Tôi tư duy

Đăng lúc: Thứ hai - 13/04/2015 08:45 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Tôi tư duy

Tôi tư duy

Kiêu ngạo văn hóa và tự ti văn hóa đều là những lề lối tư duy gây ra sự mất thăng bằng. Nhiều nhà phân tích cho rằng, tư duy phương Đông thiên về tư duy tổng hợp, cảm tính, tư duy phương Tây thiên về tư duy phân tích, lý tính. Người ta cũng thống nhất được rằng cả hai hệ thống giá trị hình thành nên tư duy của phương Đông và phương Tây đều cần phải bổ khuyết cho nhau, để tìm đến một giá trị chung gọi là hài hòa, giao thoa...
Ai cũng biết ngôn ngữ là phương tiện để diễn đạt tư duy. Ngôn ngữ phương Đông và phương Tây diễn tả về con người và thế giới bằng những "thuật từ", "thuật ngữ" có tính chất chắt lọc cao, không dễ gì bằng các thao tác phiên dịch mà người ta có thể dễ dãi "rút gọn" được trước tính đa nghĩa, biểu cảm của ngôn ngữ. Thế giới xích lại gần nhau, trước nhất không chỉ ở các phương tiện đi lại tối tân, mà còn bằng ngôn ngữ. 

Làn sóng di dân giữa các châu lục tạo nên các cộng đồng người đa sắc tộc, nhưng nếu họ vẫn sinh hoạt khép kín bằng ngôn ngữ riêng, thì dù có hoán chuyển phương trời thì ở đó vẫn là một cộng đồng kiểu "bình mới rượu cũ", thậm chí có những mâu thuẫn đáng kể giữa hai nền văn hóa trong một con người.

Thế giới trở nên phẳng hơn, hiểu về nhau nhiều hơn, cũng bắt đầu từ giao tiếp ngôn ngữ. Chỉ khi người ta diễn đạt tri thức, tư tưởng, tình cảm được với nhau, thì người ta mới có thể nghĩ xa hơn về tư duy, một thứ tư duy được "thực chứng", chứ không phải chỉ nghe ai đó nói qua sách vở...

Như vậy, khi ngôn ngữ còn là rào cản chính giữa các dân tộc và các vùng văn hóa, thì chưa dễ gì rút ngắn khoảng cách tư duy này. Nói rút ngắn là nói đến chuyện người ta gặp gỡ để hiểu rõ hơn về nhau, chứ không phải xem ai cao ai thấp. Vì tư duy nào cũng phải biểu hiện ra bằng lối sống, văn hóa..., trong khi chuyện văn minh bao giờ cũng dễ nói đến cao thấp hơn là chuyện văn hóa...

Xin lấy một ví dụ cho câu thành ngữ: "Con vua rồi lại làm vua. Con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Nếu theo cái tư duy như người ta diễn tả, thì đây là một sự "cái thấy" có nguyên do từ một thứ chủ nghĩa định mệnh (thiên định), ở một giai đoạn mà người Việt sống trong các mối quan hệ có tính cách số phận và bổn phận, vừa mang tính giai cấp vừa mang tính thần quyền. 

Gần đây người ta bắt đầu lên danh sách dữ kiện cho "người Việt" như: đủ loại thói xấu, lòng tham, tính đố kỵ... Tuy nhiên đây là những thói xấu nói chung của con người (hay con người trong tôi), dù phê bình nó gay gắt thì cũng không tạo ra sự thay đổi đáng kể nào về tư duy. Như vậy muốn phê phán thói xấu, chính anh phải giải phóng mình ra khỏi cái tư duy phê phán đơn giản kiểu chụp mũ đầy khái quát ấy. 

Xin lấy một ví dụ khác, nhà thờ Thiên Chúa khắp nơi trên thế giới có thể làm giống nhau, thậm chí người ta còn lo lắng khi nó không đạt được sự "thống nhất" ấy. Vậy mà ở Việt Nam, người ta có thể xây nhà thờ có mái cong giống đền chùa, có thể để Đức Mẹ đội khăn đống, mặc áo dài tứ thân. Chuyện này cũng từng gây tranh luận.

Song người ta không thể để ngôi chùa xây giống chùa Tàu hay chùa Nhật... Nhưng để chọn một phong cách kiến trúc nào đó mang dấu ấn của tinh hoa thời đại, thì họ không đủ trí tuệ và say mê để làm. Và tư duy vẫn thế, dễ dãi "xưa bày, nay làm", mặc dù nhiều người làm mà chẳng rõ cái "xưa" ấy là dấu ấn của thời đại nào. 

Cũng như vậy, người ta vừa phê bình lối tư duy sáo mòn kiểu "thuật mà không tác", nhưng người ta lại dị ứng với tất cả những cái mới, vượt ra khỏi chuẩn mực cũ. Có thể nói, ở đây dấu ấn "tình cảm" rất rõ, vẫn như cũ, vẫn là cái thuộc về ký ức, vẫn là phê bình sự lệch chuẩn, chứ chưa phải phê bình tư duy (cái luôn thay đổi, thích nghi), hay gần hơn là phê bình thẩm mỹ để thúc đẩy sáng tạo, mà cứ xem nó như thuộc về sự xấu ác, một phạm trù hoàn toàn khác hẳn thuộc về đạo đức. 

Chẳng hạn khi phê bình thói xấu là lòng tham của người Việt (hiện nay), nếu chỉ phê bình khơi khơi "tính cách" phổ quát đó của con người, thì có gì đáng phải mất thời giờ nhiều thế? Hơn nữa "người Việt" ở đây là "người Việt" nào, ở đâu?

Thế nào để gọi là một con người tham? Người không tham có phải là người chưa từng tham, hay người không tham nên "định nghĩa" là người có điều kiện để tham mà không tham. Đây cũng là "thước đo" để nói đến người hiền tài, đạo đức. 

Như vậy ai là những người có điều kiện để tham nhũng nhiều nhất? Đứng đầu vẫn thuộc về giới quan lại, giới có chức có quyền... Vì sao giới này lại tham lam nhiều thế? Cần phải liên hệ đến thể chế? Thể chế của "nhóm lợi ích" này theo chủ thuyết nào? Cần phải liên hệ đến chủ thuyết. Như vậy phê bình tư duy cần phải tập trung vào phê bình chủ thuyết, vì chủ thuyết ấy định hướng cho cả một nền giáo dục con người. Vậy ông Mác, ông Lê Nin theo chủ thuyết nào của phương Đông, phương Tây? Cái gì đang bóp nghẹt tự do của con người?

Có nhiều câu hỏi liên quan mật thiết với nhau để dẫn tới cái gọi là "cải cách thể chế", "cải cách tư duy". Những vị nào tự cho mình thuộc về giới trí thức tinh hoa, cảm thấy mình đủ sự dũng cảm thì ngay khi còn đương chức đương quyền nên góp tiếng nói phản biện thiết thực vào sự cải cách đó. 

Bởi quả thực, thay vì mất thời gian đọc những chuyện phê bình thói xấu "người Việt" (vô thưởng vô phạt) của mấy ông nhà văn đã về hưu, đọc truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, hay đơn giản là đọc tin các bạn tình nguyện viên, thanh niên bán dưa cho bà con vùng lũ..., còn thấy thấm thía những chuyện tình người với nhau nhiều hơn.

Viết đến đây, nhớ lại câu thành ngữ "Con vua thì lại làm vua. Con sãi ở chùa thì quét lá đa", lại chột dạ: "Tu hành thì lo chuyện tụng kinh niệm Phật thôi nhé, đừng bàn chuyện chính trị xã hội làm gì...".

Giải phóng tư duy, bắt đầu giải phóng ngay ở những điều được "mặc định" (từ trong ký ức) một cách rất ngớ ngẩn như thế... Ha ha "tôi tư duy chính là tôi tồn tại" đấy!

 
Tác giả bài viết: Thích Thanh Thắng
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 593
  • Khách viếng thăm: 584
  • Máy chủ tìm kiếm: 9
  • Hôm nay: 79446
  • Tháng hiện tại: 2169467
  • Tổng lượt truy cập: 91061040
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012