Kính bạch chư Tôn thiền đức Tăng Ni
Kính thưa quý Phật tử các giới
Kính thưa quý thiện hữu tri thức.
Đức Phật thị hiện trên thế gian này là để hướng dẫn cho con người có thể nhập tâm thanh tịnh vốn có của chính mình, như tinh thần kinh Pháp Hoa đã đề cập. Để khai mở tâm thanh tịnh đó, đức Phật đã dùng đến tám vạn bốn ngàn phương tiện. Thông qua mỗi phương tiện, đức Phật đã định hướng rất cụ thể trong cách ăn, cách nói, cách suy nghĩ, cách giao tiếp, cách hành động… tức là nếp sống lấy đạo đức và tình thương (từ bi) làm nền tảng, lấy trí tuệ hướng dẫn cuộc sống đi theo con đường Chân - Thiện - Mỹ. Đó là phương cách sống để chuyển hóa ba nghiệp Thân - Khẩu - Ý từ vọng động, bất tịnh trở nên sáng suốt, thanh tịnh. Cụ thể hơn, Ngài đã giúp cho đời sống chúng ta từng bước xa rời Tham - Sân - Si, để từ đó, trong mỗi lời nói, mỗi suy nghĩ, mỗi việc làm đều vận hành nhịp nhàng theo lý tưởng Giới - Định - Huệ, và thể nhập tâm thanh tịnh, đạt được sự giải thoát chân thật. Như vậy, mục đích sâu xa và ý nghĩa thiêng liêng về sự ra đời của đức Phật chính là nhằm khai mở ánh sáng trí tuệ và khơi nguồn yêu thương trong đời sống nhận loại một cách toàn diện và triệt để. Vấn đề này là tác nhân đánh động lương tri và phát triển tình yêu thương trong đời sống cộng đồng để mang lại an lạc thật sự cho nhân loại và hòa bình vững bền cho thế giới.
Ngay từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, giáo lý của Phật đã ăn sâu vào từng suy nghĩ của con người theo hướng chân tình, hiếu hòa. Như vậy nền văn hóa dân tộc tất nhiên có ảnh hưởng tư tưởng đạo Phật. Phật giáo đã phát triển lớn mạnh trên khắp mọi miền đất nước trong suốt thời gian gần một thế kỉ qua, tuy nhiên giữa Phật giáo vùng đồng bằng với Phật giáo vùng miền núi vẫn còn sự chênh lệch khá xa trong việc tiếp nhận lý tưởng Phật giáo cũng như giáo lý của đạo Phật. Chính vì vậy, việc truyền bá Phật pháp đến vùng sâu vùng xa của tổ quốc cần phải được quan tâm nhiều hơn, nhất là trong thời kỳ Phật giáo phát triển rực rỡ như thời đại ngày nay.
Trong thế giới đại đồng, hệ thống thông tin ngày càng mở rộng với thiết bị máy móc văn minh hiện đại, mọi người ở khắp nơi đều như được gần lại với nhau trong gang tấc. Hành tinh xanh của chúng ta như một ngôi nhà chung, mở máy gọi nhau là lập tức truyền thông được kết nối. Hai nền văn minh Đông và Tây xen lẫn để dệt nên một nền văn minh toàn cầu. Đời sống tâm linh, tôn giáo và khoa học cũng vượt mọi rào cản lịch sử quốc gia của mình để trở thành lẽ sống chung cho nhân loại. Sự phát triển khoa học kỹ thuật siêu tốc, thông tin đa phương tiện đã thu hẹp khoảng cách giữa con người và môi trường sống trên toàn thế giới.
Nam mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát
BAN BIÊN TẬP
Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.
Ngày thành lập : 12-09-2012