"Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngã uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách. Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ tưởng hành thức diệc phục như thị. Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm, thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức, vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý. Vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới, vô vô minh diệc, vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận, vô khổ tập diệc đạo, vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố. Bồ đề tát đỏa y bát nhã ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh niết bàn, tam thế chư Phật y bát nhã ba la cố đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề cố tri bát nhã ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư, cố thuyết bát nhã ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết, yết đế, ba layết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.
Bát nhã ba la mật đa tâm kinh.
"Diệu trí phương hà đạt bỉ ngạn,
Chân tâm tự năng khế giác nguyên
pháp dụ lập danh siêu đối đãi
Không chư pháp tướng thể tuyệt ngôn
Tông thú nguyên lai vô sở đắc
Lực dụng khu trừ tam trược
Thục tô phán tác kỳ giáo nghĩa
Ma ha phản chuyển bát nhã thuyền
Dịch: Dùng diệu trí mới đạt bờ giác
Chân tâm tự năng hợp nguồn giác
Lập danh pháp dụ vượt đối đãi
Pháp tướng vốn không, thể không lời
Tông thú xưa nay không chỗ đắc
Dụng lực dẹp trừ ba chướng trược
Thục tô xác định giáo nghĩa này
Ma ha phản chuyển thuyền bát nhã".
Kinh này được phân ra thành hai phần:
1. Giải thích tổng quát về danh đề.
2. Giải thích riêng về văn nghĩa.
Phần giải thích về danh đề được phân làm hai: Kinh đề và nhân đề.
Bàn về đề mục của kinh, trong ba tạng kinh điển, mười hai phần giáo có bảy loại lập đề.
1. Đơn nhân lập đề (lập đề mục riêng một người). Sao gọi là đơn nhân lập đề? Như Phật thuyết kinh A Di Đà. Phật là người. Phật A Di Đà cũng là người, nên gọi là đơn nhân lập đề.
2. Đơn pháp lập đề (lập đề mục cho một pháp đơn độc). Sao gọi là đơn pháp lập đề? Như Phật thuyết kinh Niết Bàn, Ngài dùng tướng pháp làm đề mục, đó là đơn pháp lập đề.
3. Đơn dụ lập đề (dùng một ví dụ đơn độc mà lập ra đề mục). Phật thuyết kinh Phạm Võng, là ví dụ đơn độc. Vì sao? Kinh Phạm Võng thuyết về giới luật. Giới luật giống như tràng la võng (tràng lưới) ở cõi trời Đại Phạm. Tràng lưới này hình vòng tròn, được treo trước cung điện vua trời Đại Phạm; biểu hiện sự trang nghiêm. Mỗi tràng lưới có rất nhiều lỗ. Nơi mỗi lỗ có treo một hạt bảo châu. Những hạt châu này rất quý giá. Chúng hỗ tương chiếu sáng. Mỗi lỗ lưới đều tương thông lẫn nhau. Hạt châu này chiếu soi những hạt châu kia. Hạt châu kia chiếu soi những hạt châu nọ. Chúng hỗ tương soi sáng. Ánh sáng của chư vị chiếu soi ánh sáng của tôi. Ánh sáng của tôi chiếu soi ánh sáng của chư vị.
Tuy nhiên, những ánh sáng này không lấn áp xung đột lẫn nhau. Không thể cho rằng ánh sáng của tôi không được chiếu đến ánh sáng của chư vị và ánh sáng của chư vị không được chiếu đến ánh sáng của tôi. Ánh quang tương chiếu, lỗ lỗ tương thông. Giới luật cũng giống như những hạt bảo châu, ánh quang hỗ tương soi chiếu. Chư vị giữ một giới thì có một ánh quang. Chư vị giữ nhiều giới thì có nhiều ánh hào quang. Mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh, mỗi mỗi giới đều phóng ra giới quang, cũng giống như tràng lưới trời Đại Phạm vậy. Vì sao bảo châu chiếu rọi trong những lỗ lưới? Ví như, trước khi thọ giới Bồ Tát, tâm chúng ta có những chỗ lậu hoặc. Tuy thế, những lậu hoặc này có thể chuyển đổi thành bảo châu. Chư vị giữ một giới thì có một hạt bảo châu chiếu sáng. Nếu phạm giới thì tạo lậu hoặc (lỗ hổng). Ánh sáng tương chiếu; lỗ lỗ tương thông cũng biểu thị cho Phật pháp. Tâm Phật, tâm Bồ Tát, tâm chúng sanh, tâm tâm tương ấn. Vì sao chư Phật chứng quả vị Phật? Vì do tu hành giới luật mà thành tựu. Bồ Tát cũng nương nhờ giới luật mà thành Phật. Chúng sanh cũng phải tôn thủ giới luật thì mới mong thành Phật được, biến hóa vô cùng, thật không cùng tận. Đấy là do ví dụ mà lập đề như kinh Phạm Võng này. Ba loại lập đề bên trên được gọi là đơn tam (ba lập đề đơn độc).
4. Nhân pháp lập đề. Như kinh Văn Thù Sư Lợi vấn Bát Nhã, Văn Thù là người. Bát Nhã là pháp, cũng là pháp tướng. Thế nên gọi là nhân pháp (người và pháp) lập đề.
5. Nhân dụ lập đề (người và ví dụ). Như kinh Như Lai Sư Tử Hống, Như Lai là người, sư tử hống là dụ. Đức Như Lai thuyết pháp cũng giống như tiếng rống của sư tử, khiến muôn thú đều run sợ.
6. Pháp dụ lập đề. Như kinh này, Bát Nhã Ba La Mật Đa là pháp, tâm là ví dụ, nên kinh này lấy pháp và dụ lập đề. Ba loại trên thuộc về lập đề kép. Sao gọi là kép? Kép tức là trùng phức, hợp hai loại đề thành một.
7. Nhân pháp dụ lập đề. Có người, có pháp, có dụ, đầy đủ cả. Như kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, Đại Phương Quảng là pháp, Phật là người. Hoa Nghiêm là dụ. Đây biểu thị dùng nhân vạn hạnh mà làm hoa trang nghiêm cho quả đức vô thượng. Đại Phương Quảng là thuyết về thể của pháp. Hoa Nghiêm biểu thị dụng của pháp. Đại Phương Quảng tức nói về Phật đã tu các pháp đại phương quảng, rộng lớn mới thành Phật được. Nhân hoa vạn hạnh là tu chứng được lục độ cũng như hoa nở. Quả đức vô thượng chính là hạnh đức Phật quả. Thế nên bảo rằng dùng vạn hạnh như hoa làm chủng nhân để trang nghiêm hạnh đức Phật quả vô thượng. Ở trên là nói về bảy loại lập đề.
Nay tôi sẽ dùng kệ mà giải thích đề kinh. Mỗi phần đoạn dùng tám câu kệ để giải thích. Tám câu kệ này giảng rõ về kinh bát nhã ba la mật đa. Giảng về đề mục của kinh này, y chiếu theo năm loại huyền nghĩa.
Thứ nhất là giải thích danh nghĩa
"Diệu trí phương hà đạt bỉ ngạn, (dùng diệu trí mới đạt bờ giác)". Sao gọi là diệu trí ? Bát Nhã là diệu trí. Đạt đến bờ bỉ ngạn (bờ giác) tức là bát nhã ba la mật đa. Vì thế, chư vị dùng trí bát nhã thì mới đạt đến bờ giác. "Chân tâm tự năng khế giác nguyên, (chân tâm tự khế hợp nguồn giác)". Chân tâm này là chữ tâm, cũng là bát nhã. Chư vị có trí huệ vi diệu bát nhã. Khi có chân tâm này, thì tự nhiên năng khế hợp với nguồn giác, cũng là tương hợp với bổn giác của chư Phật, đắc được thể của bổn giác. Khế hợp được tức là tương hợp được, cùng hiệp thành một khối. "Pháp dụ lập danh vượt đối đãi, (lập danh pháp dụ vượt đối đãi)".
Tâm kinh bát nhã ba la mật đa lấy pháp và dụ mà lập danh đề. Bát nhã ba la mật đa là pháp. Tâm là dụ. Bát nhã là gì? Bát nhã có ba loại là văn tự bát nhã, quán chiếu bát nhã, thật tướng bát nhã. Dùng văn tự bát nhã mà xuất sanh quán chiếu bát nhã. Dùng quán chiếu bát nhã mà khế hợp với thật tướng bổn giác bát nhã. Cùng tột thật tướng bát nhã chính là trí huệ, tức là trí huệ vi diệu, cũng gọi là trí huệ triệt để. Trí huệ này thật triệt liễu, là trí huệ để mình trở về quê nhà, tức là trí huệ của chư Phật. Sao nói như thế? Vì trí huệ bát nhã chính là chân tâm. Chân tâm cũng là trí huệ. Chữ 'bát nhã' được dịch là 'chân tâm'.
Kinh này nói về tâm trong tâm. Đây là tâm mà sáu trăm quyển bát nhã luôn đề cập tới. Bộ kinh này nói về tâm trong tâm. Bát nhã là tâm, cũng là tâm trong tâm. Tâm trong tâm nghĩa là tâm, nên gọi là tâm kinh. Vì chữ 'bát nhã' được dịch là 'nhất chân tâm', nên kinh đại bát nhã cũng gọi là kinh 'đại chân tâm'. Tâm này không phải là tâm giả dối, mà là diệu lý thật dụng. Bộ tâm kinh là tâm trong tâm bát nhã, tuy chỉ có hai trăm sáu mươi chữ mà lấy chữ tâm trong kinh bát nhã làm chủ thể, nên gọi tâm trong tâm.
Nay lại nói chữ tâm này, chính là tâm trong tâm, nên gọi là tâm kinh. Chân tâm biểu hiện chân tâm, nên dùng một chữ tâm. Pháp này là bát nhã ba la mật đa, cũng là pháp đạt đến bờ giác. Tâm là dụ. Kinh này lấy tâm trong một đời người làm chủ thể, nên tuyệt không và vượt ngoài đối đãi. Pháp tuyệt không đối đãi này cũng không có pháp nào đối đãi được, siêu việt, vượt ngoài cảnh giới đối đãi.
Thứ hai là hiển thể
"Không chư pháp tướng thể tuyệt ngôn, (pháp tướng vốn không, thể không lời)". Thể của kinh này là gì? Tức là không có tướng của các pháp, cũng là các pháp không tướng. Không tướng tức không có tướng thật. Không chư pháp tướng được dùng làm thể của kinh. Tuyệt ngôn ngữtức là không chi nói được. Thể đó là không chư pháp tướng; việc chi cũng không có, cho đến lời nói hay ho của chư vị cũng thế. Thể đã tuyệt ngôn ngữ tức là kinh xa lìa tướng của ngôn ngữ lời nói. Xa rời tâm thường duyên theo hình tướng, xa lìa tướng văn tự, xa rời tất cả tướng, tức xa rời tất cả pháp.
Thứ ba là chỉ rõ tông thú (đường hướng của tông giáo)
"Tông thú nguyên lai vô sở đắc, (tông thú vốn không chỗ đắc". Câu thứ năm chỉ rõ đường hướng của tông giáo. Bộ kinh này theo tông chỉ gì ? Lấy vô sở đắc (không có chứng đắc) làm tông chỉ. Bên trên, kinh nói rằng vô trí diệc vô sở đắc (không trí cũng không có chỗ đắc). Tông thú (đường hướng của tông giáo) là gì? Tức là không có chỗ đắc. Nay dùng pháp thế gian mà giảng Phật pháp. Như con người, là danh xưng thông thường. Con người thì gọi là người. Kinh này gọi là kinh. Gọi tên người như thế nào? Hoặc gọi Trương Tam, Lý Tứ, đó là giải thích về danh tự. Người đó tên là Trương Tam, mà cao, thấp, trắng, mập, ốm như thế nào? Thể tánh của người đó ra sao? Thân thể có hoàn toàn hay không? Có mắt, mũi, tai không? Nói rõ ràng thể tánh của người đó tức là hiển thể. Kế tiếp, chỉ rõ tông giáo. Chỉ rõ tông giáo như thế nào? "Ông ấy là người rất cao, nên làm được nhiều việc khó nhọc. Ông ấy là người có học vấn, nên có thể làm bí thư. Đó là tông chỉ của ông ta! Ông ta trước kia là người như thế nào thì nay có thể làm những việc như thế ấy". Đó là nói rõ tông chỉ.
Thứ tư là luận bàn về dụng.
"Lực dụng khu trừ tam trược, (dùng lực dẹp trừ ba chướng trược". Dùng lực gì? Để làm gì? Dùng tâm kinh bát nhã ba la mật đa để làm chi? Tức là dùng lực dụng của kinh này để phá trừ ba chướng. Ba chướng là gì? Một là báo chướng. Hai là nghiệp chướng. Ba là phiền não chướng. Báo chướng có hai loại là chánh báo và y báo. Sao gọi là chánh báo, y báo? Chánh báo tức là chúng ta đang thọ báo trong hiện tại, cũng là thân thể chính mình. Y báo tức là y cứ theo cuộc sống mà thọ báo, như y phục, thức ăn, chỗ ở... Chánh báo của con người là thân thể đẹp xấu, khỏe mạnh hay bịnh tật, tướng mạo anh tuấn hay xấu xí, người người trông thấy đều hoan hỷ, ái kính hay ghét bỏ. Hoặc giả người có trí huệ, hay có thiện căn. Tuy nhiên trong mỗi hạng, cũng phân làm hai. Thứ nhất, người có trí huệ mà không có thiện căn. Vì sao thế? Những hạng người này đa số đều từ quỷ quái yêu ma mà sanh ra trên thế gian. Như sơn tinh ở núi lâu năm thành yêu quái, là loài si mị võng lượng (quỷ xuất sanh từ gỗ đá). Những loại quỷ thần đầu trâu mặt ngựa này là những yêu tinh lâu năm thường ăn thịt người, hay những yêu quái đã chết lâu rồi, nay trở lại làm người. Chúng rất thông minhnhư những người khác.
Tuy nhiên, chúng làm việc gì cũng đều không thông minh, luôn làm những việc sai lầm, chuyên môn không giữ luật lệ. Những việc có hại đến người khác thì chúng đều làm. Chúng thường nói những điều làm loạn trật tự xã hội, vì sợ thiên hạ không bị loạn. Loại người này có trí huệmà không có thiện căn. Lại nữa, người có thiện căn mà không có trí huệ. Có thiện căn là vì đời trước có làm những việc lành, nhưng không nghiên cứu kinh điển, nên không có trí huệ, rất ngu si. Bàn về chánh báo, có người tướng mạo đầy đủ, thọ mạng lâu dài, được phú quý. Lại có người tướng mạo xấu xí, thọ mạng ngắn ngủi, chết lúc tuổi còn nhỏ.
Tất cả đều do tiền nhân hậu quả, (nhân trước quả sau). Y báo là y phục, thức ăn, nhà cửa...Y báo cũng là quả báo của đời quá khứ. Đời trước trồng nhân lành thì đời này được quả báo tốt. Đời trước trồng quả ác thì đời này chịu quả báo xấu. Tương lai có thể còn chịu quả báo xấu nữa. Đó là báo chướng. Bàn về nghiệp chướng thì nghiệp tức là sự nghiệp, công nghiệp. Không luận người xuất gia hay tại gia, nhất định đều có sự nghiệp. Tạo ra sự nghiệp rồi thì nhiều vấn đề khó khăn phát sanh. Khi có khó khăn thì liền sanh phiền não, rồi gặp bao việc không vui. Đó gọi là nghiệp chướng. Nói về phiền não chướng thì chúng ta ai ai cũng có ít nhất một loại phiền não. Phiền não này phát sanh từ đâu? Nó do tâm tham, tâm sân, tâm si phát khởi ra.
Sao chư vị phát sanh phiền não? Vì có tâm tham, nên tham không được liền sanh phiền não. Vì có tâm sân hận nóng giận, mọi sự tình đều không hợp với tâm ý chư vị, liền phát sanh phiền não. Vì tâm ngu si, không sáng suốt, nên phát sanh phiền não. Vì còn tâm ngã mạn, kiêu căng, nên xem thường người khác, nên phát sanh phiền não. Vì tâm nghi, đối với tất cả sự tình đều phát sanh hoài nghi. Do có hoài nghi nên tạo ra phiền não. Lại vì còn tà kiến, nên kiến giải của chư vị không chánh đáng, nên phát sanh phiền não. Nếu có chánh tri chánh kiến, tức có trí huệ chân chánh thì đối với mọi việc, chư vị đều hiểu rõ ràng. Vì thông suốt từ đầu đến cuối nên không sanh phiền não. Vì vậy, phiền não do tâm tham lam, sân hận, si mê, ngã mạn, tà kiến phát khởi lên.
Bộ tâm kinh này năng phá trừ được ba chướng là báo chướng, nghiệp chướng và phiền não chướng. Làm sao phá trừ được? Do có trí huệ chân chánh, trí huệ vi diệu, tâm như như bất động, và chân tâmnên phá trừ được ba chướng. Chúng ta hiểu rõ giáo nghĩa tâm kinh bát nhã ba la mật đa thì mới có trí huệ chân chánh, dẹp trừ được ba chướng.
Thứ năm là nói rõ giáo tướng.
"Thục tô phán tác kỳ giáo nghĩa, (thục tô xác định giáo nghĩa này". Dùng thục tô mà xác định nghĩa lý tâm kinh bát nhã ba la mật đa. Thục tô là thời đức Phật thuyết phápBát Nhã lần thứ tư. Đức Phật thuyết pháp có năm thời tám giáo. Năm thời tám giáo này do Trí Giả đại sư tông Thiên Thai phân lập ra.
Nay tôi y chiếu hai nghĩa trí huệ quyền thật mà thuyết về năm thừa.
Thời Hoa Nghiêm: Lần đầu tiên đức Phật thuyết pháp, vừa quyền vừa thật, cộng thảy hai mươi mốt ngày. Ngài thuyết ra thật pháp, thật trí, và quyền trí. Sao gọi là thật trí và quyền trí ? Kinh Hoa nghiêmgiảng về đạo lý của pháp giới, mà trong đó có sự pháp giới và lý pháp giới. Sự lý vô ngại pháp giới, sự sự vô ngại pháp giới. Giáo nghĩa này tuy Phật vì Bồ Tát mà thuyết, nhưng cũng là pháp phương tiện quyền xảo cùng trí huệ chân thật của Phật pháp. Thời kinh Hoa Nghiêm là nhất quyền và nhất thật, (một quyền, một thật).
Thời A Hàm: Lần thứ hai, duy chỉ có quyền giáo pháp mà không thật pháp. Giảng về quyền giáo, dùng pháp môn phương tiện quyền xảo để dạy dỗ, giáo hóa chúng sanh. Trong thời thứ hai, chỉ có quyền pháp chứ không có thật pháp, không có thật trí.
Thời phương đẳng: Là thời thứ ba, có ba loại quyền, một loại thật. Tại sao? Vì thời này là bốn giáo đồng luận đàm. Bốn giáo là tạng, thông, biệt, viên. Dẹp phá thiên chấp tiểu giáo, tán thán đại giáo. Thiên chấp tức kiến chấp thiên lệch của chư vị không đúng. Phá tiểu, tức nói giáo lý tiểu thừa không đúng. Tán đại tức là tán thán đại thừa, phô trương viên giáo. Sao gọi là phương đẳng? Vì đồng đàm luận bốn giáo. Đồng thời khi giảng về đạo lý bốn giáo cũng nói về ba loại quyền pháp, tức tạng, thông, biệt. Loại quyền pháp này cũng là viên giáo.
Thời Bát Nhã: Là thời thứ tư, có hai loại quyền và một loại thật. Hai loại quyền là thông giáo và biệt giáo. Một loại thật là viên giáo.
Thời Pháp Hoa, Niết Bàn: Chỉ có thật pháp mà không có quyền pháp, có thật trí, không có quyền trí, lại không có pháp phương tiện quyền xảo. Năm thời bên trên luận bàn y cứ theo pháp quyền thật. Năm thời này thường được giảng tới giảng lui. Mỗi lần giảng kinh đều nhắc đến. Chư vị nếu thông được điểm nào thì hiểu được điểm đó.
"Ma ha phản chuyển bát nhã thuyền, (ma ha chuyển ngược thuyền bát nhã".
Ma ha nghĩa là lớn. Chuyển ngược tức là đảo chuyển trở lại. Đảo chuyển như thế nào? Tức đảo chuyển thuyền bát nhã. Tại sao chư vị muốn đảo chuyển thuyền bát nhã mà không đảo chuyển bát nhã? Đảo chuyển gì? Đó là đảo chuyển ngu si của mình. Chuyển được tức là niết bàn. Chuyển ngược dòng nước, phải dùng hết sức lực chứ không thể dể duôi mà đi được. Tuy nhiên, không cần phải đợi ba a tăng kỳ mà trong một đời, hai đời, ba đời..., có thể đắc được trí huệ chân chánh. Nói thời gian dài quá thì chúng ta đâm ra chán ngán, không muốn tu. Không muốn tu cũng không thể miễn cưỡng. Miễn cưỡng không phải là đạo. Thế nên đệ tử của tôi muốn đọa lạc thì cứ đọa lạc. Chư vị không muốn chuyển ngược thuyền bát nhã, thì thuận theo dòng nước lớn mà trôi xuống, càng trôi xuống thì càng xa. Nếu chư vị chuyển ngược, tức là đi trở lên dòng nước. Nếu không muốn phản chuyển, thì sẽ đi xuốngtheo dòng hạ lưu. Xem thấy chư vị đang đi lên thượng lưu, rồi lại chạy xuống theo dòng hạ lưu.
Bát nhã ba la mật đa là pháp. Tâm là ví dụ. Kinh là bộ kinh này. Kinh có thông danh và biệt danh. Thông danh là thống nhiếp hết mọi bộ kinh. Biệt danh là mỗi bộ kinh có danh tự riêng biệt, những bộ kinh khác không có tên giống nhau. Tâm kinh bát nhã ba la mật đa là biệt danh của bộ kinh này. Bộ tâm kinh bát nhã ba la mật đa này thuộc trong bộ Bát Nhã, biểu thị tâm trong tâm. Sao gọi là kinh? Kinh tức là kinh pháp thường bất chuyển, không thể thay đổi. Một chữ cũng không thể bỏ được, hay cũng không một chữ được. Đó là kinh pháp thường bất biến. Lại "kinh" là một con đường, nghĩa là tu hành phải đi qua một con đường nhất định. Chư vị có muốn tu hành à? Nhất định chư vị phải đi trên đường đạo này. Nếu chư vị không đi trên đường đạo này thì sẽ bị lạc vào rừng rậm hoang vu. Chư vị phải nên đi trên đường tu hành thì không bị lạc đường. Ngày này qua ngày nọ đều được bình an, sáng suốt. Sao gọi là đi lạc? Vì chư vị xưa nay quên mất, không biết tụng niệm kinh này. Qua ba bốn tháng, không tụng niệm nên quên mất, mới đi lạc. Tụng kinh được lợi ích gì? "Tụng kinh không được lợi ích gì cả, chỉ mất thời gian, tốn sức thôi. Tụng bộ kinh này từ đầu cho đến cuối tốn khí lực, thời gian, tinh thần. Sao lại cho là có ích lợi ?"
Này chư vị cư sĩ ! Đừng để tâm vô minh che lấp. Chư vị đừng tìm cầu lợi ích. Càng tìm cầu thì càng không chân thật. Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng (nếu còn có tướng thì đều là hư giả cả). Nếu có hình có tướng mà chư vị có thể thấy được thì không phải là lợi ích chân thật. Tại sao lại không thấy được ích lợi? Chư vị tụng kinh một lần thì tự tánh được rửa sạch một lần. Như khi chư vị tụng kinh Kim Cang, tụng qua một lần thì hiểu rõ ý nghĩa của kinh đôi chút. Tụng hai lần thì hiểu thêm nữa. Tụng ba lần thì lại càng hiểu rõ thêm. Tụng kinh khiến trí huệ tự tánh càng gia tăng. Nhưng khi trí huệ gia tăng thì chư vị không thể thấy, chỉ tự cảm giác thôi. Thế nên, lợi ích của sự tụng kinh không thể nói hết được.
Nhưng, không nên vì tụng kinh mà sanh ra phiền não. Chớ nói ": Này đạo hữu ! Đạo hữu tụng kinh quá nhanh, khiến tôi theo không kịp. Hoặc đạo hữu tụng kinh quá chậm, khiến tôi phải đợi. Hoặc tiếng tụng kinh của đạo hữu không hay lắm, khiến tôi không thích nghe." Không nên dùng công phu tu học như thế. Chúng ta biết rằng mọi người đều là những kẻ mới bắt đầu học Phật pháp. Không phải ai cũng biết tụng kinh hết, hay có người biết tụng mà không muốn tụng. Nhưng, tất cả mọi người đều phải đồng tụng kinh. Được như thế thì ai ai cũng đều đồng huân tu tập. Lại nữa, không nên mình tìm lỗi xấu người; người khác tìm lỗi xấu mình. Nếu thật có lỗi xấu thì thì mọi người nhất định phải tự mình nhìn thấy. Nếu không tự mình nhìn thấy thì lỗi xấu càng ngày càng nhiều; tu hành không thể tương ưng với đạo được. Thế nên, tụng kinh tức là hộ giúp cho tự tánh mình. Hộ giúp việc gì? Tức là hộ giúp khai mở trí huệ. Tụng kinh Kim Cang thì trí huệ được khai mở. Tụng tâm kinhcũng khai được trí huệ. Thế nên, chư vị bảo tụng kinh không có lợi ích nhưng kỳ thật sự lợi ích này rất lớn. Chư vị không thể thấy được lợi ích thì mới chân thật là lợi ích. Nếu chư vị thấy được lợi ích thì đó chỉ thấy ngoài da thôi. Đó là ý nghĩa của sự tụng kinh.
Kinh cũng có bốn loại ý nghĩa, tức là quán, nhiếp, thường, pháp. Chữ quán, nghĩa là quán xuyến, tức là tất cả nghĩa lý đều nối thông với nhau như nối lại tất cả đường chỉ với nhau. Nhiếp tức là nhiếp trì hóa độ những chúng sanh có duyên lành. Kinh năng nhiếp thủ những chúng sanhcó cơ duyên, tùy theo bịnh mà cho thuốc. Sao gọi là nhiếp? Chư vị có thấy nam châm hút sắt không? Tuy sắt ở xa, nhưng nam châm vẫn hút được. Kinh cũng giống như nam châm hút sắt. Tất cả chúng sanh như sắt cứng, ương ngạnh cứng cõi, tánh nóng giận hẩy hừng, lỗi lầm đầy dẫy. Nhưng nhờ sức hút của kinh, tâm tánh chúng sanh từ từ nhũn nhặn, tập khí cững dần dần tiêu hết.
Chữ thường nghĩa là vĩnh viễn thường hằng bất biến. Mãi không biến đổi là từ đầu đến cuối, từ xưa đến nay, đều y chiếu theo kinh mà tu hành.
Pháp là phương pháp. Dùng phương pháp này để tu hành. Đời quá khứ, hiện tại và vị lai đều dùngphương pháp này mà tu hành. Vì vậy ba đời đồng tôn kính gọi là pháp. Xưa và nay không đổi nên gọi là thường.
Lại nữa, kinh nghĩa là mực thước. Thợ mộc xưa kia dùng dây nhuộm phấn đen. Khi muốn gạch lằn ngang liền căng dây ra, rồi ấn xuống. Khi lấy dây lên tạo ra một lằn phấn đen để làm mực thước, không như hiện nay có phấn có thước kẻ đường ngay ngắn.
Tóm lại, kinh là quy củ, tiêu chuẩn, mực thước. Nay chúng ta nghiên cứu kinh Bát nhã, cũng là y theoquy tắc Bát Nhã. Chư vị nếu y theo quy tắc Bát Nhã thì nhất định sẽ khai mở trí huệ.
Giải thích danh đề tổng quát.
Giảng về đề kinh, đại khái cũng giống như những lời giảng ở phần trên. Nay giảng trạch về người phiên dịch. Hiện tại, chúng ta hiểu rõ bộ kinh này phải nhớ ơn người phiên dịch. Nếu không có người phiên dịch, sợ rằng ngày nay chúng ta không thể đọc, nghe được tên kinh này. Nếu không được nghe, không được đọc đến tên kinh này thì chúng ta y chiếu theo kinh nào, phương pháp nào để tu hành? Không có phương pháp thì làm sao chúng ta tìm được con đường tu hành. Thế nên, chúng ta phải tri ân người phiên dịch kinh. Trải qua bao thời đại, người dịch giả, vì lòng từ bi giáo hóa chúng sanh nên phát tâmphiên dịch kinh điển và lưu truyền lại cho đến hôm nay. Thế nên, công đức của người phiên dịch kinh điển không thể nghĩ bàn, thật to lớn.
Người phiên dịch kinh này là ai? Chính là do tam tạng pháp sưĐường Huyền Trang vâng chiếu dịch kinh. Đường tức là Đường triều. Tam tạng là kinh tạng, luật tạng, và luận tạng. Tạng kinh có rất nhiều bộ kinh. Tạng luật giảng về giới luật. Tạng luận giảng về đạo lý kinh điển. Pháp Sư là lấy pháp làm thầy, đem pháp bố thí cho người. Dùng tam tạng kinh điển của Phật pháp làm thầy mình, và đem pháp giáo hóa chúng sanh, nên gọi là tam tạng Pháp Sư. Mỗi vị pháp sư hiện nay tôn tam tạng kinh điển làm thầy và đem pháp ra giáo hóa chúng sanh. Đầy đủ hai nghĩa này thì chư vị mới có thể gọi họ là vị pháp sư tôn kính pháp làm thầy và dùng pháp để giáo hóa chúng sanh.
Huyền Trang là tên của một vị pháp sư. Căn cơ của Ngài rất thâm hậu, áo diệu. Cảnh giới của Ngài thật không thể nghĩ bàn. Bàn về Phật giáo đời cận đại, Ngài là một vị pháp sư rất cao thâm, vĩ đại. Vì sao? Ngài qua Ấn Độ thỉnh kinh. Khi ấy, chưa có phương tiện giao thông như máy bay, xe lửa, tàu bè, chỉ dùng ngựa thôi. Thế nên, Ngài cỡi ngựa từ Tân Cương qua trung tâm Á Tế Á, vượt dãy Hy Mã Lạp Sơn đến Ấn Độ. Cuộc hành trình của Ngài xa viễn, gian khổ. Chưa ai làm được như Ngài. Trước khi qua Ấn Độ thỉnh kinh, mỗi ngày Ngài thực tập đi bộ từ sáng đến tối. Vùng gần nhà không có núi, Ngài sắp ghế bàn lại với nhau, rồi nhảy qua bàn qua ghế, thực tập cách leo núi, trèo non. Vì vậy trên đường từ trung tâm Á Tế Á đến Ấn Độ, tuy có rất nhiều núi non hiểm trở cheo leo, nhưng nhờ khi ở nhà Ngài đã từng thực tập chuẩn bị rồi nên Ngài đi như bay, bao nguy hiểm đều vượt khỏi. Cuối cùng, Ngài đạt mục đíchlà đến được Ấn Độ. Ngài lưu lại Ấn Độ mười bốn năm ròng rã, rồi sau đó thỉnh kinh trở về nước để phiên dịch.
Phụng chiếu dịch; phụng là thừa phụng; chiếu là chiếu thư; dịch tức là phiên dịch. Từ tiếng Phạm của Ấn Độ, phiên dịch thành tiếng Hoa. Nay có nhiều vị cư sĩ thông đạt Anh văn, Phạm văn, Đức văn v.v... Nếu có thể phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ ở tây phương thì công đức thật vô lượng. Ảnh hưởng này không phải một đời mà kéo dài đời này qua đời nọ. Người tây phương sẽ rất tri ân. Vì vậy, tôi hy vọngmỗi vị Phật đừng để người sau thất vọng, mà hãy mau học tiếng Tàu, rồi phiên dịch kinh điển ra tiếng Anh, ngõ hầu cống hiến phục vụ cho người tây phương. Hãy tranh thủ mà làm. Ngày nay thế giới thật là hư hoại. Chỉ có Phật pháp mới năng vãn hồi cứu độ kiếp ác này. Nếu mọi người đều không hiểu Phật pháp thì e sợ rằng thế giới sẽ đến thời kỳ diệt vong. Đạo Gia Tô nói về ngày tận thế. Ngày tận thế cũng không xa lắm đâu! Nếu kinh điển Phật giáo được phiên dịch qua tiếng Anh, khiến người người đều thông hiểu Phật pháp, biết rõ rằng không nên lười biếng, cố gắng tiến bước phát tâm tu đạo. Nếu được như thế thì ngày tận thế càng lúc càng xa vời, và không biết con người sẽ sống đến bao nhiêu đại kiếp nữa, hoặc giả không có luôn ngày tận thế. Tại sao? Vì Phật pháp thường chuyển đại pháp luân, nên khiến mặt trời luôn trụ mãi, không tan mất đi.
Vì vậy, không có ngày tận thế. Mọi việc trên thế gian đều sống động cả. Chúng không chết cứng, ù lỳ. Ngày tận thế thật chẳng phải là ngày tận thế. Nếu đến ngày tận thế, cũng không chính là ngày tận thế. Việc quan trọng là nếu mọi người đều học Phật pháp thì chắc sẽ không có ngày tận thế. Nếu không ai chịu học Phật pháp thì ngày tận thế đã đến. Lý này rất sống động chứ không cứng nhắc. Giống như lúc trước có tin rằng trong tháng tư năm nay thành phố Cựu Kim Sơn sẽ có động đất, cả thành phố đều sẽ bị chìm xuống biển. Tin đồn này không phải mới phát sanh trong năm nay mà năm trước cũng đã có rồi. Nhiều kẻ giàu có, sợ chết chìm nên đã bỏ đi đến sống nơi khác. Năm rồi tôi có nói rằng chư vị chỉ nên cố gắng học Phật pháp thì thành phố Cựu Kim Sơn sẽ không bị động đất. Năm nay tôi lại nói rằng chư vị nên thành tâm tụng chú đại bi, học Phật pháp. Tôi bảo đảm với chư vị là thành phố Cựu Kim Sơn sẽ không bị động đất.
Những lời này tôi cũng đã từng nói với chư vị rồi. Tại sao cho đến nay Cựu Kim Sơn cũng chưa có động đất ? Có phải là do sự cảm ứng không ? Chư vị thành tâm tụng chú Lăng Nghiêm, học Phật pháp nên thiên long bát bộ đều ủng hộ đạo tràng. Vì vậy, không phát sanh động đất. Việc này cũng giống như ngày tận thế. Ngày tận thế chuyển thành ngày không tận thế. Hà huống có sự động đất ở vùng Cựu Kim Sơn ? Muốn động đất cũng không có động đất, như chúng ta muốn dời nhà nhưng không tìm được nơi thích hợp nên không thể đời đi được. Không thể tìm được nơi tương xứng nên vùng Cựu Kim Sơn sẽ không bị động đất.
HT. Thích Tuyên Hoá Lược Giảng
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Hằng Đạt
nội dung, khái quát, quan trọng, sưu tập, kinh điển, phật giáo, nguồn gốc, may mắn, tự tại, nhất thiết, tức thị, bất diệt, không trung, thanh hương, nhãn giới, vô ý thức, lão tử, sở đắc, bồ đề, khủng bố, mộng tưởng
Mã an toàn:
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...
Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.
Ngày thành lập : 12-09-2012
Ý kiến bạn đọc