Tam khổ và Bát khổ

Đăng lúc: Thứ ba - 11/12/2012 05:47 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Khổ đau là chân lý nhứ nhất trong TỨ DIỆU ĐẾ. Khế Kinh có viết:”Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển”. Quả đúng như vậy, sự đau khổ của chúng sanh rất nhiều, nhiều đến đỗi không thể nào diễn tả hết được. Nỗi khổ sầu này chưa vơi, thì niềm đau khác lại ập đến. Ôi! với bao nhiêu thăng trầm, cuộc đời con người luôn chìm trong bể khổ mù sương.
Tam khổ và Bát khổ

Tam khổ và Bát khổ

Khổ đau là gì? Khổ đau là những tâm lý đau đớn, bức xúc nối tiếp, chồng chất diễn ra trong tâm, làm cho tâm chúng sanh luôn phát sanh ra bao tâm lý sầu bi, thống khổ. Khổ đau là một sự thật hiển nhiên trong nhân gian. Đây là chân lý thứ nhất trong bài pháp Tứ đế Đức Phật thuyết giảng ngay sau khi chứng đắc Thánh Đạo. 

Khổ đau là chân lý nhứ nhất trong TỨ DIỆU ĐẾ. Khế Kinh có viết:”Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển”. Quả đúng như vậy, sự đau khổ của chúng sanh rất nhiều, nhiều đến đỗi không thể nào diễn tả hết được. Nỗi khổ sầu này chưa vơi, thì niềm đau khác lại ập đến. Ôi! với bao nhiêu thăng trầm, cuộc đời con người luôn chìm trong bể khổ mù sương. 

Khổ đau thuộc phạm trù tâm lý, nó chi phối toàn bộ kiếp sống chúng sanh. Theo triết lý Phật giáo, Khổ đau nói tổng quát có Tam khổ, nói sâu rộng có Bát khổ. TAM KHỔ và BÁT KHỔ này là những nguyên nhân chính đưa đến niềm đau, nỗi khổ triền miên cho chúng sinh. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu về Tam khổ và Bát khổ. 

I. TAM KHỔ 

Tam khổ là ba loại đau khổ: khổ khổ, hoại khổ và hành khổ. Ba loại khổ đau này tất cả chúng sanh trong Tam giới đều phải gánh chịu. 

1. Khổ khổ: Là sự đau khổ chồng chất, liên tiếp xảy ra. Chúng sanh luôn khổ não bởi những sự việc trái ý, nghịch lòng; những sự đớn đau, sầu muộn, bất an diễn ra mãi. Nỗi sầu này chưa vơi, thì niềm đau kia lại đến, nó luôn đoanh vây, quấy nhiễu suốt cuộc đời của chúng sanh. Chẳng hạn, Cô A bị tai nạn gãy chân. Nỗi đau này chưa vời thì cô A gánh chịu tiếp nỗi khổ chồng có bồ nhí, con thi rớt Đại học… 

2. Hành khổ: Là những ý định, những chủ tâm dẫn đến phát khởi những hành động của thân, khẩu, ý. Hay nói cách khác, Hành uẩn là sự tạo tác của mọi hoạt động trong tâm thức trước khi bộc phát thành hành động. Sự hoạt động này rất chủ động như tôi dự định làm như thế này, tôi cho rằng như thế là không được… Do Hành sanh ra Thức, thúc đẩy Thức tạo nghiệp. Hoạt động của Hành rất vi tế, ẩn tàng trong tâm khó có thể nhìn thấy, thế nhưng nó điều khiển tất cả mọi hành động của thân, khẩu, ý làm cho tâm trí chúng sanh luôn dao động, lo toan, ưu phiền. Công năng của hành uẩn thật đáng sợ, luôn hoạt động thường trực, nhưng vi tế khó nhận biết, nó dẫn dắt tâm ý hoạt động xấu, tốt hoặc không xấu, không tốt. Như vậy, hành uẩn có khả năng chủ đạo tạo nghiệp, dẫn dắt chúng sanh trôi lăn trong bể khổ luân hồi, chịu nhiều khổ đau. 

3. Hoại khổ: Là sự hủy hoại đưa đến sầu khổ. Nghĩa là tất cả vạn vật trong vũ trụ thường biến đổi và đưa đến hư hoại, tiêu tán. 

Quả đúng như vậy, dù to lớn như những dãy núi hùng vĩ, hay nhỏ bé như hạt cải cũng bị biến đổi, hư hoại, hủy diệt theo thời gian… không có một cái gì tồn tại mãi mãi được. Hiện tượng vô thường này khiến cho chung sanh luôn bị áp lực bởi tâm lý thương tiếc, sầu khổ… mãi diễn ra trong tâm thức. 

II. BÁT KHỔ

Từ Tam khổ, là nói theo nghĩa tổng quát, nếu suy luận rộng hơn thành Bát khổ. Bát khổ là tám loại khổ não mà chúng sanh luân hồi sanh tử trong Lục đạo luôn gánh chịu. Bát khổ bao gồm: sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ, ngũ ấm thạnh khổ. 

1. Sanh khổ: Là nỗi khổ trong sự sanh ra. Loài người khi ở trong thai đã có tình thức. Do có tình thức nên có sự cử động cảm xúc. Khi mẹ ăn thức lạnh vào cảm thấy như ở trong giá băng; lúc ăn thức nóng vào cảm thấy như bị nung đốt. Thai nhi sống trong chỗ chật hẹp, tối tăm và nhơ nhớp, vừa lọt lòng đã kêu khóc oa oa. Rồi từ đó khi lạnh, nóng, đói, khát, muỗi, kiến cắn đốt, chỉ biết kêu khóc mà thôi. Huệ nhãn của Phật thấy rõ những chi tiết ấy, nên Ngài xác nhận Sanh là khổ. Sanh khổ Có 5 loại: 

– Thọ thai: Lúc thần thức gá vào thai mẹ, ở trong bụng mẹ chật chội và dơ bẩn. 
– Chủng tử: Sau khi thần thức gá vào tinh trùng của cha và noãn cầu của mẹ, thân thể sẽ tùy theo hơi thở của mẹ mà tồn tại, không được tự do thoải mái. 
– Tăng trưởng: Thần thức, thân thể ở trong bụng mẹ, tăng trưởng mỗi ngày, dưới ruột non, trên ruột già, nằm ở giữa như ở tù. 
– Xuất thai: Trải qua gần 10 tháng thân hình đã phát triển đầy đủ, đây là thời điểm người mẹ chuyển dạ để sanh thai nhi. Suốt thời gian dài nằm trong bụng mẹ - một môi trường ấm áp, an toàn, sự sống hoàn toàn nương vào mẹ, được mẹ nuôi dưỡng, nâng nui, che chở. Những khi thai nhi rời khỏi bụng mẹ, thân thể với da thịt non mềm của bé phải tiếp xúc môi trường mới với khí trời lạnh, nóng, gió, mưa, các vật dụng xúc chạm… sẽ cảm nhận đau buốt như bị châm chích. Bé đau nhưng chưa nói được mà chỉ biết khóc, vì thế chúng ta cần phải có thao tác nhẹ nhàng với em bé mới sanh.
– Chủng loại: Tức mỗi thai nhi đều đã an bài mạng số của mình trước khi sanh ra. Đó là phẩm chất tâm đức, trí đức và cuộc sống giàu sang hay nghèo hèn, tướng mạo đầy đủ, xinh đẹp hay khiếm khuyết, xấu xí… 

2. Lão khổ: Là sự khổ trong lúc tuổi già. Con người khi già yếu, các căn đều suy yếu, mắt mờ, tai lãng, lưng mỏi, chân run, ăn không có cảm giác ngon, ngủ không an giấc, trí nhớ chẳng còn minh mẫn, làn da khô nhăn, răng thường đau nhức, rụng rớt dần. Dù cho thanh niên cường tráng, hay thiếu nữ khỏe mạnh, theo thời gian đều sẽ đối đầu cái tuổi già yếu này. 
Người tuổi già thường điếc lãng. Đây là nỗi khổ của người già lẫn người trẻ, vì người trẻ hỏi A, nhưng Cụ già trả lời B. Chẳng hạn, Cụ đang ăn cơm, có người hỏi cụ: con mở nhạc niệm Phật cho Cụ nghe nha. Cụ trả lời: thôi ăn cơm được rồi, không ăn bún đâu... Người già lại thường chậm chạp, luống cuống trong mọi thao tác như: khi ăn uống, đắp mặc, lúc đi đại tiểu tiện… và thường làm nhớp nhơ. Con cháu dù thân thương đến đâu cũng sanh nhàm chán, bực bội, xa lánh, sao nhãng bổn phận. Chính những hành động, thái độ thiếu hiểu biết, cảm thông, vô trách nhiệm của con cháu đã khiến người tuổi già chịu nhiều tủi khổ. Chỉ có những người con chí hiếu, thường thực hành đạo lý sống, thì dù ở vào hoàn cảnh nào cũng thương yêu, kính quí, chăm sóc chu toàn cho Ông Bà, Cha Mẹ và rất đau buồn, thương nhớ khi họ qua đời. Quả thật tuổi già thật đáng buồn tủi, khổ sầu. Lão khổ có 2 loại: 

– Tăng trưởng: Từ thiếu niên đến tráng niên, từ tráng niên đến già yếu, sức khỏe yếu dần, đi đứng nằm ngồi không an ổn. 
– Hoại diệt: Thời thanh niên cường tráng đã qua, thời già nua suy yếu đến, mạng sống con người cứ rút ngắn theo thời gian và cuối cùng thể xác đi dần đến hư hoại. 

3. Bệnh khổ: Là sự khổ đau trong cơn đau bệnh. Có thân là có bịnh, từ những loại bệnh nhẹ thuộc ngoại cảm, đến các chứng bịnh nặng thuộc nội thương. Trong cuộc thế, có rất nhiều người vướng phải những bệnh nan y như: ung thư, lao, cùi, HIV... Vướng vào bệnh nan y, tự thân đã đau đớn, lại tốn kém, hoặc không có tiền chạy chữa lại càng khổ hơn. Sự khổ lụy không chỉ riêng mình, mà còn khiến cho người thân khổ lụy không ít. Bệnh khổ có 2 loại: 

– Thân bệnh: Thân bệnh là tất cả những chứng bệnh con người mắc phải, gánh chịu. những chứng bệnh này đều do TỨ ĐẠI không điều hòa mà phát sanh, như địa đại không điều hòa, thì thân thể nặng nề; phong đại không điều hòa, thì thân thể bị tê cứng; thủy đại không điều hòa, thì thân thể bị phù thũng; hỏa đại không điều hòa, thì thân thể bị nóng bức.. 
– Tâm bệnh: Trong lòng ôm ấp những tâm lý khổ não, buồn thảm, bi ai, tuyệt vọng... 

4. Tử khổ: Là sự khổ trong lúc chết. Mọi người đều muốn sống an vui, chết nhẹ nhàng, nhưng việc ấy rất khó toại nguyện, mà phần nhiều thân thể con người luôn bị bịnh khổ hành hạ đau đớn cho đến khi chết.
Thân đã như thế, tâm lại càng hãi hùng, lo sợ, tham tiếc ruộng vườn của cải, buồn rầu phải biệt ly bà con quyến thược, muôn vàn nỗi khổ sầu như ùa về trước khi nhắm mắt. Chết - quả thật là rất khổ. Tử khổ có 2 loại: 

– Bệnh tử: Vì bệnh, mạng sống hết phải chết. 
– Ngoại duyên: Gặp ác duyên như bị người giết, bị tai nạn mà chết, bị chết nước, lửa thiêu... mà chết. 
 

5. Ái biệt ly khổ: Là sự khổ khi xa lìa người thân yêu. Ái biệt ly khổ có hai loại: 

– Khổ sanh ly: Điều này trong hoàn cảnh chiến tranh, ta càng thấy rõ. Biết bao gia đình chịu cảnh kẻ Bắc, người Nam; Biết bao thanh niên xa gia đình dấn thân nơi chiến trận - Người ở nhớ thương, kẻ đi sầu thảm... 
– Khổ tử biệt: Biết bao kẻ tuổi hãy còn xuân, tử thần cướp đi người yêu quí, phải chịu cảnh góa bụa bơ vơ. Rồi lại những kẻ cha mẹ, anh em, con cái đều bị tử nạn; biết bao trẻ mồ côi sống thiếu tình thương của người thân, buồn tủi nương thân nơi viện cô nhi… 
Ở trong cuộc thế này, biển nhớ, sông thương đã sâu dài, mà núi hận trời sầu cũng rất cao rộng. 
Cảnh sanh ly, tử biệt đối với người thân yêu quả thật vô cùng sầu khổ. 

6. Oán tắng hội khổ: Là sự khổ về oan gia hội ngộ. Tức bản thân luôn phải sống và làm việc cùng với những kẻ đối nghịch thù oán ở gần bên gièm pha, nói xấu, phá phách, mưu hại, làm cho ta phải bực tức, khổ sầu, lo sợ, bất an... Hoặc trong một gia đình, cha mẹ, anh em, vợ chồng con cái… không đồng ý kiến, thường có sự tranh cãi, giận ghét, buồn phiền, mưu hại lẫn nhau. Đây là nỗi khổ oan gia, tức đầu thai vào trong một gia đình để gây khổ đau cho nhau, đâu có gì là hạnh phúc. 

7. Cầu bất đắc khổ: Là sự khổ về mong cầu không toại ý. Trong đời sống, con người có rất nhiều cao vọng, ước mơ, mong cầu... Chẳng hạn, nghèo hèn muốn được giàu sang, xấu xí muốn cho xinh đẹp, thất nghiệp muốn có việc làm, không con muốn cho có con, có con muốn cho nó nên người, thông minh, hiếu thuận. Ngàn muôn ước vọng như thế, nếu cầu mong mà không toại nguyện, thì tạo thành nỗi khổ. 

8. Ngũ ấm thạnh khổ: Ngũ Là sự khổ về năm ấm hưng thạnh. Năm ấm là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức (các bạn nên tham khảo lại bài viết NGŨ UẨN và PHƯƠNG PHÁP PHÁ SẮC UẨN). Sắc ấm thuộc về thân, bốn ấm kia thuộc về tâm. Như vậy, ở đây nói về sự khổ của THÂN và TÂM. 

Ngũ ấm này hợp lại tạo nên thân con người, nếu không điều hòa với nhau, thường hưng thịnh thì phát sanh khổ não. Lại nữa, Ngũ ấm tạo nên thân con người mà thân con người phải trải qua quá trình sanh, già, bệnh, chết, đương nhiên luôn phải chịu nhiều khổ não. 
Ngũ ấm thạnh khổ này bao quát bảy loại khổ trước: THÂN thì sanh, già, bịnh, chết, đói, khát, nóng, lạnh, vất vả nhọc nhằn; TÂM thì buồn, giận, lo, thương, trăm điều phiền lụy.

Những loại khổ sầu trên và còn bao nhiều niềm khổ sầu khác đang chi phối toàn bộ kiếp sống nhân sinh, tạo nên nỗi khổ không cùng cho chúng sanh. Chúng là những nguyên nhân chính đưa đến niềm đau, nỗi khổ triền miên cho chúng sinh và nguồn gốc gây nên khổ đau cho con người là do vô minh. Tức do sự ngu si không nhận chân rõ thật tướng về con người và thế giới mà con người đang sống là “KHÔNG”. “VÔ THƯỜNG”; không biết tu tâm, tích đức, xả ngã, vị tha… Người học Phật mỗi khi biết suy tư, nhận thức được bản chất khổ đau, nhân ra thật tướng của vạn pháp rồi, chuyên tâm tu tập theo triết lý cao đẹp, thì nỗi khổ sẽ được vơi dần theo năm tháng, dần dần đạt đến hạnh phúc, cao hơn nữa là an vui, tối thắng nhất là đạt được an lạc tuyệt đối của Niết Bàn. 
 
 
Tác giả bài viết: Thích Nữ Đức Trí
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 138 trong 34 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
mèo con hay cáu - Đăng lúc: 27/10/2016 10:54
Con khổ tâm lắm, đọc xong con thấy nhẹ .
Avata
Nguyễn đình Thưởng - Đăng lúc: 10/05/2015 09:24
Con rat cam on quy co da cho con hieu them dieu ma con thac mac. Cam on co nhieu.

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 94
  • Khách viếng thăm: 92
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 41497
  • Tháng hiện tại: 618468
  • Tổng lượt truy cập: 117424124
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012