Đảnh lễ Phật hiện tại

Đăng lúc: Thứ sáu - 26/04/2013 03:52 - Người đăng bài viết: Nhuận tâm bình
Trải qua một thời gian dài không có Đức Phật ra đời, chúng ta khó nêu bật được những điều chân thiện mỹ của Ngài, nếu không được chư vị Tổ sư và các bậc cao đức từng thế hệ kế thừa chứng minh bằng cuộc sống cao đẹp của các ngài.
Sự hiện hữu của Phật hiện tại nối liền với quá khứ là điều rất quan trọng. Thật vậy, ngày nay chúng ta ca ngợi Phật Thích Ca hay các vị Tổ sư, nhưng không có các bậc cao Tăng hiện tại sống gương mẫu giống Phật, giống Tổ, thì chúng ta cũng không thể tác động cho người phát tâm được. Riêng tôi, trên bước đường tu, nhờ gặp những bậc xuất thế giúp tôi vững niềm tin. Điển hình như Thiền sư Sato ở Nhật Bản gợi cho tôi hiểu được sức mạnh của trí tuệ do Thiền định. Tôi nhận ra sự đắc đạo của ngài qua các tín hiệu như ngài biết trước và cho người ra đón khi tôi đến thăm, dù không báo trước. Ngài cũng biết rõ ý định của tôi và khuyên tôi nên về Việt Nam hành đạo thì sẽ dễ dàng tạo được công đức hơn.

Trong hồng danh Pháp Hoa nêu danh mười tám vị Phật hiện tại, trong khi Phật quá khứ chỉ có mười vị. Quá khứ ít, hiện tại nhiều là điều đáng mừng; nhưng còn mang ý nghĩa khác nữa là những gì của quá khứ thường bị giới hạn trong vòng tâm thức của chúng ta.

Mười tám vị Phật hiện tại gồm năm vị Phật mà tiền thân là mười lăm vương tử của Phật Đại Thông Trí Thắng lãnh đạo tám phương, cộng thêm ba vị là Phật Thiện Đức, Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí và Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương.
Con số mười tám thường được các danh Tăng lý giải là sáu căn tiếp xúc với sáu trần sanh ra sáu thức, hay cộng cả ba lại thành mười tám gọi là Thập bát giới tiêu biểu cho loại hình thế giới do tâm thức chúng ta biến hiện. Nói chung là sự hiểu biết của chúng ta không nằm ngoài căn trần thức.

Vì vậy, chúng ta lạy mười tám vị Phật hiện tại ở tám phương để tạo mối liên hệ căn trần thức; nói cách khác, tìm mối quan hệ trong cuộc sống của chúng ta để lấy Phật đức trang nghiêm, giúp chúng ta thành Phật.

Mỗi phương đều có một vị Phật tương ưng với nghiệp thức của chúng ta. Từ góc độ ấy, nhìn đâu cũng thấy Phật là ta đã tạo được cảnh Niết bàn ngay trên trần gian này. Trái lại, chúng ta nhìn ra cuộc đời thấy toàn là chúng sanh tệ hại, tất nhiên ta sẽ bị bực tức, đau khổ. Tất cả cảnh sướng vui, Cực Lạc hay Ta bà đau khổ, hoặc địa ngục cũng đều từ tâm chúng ta mà tạo thành. Ý thức sâu sắc như vậy thì dại gì mà không quán thấy Phật để có được cảnh Cực Lạc.

Kính lễ mười tám vị Phật hiện tại, hoặc gần hơn, chúng ta hiểu Phật là tuệ giác, tức những người sáng suốt được tôn trọng. Chúng ta quan sát cách sống của họ để điều chỉnh cách sống của chính mình, không phải lễ tên Phật suông.
 
1. Đảnh lễ chư Phật ở phương Đông
 
Trước tiên, kính lễ năm vị Phật ở phương Đông. Đối với tôi, lạy Phật ở phương Đông dễ cảm nhận sự hân hoan, vì nơi đó mặt trời mọc tiêu biểu cho sức sống đang lên. Đức Phật thuyết kinh Pháp Hoa diễn tả Vô lượng nghĩa, Ngài cũng phóng quang về phương Đông cho thấy mười tám ngàn thế giới, hay nguồn sống của các loài chúng sanh.
Những gì sắp mọc ở phương Đông, hay lạy Phật phương Đông, ta thấy bao nhiêu Đức Phật sắp hiện ra; đó là cả ước vọng nhìn về tương lai. Chúng ta cầu nguyện các Ngài, lần lần trên cuộc sống thực tế, thiện tri thức cũng đến hợp tác với chúng ta.

Lạy Phật A Súc tiêu biểu cho ánh sáng trí tuệ, hay còn có tên là Phật Vô Động, chúng ta hình dung ra vị Thầy của Duy Ma Cật. Nhờ nương với trí tuệ sáng suốt của Phật Vô Động, Duy Ma trở thành người kỳ vĩ trên cuộc đời. Phật Vô Động không đến Ta bà, nhưng gởi Bồ tát Duy Ma đến. Từ thế giới phương Đông của Phật Vô Động hiện thân lại cuộc đời mang tên Duy Ma, nghĩa là bản tâm thanh tịnh thấy được mọi việc chính xác và làm lợi ích cho mọi người, được kính trọng tuyệt đối. Ngài thành công vì không lập y khuôn cách giải quyết của người trước. Duy Ma học được sự sáng suốt của Phật A Súc và sử dụng sáng suốt ấy để quyết định những gì thực tế trải ra trước mắt, thì ngài nói và làm đều phù hợp với cuộc sống thực tại.

Trên thực tế, khi tôi lạy Phật A Súc thường nghĩ về những bậc chân tu mà tôi được thân cận. Có vị tuy ít nói, nhưng ai cũng kính nể, như cố Hòa thượng Thiện Hòa. Trong buổi họp, ngài ít phát biểu, nhưng mọi người thường muốn lắng nghe ý kiến của ngài. Vị thứ hai là Hòa thượng Trí Tịnh thường ở trong phòng, ít tiếp xúc với người và cũng ít nói. Tuy nhiên, với cương vị Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương, ngài đang giữ vai trò quan trọng trong Giáo hội. Và một vị cũng ít nói, nhưng có lực tác động cao hơn nữa là cố Hòa thượng Pháp chủ ở chùa Hồng Phúc. Mọi người muốn cầu học với ngài, tìm hiểu về ngài. Đó là ba vị cao đức mà tôi đã từng tiếp xúc, cảm thấy có sự gần gũi với Phật Vô Động. Trước khi học Phật Vô Động, tôi học được ở ba vị này sự ít nói, ít làm, nhưng trở thành người quan trọng và ảnh hưởng sâu sắc cho những tâm hồn cầu đạo.

Chúng ta đang sống trong đêm dài sanh tử, nên cầu ánh sáng của Phật A Súc rọi sáng lòng ta để nhận ra được những gì đáng nói, đáng làm cho đạo pháp trường tồn.

Kế đến lạy Phật Tu Di Đảnh. Tu Di hay Diệu Cao là tên ngọn núi cao nhất trong Diêm Phù Đề. Phật Tu Di Đảnh tiêu biểu cho bậc đạo đức cao nhất. Lạy Ngài, chúng ta nỗ lực trau giồi đạo đức càng cao càng tốt, mới có thể khuyên đời, dạy người. Nương với Ngài, chúng ta chuyển đổi từ con người bình thường phát huy đức hạnh đến mức cao nhất để đạt đến quả vị Toàn giác.

Đảnh lễ Phật A Súc và Tu Di Đảnh, chúng ta nhớ đến tiền thân của hai vị này là vương tử của Đức Đại Thông Trí Thắng Phật đã có khả năng lãnh trị phương Đông. Mọi vật, mọi loài ở đó đều động, nhưng các Ngài vẫn an nhiên, không gì lay động tác hại được. Trong thế giới thanh tịnh không động loạn ấy, hai vị mới tìm ra được những điều phi thường, cho nên thành tựu quả vị Vô thượng Đẳng giác. Đó là điều gợi cho chúng ta suy nghĩ về hai vị Phật này.

Từ trí tuệ Vô Động của Phật A Súc, chúng ta tiến lên, học với Phật Thiện Đức tác động vào cuộc đời, mang an vui giải thoát cho người. Thật vậy, vua A Xà Thế phạm đủ ngũ nghịch thập ác tội, tuy còn sống mà đã cảm thấy cảnh địa ngục hiện ra, cung điện hôi thối. Kỳ Bà Thánh y cũng đành bó tay. Nhưng nhờ căn lành đời trước, Phật quang soi đến tâm khiến ông hối hận về việc đã thả voi say giết Phật và cũng nương ánh quang này giúp ông đảnh lễ được Phật Thiện Đức ở phương Đông, nên hết tội và chứng được Sơ quả.

Thuở nhỏ, tôi nghĩ mình trần lao nghiệp chướng nhiều, e sợ khó tu. Tuy nhiên, đọc kinh Quán Phổ Hiền thấy vua A Xà Thế nương với Phật Thiện Đức mà giải được nghiệp bệnh phong hủi. Từ đó, tôi phát tâm lạy Phật Thiện Đức không biết chán, không cần nghĩ đến nghiệp đời trước mà nghiệp tự tiêu.Vì vậy, tôi đặt thêm danh đức của Ngài vào hồng danh Pháp Hoa làm đối tượng kính lễ, mặc dù kinh Pháp Hoa không đề cập đến Ngài.

Tại sao lạy Phật Thiện Đức tội được tiêu. Theo kinh Nguyên thủy, tội không thể tiêu. Trong khi kinh Quán Phổ Hiền, Phật dạy rằng dù tạo tội nhiều đến đâu chăng nữa, nếu đảnh lễ Phật Thiện Đức thì tất cả tội đều tiêu tan. Tôi thắc mắc điều này và cầu Phật thương xót cho tôi nhận ra thâm ý của Ngài. Sau cùng, bằng niềm tin sâu sắc ở lời Phật dạy trong kinh Quán Phổ Hiền, tôi hết lòng lạy Phật A Súc và quả thật, tội tiêu, phước sanh; nhờ đó, tôi vượt qua khó khăn và có được thành quả như ngày nay.

Theo tôi, nghiệp chướng trần lao tiêu là do phước của chúng ta và quan trọng ở điểm được Phật bảo chứng. Chúng ta có thể hiểu ý này qua thí dụ tương tự như khi phạm nhân được ân xá, bản án được ngưng thi hành, nhờ đó tội nhân không bị hành hình và thoát chết. Cũng vậy, người có nghiệp chướng khổ đau mà cảm được Phật Thiện Đức, thì đức hạnh và tâm từ của Ngài quá lớn, cho nên chỉ nghĩ về Ngài là thay đổi được định mệnh của chúng ta, bao nhiêu nghiệp tự rơi rụng, giống như mùa Xuân đến thì băng tuyết tự tan rã.

Chúng ta lạy Phật Thiện Đức, nương theo đức hạnh của Ngài để hành đạo, tội được tạm ngưng, chúng ta phải lo sám hối. Tu có kết quả thì xóa được nghiệp; nghĩa là chúng ta lấy công chuộc tội, tạm gác nghiệp qua một bên, không nghĩ đến, mà chỉ lo làm việc công đức cho phước sanh. Đức Phật dạy nếu lấy ác để đối chọi lại với ác thì việc ác luôn luôn tăng trưởng. Chúng ta thường nghĩ phải nói cho hơn người, nên phải đấu tranh không ngừng. Nhưng trái lại, lấy đức cảm hóa người là ý chính phải nhớ khi lạy Phật Thiện Đức. Người ta nghĩ ác về mình, đối xử tệ với mình, thì theo Phật Thiện Đức, mình phải nghĩ thiện về họ.

Thuở nhỏ, tánh tôi ít chịu nhường ai, nhưng vẫn gặp hoài cảnh khổ. Tuy nhiên, nhờ lạy Phật Thiện Đức, khi bị ai chọc giận, tôi nhớ đến Ngài, lấy đức xóa hết, nên sẵn sàng chịu nhịn, chịu thua. Kết quả chuyển được nghiệp, thay đổi được hoàn cảnh xấu ác thành tốt đẹp.

Kế đến, diện kiến Đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai ở phương Đông là Thầy của Diệu Âm Bồ tát. Chúng ta đảnh lễ để học pháp giáo hóa của Ngài trong Thiền định. Ngài không nói, không phô diễn, nhưng sự tĩnh lặng của Ngài khiến chúng sanh phát tâm Bồ đề, được giải thoát. Diệu Âm Bồ tát thọ lãnh pháp này của Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai, nên ngài chưa đến Ta bà mà tám mươi bốn ngàn hoa sen báu đã xuất hiện ở Kỳ Xà Quật và trên đường ngài đi qua, hoa rơi, đất rung động. Đức Phật Thích Ca cho biết Ngài điều được Diệu Âm đến Ta bà là ngầm giới thiệu cho chúng ta sự hiện hữu của vị Bồ tát này. Vì vậy, tha thiết lạy Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai để Ngài nhiếp trì, tăng lực cho chúng ta giáo hóa được chúng sanh dễ dàng như Ngài.

Bồ tát Diệu Âm đã đến Ta bà, nhưng chúng hội không thấy. Hàng Thanh văn và Bồ tát dùng pháp nhãn, huệ nhãn cũng không thấy. Đó là cách hành đạo của Diệu Âm làm được tất cả nhưng không ai biết và cũng không cần ai biết, ngài chỉ sử dụng tịnh tâm để giáo hóa chúng sanh.

lê Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương là Thầy của Bồ tát Phổ Hiền. Phổ Hiền Bồ tát không hành đạo âm thầm lặng lẽ như Diệu Âm Bồ tát. Phổ Hiền dùng động để nhiếp hóa chúng sanh. Chúng sanh không thấy quyền uy thì họ không sợ; nên ngài từ phương Đông đến Ta bà thật hùng dũng với Thiên long Bát bộ chúng đi theo. Trí Giả gọi cách thuyết pháp của Phổ Hiền là "Phiêu chương”, nghĩa là biểu dương lực lượng, đưa ra những gì mà người ta ưa thích, nể phục mới có thể ảnh hưởng họ. Phổ Hiền đến đâu thì trời mưa hoa Mạn đà la, Mạn thù sa và đất rúng nứt. Đất, hay tâm địa chỉ cho tâm. Đất rúng nứt và mưa hoa diễn tả tâm người rung động đón nhận an vui, vơi khổ. Chúng ta dễ nhận ra ý này; vì trên thực tế, nếu có người đến giúp đỡ, dù họ chưa đến, tâm chúng ta đã rung động. Họ mới hứa cho, chúng ta đã bớt khổ. Đến với tư cách mang tiền của để cứu trợ, dùng quyền uy để cứu giúp, sau đó thuyết pháp nhất định người phải kính trọng nghe theo.

Phổ Hiền nhờ thần lực của Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương mà có được cách giáo hóa chúng sanh uy đức vô song ở thế giới động loạn, hoàn toàn khác với giáo hóa trong Thiền định của Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai. Ngài Phổ Hiền nương theo Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương được; vậy chúng ta cũng hướng về vị Phật này để cầu nguyện Ngài nhiếp trì cho chúng ta có chút phần nào uy đức như Phổ Hiền Bồ tát.

Hướng về nguồn sống ở phương Đông, lạy năm vị Phật là A Súc, Tu Di Đảnh, Thiện Đức, Tịnh Hoa Tú Vương Trí, Bảo Oai Đức Thượng Vương, chúng ta có cảm nghĩ thọ nhận được năm điều tốt đẹp phi phàm từ các Ngài truyền đến. Đó là sự giáo hóa giúp chúng ta trở thành vô động, giúp chúng ta đạt được đức hạnh cao tuyệt nhất Ta bà, tịnh hóa được nghiệp chướng sâu dày của chúng ta một cách nhẹ nhàng, tác động cho chúng ta giáo hóa được chúng sanh trong Thiền định và thành tựu đầy đủ uy đức.

Đảnh lễ để tìm mối liên hệ giữa chúng ta và các Ngài trong năm dạng thức ấy, mới có thể vững bước tiến tu.
 
2. Đảnh lễ chư Phật ở phương Đông Nam: Sư tử Âm Phật và Sư tử Tướng Phật

Sau khi lạy năm vị Phật ở phương Đông, chúng ta hướng về phương Đông Nam đảnh lễ Sư Tử Âm Phật và Sư Tử Tướng Phật.

Sư tử là chúa sơn lâm gầm lên thì muôn thú đều sợ. Tiếng nói của Đức Phật thường được ví như sư tử hống tiêu biểu cho tiếng nói của chân lý có thể dẹp tan ngoại đạo tà giáo. Thực tế cho thấy pháp Phật được giảng dạy khiến cho các học thuyết đương thời không còn đứng vững và không giáo hóa được người kính tin theo nữa.

Đức Phật gợi ý trong kinh về Sư Tử Âm, Sư Tử Tướng Phật và chúng ta kết hợp với hiện tại để thấy được điều đó trong cuộc sống thường nhật. Thật vậy, những vị chân tu với ngôn ngữ nhẹ nhàng, không trấn át người, nhưng không ai dám làm trái ý vì lời nói và việc làm của các ngài chan hòa tình thương và trí sáng suốt. Tôi từng tiếp xúc với những vị Thiền sư chống gậy trúc trông rất ung dung nhàn hạ. Các ngài sống rất giản dị, mà mọi người đều cúi rạp xuống và tuân thủ lời dạy của các ngài một cách tuyệt đối. Hoặc có người đau khổ cùng tột không còn thiết sống nữa, nhưng họ nhìn thấy dung mạo của Thiền sư là lòng vơi đi ưu sầu và được giải thoát liền.

Kính lễ hai vị Phật này để tạo mối quan hệ giữa ta và các Ngài, thì cảm nhận được sự che chở nào đó trong cuộc sống của ta. Và tiến xa hơn nữa, đồng cảm tâm với các Ngài, sẽ giúp cho tiếng nói của chúng ta có giá trị như Sư Tử Âm Phật và hình tướng đĩnh đạc làm người phải kính phục, phát tâm như Sư Tử Tướng Phật.
 
3. Đảnh lễ Chư Phật ở phương Nam: Hư Không Trụ Phật và Thường Diệt Phật

Khi nương được quyền uy của Phật Sư Tử Âm và Sư Tử Tướng, chúng ta có thể sanh tâm ỷ lại và xem thường người khác, thì sẽ bị tai họa. Vì vậy, phải bước thêm một bước, qua phương Nam đảnh lễ Hư Không Trụ Phật và Thường Diệt Phật.
Tâm Phật lúc nào cũng như hư không, dung chứa được tất cả muôn loài. Chúng ta lạy Phật Hư Không Trụ cầu gia bị, hay nói cách khác, luyện tâm mình giống như Ngài, tức an trú pháp, dung được tất cả, không còn bất cứ người nào hay việc gì có khả năng gây phiền lụy cho ta. Nhờ trụ hư không hay trụ pháp Không, biết tất cả đều tùy duyên sanh diệt, cho nên chúng ta sẵn sàng tha thứ, buông bỏ tất cả mọi vướng mắc ân cũng như oán. Cuộc đời dù phức tạp đến đâu, chúng ta lạy Phật Thường Diệt, cầu nguyện cho tâm được thanh tịnh như Ngài.
Càng kính lễ Hư Không Trụ Phật và Thường Diệt Phật, lòng chúng ta càng thanh thản. Đó là cách tu lễ Phật để lập hạnh, không phải lạy suông và tụng ngân nga cho hay trên đầu môi chót lưỡi.
 
4. Đảnh lễ chư Phật ở phương Tây Nam

Tiếp theo, lạy Đế Tướng Phật và Phạm Tướng Phật ở phương Tây Nam. Hai vị Phật này tiêu biểu cho quyền uy và đức hạnh, ví như Trời Đế Thích và Đại Phạm Thiên Vương. Chúng ta đảnh lễ các Ngài để tạo mối liên hệ trợ lực, chuyển thế giới động loạn trở thành hoàn toàn bình yên.
 
5. Đảnh lễ chư Phật ở Phương Tây: A Di Đà Phật và Độ nhất Thiết Thế Gian Khổ Não Phật

Đến phương Tây, chúng ta diện kiến Đức Phật A Di Đà. Ngài vốn có duyên lớn với chúng sanh ở Ta bà. Niệm danh hiệu Ngài, chúng ta nhớ đến phẩm Hóa Thành Dụ. Khi còn là vương tử của Phật Đại Thông Trí Thắng, Ngài giảng kinh Pháp Hoa trong suốt tám mươi bốn ngàn kiếp để khai thị cho hàng Thanh văn, giúp họ thành tựu vô lượng công đức. Nương theo tinh thần "Hóa Thành”, Ngài kiến tạo thế giới Cực Lạc ở phương Tây làm nơi an dưỡng cho các Bồ tát sau những tháng ngày phục vụ ở Ta bà. Hành giả nào diệt sạch mọi ý niệm ở Ta bà, hướng tâm trọn vẹn về ao thất bảo của Cực Lạc thế giới, để kết được thai sen, thì chỉ nghe pháp âm của Phật, Bồ tát, không còn nghe tiếng nói chúng sanh, cho đến ngày sen nở. Ở đây không còn bị phiền não quấy rầy, vì được làm bạn với các bậc thượng thiện nhân cho đến khi thành Phật.

Phật A Di Đà kiến tạo được thế giới Cực Lạc kỳ diệu, vì Thánh tài của Ngài là vô lượng quang, vô lượng thọ và vô lượng công đức. Vô lượng quang tiêu biểu cho sự hiểu biết chính xác cao tột, cộng thêm thọ mạng dài lâu vô cùng và đầy đủ công đức hay có sẵn phương tiện trong tay. Vì vậy, cảnh giới Tây phương của Ngài tất yếu phải vui cùng cực.
Một vị Phật khác cùng ở phương Tây với Phật Di Đà là Độ Nhứt Thiết Thế Gian Khổ Não Phật. Nghe danh hiệu Ngài, chúng ta biết được công hạnh cứu khổ của Ngài lớn lao vô hạn. Mọi chúng sanh khổ đau khởi niệm nghĩ tưởng đến Ngài, liền được cứu thoát.

Đảnh lễ hai vị Phật ở phương Tây, chúng ta ước mơ một ngày nào đó cũng đạt đến sự hiểu biết và thọ mạng cùng công đức đầy dủ như Phật Di Đà để giúp cho người hết khổ như Đức Phật Độ Nhứt Thiết Thế Gian Khổ Não.
 
6. Đảnh lễ Chư Phật ở phương Tây Bắc: Tu Di Tướng Phật và Đa La Bạt Chiên Đàn Hương Thần Thông Phật

Phật Tu Di Tướng nghĩa là Đức Phật hiện thân đầy đủ phước đức và trí tuệ lớn lao như núi Tu Di. Đa Ma La Bạt Chiên Đàn Hương Thần Thông là hương đức hạnh có khả năng bay ngược gió tác động cho người phát tâm tu hành, được an vui giải thoát.

Quy ngưỡng hai vị Phật này, mong sao các Ngài nhiếp trì cho chúng ta tu tạo được đức tướng và đạo hạnh để giáo hóa chúng sanh thành tựu như các Ngài.
 
 7. Đảnh lễ chư Phật ở phương Bắc: Vân Tự Tại và Vân Tự Tại Vương Phật.

Đến phương Bắc, chúng ta ra mắt Phật Vân Tự Tại và Vân Tự Tại Vương Phật. Hai Ngài hành đạo hoàn toàn tự tại ung dung như áng mây bay trên bầu trơi. Mây lướt nhẹ nhàng qua núi rừng, bay khắp hư không, không gì ngăn cản được. Ta xuất hiện trên cuộc đời cũng ở dạng đó.

Đảnh lễ các Ngài, chúng ta học cách xử thế giống như vậy, không cần lo nghĩ tính toán, đối phó mà mọi việc được thành tựu viên mãn.
 
8. Đảnh lễ chư Phật ở phương Đông Bắc: Hoại Nhất Thiết Thế Gian Bố Úy Phật và Thích Ca Mâu Ni Phật


Sau cùng, ở phương Đông Bắc có Hoại Nhất Thiết Thế Gian Bố Úy Phật chuyên giải khổ cho người bị oan ức. Nếu không đến được với Ngài, chúng ta còn một vị Phật rất gần gũi và thân thương để kêu cứu. Đó là Đức Thích Ca Mâu Ni, giáo chủ cõi Ta bà, vị Đại Đạo sư hiện thân trên cuộc đời chỉ vì thương tưởng đến chúng ta. Thật vậy, từ vô lượng kiếp, Ngài hằng hữu bất tử ở Thường Tịch Quang Tịnh độ, vì thương chúng ta mà Ngài thọ sanh thân Thích Ca Mâu Ni. Thích Ca nghĩa là năng nhân, một con người vạn năng có tấm lòng từ bi vô hạn, nên Ngài đã trở lại Ta bà để giúp mọi người thoát khỏi khổ não trầm luân sanh tử và trở về bờ giác.

Cầu nguyện hai vị Phật ở phương Đông Bắc,hay nói cách khác, giao gánh nặng trần ai lại cho các Ngài, chúng ta mới rảnh rang tu hành và giáo hóa độ sanh, ngõ hầu báo đáp công ơn Phật đã cưu mang khổ ách cho chúng ta.
 
Tóm lại, chúng ta kính lễ mười tám vị Phật hiện tại ở tám phương để liên hệ với các Ngài, lấy Phật đức trang nghiêm thân tâm. Từ đó, trong cuộc sống thường nhật, chúng ta sẽ gặp được những bậc chân tu, gặp những thiện tri thức khai ngộ cho chúng ta. Trong mối tương giao vô hình bằng tâm linh, chúng ta nhận được sự trợ lực của các Đức Phật ở tám phương cùng với sự giáo dưỡng, giúp đỡ của các vị tri thức, đạo đức đang sinh hoạt trên cuộc đời; cho nên chúng ta dễ dàng thành tựu công đức và tiến tu an lành trong Nhà lửa tam giới.
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 393
  • Khách viếng thăm: 382
  • Máy chủ tìm kiếm: 11
  • Hôm nay: 100019
  • Tháng hiện tại: 2796196
  • Tổng lượt truy cập: 91687769
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012