Sư cô Kỳ Nghiêm xin chia sẻ:
Bạn mến,
Không biết lúc nhận được câu trả lời này thì tâm trạng của bạn đang như thế nào? Ước muốn xuất gia của bạn có còn mãnh liệt không? Thật lòng mà nói, khi một người phát tâm xuất gia thì không ai không hoan hỷ cả, quý thầy quý sư cô lại càng yểm trợ hơn. Thế nhưng, không phải vì thế mà gặp ai quý thầy quý sư cô cũng khuyên đi tu cả. Tùy nhân duyên của mỗi người. Này nhé, có những bạn trẻ tuyệt vọng khi nghe kết quả thi rớt kỳ thi Đại học thì đi tu. Có những bạn bị thất tình, rầu quá thôi thì vô chùa! ... Vậy đó bạn à, những người như vậy vào chùa cũng sẽ gặp nhiều khó khăn không kém lúc ở ngoài đời. Bởi vì họ nghĩ đơn giản lắm, ở đời khổ quá, vào chùa chắc chắn sẽ sướng hơn. Họ nghĩ vậy cũng không sai chút nào cả, nhưng còn có cái gì hơn sự trốn tránh đó không?
Bạn là một bác sĩ đã làm việc được 3 năm, những kinh nghiệm đụng chạm cũng không phải là ít. Ai cũng vì miếng ăn, vì lợi dưỡng để rồi phải 'chơi' nhau, nhìn nhau vui tươi ngoài mặt nhưng trong lòng lại đang ganh tỵ, đố kỵ nhau. Ai cũng biết rõ những điều này đang xảy ra đầy dẫy khắp mọi nơi trong xã hội chúng ta, môi trường nào cũng có cả. Bất cứ ai có chút lương tâm cũng cảm thấy chán chường cảnh sống giả dối đầy vật chất như vậy. Họ khác mình quá chăng? Tôi rất hiểu tâm trạng của bạn bây giờ, bởi lẽ tôi cũng đã ở trong hoàn cảnh như vậy, cũng đúng 3 năm ra trường đi làm, và sau đó tôi đi tu.
Ở đời ai mà không thích danh lợi và địa vị phải không bạn? Và thế là họ tìm cách này cách khác để đạt cho bằng được. Làm sao để ở trong lợi mình không ham, ở trong danh nhưng vẫn luôn giữ được sự khiêm cung và thanh cao của mình. Đó là ước muốn ở trong đời của chúng ta, nhưng quả thật để làm được điều đó không dễ chút nào. Mình sẽ bị cô lập ngay. Nhóm này phe nọ, họ tìm kiếm đồng minh để ủng hộ cho chỗ đứng của mình ngày thêm vững. Mình từ chối tham gia. Lần hồi, mình sẽ cảm thấy thật lẻ loi với cái gọi là 'đạo đức thanh cao' của mình. Bạn có đang cảm thấy vậy không? Giá như bạn có được một tăng thân (một nhóm bạn cùng chí hướng) cùng nhau thực tập, cùng yểm trợ nhau về mặt tâm linh thì sẽ giúp nhau được nhiều lắm. Mỗi hai tuần hay một tháng gặp nhau để ôn tụng 5 giới của Bụt, cùng nhau nghe pháp thoại, cùng nhau chia sẻ pháp đàm... Nhờ vậy đời sống của mình sẽ được cân bằng trở lại. Nhưng nếu chỉ một mình thôi thì quả thật rất khó.
Bạn tìm đến chùa, nhờ cảnh để bạn có thể lấy lại sự bình an trong tâm hồn. Bên cạnh sự tĩnh lặng ở nhà chùa bạn còn tìm thấy được gì nữa? Tôi không biết bạn biết đến đạo Bụt được bao lâu rồi và ngoài lý do ‘cảm thấy mệt mỏi vì sự phe phái, ganh tỵ,... trong các công sở’, còn có lý do nào khiến bạn muốn đi xuất gia không? Nếu không thì cũng nguy lắm. Vì lỡ khi vào chùa bạn không may cũng gặp những sự ganh tỵ, phe phái... y như ngoài đời thì bạn sẽ vỡ mộng đến mức nào! Vậy đó, nhưng nếu bạn có niềm tin nơi Phật tính trong mỗi người, niềm tin nơi sự tu tập và sự chuyển hoá ở từng cá nhân thì không sao cả.
Ở trong Tăng thân hay lắm, mỗi người ai cũng có cái hay để cho mình học hỏi và tu tập cả, ai cũng cùng hướng đến cái đẹp, cái thật và cái lành nên rất dễ cảm thông và tha thứ cho nhau nếu có ai gây ra lầm lỡ. Họ coi nhau như anh chị em một nhà, có gì chưa hay của mỗi người cũng chia sẻ cho nhau nghe để cùng giúp nhau tiến bộ. Ngày ngày đều được tưới tẩm toàn những hạt giống tốt. Càng tu mình càng cảm thấy cuộc đời thật đáng yêu, càng thấy mình cần phải sống hết lòng vì cuộc đời mình không còn vô vị như trước đây nữa. Ở ngoài đời mình cũng có thể làm từ thiện giúp người vậy. Giúp người 'năm đồng ba trự' để vượt qua nỗi ngặt nghèo cũng quý lắm, hay khám bệnh bốc thuốc miễn phí cho người nghèo cũng là một nghĩa cử thật đẹp. Nhưng mình cũng chỉ mới thoa dịu nỗi khó khăn của họ mà thôi, có trị bệnh thì cũng chỉ dừng lại ở thân bệnh chứ tâm bệnh thì bác sĩ y khoa cũng còn rất hạn chế, bạn có nghĩ vậy không?
Bạn mến, mỗi khi gặp được con đường sáng thì trong tâm mình nó làm việc ngay phải không bạn? Ngày đêm nó bắt mình phải suy nghĩ, lựa chọn hướng đi cho cuộc đời mình. Có nên rẽ sang một ngã khác để làm cuộc cách mạng cho cuộc đời mình hay không? Tùy bạn. Bạn cứ để thời gian ngồi chơi với những gì trong lòng mình đang có, lắng nghe nó tâm sự, lắng nghe thật sự xem nó muốn gì. Chỉ có bạn là người hiểu rõ mình nhất mà thôi. Nếu muốn đi xuất gia thì phải tự hỏi xem lý tưởng của mình nó mạnh đến cỡ nào? Đi tu để làm gì? Những thầy và sư cô ở Làng Mai khi quyết định đi tu cũng gặp bao nhiêu chướng duyên, thế nhưng một khi đã quyết 'cắt ái từ sở thân' thì đâu có gì cản nỗi bước chân mình!
Chừng nào bạn phát tâm bồ đề thật mạnh - nhà Phật gọi là tâm bồ đề dũng liệt phi thường, không đi tu không được, thì hãy đi. Cuộc sống người xuất gia không phải dễ dàng như mình tưởng đâu bạn à. Nếu phát tâm không mạnh thì dễ gì vượt qua được những lên xuống trồi trụt trong đời tu. Ba mẹ cho bạn ăn học, ra trường làm một bác sĩ, bây giờ bạn muốn bỏ hết để vào chùa. Liệu ba mẹ bạn có 'nổi tam bành' lên không? Bạn đã sẵn sàng cho những trở ngại từ phía gia đình, bạn bè quyến thuộc chưa? Vào chùa bạn sẽ bắt đầu lại từ đầu, những gì là bác sĩ này nọ cũng đều buông bỏ hết trước khi bước vào cổng chùa, bạn đã sẵn sàng chưa? Bấy nhiêu cũng đủ cho bạn 'nhìn lại mình' rồi bạn nhỉ. Mong bạn sớm tìm được lời giải đáp cho bài toán quyết định cả cuộc đời mình về sau này. Tôi tin ở sự sáng suốt của bạn.
câu hỏi, bác sĩ, tốt nghiệp, trải qua, thực sự, mệt mỏi, phe phái, như vậy, xuất gia, trở ngại, cố gắng, tồn tại, thích ứng, thời gian, cuộc đời, bế tắc, thường xuyên, vô vị, trống rỗng, tất cả, sợ hãi
Mã an toàn:
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...
Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.
Ngày thành lập : 12-09-2012
Ý kiến bạn đọc