Như lý giác sát

Đăng lúc: Thứ năm - 19/10/2017 15:05 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Như lý giác sát (yoniso patisankhàna) là một thuật ngữ Phật học hàm ý sự chú tâm nhận biết về thực tại tâm thức, ý thức rõ về ý nghĩa chính đáng của mỗi việc làm hay sự việc mà mình đang thực hiện nhằm bảo đảm sự việc ấy được chân chánh, hiền thiện, phục vụ cho mục đích tu học đạo lý giác ngộ hướng đến hoàn thiện con người, hoàn thiện nhân tính.

 
Đạo Phật được mệnh danh là đạo thức tỉnh, đạo của trí tuệ, của sự nhận thức chân chánh, sáng suốt, không mê lầm, hay con đường của sự thức tỉnh đi ra khỏi khổ đau. Vì vậy, như lý giác sát (yoniso patisankhàna) chính là một phần của lối sống minh triết Phật giáo, tức là xem xét đúng đắn, cân nhắc thận trọng, suy tư chín chắn, nhận thức chân chánh, hiểu biết như thật hay vận dụng trí tuệ vào cuộc sống nhằm thực nghiệm nếp sống giác ngộ, nếp sống hạnh phúc an lạc, rời xa các phiền não khổ đau. Theo nghĩa này thì có nhiều cách khác nhau để vận dụng sự chú tâm nhận biết hay như lý giác sát. Chẳng hạn, trong việc sinh sống hàng ngày, người xuất gia được khuyên dạy như thế này:
 
“Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát, thọ dụng y phục, chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc phạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, chỉ với mục đích che đậy sự trần truồng. Vị ấy như lý giác sát, thọ dụng món ăn khất thực không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hổ trợ phạm hạnh, nghĩ rằng: “Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn”. Vị ấy như lý giác sát, thọ dụng sàng tọa, chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc phạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loại bò sát, chỉ để giải trừ nguy hiểm của thời tiết, chỉ với mục đích sống độc cư an tịnh; vị ấy như lý giác sát thọ dụng dược phẩm trị bệnh, chỉ để ngăn chận các cảm giác khổ thống đã sanh, để được ly khổ hoàn toàn. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không thọ dụng như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu vị ấy thọ dụng như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa.” (1).
 
Như vậy, ý nghĩa như lý giác sát (yoniso patisankhàna) đã trở nên rõ ràng trong văn cảnh trên. Ở đây, như lý giác sát có nghĩa là chú tâm vào việc ăn, mặc, ở và sử dụng thuốc trị bệnh, nhận thức rõ ý nghĩa chính đáng của việc sử dụng y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, hiểu rõ việc thọ dụng bốn nhu yếu tối thiểu hay “tứ sự cúng dường” chỉ là một phương tiện để duy trì sự sống, không phải để vui đùa, không phải để đam mê hay không phải để trang sức, nhưng để chống lại các cảm giác khó chịu trong cuộc sống, giúp cho cuộc sống được thoải mái an ổn; đặc biệt, để hỗ trợ cho sự nghiệp tu học được tiến triển tốt đẹp, chân chánh, không lỗi lầm, đáp ứng mục tiêu cần cầu vô thượng an ổn thoát khỏi khổ ách, Niết-bàn. Với sự giác sát như vậy, người xuất gia thọ dụng “tứ sự cúng dường” một cách chân chánh, đúng pháp, không lỗi lầm, tâm không biến nhiễm (không rơi vào tham đắm hay bực phiền đối với các điều kiện sinh sống). Nói cách khác, người xuất gia cần nhận thức rõ việc ăn, mặc, ở, sử dụng thuốc men chỉ là phương tiện để đi đến cứu cánh, đó là giải thoát, giác ngộ, Niết-bàn.

Tương tự như thế, trong một sinh hoạt khác, người xuất gia cũng được khuyên vận dụng phương pháp như lý giác sát nhằm nhận thức rõ thực tại các pháp hay những gì đang đối diện để ứng dụng sự tu tập, thực thi nếp sống sáng suốt an ổn, tránh các phiền toái trực tiếp hoặc gián tiếp xảy ra gọi là phương pháp tránh né. Phương pháp này được mô tả như sau:
 
“Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát, tránh né voi dữ, tránh né ngựa dữ, tránh né bò dữ, tránh né chó dữ, rắn, khúc cây, gai góc, hố sâu, vực núi, ao nước nhớp, vũng nước. Có những chỗ ngồi không xứng đáng ngồi, những trú xứ không nên lai vãng, những bạn bè ác độc mà nếu giao du thì bị các vị đồng phạm hạnh có trí nghi ngờ, khinh thường; vị ấy như lý giác sát tránh né chỗ ngồi không xứng đáng ấy, trú xứ không nên lai vãng ấy và các bạn độc ác ấy. Này các Tỷ- kheo, nếu vị ấy không tránh né như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu vị ấy tránh né như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa”. (2)

Như lý giác sát trong trường hợp trên chính là sự chú tâm nhận ra các pháp chướng ngại (àvaraniya- dhammà) hay các đối tượng không thích đáng để tránh né, xa lánh, khiến cho các phiền não lậu hoặc không có điều kiện phát sinh gây nên khổ đau. Nhờ có sự xem xét cẩn trọng dẫn đến thái độ tránh né kịp thời các đối tượng không thân thiện, không thích đáng như vậy nên người xuất gia có được sự an ổn trong đời sống tu học, tránh được các nhân tố trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên các phiền muộn khổ đau.
 
Một phương pháp khác là chú tâm nhận biết về các điều kiện gây khó chịu hay như lý giác sát về các khổ thọ mà mình gặp phải trong đời sống để vận dụng đức kham nhẫn nhằm vượt qua các phiền não lậu hoặc:

“Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát, kham nhẫn lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc phạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát; kham nhẫn những cách nói mạ lỵ, phỉ báng. Vị ấy có tánh kham nhẫn các cảm thọ về thân, những cảm thọ thống khổ, khốc liệt, đau nhói, nhức nhối, không sung sướng, không thích thú, chết điếng người. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không kham nhẫn như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu vị ấy kham nhẫn như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa”. (3)

Trong các trường hợp nói trên thì như lý giác sát có nghĩa là quán sát về các điều kiện gây khó chịu, nhận rõ chúng là các pháp nhất thời tạo nên cảm giác khó chịu hay khổ thọ, cần phải kham nhẫn vượt qua, không nên bực phiền hay phản ứng giận dữ khiến ô uế tâm thức. Chúng chỉ là các điều kiện nhất thời gây nên khó chịu, nhưng tất cả chúng kể cả khổ thọ đều là các hiện tượng do duyên sanh, chuyển biến, thay đổi, không thường hằng, không tồn tại mãi. Nhờ quán sát thấy rõ ràng như vậy về bản chất của tất cả các điều kiện tạo nên hiện tượng khó chịu mà người xuất gia có đủ kham nhẫn để vượt qua mọi cảm giác khó chịu hay khổ thọ, tâm không biến nhiễm, không rơi vào sầu, bi, khổ, ưu, não.
 
Một phương diện khác của như lý giác sát được vận dụng trong đời sống tu tập của người xuất gia, đó là sự chú tâm nhận diện các diễn biến của tâm thức trong đời sống xúc chạm hàng ngày để kịp thời điều chỉnh. Đạo Phật nói đến hai trạng thái tâm lý đối nghịch nhau phát sinh trong đời sống hàng ngày là tham (abhijjhà) và ưu (domanassa), cơ bản do duyên sự tiếp xúc giữa các căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và các trần hay các đối tượng tương ứng (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Thông thường, một người chưa có cơ duyên tiếp xúc với các pháp môn tu tập của đạo Phật thì khi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp, có hai tâm lý phát sinh, hoặc yêu thích hoặc ghét bỏ, khiến cho hai tâm thái bất thiện là tham (abhijjhà) và ưu (domanassa) có dịp sinh khởi và tăng trưởng. Tham là trạng thái ham muốn, thích thú, khao khát, muốn ôm ấp nắm giữ các đối tượng thích ý, hấp dẫn. Ưu là trạng thái phiền muộn, khó chịu, không thích thú, ghét bỏ, muốn xa lánh các đối tượng không ưng ý, không hấp dẫn. Theo quan niệm của đạo Phật thì đây là hai tâm lý bất thiện có chung gốc rễ là si mê hay còn gọi là phản ứng hai mặt, thuận ứng (anuruddha) và nghịch ứng (pativiruddha) (4), của một tâm thức bị vô minh chi phối, khiến cho tâm luôn luôn bị dao động, quay cuồng, không tỉnh táo, không sáng suốt, không thanh thản, không an lạc, trở nên căng và mệt mỏi. Để ngăn tránh hai tâm lý bất thiện như vậy phát sinh kéo theo các pháp bất thiện khác đồng sinh khởi khiến khổ đau sinh khởi, Đức Phật nói đến phương pháp như lý giác sát đi kèm với pháp môn phòng hộ các căn như là giải pháp tu tập. Ngài nhấn mạnh:
 
“Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát, sống phòng hộ với sự phòng hộ con mắt. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ấy sống không phòng hộ với sự phòng hộ con mắt, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu sống phòng hộ với sự phòng hộ con mắt, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Vị ấy như lý giác sát, sống phòng hộ với sự phòng hộ lỗ tai... như lý giác sát, sống phòng hộ với sự phòng hộ lỗ mũi... như lý giác sát, sống phòng hộ với sự phòng hộ lưỡi... như lý giác sát sống phòng hộ với sự phòng hộ thân... như lý giác sát, sống như lý giác sát phòng hộ với sự phòng hộ ý. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ- kheo ấy sống không phòng hộ với sự phòng hộ ý, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu sống phòng hộ ý, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa”. (5)
 
Như vậy, như lý giác sát trong trường hợp trên chính là sự chú tâm xem xét và nhận biết tâm thức của mình có dao động, có rơi vào tham (abhijjhà) và ưu (domanassa), thuận ứng (anuruddha) và nghịch ứng (pativiruddha) hay không khi các căn gặp gỡ các trần để kịp thời chấn chỉnh, ứng dụng pháp môn phòng hộ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý nhằm chặn đứng các nguyên nhân khiến tham hay ưu phát sinh đi kèm với các ác bất thiện pháp khác đồng sinh khởi gây ra phiền não khổ đau.

Một phương diện khác nữa của sự ứng dụng như lý giác sát trong đời sống tu tập, đó là người xuất gia phải luôn luôn chú tâm theo dõi và nhận rõ dòng tâm thức của mình trôi chảy thế nào, có rơi vào dục niệm (kàmavitakka), sân niệm (byàpàdavitakka), hại niệm (vihimsavitakka) hay có bị ám ảnh bởi các tư duy liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến tà kiến hay không để nỗ lực đoạn trừ:
 
“Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát, không có chấp nhận dục niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại dục niệm ấy; không có chấp nhận sân niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại sân niệm ấy; không có chấp nhận hại niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại hại niệm ấy; không chấp nhận các ác bất thiện pháp luôn luôn khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại các ác bất thiện pháp ấy. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không trừ diệt như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy trừ diệt như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa”. (6)

Như lý giác sát ở đây cũng mang ý nghĩa sự chú tâm theo dõi và nhận biết các hoạt động của tâm thức để nỗ lực làm trong sạch nội tâm bằng cách xua đuổi, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận các ý niệm hay tư tưởng liên hệ đến dục vọng, các ý niệm hay tư tưởng đi đôi với sân hận, các ý niệm hay tư tưởng bị ám ảnh bởi tà kiến. Đây chính là cách thức làm trong sạch nội tâm nhờ như lý giác sát (yoniso patisankhàna) hay còn gọi là chú tâm cảnh giác (jàgariya-yanuyoga), nghĩa là quyết tâm không để cho các pháp bất thiện (akusala-dhammà) - tham-sân-si hay các pháp chướng ngại (àvaraniya- dhammà) - dục niệm-sân niệm-hại niệm sinh khởi quấy rầy tâm tư. Trong các bài giảng của Ngài, Đức Phật thường khuyên nhắc các Tỷ-kheo học tập như vầy: “Chúng ta phải chú tâm cảnh giác. Ban ngày đi kinh hành hay trong lúc ngồi, chúng ta phải tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại. Ban đêm canh một đi kinh hành hay trong lúc ngồi, chúng ta phải tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại. Ban đêm canh giữa, chúng ta phải nằm dáng nằm con sư tử, nghiêng bên hông tay phải, một chân đặt trên chân kia, chánh niệm tỉnh giác, tâm nghĩ đến lúc thức dậy lại. Ban đêm canh đầu thức dậy, đi kinh hành hay trong lúc ngồi, chúng ta phải tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại”. (7)
 
Bên cạnh các ứng dụng mang tính cách đối trị hay trừ diệt các bất thiện pháp, như lý giác sát còn là sự chú tâm làm cho sinh khởi và phát triển các thiện pháp. Sự ứng dụng sau đây nói rõ công năng xem xét và định hướng phát triển các thiện pháp hay các phẩm chất đưa đến giác ngộ của như lý giác sát:
 
“Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát, tu tập niệm giác chi; niệm giác chi này y viễn ly, y ly tham, y đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; như lý giác sát tu tập trạch pháp giác chi... tu tập tinh tấn giác chi... tu tập hỷ giác chi... tu tập khinh an giác chi... tu tập định giác chi... tu tập xả giác chi; xả giác chi này y viễn ly, y ly tham, y đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không tu tập như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy tu tập như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa”. (8)

Trên đây là tiến trình tu tập, phát triển tâm thức đưa đến loại trừ các phiền não lậu hoặc, chấm dứt khổ đau, thể hiện qua sự phát triển thất giác chi (sattà sambojjhangà) hay bảy chi phần đưa đến giác ngộ nhờ ứng dụng như lý giác sát. Ở đây, như lý giác sát đóng vai trò chủ đạo trong việc xem xét, cân nhắc và đặt để các bước đi thích hợp cho cả tiến trình, tức sự chú tâm theo dõi và phát huy đúng đắn các năng lực nội tâm hay các phẩm chất giác ngộ – niệm-trạch pháp-tinh tấn-hỷ-khinh an- định-xả – đưa đến tuệ giác giải thoát hay đưa đến sự đoạn tận các lậu hoặc, chấm dứt hoàn toàn mọi khổ đau.
 
Nhìn chung, như lý giác sát (yoniso patisankhàna) là nhân tố hết sức quan trọng trong tiến trình tu tập đạo lý giác ngộ của người con Phật. Nó là sự nhận biết tỉnh táo và sáng suốt của tâm thức, có vai trò như Chánh kiến (Sammà ditthi), được vận dụng thường xuyên trong đời sống tu tập hàng ngày của người Phật tử nói chung, đặc biệt là trong đời sống phạm hạnh của người xuất gia, nhằm mục đích giúp cho người con Phật thực thi đúng đắn nếp sống giác ngộ hay nếp sống giải thoát mọi phiền não khổ đau mà chư Phật đã chứng nghiệm và giảng dạy. Tùy vào mỗi hoàn cảnh cụ thể mà như lý giác sát được vận dụng và thể hiện chức năng riêng biệt của nó. Một cách căn bản, như lý giác sát là trí tuệ soi đường, có công năng ngăn ngừa cái xấu và khuyến khích cái tốt, đóng vai trò như người dẫn dường có đủ kinh nghiệm sáng suốt, từng bước hướng dẫn người thực hành đi ra khỏi khổ đau, đạt đến mục tiêu cứu cánh giải thoát, cứu cánh giác ngộ.

.............................................................

1, 2, 3. Kinh Tất cả lậu hoặc, Trung Bộ.
 
4. Chỉ cho tham và sân, tức là tham ái đối với những gì thích ý, hấp dẫn và bất mãn đối với những gì không thích ý, không hấp dẫn, hai loạt phản ứng của tâm thức đưa đến phiền não khổ đau cùng có chung rốc rễ là vô minh hay si mê. Xem Tiểu kinh Sư tử hống, Trung Bộ.
 
5, 6, 8. Kinh Tất cả lậu hoặc, Trung Bộ.
 
7. Đại kinh Xóm ngựa, Trung Bộ.

Tác giả bài viết: Nguyên Khánh
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 18 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
Nguyen quynh - Đăng lúc: 16/02/2018 23:47
Bài viết tuyệt vời. Cám ơn tác giả bài viết này.

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 423
  • Khách viếng thăm: 408
  • Máy chủ tìm kiếm: 15
  • Hôm nay: 36847
  • Tháng hiện tại: 636939
  • Tổng lượt truy cập: 107210829
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012