Quan Thế Âm Bồ Tát

Đăng lúc: Thứ ba - 16/07/2013 08:57 - Người đăng bài viết: Nhuận tâm bình
Nói đến Phật giáo, người ta nghĩ ngay đến đạo Từ bi cứu khổ. Mà hình ảnh cứu khổ tiêu biểu tuyệt vời nhất thiết tưởng không ai khác hơn là đức Bồ-tát Quan Thế Âm (Avalokiteshvara), hay Mẹ hiền Quan Âm.

Vì vị Bồ-tát nầy có đầy đủ phẩm chất của một người mẹ trong tất cả những người mẹ. Hình như trong mọi trái tim của những người con Phật thuần thành - nhất là giới Phật tử bình dân - không ai là không có hình ảnh đáng tôn kính của vị Bồ-tát giàu lòng bi mẫn nầy. Mỗi khi nói về Ngài, tựa hồ chúng ta ai cũng biết, nhưng có lẽ không ai dám cho là mình đã hiểu biết đầy đủ tất cả. Vì Ngài là vị Bồ tát cứu khổ nên chúng ta thường gọi Ngài là Cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ tát. Người dân còn gọi Ngài với cái tên rất gần gũi là Phật Bà Quan Âm. Thật ra tên Ngài gọi đủ là Quan Thế Âm, nhưng vì người đời Đường ở Trung Quốc kiêng húy chỉ "Thế" nên gọi tắt là Quan Âm. Rồi từ đó trở về sau, nhiều người gọi mãi thành quen, vì thế mà có danh hiệu Quan Âm Bồ Tát.

1


Về Quán Thế Âm Bồ tát qua các kinh

1. Theo kinh Đại A-di-đà thì Ngài là Thị vệ bên trái, còn Bồ-tát Đại Thế Chí là Thị vệ bên phải của đức Phật A-di-đà lo việc cứu độ chúng sinh trong thế giới Ta-bà. Cả 3 vị được gọi chung là Tây phương Tam Thánh (3 vị Thánh ở phương Tây). Và trú xứ chính thức của các Ngài là cõi Tây phương Tịnh độ. Phàm khi chúng sinh gặp tai nạn mà chí thành niệm danh hiệu Quan Âm Bồ-tát, thì lập tức Ngài đến nơi cứu giúp. Do thế mà Ngài được đức hiệu là Quán Thế Âm Bồ-tát (Vị Bồ-tát chuyên lắng nghe âm thanh - cầu cứu - của thế gian).

2. Theo kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn thì Ngài có 33 hóa thân, từ thân Phật, Độc giác… đến thân đồng nam, đồng nữ. Ngài thường vận dụng 14 năng lực vô úy để cứu vớt chúng sinh thoát khỏi ách nạn, hoặc đáp ứng những yêu cầu chính đáng khi nào chúng sinh thành tâm niệm đến danh hiệu của Ngài.

3. Theo kinh Thủ Lăng Nghiêm thì pháp môn tu của vị Bồ-tát nầy là Nhĩ Căn Viên Thông, nghĩa là tai Ngài có thể được sử dụng như năm căn khác. Ngài phát tâm tu hành nơi pháp hội của đức Phật Quán Thế Âm, và đức Phật nầy đã thọ ký cho Ngài khi thành Phật sẽ có Phật hiệu giống như mình. Do đó mà Ngài có hiệu là Quán Thế Âm. Đồng thời vị Bồ-tát nầy cũng có 32 ứng thân giống như kinh Pháp Hoa đã mô tả. 

Chỗ khác nhau là kinh Pháp Hoa kể đến 33 ứng thân, còn kinh Lăng Nghiêm thì liệt kê 32 ứng thân. Ngoài ra, hai kinh nầy còn giống nhau một điểm nữa là cùng mô tả về 14 đức vô úy của vị Bồ-tát nầy. Số lượng và nội dung của các đức vô úy nầy gần y hệt như sau.

4. Theo kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi Tâm Đà-la-ni thì Ngài đã thành Phật từ đời quá khứ cách nay vô lượng kiếp, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, nhưng vì nguyện lực Đại bi, muốn làm lợi ích cho chúng sinh nên Ngài hiện thân Bồ-tát để dễ dàng hoàn thành đại nguyện. Thế nên, ngoài danh hiệu Bồ-tát Quan Âm như chúng ta thường nghe, có đôi chỗ còn gọi là Phật Quan Âm là vì vậy.

5. Theo kinh Nhất Thiết Công Đức Trang Nghiêm Vương thì Ngài là Thị vệ của đức Phật Thích-ca.

6. Theo Mật giáo thì Ngài là hóa thân của đức Phật A-di-đà.

7. Theo kinh Hoa Nghiêm thì đạo tràng của Ngài ở núi Bồ Đà Lạc trên biển Nam Hải.

1 Về hình tượng Quan Âm

Trước hết hãy nói về giới tính của Ngài, thông thường được thể hiện qua 2 hình thức, hoặc là Nam tính, hoặc là Nữ tính.

- Nam tính: Phật giáo Tây Tạng thờ Bồ-tát Quan Âm theo hình thức Nam tính. Đồng thời tương truyền từ đời Đường trở về trước các nước Phật giáo khác tại Châu Á cũng tạc tượng Ngài theo hình thức Nam tính.

- Nữ tính: Theo sách Trang Nhạc Ủy Đàm thì từ đời Đường trở về sau, các nước chịu ảnh hưởng Phật giáo Trung Hoa, khi tạc tượng Ngài đều dùng hình thức Nữ tính.

Ngoài ra, 3 chi phần khác là đầu, mắt, và tay của Bồ-tát thông thường được minh họa như sau:

Đầu: Từ một đầu, 3 đầu, 5 đầu, nghìn đầu, cho đến 84.000 đầu. 
Mắt: Từ 2 mắt, 3 mắt, cho đến 84.000 mắt. 
Tay: Từ 2 tay, 4 tay, cho đến 84.000 tay.

Sự tích Quán Thế Âm Bồ Tát

Về sự tích của đức Quán Thế Âm thì nhiều kinh sách tường thuật tiền thân của Ngài:

Nguyên là một vị cổ Phật vì nguyện Đại Bi đã thị hiện làm Bồ Tát trải qua vô lượng vô số kiếp để cứu độ chúng sanh đau thương trong bể khổ.

Trong kinh Lăng Nghiêm chính Ngài đã nói rằng "tôi nhớ vô số kiếp như cát sông Hằng về trước có đức Phật ra đời hiện là QUÁN THẾ ÂM NHƯ LAI. Lúc bấy giờ tôi phát bồ đề tâm, trước đại hội Như Lai liền dạy tôi nên từ nơi tam học "Văn, Tư, Tu” mà chứng nhập "Chánh Địa”. Sau cùng Quán Thế Âm Như Lai khen ngợi tôi khéo chứng được pháp môn "Viên thông” và thụ ký cho tôi tên là QUÁN THẾ ÂM, vì tôi nghe tiếng trong mười phương đều được thông suốt.

Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm ghi chép rằng: "thuở đời quá khứ từ vô lượng kiếp trước nhẫn lại đây, Quán Thế Âm Bồ Tát đã thành Phật hiệu Chánh Pháp Minh Như Lai, nhưng vì nguyện lực đại bi nên hiện thân Bồ Tát, tu tập không biết bao nhiêu pháp môn Đà La Ni để tiêu tai giải ách và tăng trưởng phúc tuệ cho chúng sanh. Lúc đức Thiên Quang Vương Tịnh Trụ Như Lai ra đời có thuyết chú Đại Bi, đức Quán Thế Âm nhờ nghe thần chú mà đương ở bậc Sơ Địa Bồ Tát vượt chứng lên đến bậc Bát Địa Bồ Tát, thân tâm hoan hỷ, phát nguyện rộng lớn, thọ trì thần chú, độ thoát chúng sanh, nhơn từ đó tự thân sanh ra ngàn tay ngàn mắt. Vì thế chú Đại Bi mà chúng ta hằng ngày trì tụng có tên là: Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni.

Kinh Bi Hoa thuật rằng: hằng hà sa số kiếp trước, Ngài là vị thái tử Bất Thuấn (có nơi chép là Bất Huyến) con vua Vô Tránh Niệm. Thời ấy có đức Bảo Tạng Như Lai tại thế. Vua và thái tử nghe Phật thuyết pháp, am hiểu giáo lý cao siêu, hoan hỷ phát nguyện tu hành. Sau vua Vô Tránh Niệm thành Phật A Di Đà và thái tử thành Bồ Tát Quán Thế Âm ở cõi Cực Lạc.

Theo kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Thụ Ký thì vô lượng kiếp về sau, lúc Phật A Di Đà nhập diệt, cõi Cực Lạc sẽ đổi thành tên là "Nhứt Thiết Trân Bảo Sở Thành Tựu” càng thêm tốt đẹp hơn trước và Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ thành Phật hiệu Biến Xuất Thế Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai.

Lại nữa trong kinh Quán Âm Tam Muội đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rằng: Bồ Tát Quán Thế Âm là một vị cổ Phật và xưa kia chính đức Thế Tôn đã từng làm đệ tử của vị cổ Phật ấy.

Vài đoạn lịch sử trên chỉ là phần nhỏ trong kinh sách. Ngoài ra, còn nhiều truyền thuyết đã thuyết về sự tích của Ngài được truyền bá phổ cập trong dân chúng như: truyện Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Diệu Thiện,v.v…

Sưu tầm
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 354
  • Khách viếng thăm: 338
  • Máy chủ tìm kiếm: 16
  • Hôm nay: 86962
  • Tháng hiện tại: 3047144
  • Tổng lượt truy cập: 91938717
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012