Lời Phật dạy về tinh thần đoàn kết

Đăng lúc: Thứ hai - 23/10/2023 14:46 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Từ xưa đến nay tinh thần đoàn kết là một trong những yếu tố quyết định sự trường tồn hay sớm bị diệt vong của một đất nước hay một tổ chức nào đó. Chính điều này đã được đức Phật nêu ra trong kinh Đại Bát Niết Bàn thuộc tuyển tập Trường Bộ.

Kinh thuật lại sự kiện quốc vương Magadha (Ma-kiệt-đà) là vua Ajjatasattu (A-xà-thế) muốn chinh phục xứ Vajjì (Bạt-kỳ) nên sai đại thần Vassakara (Vũ-xá) đến bái kiến đức Phật, dặn vị này nhân danh nhà vua đảnh lễ và vấn an đức Phật rồi nhân đó thăm dò ý kiến của đức Thế Tôn về việc chinh phục xứ Vajji.

Sau khi nghe đại thần Vassakara trình bày ý muốn của đức vua Ajjatasattu, đức Phật không trả lời trực tiếp mà quay qua hỏi tôn giả Anandavề bảy điều liên quan đến tình hình nước Vajji. Khi tôn giả Ananda đã trả lời đầy đủ bảy câu hỏi được nêu ra. Đức Phật nói với Đại thần Vassakara rằng chính Ngài đã dạy cho dân Vajji bảy vấn đề đó, được gọi là bảy pháp bất thối, và nếu dân Vajji vẫn giữ được bảy pháp bất thối ấy thì xứ Vajji sẽ được cường thịnh chứ không bị suy giảm. Bấy giờ đại thần Vassakara mới bạch với đức Phật rằng chỉ cần dân Vajjì giữ được một trong bảy điều ấy thì không có ai xâm phạm được.

Một trong những điều mà đức Phật đã gián tiếp nêu ra với vua Ajjatasattu là tinh thần đoàn kết. Nhân đóđức Phật bảo Ananda tập hợp chư Tỷ-kheo đến giảng đường để nghe giảng về bảy điều này.

Trong kinh Bát Đại Niết Bàn, đức Phật dạy:

“Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo tụ hợp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc tăng trong niệm đoàn kết, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm” (1).

Ở đây chúng ta sẽ tìm hiểu như thế nào về niệm đoàn kết và tại sao chúng Tỷ- kheo tụ hợp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc tăng sự trong niệm đoàn kết thì chúng Tỷ-kheo được cực thịn h mà không bị suy giảm.

Xét về mặt ngữ nghĩa thì từ đoàn kết mang tính tích cực, mà trong đoạn văn trên đức Phật dùng từ “niệm đoàn kết” thì nó có nghĩa tương đương với hòa hợp. Vì tập hợp người với số đông mà trong tâm lúc nào cũng cùng một lòng nhớ đến mục đích chính của sự tập hợp đó cũng chính là tính hòa hợp.

Nếu mỗi người thật sự có niệm đoàn kết thì phải nhìn sự vật bằng con mắt khách quan, không nên nhìn bằng con mắt chủ quan. Tức là trong mỗi quốc gia hay các tổ chức lúc nào cũng phải “như lý tác ý” (2) hoặc “như thật tuệ tri” (3) thì sự nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi công dân của một đất nước mới đúng với sự thật.

Đoàn kết phải xuất phát từ nội tâm, từ lòng chân thật. Nếu đoàn kết không xuất phát từ nội tâm thì nó không tồn tại được lâu. Khi chúng tăng tụ hợp, giải tán và làm việc trong niệm đoàn kết thì được cực thịnh là vì mọi người cùng chung một tấm lòng, cùng hoan hỷ và tôn trọng những quyết định chung của tập thể thì Tăng đoàn sẽ được phát triển và tồn tại đúng theo tinh thần pháp và luật của đức Phật mà không có một thế lực nào từ bên ngoài phá hủy được.

Nguyên nhân làm cho Tăng chúng bị tổn giảm là do trong tăng chúng bất hòa, mà bất hòa thì sẽ dẫn đến mất đoàn kết. Hòa bên ngoài không thì chưa đủ vì có thể cái hòa đó vẫn che giấu những bất mãn ngấm ngầm bên trong. Ở đây, khi nói đến niệm đoàn kết, điều đức Phật nhắc ở đây chính là cái hoà trên tinh thần bình đẳng giữa những con người cùng chung sống với nhau trong một tập thể. Cái hoà ấy phải được thể hiện bằng pháp lục hòa. Lục hòa là sáu phương pháp cư xử với nhau cho hòa hợp từ vật chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm của những người biết buông bỏ những dục vọng cá nhân để hướng đến mục đích cao đẹp của con đường giải thoát. Đó là: Thân hòa đồng trụ, cùng sống hòa hợp với nhau trong một cộng đồng; khẩu hòa vô tranh, trao đổi với nhau bằng những lời khả ái không tranh cãi; ý hòa đồng duyệt, cùng vui với nhau nhờ ý tưởng hòa hợp; giới hòa đồng tu, cùng tu tập với nhau theo đúng giới luật đức Phật đã chế; kiến hòa đồng giải, cùng nêu ra và giải thích với nhau những hiểu biết và những kinh nghiệm của từng người một cách chân tình; và lợi hòa đồng quân, cùng chia sẻ với nhau mọi quyền lợi vật chất có được một cách đồng đều. Tinh thần ấy chính là tinh thần bình đẳng.

Bình đẳng không phải mọi thứ đều được thực hiện như nhau. Trong thực tế cuộc sống, bình đẳng được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau bên cạnh những cái chung của nó như quyền được sống, quyền được làm việc, quyền có tự do tín ngưỡng, thì bình đẳng cũng được thể hiện qua từng trường hợp cụ thể; như mối quan hệ giữa nam và nữ chẳng hạn. Bình đẳng về giới ở đây không có nghĩa là người nam làm công việc gì thì người nữ phải làm công việc ấy và ngược lại. Thực tế cho thấy người đàn ông thực hiện công việc của người đàn ông, những công việc thiên về sức mạnh, ngoại giao ngoài xã hội,…trong khi đó, người nữ lại phù hợp với những công việc nhẹ nhàng, chịu khó, đảm đang như: làm mẹ, nuôi con, chăm sóc gia đình,... Tất nhiên cũng có một số người nữ là những công việc ngoài xã hội và người đàn ông làm những công việc trong gia đình và đó là ở mức chia sẻ. Cái quan trọng không phải là mình ở vị trí nào trong cuộc sống gia đình, xã hội mà quan trong mình sống có hạnh phúc, có hoà nhịp với mọi người hay không.

Ái dục, quyền lực, danh vọng,…là nguyên nhân gây ra sự bất hòa dẫn đến sự khổ đau. Đối với bản thân người xuất gia, những điều này có những tác động nguy hiểm đến đời sống tu hành. Nếu mỗi tu sĩ không biết tiết chế, không có cuộc sống đoàn kết, hòa hợp giữa những người cùng chí hướng với nhau thì những đối tượng của sự khao khát thế tục như nêu ở trên ví như cục than hồng, sẵn sàng làm phỏng tay bất cứ ai vô tình hay cố ý chạm phải khi không được bảo vệ bởi giới luật.

Trong thiên Nhân Duyên thuộc kinh Tương Ưng Bộ, tập 2, chương Lợi đắc cung kính có nói: “Lợi đắc, cung kính, danh vọng, này Tỷ kheo, cắt đứt da ngoài. Sau khi cắt đứt da ngoài, chúng cắt đứt da trong. Sau khi cắt đứt da trong, chúng cắt đứt thịt. Sau khi cắt đứt thịt, chúng cắt đứt gân. Sau khi cắt đứt gân, chúng cắt đứt xương. Sau khi cắt đứt xương, chúng chạm tới tủy và đứng lại” (4). Và cũng chính những cái hư danh về quyền lực này mà đẩy Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) bất hòa với Tăng chúng và sau đó bị diệt vong “lợi đắc, danh vọng, cung kính khởi lên đưa đến diệt vong cho Devadatta” (5).

Tại sao đức Phật dạy các đệ tử phải có tâm đoàn kết? Vì Ngài sợ sau khi mình diệt độ các hàng hậu học sẽ có mâu thuẩn với nhau dẫn đến sự tổn giảm về giới hạnh và sự chia rẽ trong Tăng đoàn. Ngài như một người cha dặn dò các con trước lúc đi xa rằng, các con hãy thương yêu và đùm bọc lẫn nhau, không có một kẻ thù nào hại được các con nếu các con đoàn kết một lòng, và ngược lại.

Cũng với nội dung này, trong thiên Uẩn, thuộc kinh Tương Ưng Bộ, đức Phật đã đề cập trong phẩm Hoanhư sau: “Này các Tỳ-kheo, Ta không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Ta, này các Tỳ-kheo, người nói pháp không tranh luận bất cứ ai ở đời” (6). Như thế Phật dạy bản thân mỗi người đã là người nói pháp thì không nên tranh luận hơn thua được mất với đời, huống chi là những người cùng là đệ tử Phật. Nếu trên bước đường tu hành các hàng tu sĩ khi cùng ngồi lại bàn luận những vấn đề còn bị gút mắc để tìm ra chân lý giải thoát thì điều này đáng được hoan nghênh. Còn như tranh luận để tự đề cao, cho những điều mình thấy, biết là đúng trong khi bác bỏ những ý kiến của người khác thì không chấp nhận mà phải trừ diệt. Nếu không, những tranh luận như thế này dễ dẫn đến xung đột, mất đoàn kết và dẫn đến kết quả không tốt.

Trong kinh Nghĩ như thế nào (kinh số 103) thuộc tuyển tập Trung Bộ, đức Phật đã dạy như sau: “Ở đây các ông phải học tập tất cả, trong tinh thần hòa đồng, hoan hỷ, không cãi lộn với nhau” (7). Tuy nhiên, đức Phật vẫn nhìn nhận rằng ngay cả khi các vị Tỷ- kheo đã học với tinh thần hoan hỷ, không tranh cãi nhưng vẫn có thể có hai vị nói khác nhau về Thắng pháp (Abhidhamma).

Khi đó tùy theo trường hợp sự nhận biết của các vị Tỷ-kheo ấy có sự sai khác về nghĩa, sai khác về văn, hoặc sai khác về nghĩa nhưng đồng nhất về văn, hoặc sai khác về văn nhưng đồng nhất về nghĩa, thì nên tìm đến một vị Tỷ-kheo được công nhận là nhu thuận để nhờ vị ấy giảng giải trong tinh thần hòa ái, không dẫn đến tranh cãi.

Cũng vậy, trong kinh Làng Sama (kinh số 104) thuộc tuyển tập Trung Bộ đức Phật chỉ cho chúng ta bốn điều tránh: “Tránh sự khởi lên do tranh luận, tránh sự khởi lên do chỉ trích, tránh sự khởi lên do phạm giới tội, tránh sự khởi lên do trách nhiệm” (8).

Cũng với nội dung này đức Phật đã dạy rất kỹ trong bốn điều đại giáo pháp trong bài kinh Đại Bát Niết Bàn thuộc tuyển tập Trường Bộ rằng khi có một tỳ kheo tuyên bố một điều gì đó là do Thế Tôn nói, mọi người không nên vội vàng khen chê, tranh luận mà hãy đem nó đi đối chiếu với kinh, với luật, nếu là điều đúng thì chúng ta mới xác nhận là đúng, nếu sai thì mới xác nhận là sai. Phật không áp đặt hay bắt buộc mọi người phải tin những gì Ngài nói là đúng, mà Ngài thường khuyên mọi người hãy tìm hiểu kỹ trước khi tin một vấn đề nào đó. Điều này cũng nói lên tinh thần bình đẳng giữa những người tranh luận để truy tìm ra sự thật. Mỗi nơi có phong tục tập quán khác nhau, không nơi nào giống nơi nào. Mỗi tôn giáo có tôn chỉ khác nhau, không tôn giáo nào giống tôn giáo nào. Như Phật giáo đề cao tinh thần “từ bi”. Là một Phật tử thông minh thì không nên tranh luận tôn chỉ của tôn giáo mình là đúng, còn của tôn giáo kia là sai. Vì sự tranh luận về vấn đề tôn giáo không có hồi kết và dễ gây mất hoà khí giữa những người cùng chung sống trong một xã hội.

Tinh thần đoàn kết là bài học rất lớn cho cuộc đời tu hành của mỗi hành giả, khi có những việc gì không như ý muốn trong cuộc sống thì hãy bình tâm soi xét để tìm ra những ưu khuyết điểm, rồi từ đó chọn cho mình một hướng đi đúng. Còn nếu như trong cuộc sống của chúng ta thường hiện diện sự tranh cãi, mâu thuẩn thì nó sẽ mất đi yếu tố tình thương giữa những người đồng đạo. Người cùng chung chí hướng mà chúng ta không có tình thương, không có sự cảm thông thì chắc chắn đối với những người ngoài chúng ta khó có một tình thương thật sự dành cho họ.

Chú thích:

1. Kinh Trường Bộ, tập 1, bài kinh Đại Bát Niết-bàn, HT. Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1991, tr. 539.

2. Như lý tác ý có thể hiểu là sự suy xét đúng đắn và sáng suốt về bất cứ điều gì có thể trải nghiệm, từ đó giúp chúng ta nhận định đúng những gì cần chú tâm, những gì không nên chú tâm.

3. Như thật tuệ tri có nghĩa là nhận biết về mọi sự vật đúng như thực thể thực trạng của chúng.

4. Kinh Tương Ưng Bộ, tập 2, Thiên Nhân duyên, HT. Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1993, tr. 413.

5. Sđd, tr. 419.

6. Kinh Tương Ưng Bộ, tập 2, Thiên Uẩn, HT. Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1993, tr. 249.

7. Kinh Trung Bộ, tập 3, bài kinh Nghĩ như thế nào, HT. Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1992, tr. 56.

8. Kinh Trung Bộ, bài kinh Làng Sama, HT. Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1992, tr. 70.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 116
  • Khách viếng thăm: 105
  • Máy chủ tìm kiếm: 11
  • Hôm nay: 60499
  • Tháng hiện tại: 1340436
  • Tổng lượt truy cập: 107914326
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012