Hoa Bưởi

Đăng lúc: Thứ sáu - 15/03/2013 23:38 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Hoa Bưởi

Hoa Bưởi

Cái hoa bưởi thơm thơm đầy nhớ thương đã đi vào tuổi thơ như thế, cho đến tận bây giờ vẫn không hề héo rụng những điều giản dị, thanh tao. Ôi, cái rét tháng 3 nhiều khi lạnh cóng mà vẫn ấm như gừng, bởi mùi hương bưởi nhẹ nhàng quyến rũ, thơm ngọt trong trẻo và tinh khiết qua từng bát bánh chay mẹ nấu để dâng lên cúng Phật. Thế mới hay lễ nghi của ông bà, cha mẹ thường giản dị như cách sống, như gọi mời những hương hoa cho ý vị tình đời.
Hương bưởi đang thì thầm trong gió và thăng hoa cùng những tia nắng ban mai dịu dàng của mùa xuân. Ai lại không ngỡ ngàng trước sắc trắng tinh khôi của những chùm hoa bưởi tròn tròn, ý nhị với 5 cánh cong cong và những ánh nhụy vàng ươm như nụ cười duyên dáng. Đến như người kín tiếng một khi đã nhìn thấy hoa rồi cũng không thể không gọi thầm trong dạ, hay ánh mắt nào có hờ hững đi chăng nữa, nhưng đâu thể tránh được những làn hương cứ như vẩn vơ bay theo mái tóc, làm phập phồng cánh mũi.

Hương bưởi khó lẫn với các mùi hương khác, bởi sự thơm mát, ngọt lịm, sảng khoái, khiến người ta nghe mùi mà hoan hỷ tràn trề năng lượng sống. Tĩnh lặng để cõi thiền ru hương, bay bổng tâm hồn cho vút cao sảng khoái. Nếu bảo mùi hương đó là một vẻ đẹp bí ẩn của tạo hoá, thì cứ hỏi thử những chú ong mật xem có câu trả lời nào thoả đáng hay không. Nói như thế có khác nào thách đố! Nhưng có sống như ong ta mới hiểu hương bưởi kia quyến rũ đến nhường nào. 

Hoa như người đẹp, hoa như nàng tiên, còn mẹ ta như hoa Phật. Có thế người xưa mới yêu hoa đến mức muốn hoá thành một đoá hoa xinh, dù biết rằng đời hoa ngắn ngủi trước vô thường mong manh, gió mưa tà tã. Có bao giờ ta quên được bàn tay đã hái một nụ hoa, mà ký ức vẫn xót đau cho một trái lành đang ấp ủ. Nhưng tuổi thơ khờ khạo dễ thương, bởi quá yêu sắc trắng và mùi hương, bởi tò mò khám phá sắc màu tự nhiên mà ngắt hoa nên tội. Có khi con dại ngây thơ phá phách bàn thờ của thiên nhiên, nhưng cha mẹ, ông bà lại âm thầm chắt chiu từng điều lành nhỏ.

Như khi hái hoa bưởi để dâng cúng trời Phật, cũng phải biết chọn cành, chọn chùm mà hái, hái làm sao để cân bằng sức sống trên cây, để ươm mầm những trái ngọt thơm kết mùa nhân quả. Thế là từ đấy trẻ con có một bài học yêu quý đầu tiên, chẳng bao giờ tuỳ tiện hái hoa, vặt quả. Người lớn đợi khi những cách hoa rụng xuống trắng sân, thì gom góp để ướp hương vào vị bột củ sắn dây, một loại củ cũng đang vào mùa cùng những bông hoa bưởi. Còn trẻ con thì vui thích với những cánh cong cong, nhặt lấy ngửi chán ngửi chê rồi lại bảo nhau bỏ túi như cất giấu một mùi thơm mùa mới. 
 


Hoa Bưởi
 
Đĩa hoa cúng vào mỗi dịp tuần rằm, may mắn thì được điểm một vài bông hoa bưởi đang xòe cong những cánh trắng ngần như tuyết và phảng phất một mùi thơm thanh khiết. Cái đẹp trong tự nhiên để con người không ngừng khám phá, cái thiêng toả bóng xuống trần gian vốn không ngoài giá trị trừ đi ác tâm ngã mạn. Rằng những nét thơm của đất trời, nếu không được nêu ra bằng ứng xử, thì hòn đất kia làm sao có thể biến thành Tiên, thành Bụt cho ta dâng hoa, rồi dốc hết thân tâm cung kính lạy. 

Mỗi khi con cháu phụ giúp ông bà, cha mẹ dâng cúng hoa quả, câu đầu tiên người lớn hỏi, thế tay đã rửa chưa, miệng đã súc chưa, áo quần đã tề chỉnh chưa, hoa quả đã tắm chưa… Tất cả những câu hỏi giản đơn ấy đặt nền móng cho ý thức về sự tôn kính. 

Có thế, góc tâm linh thiêng liêng của ông bà, cha mẹ vễn bền bỉ hiện diện cùng với những sinh hoạt thường nhật đầy buồn vui, yêu ghét. Song lòng hướng thiện là hơi thở tự nhiên, giản dị mà không thể thiếu, như những câu chào hỏi, thưa gửi xin phép của cháu con với ông bà cha mẹ. Vì thế, những hoa thơm, trái ngọt được kính cẩn dâng lên theo sự vào ra của từng mùa, chứ đâu phải chỉ là chuyện ước mong cầu gì được nấy. 

Có những lúc cha mẹ ngồi trầm tư khi cháu con chưa kịp về đoàn tụ, rồi ví cả đời mình giống như thùng nước gạo. Con ăn miếng ngon, con chỉ ăn một đến hai bữa là cùng, còn cha mẹ vì tích phúc cho con mà đun đi nấu lại ăn cho đến hết. Đó là ý nghĩa của trọng ơn, chỗ ướt mẹ nằm chỗ ráo xê con, ai là người hiểu? Ai bây giờ có gia đình, có con cháu sum vầy, khi nghe tin con cháu bệnh đau, hay gặp sự cố gì đó trong làm ăn, thì mới hiểu nén hương mẹ thắp, nhành hoa mẹ cúng dâng, lời khẩn nguyện chí thành bất kể ngày đêm của mẹ có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống. Đó là vì ở đời luôn hiện diện một cõi thiêng trong gia đình, dạy người ta đừng đang tâm xúc phạm.

Cái hoa bưởi thơm thơm đầy nhớ thương đã đi vào tuổi thơ như thế, cho đến tận bây giờ vẫn không hề héo rụng những điều giản dị, thanh tao. Ôi, cái rét tháng 3 nhiều khi lạnh cóng mà vẫn ấm như gừng, bởi mùi hương bưởi nhẹ nhàng quyến rũ, thơm ngọt trong trẻo và tinh khiết qua từng bát bánh chay mẹ nấu để dâng lên cúng Phật. Thế mới hay lễ nghi của ông bà, cha mẹ thường giản dị như cách sống, như gọi mời những hương hoa cho ý vị tình đời.

(Viết tặng những người yêu hoa)
Tác giả bài viết: Thích Thanh Thắng
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 33 trong 7 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 295
  • Khách viếng thăm: 287
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 55055
  • Tháng hiện tại: 3075726
  • Tổng lượt truy cập: 91967299
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012