Quan niệm về lòng tốt, sự nhiệt tình và hiểu biết

Đăng lúc: Thứ năm - 25/10/2012 12:58 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
Quan niệm về lòng tốt, sự nhiệt tình và hiểu biết

Quan niệm về lòng tốt, sự nhiệt tình và hiểu biết

Lòng tốt, sự nhiệt tình là những giá trị đạo đức mà con người và xã hội rất cần. Con người cần có lòng tốt để giúp đỡ, sẻ chia với người khác; cần nhiệt tình trong lao động, học tập, làm việc… Tuy nhiên việc sử dụng lòng tốt, biến lòng tốt thành những hành động cụ thể để làm lợi ích cho người khác là vấn đề không đơn giản, nó đòi hỏi phải có sự hiểu biết. Nếu đi cùng với hiểu biết, lòng tốt và sự nhiệt tình rất đáng yêu; nhưng nếu không đi cùng với hiểu biết, đôi khi lòng tốt và sự nhiệt tình trở nên đáng sợ.

Khi mình muốn giúp ai làm điều gì đó ngoài khả năng, ngoài hiểu biết của mình, không khéo mình trở thành kẻ phá hoại, chẳng những không giúp được người ta mà còn làm người ta bị thiệt hại, tổn thất. Ví dụ mình không có kiến thức, không có tay nghề về cơ khí, điện tử mà mình lại muốn giúp người khác sửa chữa xe cộ, máy móc, đồ cơ khí, điện tử, thì không khéo mình làm hư hỏng thêm thôi. Mình không phải là lương y, bác sĩ, không có hiểu biết nhiều về y học, nhưng mình lại nhiệt tình chữa trị bệnh cho người khác thì không khéo làm hại người ta. Mình không có chuyên môn, không biết làm kinh tế mà tư vấn, chỉ bày, lên kế hoạch cho người ta kinh doanh, tổ chức sản xuất, buôn bán, mở dịch vụ, bảo người ta bỏ vốn ra thật nhiều để đầu tư vào việc làm ăn này việc làm ăn nọ, không khéo mình đưa người ta đến chỗ phá sản.

Khi nghe vợ/chồng người ta than thở chuyện nhà họ, mình chỉ nghe từ một phía, mình không hiểu gì về chuyện của họ, của gia đình họ mà mình lại đứng ra giải quyết giùm, hoặc chỉ bày họ cách giải quyết, vô tình làm cho những căng thẳng, bất hòa, những mâu thuẫn, xung đột càng thêm gay gắt, trầm trọng hơn. Có nhiều người đã phạm phải sai lầm này, không hiểu gì về sự việc, chỉ thấy phiến diện, hiểu nông cạn, không biết cách giải quyết, nói và làm theo cảm tính nhưng rất nhiệt tình, chẳng những không gỡ rối cho người ta được mà còn làm cho sự việc rối rắm thêm.

Trong đạo Phật thường hay nói đến tình thương và sự hiểu biết hay từ bi và trí tuệ. Tình thương (từ bi) phải đi đôi với hiểu biết (trí tuệ). Lòng tốt thuộc về từ bi, lòng tốt muốn có giá trị, muốn phát huy tác dụng cần phải có hiểu biết. Chẳng hạn như mình thương một người nào đó mà mình không biết cách thương thì không khéo vô tình mình làm hại người đó. Mình muốn người ta được sung sướng, hạnh phúc nhưng vì không biết cách nên vô tình mình làm cho người ta khổ. Cha mẹ thương con nhưng không biết nên làm điều gì thật sự có ích cho con, chỉ biết nuông chiều, đáp ứng mọi đòi hỏi của con một cách thiếu sáng suốt thì sớm muộn gì cũng làm đứa con hư hỏng. Hoặc có những trường hợp cha mẹ thương con nhưng không hiểu tâm tư tình cảm của con, không biết con đang cần gì, muốn gì, cứ làm theo suy nghĩ của mình, để rồi càng thể hiện tình thương theo cách của mình lại càng khiến cho con phản ứng ngược lại với mong muốn của mình. Đôi khi con cái cần nơi cha mẹ sự gần gũi, sự quan tâm chăm sóc, yêu thương nhưng cha mẹ không biết điều đó, cứ nghĩ mua sắm cho con quần áo đẹp, đắt tiền, mua sắm cho con xe xịn, cho con thật nhiều tiền là đã thương yêu, là đã lo cho con đầy đủ, chu đáo.

Nhiều bà mẹ vì quá thương con, luôn muốn che chở, bảo bọc con, lo cho con từng bữa ăn giấc ngủ, không cho con làm động móng tay dù những việc con có thể làm; con lầm lỗi thì bao che, dung túng; con gặp phải chuyện gì mẹ cũng thay con hứng chịu v.v… Do không hiểu được cách thương con như thế là không tốt cho con, nên vô tình các bậc cha mẹ này làm cho con mình không “trưởng thành, khôn lớn” được. Con trở nên nhu nhược yếu đuối, thụ động, không có khả năng tự lập, không biết xử lý công việc dù đó là những việc rất bình thường; con sinh tâm ỷ lại, luôn dựa dẫm vào người khác. Nếu như cha mẹ thường bênh vực, bao che, dung túng những lỗi lầm, những thói hư tật xấu thì sớm muộn con cái cũng trở nên hư hỏng. Về sau khi con cái ra đời, nếu không may lâm vào cảnh khổ, chúng quay lại oán trách cha mẹ: “Sao cha mẹ không nói cho con biết trước?”, “Sao trước kia cha mẹ không dạy con làm việc nhà để con quen, bây giờ con không gặp nhiều khó khăn, không phải cực phải khổ như thế này?”, “Phải chi hồi con còn nhỏ cha mẹ không nuông chiều con, không để cho con buông thả phóng túng thì ngày nay con đâu phạm phải lỗi lầm, đâu rơi vào vòng tù tội như thế này?”, “Cũng tại ngày trước cha mẹ thấy con sai quấy mà không sửa, không giáo dục, dạy dỗ cho tốt nên bây giờ con mới ra nông nỗi”…

Vợ chồng trong gia đình cũng thế. Có nhiều ông chồng vì quá thương vợ mà nuông chiều, đáp ứng mọi đòi hỏi không chính đáng của vợ. Vợ đua đòi theo chúng bạn, đứng núi này trông núi nọ, muốn chồng kiếm được nhiều tiền, có vị trí, chức vụ không thua kém bạn bè, đồng nghiệp; ngày đêm tỉ tê, than thở, thuyết phục, làm nũng, giận hờn, khiến cho các ông chồng không chịu nổi. Không ít ông chồng phải vào tù vì phạm pháp, mà động cơ ban đầu là lòng thương vợ quá mức, thương đến mù quáng si mê, muốn kiếm thật nhiều tiền, muốn chiếm được vị trí, chức vụ này nọ trong cơ quan, trong tổ chức để làm vui lòng vợ, thỏa mãn đòi hỏi, ham muốn của vợ.

Lòng tốt, sự nhiệt tình nếu không đi cùng hiểu biết có thể làm hại mình, hại người, đôi khi làm hại cả hai. Lòng tốt, sự nhiệt tình nếu không đi cùng hiểu biết thì mọi việc sẽ khó thành tựu, khó có lợi ích thiết thực. Thuở nhỏ tôi ở trọ sau chùa đi học, thầy trụ trì ngôi chùa tôi ở rất dễ tính. Tôi còn nhớ năm đó thầy cho người quét vôi chánh điện chùa và có ý định viết lời kinh lên vách. Khi Phật tử biết ý định của thầy, nhiều người đã phát tâm sưu tầm lời kinh và xin thầy cho phép họ viết. Thầy đồng ý cho các Phật tử viết những câu kinh, kệ mà họ thấy hay, họ thích. Các Phật tử đều xem đây là một việc làm công quả để tạo phước cho mình, ai cũng hăm hở viết thật nhiều lời kinh lên vách. Tuy nhiên không phải ai cũng viết được, không có mấy người khéo tay, phần lớn đều không có khả năng viết lên tường bằng sơn nước, kết quả là những câu chữ ngoằn ngoèo, nguệch ngoạc thật khó coi đã làm mất vẻ đẹp và trang nghiêm của ngôi chánh điện. Thầy trụ trì vì muốn tạo cơ hội cho Phật tử phát tâm, còn các Phật tử vì nhiệt tình muốn làm việc công quả, muốn tạo phước mà vô tình làm mất vẻ mỹ quan ngôi chánh điện. Nếu các Phật tử biết phát tâm đóng góp những gì nằm trong giới hạn khả năng của mình, những gì mình có thể làm được cho chùa, hoặc tìm cho chùa một họa sĩ hay người có khiếu viết chữ đẹp, có khả năng viết chữ lên tường bằng sơn nước thì sự phát tâm ấy có giá trị hơn.

Hàng năm vào các ngày rằm lớn, những người làm nghề bắt chim kiếm được rất nhiều tiền và cũng tạo rất nhiều tội từ việc bán chim cho người phóng sinh. Người thả thì chắc chắn là có phước, người bắt tạo nghiệp giam cầm sát sinh, chắc chắn là có tội. Nhưng phước của người phóng sinh nhiều hay ít còn tùy thuộc vào ý niệm, vào cái tâm của họ. Phóng sinh vì lòng từ bi hay phóng sinh vì muốn tạo phước báo? Làm việc đó một cách chân thành, nhiệt tình, hay làm cho có lệ để Phật thấy, biết là được rồi? Có người nghĩ cứ bỏ tiền ra mua ở trước cổng chùa để khỏi phải mất công, chứ đi ra chợ tìm mua chim, cá hay những con vật khác thì mất thời gian của mình. Mua xong rồi cứ đem giao cho mấy thầy tụng kinh cầu nguyện cho mình, có cầu nguyện cho mình thì mới được, mặc cho các con chim sắp chết trong lồng vì bị nhốt quá lâu.

Không ai nghĩ nếu mình không mua chim ở trước cổng chùa để phóng sinh thì sẽ không có những người làm nghề bắt chim chuyên bán cho người phóng sinh. Nếu mình không mua chim trước cổng chùa thì những người này không phạm phải tội giam cầm, sát sinh. Có thể họ sẽ bắt chim mang ra chợ bán, nhưng việc bắt chim sẽ giảm đi nhiều, vì ở chợ có nhiều loài vật để cho người ta mua phóng sinh. Ý niệm không muốn người khác tạo nghiệp ác do bắt chim bán cho mình phóng sinh, ý niệm không muốn những chú chim tội nghiệp bị bắt giam cầm và có nguy cơ mất mạng vì “việc phóng sinh”, ý niệm không muốn góp phần làm hại chúng, không muốn vì vô tình gián tiếp góp phần làm cho người khác tạo nghiệp, thiết nghĩ nếu có những ý niệm đó là đã làm được việc phóng sinh rồi. Nhiệt tình mua chim trước cổng chùa để phóng sinh cầu phước, cho dù phát xuất từ lòng thương xót chúng sinh, việc ấy cũng góp phần làm cho những người săn bắt và nhiều loài chim bị tổn hại, dù đó không phải là điều người phóng sinh mong muốn.

Do vậy, người con Phật trong tu tập và phụng sự biết phối hợp nhịp nhàng lòng tốt, sự nhiệt tình và hiểu biết thì chắc chắn sẽ lợi mình, lợi người một cách thiết thực trong hiện tại và cả mai sau.

 
Tác giả bài viết: Minh Hạnh Đức
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 477
  • Khách viếng thăm: 424
  • Máy chủ tìm kiếm: 53
  • Hôm nay: 55995
  • Tháng hiện tại: 2775576
  • Tổng lượt truy cập: 88580179
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012