Người anh truyền đạo của đồng bào dân tộc

Đăng lúc: Thứ ba - 30/10/2012 22:36 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
Có một ngôi chùa nằm ở vùng cao mà hàng đêm bà con dân tộc nghèo khó đều tập trung về chùa lễ Phật, cầu kinh. Các em Gia đình Phật tử tuần nào cũng về đây sinh hoạt, vui chơi và học đạo làm người. Ngày qua ngày, ngôi chùa càng thêm ấm cúng, khởi sắc bởi lúc nào cũng đông vui, thanh thoát trong tiếng nhạc niệm Phật. Nhưng ít ai biết rằng, chùa Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk hưng thịnh như ngày hôm nay là do Trương Minh Dũng - người Phật tử hết lòng vì Phật pháp cất công gầy dựng...
Người anh truyền đạo của đồng bào dân tộc

Người anh truyền đạo của đồng bào dân tộc

17 năm nay, cư sĩ Trương Minh Dũng được BTS Phật giáo tỉnh tin tưởng, ủy nhiệm chức Chánh đại diện chùa. Bởi với ĐĐ.Thích Hải Thông, Trưởng ban Nghi lễ, Phó BTS PG tỉnh Đắk Lắk: “Chú Dũng là Phật tử, chưa xuất gia nhưng cáng đáng công việc Phật sự rất giỏi. Chú làm còn tốt hơn cả những ngôi chùa có Tăng Ni. Từ lúc người dân tộc không chịu đến chùa mà chú vận động giờ bà con hầu như đến chùa hết. Các em nhỏ cũng đến chùa tụng kinh, chùa xập xệ giờ đã trùng tu vững chắc”.

Khó khăn không mệt mỏi...

Trước khi qua đời, người sáng lập ra ngôi chùa Liên Sơn cậy nhờ bác cố gắng trùng tu ngôi chùa và giúp bà con dân tộc về tụng kinh, để cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Khi nhận chùa, cả tháng trời bác Dũng không khỏi băn khoăn, lo lắng, đứng ngồi không yên. Theo lời bác nói thì: “Lo là bởi vì, ngôi chùa tiếp nhận là ngôi chùa gỗ, gần như mục, mái lợp rách bươm. Chỉ cần cơn giông gió nhẹ cuốn đến là có thể sập ngay”.

Cầm 25 triệu bàn giao trên tay, bác Dũng đã lái xe đạp chạy khắp nơi, nhờ tất cả các mối quan hệ của mình giúp đỡ. Năn nỉ mãi, cuối cùng, người bạn của bác là kỹ sư trên tỉnh đã đồng ý vẽ bản thiết kế cho chùa, bà con gia đình bác phát tâm người cúng dường chút đỉnh để trùng tu tạm trước ngôi chánh điện. Cứ mỗi mùa cà phê đi qua là chùa có thêm một không gian mới được trùng tu. Có nghĩa là, vào mùa thu hoạch nông sản thì bác mới có tiền trùng tu các hạng mục trong chùa. Nhẫn nại từng chút một, giờ đây bác đã xây gần như hoàn chỉnh ngôi Tam bảo với số tiền lên đến 2 tỷ đồng.

Vất vả xây xong ngôi chùa, vậy là bác lại vất vả đi tới từng nhà vận động bà con dân tộc đến chùa lễ Phật, tụng kinh. Từ sáng đến tối, bất kể ngày mưa hay ngày nắng, chỉ cần thấy nhà của bà con nào mở cửa, còn sáng đèn là bác vào vận động. Lúc đầu hầu như tất cả đều từ chối nhưng bác không bỏ cuộc; ngày nào bác cũng kiên nhẫn đến kể cho các hộ gia đình nghe những lợi ích của việc đi chùa; giúp bà con hiểu được vì sao người khác giàu, mình nghèo; làm sao để không bệnh tật, người khác thương mình...

Cứ như vậy mà ngày này qua tháng nọ, không biết từ bao giờ với người dân tộc, ngôi chùa đã trở thành nơi che chở, hộ trì cho gia đình, thôn làng. Như thói quen, trước khi đi rẫy và ngay sau đi rẫy về, việc đầu tiên người dân tộc thực hiện đó là đến chùa lễ Phật. Vì vậy mà ngày nào chùa cũng đầy đủ hương đăng, các thời khóa vẫn có bà con đến tụng kinh, sám hối.

Trọn đời cho một lý tưởng

Với bác, có lẽ lý tưởng mà bác theo đuổi trong suốt cuộc đời của mình đó là giải hoàn chỉnh bài toán giúp bà con dân tộc thoát nghèo và trọn đời cống hiến hết lòng cho Phật pháp, cốt để bà con quanh mình đến gần hơn với lời kinh, tiếng kệ, để nghiệp lực vơi dần, căn lành tăng trưởng!

Anh Dũng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện chia sẻ: “Bác Dũng tốt lắm. Bác xem dân làng ở đây như gia đình nên cái gì có ích cho mọi người là bác sốt sắng làm, nhiều khi bác làm không biết mệt mỏi luôn. Vừa mới xây chùa hết tiền, thấy đồng bào dân tộc nghèo đến chùa tụng kinh không có gạo ăn, áo mặc, không vốn làm ăn, bác liền lăng xăng đi vận động mạnh thường quân tặng quà cho mọi người. Ở tỉnh không có, bác xuống tận Sài Gòn, xin các nhóm từ thiện giúp đỡ, cấp vốn cho bà con làm ăn. Rồi thấy bà con khó khăn trong việc đưa tang, chôn cất người thân, vậy là bác cố mua cho bằng được chiếc xe đưa tang để giúp đỡ gia đình có tang sự. Từ hồi chùa mua được chiếc xe, bà con dân tộc mừng lắm”!

Và chiếc xe đưa tang được bà con Phật tử trang trọng đặt bên hông cổng chùa, dân làng ở đây coi chiếc xe còn hơn báu vật. Việc làm nếu ai không hiểu sẽ nói bác Dũng “ngông”, nhưng khi hiểu được nhu cầu của bà con thì mới biết việc làm của bác thiết thực biết chừng nào. Đó cũng chính là nhân duyên để bác gắn kết mọi người gần hơn với Tam bảo, để đạo ngày một gần hơn với đời. Và với người dân nơi đây thì từ lâu lắm rồi, mọi người coi bác như người “anh” truyền đạo. Bởi vì bác luôn tạo điều kiện vật chất, tinh thần để mọi người có thời gian, cơ hội về chùa, tu sửa bản thân ngày một nhiều hơn.

Hiện tại, bác đã xây dựng cho chùa Liên Sơn một đạo tràng niệm Phật với 729 Phật tử, trong đó hơn phân nửa là đồng bào dân tộc và gầy dựng được Câu lạc bộ Gia đình Phật tử với 180 đoàn sinh, 12 huynh trưởng. Vào ngày Chủ nhật hàng tuần, bà con đều vân tập về đây tụng kinh, tu tập và trau dồi kiến thức Phật pháp. Hai tháng một lần, bác Dũng đều có thỉnh giảng sư thuộc Ban Đại diện PG tỉnh Đắk Lắk về chùa thuyết pháp cho bà con. Nhờ vậy mà người dân nơi đây ngày một đến gần hơn với Phật pháp, sống an lạc hơn mỗi ngày.

59 tuổi, cái tuổi đáng lý ra phải nghỉ ngơi nhưng trong bác dường như chưa chịu ngơi nghỉ. Bởi, nguyện vọng có quý thầy về nhận chùa, hướng dẫn bà con tu học vẫn còn đằng đẵng trong bác. Bác bảo: “Có mấy thầy về đây rồi, nhưng về được năm ba bữa họ lại đi. Cuối cùng công việc Phật sự chùa mình phải lo. Nhiều khi muốn ra Bắc thăm quê nhưng rồi lại thôi. Vì đi, ở đây ai lo...”.

Có những người sống và cống hiến hết lòng cho Phật pháp, cho bà con mà không đòi hỏi sự đáp lại. Có những tấm lòng bao dung, yêu thương sâu sắc và luôn mong muốn sẻ chia với cộng đồng đã làm nên biết bao điều kỳ diệu cho cuộc sống này. Họ đã lấy đôi bàn tay, cái tâm của người con Phật để sưởi ấm đồng bào dân tộc khó khăn mà không giữ bất cứ điều gì cho bản thân mình. Bác Trương Minh Dũng thật sự là một người như vậy...

Tác giả bài viết: Hạnh Ý
Nguồn tin: GHPGVN
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 504
  • Khách viếng thăm: 424
  • Máy chủ tìm kiếm: 80
  • Hôm nay: 55858
  • Tháng hiện tại: 2775439
  • Tổng lượt truy cập: 88580042
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012