TT. Huế: Lễ Quy y Tam bảo tại chùa Tường Vân - Niệm Phật đường Sư Lỗ

Đăng lúc: Thứ bảy - 22/11/2014 05:42 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
“Hoang mang trong cõi đêm trường Nhờ ơn Tam Bảo soi đường vô minh” Trước mong muốn tha thiết đó của quý Phật tử chùa Tường Vân và với tinh thần “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”, Đại đức đã không ngại đường sá xa xôi, để về đây hướng dẫn đạo tràng Phật tử sinh hoạt tu học cũng như tổ chức Quy y cho quý Đạo hữu lớn tuổi cũng như thế hệ Phật tử trẻ kế thừa.
Chiều ngày mùng 1 tháng 10 năm Giáp Ngọ (nhằm ngày 22/11/14), tại chùa Tường Vân – Niệm Phật đường Sư Lỗ thuộc xã Phú Hồ, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế đã diễn ra Lễ Quy Y Tam bảo. Quang lâm chứng minh truyền giới có Đại đức Thích Tâm Phương, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện A Lưới. Mặc dù chùa Tường Vân - Niệm Phật đường Sư Lỗ có bề dày lịch sử lâu đời trải qua bao nhiêu thăng trầm biến cố lịch sử mà chùa vẫn thiếu bóng dáng chư Tôn đức Tăng Ni “Trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng” để hướng dẫn Đạo hữu Phật tử tu học. Và cũng chính vì thế nên có rất nhiều Đạo hữu Phật tử sinh hoạt ở chùa đều đặn vào hai ngày mùng 1 và 15 hằng tháng cũng như đến chùa tụng kinh vào các buổi tối nhưng vẫn chưa hội đủ nhân duyên quy y Tam bảo để trở thành người con Phật đúng nghĩa. 
 


Đại đức Thích Tâm Phương niêm hương bạch Phật


 
“Hoang mang trong cõi đêm trường
Nhờ ơn Tam Bảo soi đường vô minh”


Trước mong muốn tha thiết đó của quý Phật tử chùa Tường Vân và với tinh thần “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”, Đại đức đã không ngại đường sá xa xôi, để về đây hướng dẫn đạo tràng Phật tử sinh hoạt tu học cũng như tổ chức Quy y cho quý Đạo hữu lớn tuổi cũng như thế hệ Phật tử trẻ kế thừa.

Sau khi ổn định đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh và nghi thức niêm hương bạch Phật, Đại đức đã có bài pháp thoại về đề tài “Quy y Tam bảo” chia sẻ đến quý Đạo hữu Phật tử trước khi cử hành nghi lễ Quy y. Qua nội dung bài pháp thoại này, đạo tràng Phật tử đã hiểu rõ: Quy y là gì? Tam bảo là gì? Quy y Tam bảo là gì? Vì sao phải Quy y Tam bảo? Quy y Tam bảo như thế nào đúng chánh pháp?
 







 
Quy có nghĩa là trở về, quay về; Y là nương tựa; Quy-y là trở về nương tựa.

Tam có nghĩa là ba; Bảo có nghĩa là quý báu; Ở thế gian, vàng bạc, ngọc ngà và danh vọng là quí báu. Nhưng sự thật, vàng bạc, danh vọng đâu có cứu được con người khỏi khổ, sống, già, bịnh, chết, mà lắm khi còn làm cho con người thêm khổ nữa! Còn Phật, Pháp, Tăng thì có đủ năng lực dắt dẫn con người ra khỏi những cái khổ nói trên. Vì thế, Tam bảo chính là ba ngôi báu: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo.

Phật do chữ Phạn Bouddha phiên âm ra. Trung Quốc dịch là Giác Giả nghĩa là: Bực đã giác ngộ sáng suốt hoàn toàn về ba phương diện: Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Từ một kẻ phàm phu như chúng ta tu hành thành Phật thực là chuyện ít có trên thế gian này. Thế nên trong Kinh thường nói Phật ra đời khó gặp, như hoa Ưu Đàm một ngàn năm mới trổ một lần. Bởi ít có khó gặp nên nói là Báu. Hơn nữa, tự bản thân Ngài đã thoát khỏi sanh tử luân hồi và giác ngộ thành Phật, rồi đem chỗ giác ngộ ấy dạy lại cho mọi người cùng ra khỏi sanh tử, là điều cao cả nhất trần gian nên gọi là Báu. Phật là đấng hoàn toàn sáng suốt, từ bi vô lượng, phước huệ vô biên, đức hạnh viên mãn. Phật là người dẫn đường vĩ đại nhất, đã có cái kinh nghiệm bản thân thoát ra ngoài vòng sanh tử để chứng Ðạo.

“Phật là thầy chỉ đạo
Bậc tỉnh thức vẹn toàn
Tướng tốt đoan trang
Trí và bi viên mãn”.


Pháp là do chữ Phạn Dharma mà dịch nghĩa ra. Pháp là phuơng pháp tu hành mà Phật sau khi chứng nghiệm đã dạy lại để diệt trừ mọi mê muội, khổ đau và chứng được quả Phật. Pháp của Phật dạy là chơn lý, dù trải qua bao thời gian chơn lý ấy vẫn rạng ngời như hòn ngọc báu. Những kẻ đang lạc lầm trong đêm đen, bất ngờ gặp được ngọn đuốc, vui mừng quý tiếc thế nào thì người học đạo gặp được chánh pháp cũng như thế. Người đang bị chìm đắm ngoài bể cả, trông thấy một con thuyền đến vớt, vui mừng sung sướng quý mến thế nàothì người học đạo gặp được chánh pháp cũng như thế. Cho nên nói "Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm gặp". Ba Tạng Kinh Ðiển đều gọi chung là Pháp. Chỉ có Pháp đầy đủ công năng để đưa chúng ta qua khỏi bể khổ, đến bờ giải thoát. 

“Pháp là con đường sang
Dẫn người thoát cõi mê
Ðưa chúng con trở về
Sống cuộc đời tỉnh thức.”


Tăng hay Tăng già là do chữ Phạn Shanga mà phiên âm ra; Trung Quốc dịch là: Hòa hợp chúng, nghĩa là một đoàn thể tu sĩ học theo Phật từ bốn vị trở lên, cùng nhau sống chung một chỗ, đồng giữ giới luật của Phật, đồng chia sớt cho nhau một cách hòa thuận những gì đã thâu nhận được, từ vật chất đến tinh thần theo đúng tinh thần lục hòa (Thân hòa đồng trú, Khẩu hòa vô tranh, Ý hòa đồng duyệt, Giới hòa đồng tu, Kiến hòa đồng giải, Lợi hòa đồng quân). Sống đúng tinh thần Lục Hòa là việc ít có trên thế gian này. Bởi vì người thế gian sống trong ganh đua giành giật hơn thua với nhau, không bao giờ hòa thuận được. Vì thế, người tu sĩ sống theo tinh thần Lục Hòa, là một điều quí báu trên nhơn gian. Hơn nữa, trên sự tu hành, các vị ấy đã vơi đi phiền não và đạt được phần nào của an ổn thanh tịnh, rồi hướng dẫn mọi người cùng đến chổ an ổn thanh tịnh ấy. Tăng là người đã hy sinh gia đình, tiền của, danh vọng... để tình nguyện bước theo con đường Phật đã chứng ngộ và dắt dẫn chúng sanh trên đường Ðạo.

“Tăng là đoàn thể đẹp
Cùng đi trên đường vui
Tu tập giải thoát
Làm an lạc cuộc đời”.

 









 
Tóm lại, Quy y Tam bảo là quay về, trở về nương tựa nơi Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Từ lâu chúng ta mãi chạy theo dục lạc, tạo nghiệp đau khổ, nay hồi tâm thức tỉnh nhất định trở về nương tựa nơi Tam Bảo, lấy Tam Bảo làm chổ cứu cánh, để không còn tạo thêm nghiệp đau khổ, rồi từ đó đem lại cho chúng ta sự an lạc trong cuộc sống. Đây là sự hồi tâm tỉnh giác, phát nguyện trở về của chúng ta. Sự tỉnh giác nầy là nền tảng của lâu đài trí tuệ, nó là bước đầu trên con đường về quê hương giác ngộ. Đặt nền tảng này vững chắc thì lâu đài trí tuệ mới được lâu dài. Chính vì lẽ đó mà chúng ta cần phải Quy y Tam bảo.

Tam bảo còn được chia ra ba bực: Thế gian trụ trì Tam bảo, Xuất thế gian Tam bảo và Đồng thể Tam bảo. Thế gian trụ trì Phật bảo: chính là những Xá lợi Phật để lại hay tượng Phật được làm bằng kim loại, gỗ, đất, đá, ximang, thạch cao, composit …Thế gian trụ trì Pháp bảo chính là tam tạng kinh điển được in trên giấy, viết trên vải hay khắc trên đá, gỗ… Thế gian trụ trì Tăng bảo chính là các vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni tu tập chân chánh, giới luật tinh nghiêm ở hiện tại đây. Đây chính là Thế gian trụ trì Tam bảo.

Xuất thế gian Phật bảo chỉ cho Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà, Phật Dược sư, chư Phật trong mười phương ba đời. Xuất thế gian Pháp bảo chính là chánh pháp của Phật giúp chúng sanh thoát khỏi sự ràng buộc của thế gian như Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên, Lục độ ba la mật, … Xuất thế gian Tăng bảo chính là các vị Bồ tát, thánh chúng thoát ra khỏi sự ràng buộc của thế gian như đức Bồ tát Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Địa Tạng, … ngài Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, A Nan, …Đây chính là Xuất thế gian Tam Bảo.

Đồng thể Phật bảo: tức là nói chúng sanh và chư Phật đồng một thể tánh sáng suốt, chính là Phật tánh. Ðồng Thể Pháp Bảo: tức là nói tất cả chúng sanh cùng chư Phật đồng một pháp tánh từ bi bình đẳng. Ðồng Thể Tăng Bảo: tức là nói tất cả chúng sanh cùng chư Phật đồng một thể tánh thanh tịnh, sự, lý hòa hợp. Đây chính là Đồng thể Tam bảo.

Quy y Thế gian trụ trì Tam bảo và Xuất thế gian Tam bảo thì gọi là quy y Tam bảo bên ngoài. Còn Quy y Đồng thể Tam bảo gọi là quy y Tam bảo tự tâm, ở bên trong. Phật pháp bao giờ cũng phải đủ hai mặt, Tam Bảo bên ngoài là đối tượng, Tam Bảo tự tâm là bản chất. Chúng ra cần nương Tam bảo bên ngoài để phát triển Tam Bảo của tự tâm. Không nên hoàn toàn ỷ lại bên ngoài mà xao lãng bên trong và cũng không nên hoàn toàn tự tôn tự trọng riêng mình mà khinh thị bên ngoài. Trong ngoài hỗ tương để viên mãn công phu tu hành, là mục tiêu chính yếu của Đạo Phật. Phật Pháp Tăng bên ngoài là trợ duyên giúp chúng ta phát khởi Phật pháp tăng của tự tâm. Chỉ biết có Tam Bảo bên ngoài là chấp sự bỏ lý. Một bề tin vào Tam Bảo của tự tâm không cần biết đến Tam Bảo bên ngoài, là chấp lý bỏ sự. Người Phật tử chơn chánh phải viên dung sự lý mới khỏi trở ngại trên đường tu. Nói tóm lại, với việc thờ Phật, tụng Kinh, giữ Giới, nghiên cứu Phật Pháp, kính trọng Tăng già chân chính trong quá trình tu tập hằng ngày để  quay về với Phật trong tâm mình là tánh sáng suốt; với Pháp trong tâm mình là các đức tính Từ-bi, Hỷ-xả v.v..., với Tăng trong tâm mình là sự hòa hợp, thanh tịnh của bản tâm.  

“Đệ tử hôm nay quỳ trước điện, 
Chí tâm đảnh lễ đấng Từ Tôn, 
Đã bao phen sanh tử dập dồn, 
Trôi lăn mãi trong vòng lục đạo, 
Thế Tôn đã đinh ninh di giáo, 
Mà con còn đắm đuối mê say, 
Mắt ưa xem huyễn cảnh hằng ngày, 
Tai thích tiếng mật đường dua nịnh, 
Mũi quen ngửi mùi thơm bất tịnh, 
Lưỡi dệt thêu lắm chuyện gay go, 
Thân ham dùng gấm vóc sa sô, 
Ý mơ tưởng bao la vũ trụ, 
Bởi lục dục lòng tham không đủ, 
Lấp che mờ trí tuệ từ lâu, 
Hôm nay con giác ngộ hồi đầu, 
Xin sám hối phơi bày tỏ rõ, 
Nguyện tội ác từ nay lìa bỏ, 
Chuyển sáu căn ra khỏi lầm mê, 
Trước đài sen thành kính hướng về, 
Tịnh tâm ý quy y Tam Bảo, 
Phật giới cấm chuyên trì chu đáo, 
Dứt tận cùng cội rễ vô minh, 
Chí phàm phu tự lực khó thành, 
Cầu đức Phật từ bi gia hộ, 
Dầu phải chịu muôn ngàn gian khổ, 
Con dốc lòng vì đạo hy sinh, 
Nương từ quang tìm đến bảo thành, 
Đặng tự giác giác tha viên mãn.”


Sau bài Pháp thoại để cho quý đạo hữu Phật tử hiểu rõ hơn về Qui y Tam bảo, Đại đức đã cử hành nghi lễ Quy y theo như đúng chánh pháp. Dưới sự hướng dẫn của đại đức, đạo hữu Phật tử đã phát lồ sám hối cho ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh, chí thành phát nguyện Quy y Tam Bảo và thọ trì 5 giới cùng 7 điều nguyện.
 








 
Tin, ảnh: Nguyên Bình - Quảng Hoàng
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 474
  • Khách viếng thăm: 442
  • Máy chủ tìm kiếm: 32
  • Hôm nay: 109583
  • Tháng hiện tại: 2072355
  • Tổng lượt truy cập: 90963928
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012