 74 Nội quy này.

2) Tăng Ni có hành vi làm tổn thương đến thanh danh, vi phạm Hiến chương và các quy định của Giáo hội, Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh có trách nhiệm thẩm tra mức độ phạm lỗi nặng hay nhẹ để xử lý theo một trong các hình thức sau đây:

a) Chỉ đạo cho Ban Trị sự huyện tiến hành phê bình, kiểm điểm trên cơ sở tinh thần đoàn kết hòa hợp, chân tình xây dựng, giúp người có lỗi thấy được lỗi lầm, thành thật nhận lỗi và quyết tâm khắc phục, sửa chữa lỗi lầm đã phạm;

Cần kiên trì tiến hành từng bước, lần thứ nhất: Phê bình, kiểm điểm trước Ban Trị sự huyện. Sau thời gian tối đa 6 tháng, nếu người có lỗi chưa chuyển biến tốt, tiến hành lần thứ hai để phê bình kiểm điểm trước toàn thể Tăng Ni trong huyện.

b) Phê bình kiểm điểm trước Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh, có cảnh cáo trực tiếp, người phạm lỗi phải viết bản tự kiểm, lưu trữ tại văn phòng Ban Trị sự để giám sát sự chuyển biến của người phạm lỗi;

c) Cảnh cáo và thông tri trong toàn tỉnh biết về Tăng Ni đã phạm lỗi với đầy đủ các hành vi phạm lỗi;

d) Tẩn xuất, khai trừ khỏi Giáo hội.

3) Tăng Ni nào bị pháp luật xử lý, bị Tòa án kết luận có tội thì không được sử dụng sắc phục, danh hiệu và tư cách Tăng Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

4) Tăng Ni nào bị pháp luật xử lý, bị mất quyền công dân, đương nhiên không còn tư cách là Tăng Ni trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Khi quyền công dân được phục hồi thì được xin xuất gia trở lại nhưng phải chấp hành đúng các quy định tại điều 36 Nội quy này.

5) Tăng Ni nào phạm lỗi bị cảnh cáo và được thông tri trong toàn Giáo hội thì không còn tư cách được bổ nhiệm Trụ trì tại các cơ sở Tự viện và không được phân công vào các nhiệm vụ khác trong Giáo hội. Nếu đã bổ nhiệm trụ trì thì Ban Trị sự cấp tỉnh thu hồi quyết định.

Điều 74. Ban hành quyết định kỷ luật

Tùy mức độ phạm trọng giới, mất tư cách tu sĩ, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, hoặc Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh có quyền ban hành quyết định tẩn xuất ra khỏi hàng ngũ Tăng Ni của Giáo hội theo các trình tự:

1) Nếu Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh ban hành quyết định thì phải do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đệ trình.

2) Nếu Ban Thường trực Hội đồng Trị sự ban hành quyết định thì do Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh đề nghị và được Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN chuẩn y.

3) Nếu Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh ban hành quyết định thì phải có văn bản báo trình cho Ban Thường trực Hội đồng Trị sự được biết để xem xét trước khi thi hành.

Điều 75. Tuyên dương công đức

Tăng Ni thành viên Giáo hội có nhiều công đức đối với Đạo pháp và Giáo hội, có thành tích đối với đất nước và xã hội thì sẽ được Giáo hội tuyên dương và tặng Bằng tuyên dương công đức, hoặc Bằng công đức theo điều 64 chương XII Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Chương XIV: Hoạt động và sinh hoạt tôn giáo của Tăng Ni

Điều 76. Hoạt động tôn giáo tại Tự viện

1) Tăng Ni là thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quyền và nghĩa vụ trong việc sinh hoạt, tu học và hoạt động tôn giáo tại các Tự viện theo quy định của Giáo hội và pháp luật Nhà nước.

2) Tăng Ni được quyền thụ các giới, theo học các Trường Phật học, tham dự các công tác Phật sự của các cấp Giáo hội tùy theo năng lực, trình độ.

3) Tăng Ni từ Tự viện của tỉnh này chuyển đến sinh hoạt và hoạt động tôn giáo tại các Tự viện của tỉnh khác phải thực hiện theo quy định của điều 80 Nội quy này và pháp luật Nhà nước.

Điều 77. Hoạt động tôn giáo bên ngoài Tự viện

1) Đại lễ, lễ hội tôn giáo diễn ra ngoài cơ sở Tự viện do Ban Trị sự cấp tỉnh, Ban Trị sự cấp huyện và Trụ trì Tự viện tổ chức phải thực hiện theo quy định của pháp luật Nhà nước.

2) Cá nhân Tăng Ni hành đạo, giảng đạo, có sự tham dự của nhiều người, nhiều địa phương diễn ra bên ngoài Tự viện, có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Ban Trị sự huyện, Ban Trị sự tỉnh, Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh.

Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó nêu rõ tên tổ chức đề nghị, tên cuộc lễ, người chủ trì, nội dung, chương trình, thời gian, địa điểm thực hiện, quy mô, thành phần tham dự cuộc lễ;

b) Ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Ban Hoằng pháp tỉnh, Ban Trị sự huyện nơi Tăng Ni thường trú tu học;

c) Thời gian giải quyết trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ban Trị sự tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do;

d) Cá nhân Tăng Ni gửi toàn bộ hồ sơ hợp lệ đến Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh theo quy định pháp luật Nhà nước.

Điều 78. Nơi cư trú không phải là cơ sở Tự viện của Giáo hội

1) Tăng Ni là thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam (bao gồm cả Tu nữ của Hệ phái Phật giáo Nam tông) đều phải cư trú hợp pháp tại các cơ sở Tự viện của Giáo hội.

2) Tăng Ni không được cư trú và hoạt động tôn giáo tại các nơi không phải là cơ sở tôn giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam như: Đình, Đền, Phủ, Miếu, không được cư trú tại tư gia Phật tử.

3) Trường hợp đặc biệt cư trú ở ngoài cơ sở Tự viện của Giáo hội phải có ý kiến của Thầy Nghiệp sư, Y chỉ sư, Ban Trị sự huyện, Ban Trị sự tỉnh nơi thường trú và nơi tạm trú.

Điều 79.  Tham gia hoạt động tôn giáo và các khóa đào tạo ở nước ngoài

1) Tăng Ni được quyền tham gia các hoạt động tôn giáo, các khóa đào tạo do GHPGVN tổ chức có người nước ngoài tham dự, cũng như các tổ chức và cá nhân người nước ngoài tổ chức.

2) Tăng Ni tham gia các hoạt động tôn giáo, các khóa đào tạo ở nước ngoài có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Ban Trị sự tỉnh, Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Cơ quan quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương.

Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó nêu rõ mục đích, chương trình, thời gian, địa điểm hoạt động tôn giáo, khóa đào tạo tôn giáo ở nước ngoài mà cá nhân Tăng Ni được mời tham gia;

b) Giấy mời tham gia hoạt động tôn giáo hoặc văn bản chấp thuận đào tạo của tổ chức tôn giáo ở nước ngoài;

c) Văn bản chấp thuận của Ban Trị sự tỉnh. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, Ban Trị sự tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do;

Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự sẽ thực hiện các thủ tục đăng ký với Cơ quan quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương để giải quyết theo quy định pháp luật Nhà nước. 

3) Xét duyệt và quản lý hồ sơ:

a)  Hồ sơ được tập trung quản lý tại Văn phòng Ban Trị sự tỉnh;

b) Nếu Phân ban Ni giới tỉnh đủ tiêu chuẩn về văn phòng, Ban Trị sự tỉnh chuyển bản sao hồ sơ của Ni giới cho Phân ban Ni giới tỉnh có ý kiến ; quá trình đóng góp ý kiến phải có đủ thành phần Hệ phái (Bắc tông, Khất sĩ) tại địa phương;

c) Nếu có ý kiến khác, Phân ban Ni giới tỉnh có trách nhiệm kính trình ý kiến với Ban Trị sự tỉnh để thẩm tường và quyết định;

d) Trường hợp Ban Trị sự tỉnh chưa thống nhất ý kiến, Phân ban Ni giới tỉnh có trách nhiệm giải trình với Ban Trị sự tỉnh những trường hợp cụ thể để tạo sự thống nhất, hoan hỷ và đoàn kết trong nội bộ.

4) Tăng Ni khi đi nước ngoài tham quan, du lịch, thăm người thân, điều trị bệnh, trước 15 ngày khi đi, cá nhân Tăng Ni có trách nhiệm gửi văn bản thông báo cho Ban Trị sự tỉnh, Ban Trị sự huyện biết.

5) Các trường hợp khác khi tham gia hoạt động tôn giáo, khóa đào tạo ở nước ngoài thuộc trường hợp là Ban, Viện Trung ương, Phân ban, Phân viện trực thuộc Ban, Viện Trung ương tổ chức thì áp dụng theo các quy định của pháp luật Nhà nước.

Điều 80. Thuyên chuyển sinh hoạt, hoạt động tôn giáo của Tăng Ni

1) Tăng Ni được quyền thuyên chuyển hoạt động tôn giáo từ địa phương nầy đến địa phương khác.

2) Thuyên chuyển trong cùng một tỉnh:

a) Tăng Ni gửi văn bản đề nghị đến Ban Trị sự huyện nơi thường trú;

b) Ban Trị sự huyện nơi đi có trách nhiệm gửi văn bản thông báo việc thuyên chuyển của Tăng Ni theo quy định của pháp luật Nhà nước. Thời gian gửi thông báo chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của Tăng Ni;

c) Văn bản thông báo nêu rõ tên đạo, tên đời, ngày tháng năm sanh, giới phẩm, giáo phẩm của người được thuyên chuyển, lý do thuyên chuyển.

3) Đăng ký thuyên chuyển:

Sau khi nhận được văn bản chấp thuận của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Ban Trị sự huyện nơi đến có trách nhiệm gửi văn bản đăng ký với Ban Trị sự tỉnh và Cơ quan Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đăng ký, trong đó nêu rõ tên đạo, tên đời, ngày tháng năm sinh, giới phẩm, Giáo phẩm của người được thuyên chuyển, lý do thuyên chuyển, Tự viện tu nơi chuyển đi, Tự viện nơi chuyển đến;

b) Văn bản chấp thuận thuyên chuyển của Ban Trị sự tỉnh;

c) Sơ yếu lý lịch của Tăng Ni có xác nhận của UBND xã nơi cư trú;

d) Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 15 ngày làm việc, Ban Trị sự huyện nơi đến có trách nhiệm đăng ký hoạt động tôn giáo của Tăng Ni theo quy định của pháp luật Nhà nước.

4) Thuyên chuyển khác tỉnh:

a) Tăng Ni gửi văn bản đề nghị đến Ban Trị sự tỉnh nơi thường trú;

b) Ban Trị sự tỉnh nơi đi có trách nhiệm gởi văn bản thông báo việc thuyên chuyển của Tăng Ni đến Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh nơi đi, Trung ương GHPGVN. Thời gian gửi thông báo chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của Tăng Ni;

c) Văn bản thông báo nêu rõ tên đạo, tên đời, ngày tháng năm sinh, giới phẩm, giáo phẩm của người được thuyên chuyển, lý do thuyên chuyển.

d) Đăng ký thuyên chuyển:

Sau khi nhận được văn bản chấp thuận của Ban Trị sự tỉnh nơi đi, nơi đến và Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh nơi đi, Trung ương GHPGVN sẽ ban hành văn bản chấp thuận việc thuyên chuyển. Ban Trị sự tỉnh nơi đến có trách nhiệm gửi văn bản thông báo với Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đăng ký, trong đó nêu rõ tên đạo, tên đời, ngày tháng năm sinh, Giới phẩm, Giáo phẩm của người được thuyên chuyển, lý do thuyên chuyển, Tự viện tu học nơi chuyển đi, Tự viện nơi chuyển đến;

b) Văn bản chấp thuận thuyên chuyển của Trung ương GHPGVN;

c) Sơ yếu lý lịch của Tăng Ni có xác nhận của UBND xã nơi cư trú;

d) Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 15 ngày làm việc, Ban Trị sự tỉnh nơi đến có trách nhiệm đăng ký hoạt động tôn giáo của Tăng Ni theo quy định của pháp luật Nhà nước.

5) Trường hợp Tăng Ni vi phạm nghiêm trọng Giới luật, pháp luật, việc thuyên chuyển hoạt động tôn giáo thực hiện theo quy định của Hiến chương Giáo hội và pháp luật Nhà nước.

Điều 81. Hoạt động tôn giáo ngắn hạn tại địa phương

1) Tăng Ni được quyền từ địa phương nầy đến địa phương khác để hoạt động tôn giáo trong thời gian ngắn hạn không quá 15 ngày.

2) Tăng Ni có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị đến Ban Trị sự tỉnh nơi thường trú.

3) Ban Trị sự tỉnh nơi thường trú của Tăng Ni có trách nhiệm gửi văn bản giới thiệu đến Trung ương Giáo hội. Thời gian gởi văn bản giới thiệu chậm nhất là 07 ngày làm việc.

Hồ sơ gồm:

a) Văn bản giới thiệu nêu rõ tên đạo, tên đời, ngày tháng năm sinh, giới phẩm, giáo phẩm, nội dung, chương trình, thời gian, địa điểm hoạt động tôn giáo, dự kiến số lượng người tham dự;

b) Văn bản đăng ký hoạt động tôn giáo của cá nhân Tăng Ni.

4) Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 07 ngày làm việc, Trung ương Giáo hội có văn bản giới thiệu đến Ban Trị sự tỉnh, Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh nơi đến.

Điều 82. Hoạt động quốc tế của tổ chức, cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam

1) Giáo hội Phật giáo Việt Nam mời tổ chức, cá nhân người nước ngoài vào Việt Nam:

a) Trung ương Giáo hội mời tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo nước ngoài vào Việt Nam để tiến hành các hoạt động quốc tế liên quan đến tôn giáo, Trung ương Giáo hội chịu trách nhiệm đăng ký với Cơ quan quản lý nhà nước tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương;

b) Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự tỉnh được quyền mời tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo nước ngoài vào Việt Nam, có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị với Trung ương Giáo hội và phải được Ban Thường trực HĐTS chấp thuận.

c) Hồ sơ theo quy định của pháp luật Nhà nước.

2) Trụ trì Tự viện mời tổ chức, cá nhân người nước ngoài vào Việt Nam:

a) Cá nhân Tăng Ni Trụ trì Tự viện được quyền mời tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo nước ngoài vào Việt Nam để giao lưu, trao đổi hợp tác theo quy định của Hiến chương GHPGVN, pháp luật Nhà nước. Trụ trì Tự viện phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với các hoạt động quốc tế liên quan đến tôn giáo được diễn ra tại Tự viện, không được trái với truyền thống văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam;

b) Trụ trì Tự viện có trách nhiệm việc đăng ký với Ban Trị sự tỉnh và Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh;

Hồ sơ gồm:

- Văn bản đăng ký, trong đó nêu rõ tên tổ chức, cá nhân chức sắc nước ngoài được mời, mục đích, nội dung hoạt động, danh sách khách mời, dự kiến chương trình hoạt động, thời gian và địa điểm hoạt động;

- Bản giới thiệu tóm tắt các hoạt động chủ yếu của tổ chức, cá nhân chức sắc nước ngoài.

c) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ban Trị sự  tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản và chuyển hồ sơ về Trung ương Giáo hội;

d) Trong thời gian 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Trung ương Giáo hội chuyển hồ sơ đến Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương để được xem xét, giải quyết theo pháp luật Nhà nước.

3) Tổ chức, cá nhân người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo tại nhiều Tự viện của nhiều tỉnh, thành:

a) Tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo nước ngoài được phép vào Việt Nam hoạt động tôn giáo, giao lưu, trao đổi, hợp tác theo pháp luật Việt Nam và quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam;

b) Tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo nước ngoài hoạt động tôn giáo tại Việt Nam phải trên tinh thần đúng Chính pháp, tôn trọng truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam và Phật giáo Việt Nam. Các danh xưng của chức sắc Phật giáo nước ngoài khi hoạt động tại Việt Nam phải tương ứng với danh xưng của Phật giáo Việt Nam;

c) Tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo nước ngoài thực hiện hoạt động tại Tự viện các tỉnh, thành, Trụ trì mỗi Tự viện có trách nhiệm đăng ký với Ban Trị sự tỉnh, Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh theo quy định của pháp luật Nhà nước.

4) Tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo nước ngoài vào Việt Nam tham quan, du lịch nhưng hoạt động tôn giáo tại Tự viện các tỉnh, thành:

a) Tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo nước ngoài được quyền vào Việt Nam du lịch, tham quan;

b)  Tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo nước ngoài vào Việt Nam bằng visa du lịch không được hoạt động tôn giáo tại Việt Nam. Nếu thực hiện hoạt động tôn giáo tại một Tự viện, hoặc nhiều Tự viện là vi phạm pháp luật. Trụ trì Tự viện phải chịu trách nhiệm hoàn toàn khi để hoạt động tôn giáo trái pháp luật này được thực hiện tại Tự viện.

Điều 83. Chuyển đổi Hệ phái

1) Tăng Ni được quyền thực hiện lựa chọn niềm tin Hệ phái để tu học. Không ai được xâm phạm quyền lựa chọn niềm tin Hệ phái của Tăng Ni. Ngăn cấm việc lợi dụng danh nghĩa Hệ phái để ép người khác thay đổi niềm tin Hệ phái.

2. Tăng Ni chuyển đổi Hệ phái tu học có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị đến Thầy Nghiệp sư, hoặc Y chỉ sư của Hệ phái đang tu học, và gửi tới Ban Trị sự tỉnh.

Hồ sơ gồm:

a) Văn bản xin chuyển đổi Hệ phái. Trong đó nêu rõ lý do chuyển đổi Hệ phái;

b) Văn bản đồng ý của vị Thầy Tế độ của Hệ phái gốc;

c) Văn bản chấp thuận tiếp nhận của Hệ phái xin chuyển đổi;

d) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Ban Trị sự tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do;

e) Ban Trị sự tỉnh thông báo việc chuyển đổi Hệ phái của Tăng Ni theo quy định của pháp luật Nhà nước,

3) Trường hợp chuyển đổi Hệ phái là Tăng Ni trụ trì Tự viện:

a) Tăng Ni trụ trì Tự viện khi chuyển đổi Hệ phái tu học có trách nhiệm gửi văn bản đến Hệ phái đang tu học, Ban Trị sự tỉnh;

Hồ sơ gồm:

- Văn bản xin chuyển đổi Hệ phái. Trong đó nêu rõ lý do chuyển đổi Hệ phái;

- Văn bản đồng ý của của Hệ phái gốc;

- Văn bản chấp thuận tiếp nhận của Hệ phái xin chuyển đổi;

- Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 15 ngày làm việc, Ban Trị sự  tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

b) Tăng Ni không được quyền chuyển đổi tên Tự viện sang Hệ phái khác mà mình chuyển Hệ phái. Tên Tự viện phải được giữ nguyên, không được làm thay đổi đến tính Hệ phái của Tự viện;

c) Ban Trị sự tỉnh đăng ký việc chuyển đổi Hệ phái của Tăng Ni Trụ trì Tự viện với Cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh.

Chương XV: Hội họp - Ban hành - Sửa đổi

Điều 84. Hội họp

Ban Tăng sự Trung ương mỗi năm họp toàn Ban một lần trước Hội nghị thường niên của Hội đồng Trị sự một tháng để tổng kết công tác trong năm và trước Đại hội Phật giáo Việt Nam toàn quốc một tháng để tổng kết công tác trong nhiệm kỳ. Đặc biệt, khi có các công tác Phật sự đột xuất, Trưởng ban Tăng sự Trung ương sẽ triệu tập phiên họp bất thường để giải quyết các Phật sự có liên quan.

Điều 85. Ban hành, sửa đổi Nội quy

1) Chỉ có Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới có thẩm quyền sửa đổi Nội quy này.

2) Nội quy Ban Tăng sự Trung ương nhiệm kỳ VIII (2017-2022) gồm 15 chương 85 điều, do Ban Tăng sự Trung ương soạn thảo và sửa đổi, được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thông qua ngày 17 tháng 7 năm 2018 và có hiệu lực thực hiện kể từ ngày Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN ký quyết định ban hành. Các quy định trước đây có liên quan đến lĩnh vực Tăng sự trái với Nội quy này, đều không còn hiệu lực.

Ban Tăng sự Trung ương


 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 398
  • Khách viếng thăm: 383
  • Máy chủ tìm kiếm: 15
  • Hôm nay: 125007
  • Tháng hiện tại: 1851038
  • Tổng lượt truy cập: 87655641
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012