Không có thần linh trong Đạo Phật

Đăng lúc: Thứ tư - 25/09/2013 10:18 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
Phật là tiếng xưng hô đơn giản nhưng lại bao hàm ý nghĩa về nhân cách. Đức Phật vốn tên là Tất-đạt-đa, họ là Gô-ta-ma, sau khi xuất gia tu hành được mọi người gọi là Thích-ca-mâu-ni, nghĩa là Thích ca tộc ẩn.
Không có thần linh trong Đạo Phật

Không có thần linh trong Đạo Phật

Xin đừng hiểu sai Đức Phật. Phật là tiếng xưng hô đơn giản nhưng lại bao hàm ý nghĩa về nhân cách. Đức Phật vốn tên là Tất-đạt-đa, họ là Gô-ta-ma, sau khi xuất gia tu hành được mọi người gọi là Thích-ca-mâu-ni, nghĩa là Thích ca tộc ẩn. Sau khi giác ngộ, mọi người gọi là Phật-đà gọi tắt là Phật có nghĩa là người giác ngộ chân lý. Như vậy, Phật chỉ là tên gọi chung những người đã giác ngộ. Người người đều có thể thành Phật, ở đâu cũng có Phật, không phải chỉ thế giới này mới có Phật mà vô số các tinh cầu trong vũ trụ đều có thể có Phật (đương nhiên có cả chúng sinh) Phật và chúng sinh đều là những người bình thường. Phật có thể tu hành ngộ đạo thì ngàn vạn chúng sinh cũng có thể tu hành ngộ đạo (tức là ngộ ra đại đạo nhân sinh trong vũ trụ) Đức Phật: một người thầy, còn thầy thế nào là nhờ bạn đánh giá dùm. Đây chỉ là một người thầy dạy cách diệt trừ lậu hoặc cho loài người. Kinh thứ 12, Lohicca, thuộc Trường Bộ kinh, cho biết có 3 hạng đạo sư đáng bị khiển trách là: - Đạo sư không thực chứng một quả vị tu hành nào, lại còn để cho học trò không chú tâm học hỏi, sống phóng dật. - Đạo sư không thực chứng một quả vị tu hành nào, học trò có chú tâm học hỏi nhưng lại sống trái ngược với giáo pháp giảng dạy. - Đạo sư không thực chứng một quả vị tu hành nào, học trò chú tâm học hỏi nhưng lại không sống theo những điều đã nghe thuyết giảng.

Đức Phật tự nhận mình là một đạo sư không đáng bị chỉ trích hay bị khiển trách vì đã thành tựu quả vị A-la-hán, các đệ tử của Ngài đều chú tâm học hỏi và thực hành giới định tuệ hướng đến kết quả thù thắng của hạnh sa môn. Kinh thứ 12,Đại sư tử hống,thuộc Trung Bộ kinh viết về các năng lực và trí tuệ siêu phàm của đức Phật như sau: - Sa môn Gotama thuyết pháp, pháp ấy có khả năng hướng thượng, dẫn người thực hành diệt tận khổ đau. - Ngài có đầy đủ khả năng siêu việt như lục thông, tam minh.
Ngài có đầy đủ 10 như lai lực là:
1. Biết rõ xứ và phi xứ
2. Biết rõ quả báo tuỳ thuộc nhân duyên các nghiệp quá khứ, hiện tại và vị lai.
3. Biết rõ con đường đưa đến các cảnh giới.
4. Biết rõ thế giới với nhiều cảnh giới, nhiều chủng loại, nhiều căn tánh khác nhau.
5. Biết rõ chí hướng sai biệt của các chúng sanh.
6. Biết rõ căn tánh cao thấp của con người và các loài hữu tình.
7. Biết rõ sự tạp nhiễm, sự thanh tịnh và sự xuất ly về thiền, giải thoát và định.
8. Thành tựu túc mạng minh nhớ đến nhiều kiếp quá khứ.
9. Thành tựu thiên nhãn minh thấy rõ quả báo tái sanh khác nhau của các loài chúng sinh tuỳ thuộc nghiệp lực.
10. Thành tựu lậu tận minh thấy rõ bốn thánh đế và các lậu hoăc, hướng đến giải thoát và giải thoát tri kiến.

Đức Phật là người bằng xương bằng thịt duy nhất trên thế gian này biết cách khám phá thế giới bên trong. Trong hơn 45 năm thuyết giảng độ chúng sinh, Ngài đã dạy cho hàng vạn người tự mình giải thoát mình ra khỏi phiền não, khổ đau và sợ hải để lại cho đời những pháp môn chuyển hoá một con người bình thường trở thành người siêu phàm với các lục thông, tam minh khiến nhiều người coi là thần thánh. Chính đức Phật cũng bị coi là thần thánh, điều mà lúc sinh thời, Ngài triệt để bác bỏ. Kinh Giáo huấn vắn tắc của Phật lúc sắp nhập diệt do Hoà thượng Trí Quang dịch là một phần trong bộ Kinh Nguyên thuỷ đã viết: “Trong rừng sala, giữa cây song thọ, đức Phật sắp nhập diệt, Ngài đã vì đệ tử mà nói tóm tắt những điều cốt yếu của chánh pháp: “Này các tỳ kheo, sau khi Như Lai diệt độ, các thầy phải tôn kính tịnh giới như mù tối mà được sáng mắt…Ai giữ tịnh giới thì người đó có thiện pháp. Đã ở trong tịnh giới thì phải chế ngự 5 thứ giác quan, không cho phóng túng vào 5 thứ dục lạc.

Giới thì chính thuận với căn bản của sự giải thoát nên Như Lai mệnh danh là Ba-la-đề-mộc-xoa. Nhờ giới mà phát sinh thiền định và nhờ giới mà trí tuệ có năng lực huỷ diệt thống khổ. Thế nên, các thầy tỳ kheo hãy giữ tịnh giới đừng cho vi phạm thiếu sót… Năm thứ giác quan do tâm chủ động vì vậy mà các thầy phải thận trọng chế ngự tâm mình…Hãy nỗ lực tinh tiến mà chiết phục tâm mình”. Các thầy tỳ kheo thọ dụng đồ ăn thức uống hãy coi như việc uống thuốc, ngon không ham, dở không bỏ, vừa đủ duy trì cho khỏi đói khát…Ban ngày thì nỗ lực thực tập thiện pháp, không để thì giờ lướt mất, nữa đêm lại phải tụng niệm để tiêu trừ điều ác, sinh trưởng điều thiện. Đừng vì lý do ngủ nghỉ mà để đời mình trôi đi, không được một chút ích lợi”. Này các thầy tỳ kheo, nếu ai cắt xả thân thể các thầy ra từng đốt, các thầy cũng phải tự kềm chế tâm mình đừng cho giận dữ. Lại phải giữ lấy miệng lưỡi, đừng để phát ra lời tiếng không tốt. Tâm giận dử nổi lên là tự hại đạo nghiệp, hư mất công đức. Thực hành đức nhẫn mới được mệnh danh là bậc thượng nhân có sức mạnh… Các thầy tỳ kheo, phải biết kẻ ham muốn nhiều thì nhiều sự cầu lợi nên khổ não cũng nhiều…Thực hành đức tính ít ham muốn thì lòng bình thãn, không lo sợ thiếu thốn. Muốn giải thoát khổ não thì các thầy phải biết vừa đủ. Không biết vừa đủ thì bị 5 thứ dục lạc lôi kéo. Muốn cầu yên tỉnh vô vi và an lạc, các thầy hãy ở đơn độc và ở một cách thư thái và thanh vắng.

Này các thầy tỳ kheo, tập trung tâm lại thì tâm sẽ ở trong thiền định. Tâm ở trong thiền định thì có thể thấu triệt trạng thái chuyển biến của vũ trụ. Vì thế mà các thầy phải luôn luôn tinh tiến nỗ lực thực tập thiền định. Thiền định được thì tâm hết tán loạn. Tiếc nước thì hãy đắp đê sửa bờ cho khéo, hãy vì nước trí tuệ mà thực tập thiền định để giữ cho nó khỏi chảy mất. Đó là hạnh thiền định. Này các thầy tỳ kheo, có trí tụê thì hết đam mê, luôn luôn tự thức tỉnh và tự dò xét, không để lầm lỗi có thể có được, như thế là trong chánh pháp của Như Lai, người ấy có khả năng thực hiện giải thoát. Trí tuệ chân thật là chiếc thuyền vững chắc nhất vượt biển sinh lão bệnh tử, là ngọn đèn sáng nhất đối với hắc ám vô minh, là thần dược cho mọi kẻ bệnh tật, là búa sắc chặc cây phiền não. 

Như Lai như vị lương y, biết bệnh mà chỉ thuốc, còn uống hay không, không phải lỗi của lương y, lại như người dẫn đường rất tốt, chỉ dẫn đường lối cho người, nhưng thấy rồi mà không đi thì không phải lỗi của người chỉ đường. Này các thầy tỳ kheo, đối với bốn chân lý, các thầy còn hoài nghi chỗ nào thì có thể chất vấn tức khắc, không được giữ sự hoài nghi mà không cần giải đáp. Thế Tôn nói lên 3 lần như vậy nhưng không ai chất vấn vì lẽ chư tăng không có ai hoài nghi nữa. Này các thầy tỳ kheo, chánh pháp tự lợi lợi tha đã có đầy đủ, Như Lai sống cho lâu cũng không còn ích lợi gì nữa. Từ nay về sau, đệ tử của Như Lai hãy triển chuyển thực hành. Như thế là pháp thân của Như Lai thường trụ bất diệt. Thế nên, các Thầy tỳ kheo phải ý thức toàn bộ cuộc đời là chuyển biến vô thường, có kết hợp thì có tan rã, đừng lo buồn gì cả. Cuộc đời như thế thì các thầy phải nỗ lực tinh tiến để đem ánh sáng trí tuệ diệt trừ hắc ám vô minh. Vũ trụ quả thật mong manh, không một thứ chi bền bỉ. Như Lai diệt độ thì cũng như trừ được vật tội ác và đáng bỏ, giả hiệu, như thế người có trí tuệ ai lại không hoan hỷ khi trừ bỏ được thân này. Thôi các thầy hãy yên lặng, không nên nói nữa, thì giờ sắp hết. Như Lai muốn diệt độ.” Lời trăn trối sau cùng nào cũng là lời di huấn đầy lòng nhân ái huống chi người đó lại là đức Phật. Bạn hãy đọc lại một lần nữa đi: chánh pháp tự lợi, lợi tha đã có đầy đủ, coi chừng lấy tà pháp làm chánh pháp.

Bốn chân lý hay “Tứ diệu đế” hay “Tứ thánh đế” được nói đến sau cùng và được nhắc đến 3 lần cho thấy tầm quan trọng của giáo pháp này trong việc tu tập. Đây là chìa khoá mở cánh cữa đi vào thế giới bên trong mà bát chánh đạo thuộc chân lý thứ tư <đạo đế> là kim chỉ nam giúp mỗi người tự mình làm ngọn đèn cho chính mình, tự mình y tựa nơi mình, không nương tựa vào bất cứ gì để tự giải thoát lậu hoặc. Phải hiểu rõ từng câu, từng chữ ý nghỉa của bốn chân lý thì mới tu tập có được tự lợi, lợi tha. QUAN ĐIỂM CỦA ĐỨC PHẬT Thế giới ngày nay thường xuyên sống trong lo sợ do hận thù giữa các quan điểm (ý thức hệ) tôn giáo và chính trị mà không hoá giải được. Vũ khí sản xuất ra đủ để gây ra sự huỷ diệt cả nhân loại. Phật nói: “Hận thù vĩnh viễn không hoá giải được hận thù, chỉ có nhân ái mới có thể hoá giải hận thù”. Phật lại nói: “Nên lấy từ bi ân huệ để chiến thắng ghen ghét tức giận, lấy thiện thắng ác, lấy bố thí thắng tư lợi, lấy chân thực thắng giả dối. Kẻ chiến thắng nuôi dưỡng hận thù, kẻ chiến bại sụp đổ trong đau khổ. Cả thắng, bại đều biến mất thì con người mới được hạnh phúc”. Về lợi ích kinh tế xã hội của Phật tử, Phật giáo không lấy đời sống khá giả làm mục đích của nhân sinh mà chỉ là phương tiện làm cho nhân loại được hạnh phúc. Muốn tu tập thành công thì vẫn cần thiết phải có một hoàn cảnh vật chất tối thiểu. Kinh Pháp cú có ghi chép những ý kiến của đức Phật về đạo đức của người cai trị đất nước rất có ích lợi cho hạnh phúc nhân dân.

Một bô máy hành chính thối nát bất công thì cả quốc gia từ quan đến dân cũng theo đó mà thối nát truỵ lạc, mất đi niềm hạnh phúc. Khi trình bày bất kỳ một quan điểm nào, bạn luôn bị rơi vào ý thức hệ bởi vì bạn còn bản ngã. Chỉ khi diệt được ngã, vô ngã, bạn không còn vướng bận bất cứ gì, lúc đó mọi lời nói việc làm, suy nghĩ của bạn không dẫn con người đi ra thế giới bên ngoài, bạn mới không rơi vào ý thức hệ. Đó là quan điểm của đức Phật, vượt lên trên ý thức hệ. Các tôn giáo đều hữu thần, chỉ riêng đạo Phật là đạo vô thần hay nói đúng nghĩa thì đạo phật không phải là một tôn giáo vì không có ý thức hệ. Quan điểm của đức Phật là: *Tự nhận mình đơn thuần là một con người, không tự nhận mình là thần linh hay hoá thân của thần linh. Mặc dù đức Phật có được lục thông, tam minh, 10 như lai lực nhưng rất ít khi phô diễn. Kinh thứ 24, kinh Ba-lê thuộc Trường Bộ kinh viết: “Sự thành tựu thần thông hay hiểu biết về khởi nguyên thế giới không phải là mục tiêu của việc tu hành, không đưa đến an tịnh, không giải thoát lậu hoặc” Hầu hết các giáo chủ của các tôn giáo thần học đều thích phô trương những năng lực hơn người tương tợ như những nhà ảo thuật, như những nhà tiên tri tiên đoán nhiều chuyện kinh thiên động địa, tạo dựng vũ trụ và thế gian, rồi bị khoa học, bị thời gian minh chứng chỉ là trò bịp bợm của thần thánh giả hiệu. *Coi sự giác ngộ thành tựu và sự nghiệp của mình hoàn toàn do công cố gắng và tài trí của con người. Chỉ cần quyết tâm, mỗi con người đều có thể trở thành Phật. Kinh thứ 25, Ưu-đàm-bà-la Sư tử hống, thuộc Trường bộ kinh viết: “Người có trí hãy đến đây, trung thực không lừa đão, ta sẽ huấn dạy, ta sẽ thuyết pháp. Nếu vị ấy thực hành đúng như điều đã dạy, vị ấy sẽ tự biết mình và chứng ngộ ngay trong đời sống hiện tiền”. *Con người là chủ thể của chính mình, không có một sức mạnh nào cao cấp hơn có thể quyết định số phận của con người.

Điều đáng làm của bạn là cố gắng hiểu biết chính con người bạn, gọi là “khoa học về chủ thể”. Kinh thứ 16, Đại bát niết bàn viết: “Này A-nan, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa.” *Với nguyên tắc tự mình chịu trách nhiệm với mình, đức Phật cho phép các đệ tử của Ngài được tự do tư tưởng, đó là điều chưa từng thấy trong lịch sử các tôn giáo. Sự tự do đó hoàn toàn rất cần thiết vì sự giải thoát hoàn toàn trông cậy vào sự giác ngộ chân lý của mỗi người chứ không phải nhờ vào sự giúp đở nào của thần linh. *Trong Phật giáo không có sự tin tưởng mù quáng. Đức Phật nhiều lần nói với các tỳ kheo rằng: “Các đệ tử hãy suy xét cho kỹ bản thân Như Lai. Có như thế, đệ tử mới thật sự tin tưởng giá trị chân chính của người thầy mà các người đi theo” *Trong Phật giáo không có quan niệm là tội như trong các tôn giáo khác. 

Hết thảy mọi ác pháp đều do vô minh hay tà kiến gây nên. Tu hành chỉ là “minh sanh, vô minh diệt” là để biết rõ phải trái, thiện ác rồi thực hành ly dục, ly ác pháp, sinh thiện, tăng trưởng thiện tức là học và làm theo bát chánh đạo. Vì không có quan niệm tội nên địa ngục trong đạo Phật không phải là nhà tù với những hình phạt khủng khiếp như theo ý nghĩ của một số người. *Cần phải có sự hiểu biết chính xác rõ ràng để tuyệt đối không còn nghi ngờ. Chỉ mấy phút trước khi nhập diệt, Ngài vẫn yêu cầu các đệ tử nếu có điều gì còn nghi ngờ thì cứ nêu lên để hỏi chớ để về sau phải hối tiếc là Ngài chưa làm sáng tỏ vấn đề. *Tấm lòng độ lượng rộng lớn của Ngài đặc biệt khiến cho những người nghiên cứu lịch sử Phật giáo phải kinh ngạc. Có một lần Upali là đệ tử kiệt xuất của giáo chủ Ma-ha-tì-la, được đề cữ yết kiến đức Phật để tranh luận về nghiệp báo với quyết tâm muốn đánh bại Phật. Nhưng thật bất ngờ, kết quả của cuộc tranh luận, Upali tin tưởng rằng quan điểm của Phật là đúng, còn cách nhìn của Thầy mình là sai.

Vì thế Upali xin Phật thu nhận cho ông ta được làm đệ tử nhưng Phật bảo Upali không nên quyết định vội vàng mà nên suy nghĩ thận trọng. Đến khi Upali khẩn khoản bày tỏ nguyện vọng của mình thì Phật yêu cầu ông ta hãy tiếp tục cung kính các Thầy tôn giáo cũ của ông ta như trước. Nếu ngày nay đức Phật còn sống chắc Ngài cũng đối xử với tín đồ đạo Chúa, đạo Hồi như đã đối với Upali, không níu kéo các tín đồ của các tôn giáo đó vào đạo Phật. Truyền thống tôn trọng các tôn giáo khác đã được các đệ tử của Ngài truyền bá cho mọi người thực hành, khác với các tôn giáo thần học hiện nay. Khoảng thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, vua Asoka (A-dục) tuy theo đạo Phật nhưng vẫn cho khắc trên vách đá một bản “bố cáo” mà nguyên văn đến nay vẫn còn trong đó có đoạn: “Không được chỉ coi trọng tôn giáo của mình mà chê bai khinh rẽ tôn giáo khác.Cần phải theo đạo lý mà tôn trọng các tôn giáo khác.

Làm như thế không những có thể giúp tôn giáo mình được lớn mạnh, đồng thời cũng làm tròn nghĩa vụ đối với các tôn giáo khác. Mọi người hãy lắng nghe và vui lòng lắng nghe giáo nghĩa của các tôn giáo khác” Tinh thần khoan dung hiểu biết đó là một trong những lý tưởng được trân trọng trong nền văn hoá văn minh Phật giáo. Vì vậy trong suốt thời gian hơn 2500 năm của lịch sử Phật giáo, không ở đâu tìm ra một dẫn chứng về việc đạo Phật bức hại các tôn giáo khác. Tất cả mọi hình thức bạo lực bất kể nấp dưới chiêu bài gì đều tuyệt đối trái ngược với những lời khuyên dạy của đức Phật *Người Phật giáo là những con người đi tìm chân lý nên không cần biết giáo nghĩa ấy do Phật nói ra hay do người nào đó nói ra miển là lời nói ấy là chân lý.

Một hôm Phật nghĩ đêm trong cái láng lò gốm gặp một người xuất gia trẻ tuổi, Ngài lên tiếng hỏi: -Này vị thầy tỳ kheo, thầy xuất gia dưới danh nghĩa của giáo chủ nào? Chẳng hay đạo sư của thầy là ai? -Thưa bậc đồng tu, tỳ kheo trẻ tuổi đáp, có một vị hậu duệ của dòng họ Thích đã rời bỏ gia tộc để làm người xuất gia, nghe nói người đã tu hành đắc quả, đó là một bậc tôn giả giác hạnh tròn đầy, tôi xuất gia dưới tên của bậc Thế Tôn đó. Vị ấy chính là sư phụ tôi. -Vị Thế Tôn giác hạnh tròn đầy ấy hiện giờ ở đâu? Phật hỏi tiếp -Thưa bậc đồng tu, tỳ kheo trẻ đáp, ở quốc độ phía bắc có một đô thành tên là Xá vệ, Vị Thế Tôn đang trụ túc tại đó. -Tỳ kheo đã gặp vị Thế Tôn ấy chưa? Nếu thấy Ngài, tỳ kheo có nhận ra không? -Tôi chưa hề được gặp vị Thế Tôn đó. Giả sử nếu có thấy Ngài tôi cũng không thể nhận ra. Phật biết người trẻ tuổi này xuất gia tu hành theo danh nghĩa của mình, nhưng Phật không để lộ tung tích. Ngài nói: -Này tỳ kheo, ta sẽ đem Giáo pháp truyền thụ cho ngươi. Ngươi có chịu lắng nghe không? -Tốt lắm, thưa bậc đồng tu, tỳ kheo trẻ đáp. Thế là Phật giảng cho người trẻ tuổi ấy nghe Kinh phân biệt lục giới.

Sau khi nghe giảng xong trọn vẹn bộ kinh này, người trẻ tuổi tên là Phất-gia-xá mới rạng rở tỉnh ngộ, hiểu ra rằng người đang thuyết giảng cho mình chính là đức Phật, liền đứng dậy chạy đến sụp lạy dưới chân đức Phật tạ lổi vì mình đã gọi đức Thế Tôn là bạn đồng tu. Câu chuyện này nói lên rõ ràng rằng Phất-gia-xá chỉ cần được nghe giáo pháp còn người thuyết pháp là ai không quan trọng. Chỉ cần thuốc tốt chữa khỏi bệnh, còn người bốc thuốc là ai và từ đâu đến biết hay không biết là điều không quan trọng. *Đức tin trong đạo Phật phải gắn liền với “tri kiến”. Nếu tôi nói với bạn trong lòng bàn tay tôi có một viên đá quý thì bạn nãy sinh vấn đề tin hay không tin lời nói đó của tôi, là bởi vì bạn chỉ nghe mà chưa thấy nhưng đến khi tôi xoè bàn tay để cho bạn thấy viên đá quý ấy thì vấn đề nghi ngờ không tồn tại nữa. Lòng tin ở Phật giáo không thể mơ hồ.

Phật giáo luôn luôn quan niệm rằng do trí tuệ mà đạt được chánh kiến chớ không phải do niềm tin mù quáng mà sinh ra tín ngưỡng. *Các pháp của đức Phật đều thiết thực nhằm mục đích tháo gở những chướng ngại, vướng mắc trong cuộc sống, ví như chiếc bè gổ chở người ta qua sông. Ngài nói: Này các tỳ kheo, có một người lữ hành trên đường đi có một con sông lớn chắn ngang. Nếu ở lại bờ bên này thì sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm, còn ở bờ bên kia thì rất an toàn. Người ấy nghĩ: muốn qua sông mà không có thuyền cũng chẳng có cầu, ta đành phải đi nhặt cành cây, rơm cỏ kết lại thành chiếc bè, phải mau chân, mau tay gắng sức làm mới được. Có được chiếc bè, anh ta chỉ trông cậy vào sức lực tay chân của mình là có thể an toàn qua được bờ bên kia. Anh ta lại nghĩ: cái bè này giúp ích rất lớn cho ta, ta phải đội nó lên đầu hay vác trên vai mà đưa nó đi theo cùng ta”. Theo ý các ngươi, người lữ hành nghĩ như thế có thích đáng không? -Thưa Thế Tôn, xử trí như thế là không thích đáng ạ! -Vậy phải xử trí như thế nào mới thích đáng? Nếu người ấy suy nghĩ thế này: “cái bè này đã giúp ta qua được con sông, ta hãy kéo nó lên bờ hoặc cứ để mặc nó nổi trên mặt sông, còn ta vẫn tiếp tục cuộc hành trình”. Này các tỳ kheo, các Pháp ta dạy cho các ông cũng như chiếc bè ấy vậy. Có một lần, đức Phật nhặt mấy chiếc lá để trong lòng bàn tay rồi nói các đệ tử rằng: Các pháp sở tri mà ta đem giảng cho các ông cũng chỉ rất ít ỏi như số lá trong tay ta. Những pháp sở tri khác ta chưa nói thì còn rất nhiều như số lá cây trong rừng. Nhưng tại sao ta không nói hết các pháp ấy cho các ngươi nghe? Đó là vì những pháp ấy không cần dùng đến, không có khả năng dẫn dắt người ta đến Niết bàn. Đó là nguyên nhân khiến ta không giảng hết những pháp ấy cho các ngươi nghe.

*Đức Phật hoàn toàn không bàn tới vấn đề siêu hình. Đặc biệt kinh luận phát triển do nhu cầu được giải đáp những thắc mắc siêu hình mà sinh thời, dù đầy đủ tam minh, đức Phật bỏ qua không nói đến. Đến khi viết Kinh, các nhà ghi chép tự tiện thêm vào những truyền thuyết huyễn hoặc, những chuyện siêu hình, những tranh luận thô thiễn gọi là hý luận hay lý giải những bí ẫn thâm sâu về sự sống, cái chết: Tôi từ đâu đến nào ai biết? Tôi đến nơi nào ai có hay? (Quỳnh Dao) Một đệ tử Phật có tên gọi là Mạn-đồng-tử đến chỗ Phật ở thưa rằng: -Bạch Thế Tôn con có một số vấn đề xin được Thế Tôn giải thích. Đó là: vũ trụ vỉnh hằng hay không vĩnh hằng, là hữu hạn hay vô hạn? Thân và tâm ta cùng là một vật hay thân là một vật còn tâm là một vật khác? Như Lai sau khi chết vẫn tồn tại hay không tồn tại…Nếu Thế Tôn giải thích cho con nghe thì con xin tiếp tục tu tập phạm hạnh dưới pháp toạ của người. Nếu Thế Tôn không giải thích cho con nghe thì con xin rời khỏi tăng đoàn đi nơi khác. Nếu Thế Tôn không biết thì xin cứ nói thẳng ra là “ta không biết”. Câu trả lời của Phật đối với câu hỏi của Mạn-đồng-tử có ích rất lớn cho những ai đem thời gian quý báu của đời người lãng phí vào những vấn đề siêu hình hoàn toàn không cần thiết, chỉ để tự mình làm nhiểu loạn tâm mình.

Lúc bấy giờ, đức Phật hỏi lại Mạn-đồng-tử: -Từ trước tới nay ta đã bao giờ bảo với ngươi hãy đến đây, ngồi dưới pháp toạ của ta, ta sẽ giải đáp những câu hỏi kia hay không? -Thưa Thế Tôn chưa bao giờ Người nói câu ấy. -Này Mạn-đồng-tử, nếu như có một người bị mủi tên độc bắn bị thương được đem đến thầy thuốc. Giả sử lúc ấy anh ta nói: “tôi chưa muốn nhổ mủi tên độc này trừ phi thầy thuốc nói cho tôi biết ai là kẽ đã bắn tôi, hắn thuộc đẳng cấp Sát-đế-lỵ hay Bà-la-môn, họ tên bộ tộc hắn là gì…Anh chàng kia chắc chắn sẽ phải chết mà không nhận được câu trả lời của thầy thuốc. Nếu như có người nói: “tôi không ngồi dưới pháp toạ của Thế Tôn để tu tập phạm hạnh nữa, trừ phi Thế Tôn giải thích những vấn đề như vũ trụ vĩnh hằng cho tôi nghe”. Ngưới ấy cũng phải chết trước khi nghe được lời giải đáp của Như Lai. Tiếp đó đức Phật giảng cho Mạn-đồng-tử hiểu rõ phạm hạnh chẳng liên quan gì đến những loại kiến giải siêu hình. Vấn đề ở thế gian này là phiền não, khổ đau và sợ hãi, những lời giáo huấn của Ta có khả năng trừ diệt nó.

Chính vì thế, ngươi phải ghi nhớ rằng những gì cần giải thích thì đã giải thích rồi. Những gì chưa giải thích tức là không bao giờ giải thích. Ta còn chưa giải thích những gì? Đó là những câu hỏi như vũ trụ vĩnh hằng hay không vỉnh hằng…Đó là 10 câu hỏi thuộc vào loại ta không giải đáp. Mạn-đồng-tử, tại sao ta không giải đáp những câu hỏi đó? Bởi vì những câu hỏi nêu ra đó chẳng có ích lợi gì. Nó chẳng có mối quan hệ cơ bản nào với phạm hạnh tu luyện thân tâm. Nó không làm cho người ta đoạn trừ được lậu hoặc.

Dùng sự trải nghiệm chân thực của mình để học Phật. Luôn an trú trong chánh pháp. Đó gọi là người hiểu đạo vậy. 


Nguồn tin: Tạp chí Phật giáo Nguyên thủy số 25
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 656
  • Khách viếng thăm: 647
  • Máy chủ tìm kiếm: 9
  • Hôm nay: 49018
  • Tháng hiện tại: 2857161
  • Tổng lượt truy cập: 88661764
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012