Dốc sương mù

Đăng lúc: Thứ ba - 30/10/2012 08:52 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Dốc sương mù

Dốc sương mù

Lão về đến cổng, cái cổng bằng tre vốn cũ kỹ rêu đen vì mưa gió, do đã làm quá lâu, lại luôn chịu sự xô đẩy thô bạo khi lão có rượu. Tiếng đập mạnh hơn tiếng nói lảm nhảm và tiếng chửi đời mỗi lúc lão say đã quen với gia đình lão.
Vợ lão đang phơi đồ, nghe thấy tiếng lão và cái bóng liêu xiêu, vội kêu tụi nhỏ: Mau cất đồ đi, bố mày về rồi đó!
Mấy đứa con lão nhanh nhẹn đến cho ti vi, quạt máy và cả tượng Phật vào tủ cất cẩn thận. Vì làm nhiều lần như thế nên mấy đứa nhỏ như đã thuộc lòng, chẳng cần hỏi han nhiều.
Trong bóng tối đầu ngõ, lão đi lệch lệch, xiêu vẹo bên phải rồi bên trái, chân quẹt xuống đất, áo xống xộc xệch nút tuột nút cài, tay chỉ chỉ, miệng nói lảm nhảm. Chưa vào tới sân lão đã chửi vợ: Thứ cô chỉ biết gõ mõ tụng kinh… Cô giỏi lắm! Giỏi thiệt! Nếu giỏi thì sinh cho tôi một thằng con trai cho bằng mặt bằng mày với xóm làng anh em.
Thấy lão sắp té, vợ lão đến đỡ lấy, dìu vào trong. Cô còn thương tôi sao, hay thương hại? Nhục nhã với người ta quá! - lão nói. Ba đứa con gái tội nghiệp đứng nép sát sau cánh cửa, vẻ mặt đầy lo sợ. Lão ngồi trên giường, ném con búp bê xuống nhà thật mạnh. Đứa con gái út bỗng khóc ré lên. Lão quay lại, đôi mắt như muốn nổ tung sự căm phẫn tức tối lâu ngày, quát: Chúng mày im đi, chúng mày là một lũ vịt trời, chẳng có tích sự gì cả…, còn khóc cái nỗi gì nữa!
Cảnh tượng này cả xóm dốc nhỏ này ai cũng biết, lúc đầu còn có người qua lại, khuyên ngắn khuyên dài, nhưng riết rồi mọi người đều chán, coi như bình thường.
Vì lão chưa có con trai nối dõi tông đường, nên mỗi lúc giỗ chạp đều phải ngồi mâm dưới; họp mặt cưới xin đều nghe người ta nói chuyện con trai con gái... Nào con gái là con người ta, lấy chồng bỏ mẹ bỏ cha… Cái dốc nhỏ này ai cũng cố đẻ cho được con trai, nhiều thì được xem như nhiều phước. Rồi lúc bạn bè chén tạc chén thù, lại lôi nỗi đau cổ hủ của xóm này ra, bàn tán, nói qua lại. Mỗi lần như thế, lão về nhà chửi vợ chửi con. Rồi bao nhiêu vật dụng trong nhà cũng bị lão đập vỡ cho đỡ tức; chén bát thì cái mẻ nhiều hơn cái lành, nồi niêu méo nhiều hơn tròn, mấy cái ghế cũng bị gãy một hai chân, trong nhà chỉ còn ti vi, quạt gió và... tượng Phật Bà Quán Thế Âm. Cho nên mỗi lần như vậy vợ lão lại cất tượng Phật vào nơi an toàn nhất như gởi trọn niềm mong ước được yên bình.

***

Nắng vàng đã đổ xuống trước chái nhà, trải một màu vàng rực. Lão đang còn mơ màng trong giấc ngủ, người hàng xóm vội vàng báo tin vợ lão được người ta chở đi cấp cứu vì động thai. Lão cấp tốc chạy lên trạm y tế xã, được bác sĩ cho biết vợ lão bị băng huyết, nguy hiểm đến cả thai nhi và mẹ, nên cần chuyển lên bệnh viện tỉnh mới có hy vọng.
Lâu lắm rồi lão mới nhìn mặt vợ mình thật kỹ: khuôn mặt hao gầy, nước da đen nhẻm, đôi mắt lờ mờ với hai dòng nước mắt chảy dài... Bỗng dưng lão thấy sợ, sợ đánh mất đi những gì mà lão xem thường. Trước đây lão cho vợ là vô tích sự, nhưng giờ, với lão, con người nhỏ nhoi, yếu ớt kia quan trọng đến thế nào. Lão không cần con trai, không cần nở mặt nở mày nữa…, giờ lão chỉ cần vợ, cần những con vịt trời mà lão thường ca cẩm, cần một gia đình thật bình thường. Nhưng tất cả sao mong manh, dễ vỡ quá...
Vợ lão được những người họ hàng làng xóm nhiệt tình đưa lên bệnh viện tỉnh, còn lão phải vội trở về lo tiền nong và một số vật dụng cần thiết để đem lên sau.
Về tới nhà, lão thấy vắng hẳn, vắng cái dáng khắc khổ của vợ. Thường thì giờ này vợ lão chuẩn bị khoác áo tràng lên chùa tụng kinh. Bất chợt, lão nhớ ra một điều,... một niềm tin mà bấy lâu nay lão cho là hão huyền. Lão vội vàng bước đi trong bóng tối, chân nọ chưa bước chân kia đã muốn chạm đất. Cái dốc chùa... hình như lâu lắm rồi, mà thật ra là chưa bao giờ lão lên đến đỉnh dốc ấy. Gió cứ lùa, đêm đen kịt, không rõ nỗ lực nào đã đưa lão đến trước cổng ngôi chùa bé nhỏ. Lão ngập ngừng, bước chậm lại, từng bước lạ lẫm...
Trong phòng khách, sư trụ trì đang viết gì đó. Ánh sáng từ ngọn đèn lọt qua khe cửa sổ. Ánh sáng như niềm tin sưởi ấm con tim lạnh giá, vô định của lão. Đứng ngoài cửa, lão chẳng dám nói gì, chỉ nhìn một lúc rồi quay lưng đi.
Sư thấy bóng người, vội ngừng viết ra ngoài. Thấy dáng khắc khổ của lão, sư như chợt hiểu ra một điều gì đó...
Hai người ngồi ở cái bàn nhỏ bằng đá ở sân chùa. Trước dáng từ hòa của sư trụ trì, nỗi đau ngự trị trong trái tim lão như chợt vỡ ra. Giọng lão nhỏ, chậm, đứt quãng; từng lời như lời sám hối, như lời cầu mong sự tha thứ, bao dung...
Với vẻ uy nghiêm, sư nói: Phật dạy, trên cuộc đời này có hai hạng người đáng quý. Đó là người không phạm lỗi và người phạm lỗi mà biết sám hối, sửa chữa, biết quay lại, biết đứng lên nơi mình bị vấp ngã. Thân người khó được, Phật pháp khó nghe, khi sống phải tạo duyên lành - cuộc sống vợ chồng, nghĩa cha con hôm nay hạnh phúc, mai khổ đau, nay hội tụ mai chia ly âu cũng là duyên nghiệp. Con cái tiền của là phước nghiệp, nên hãy sống trọn vẹn với những người thân xung quanh mình kẻo mai kia lại hối tiếc. Phải biết trút bỏ phiền não, tham đắm - nhất là đắm vào men rượu, vì nó là loại thuốc độc, làm mất trí huệ, mất bản tâm trong sáng, mất sức khỏe và sự tự chủ của bản tâm, làm cho hạnh phúc gia đình rạn nứt. Xưa có vị Tỳ-kheo phạm giới uống rượu mà kéo theo không biết bao nhiêu giới khác nữa, huống chi người thế tục. Từ nay hãy sống trong tỉnh thức, an lành, quy y Tam bảo, giữ gìn Ngũ giới để cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Dù gió vẫn thổi, nhưng lão thấy lòng mình ấm hơn, như đi trong đêm tối gặp được ánh đuốc và những sương gió của cuộc đời như được chối bỏ trong lòng lão.
Sư dẫn lão lên chùa lễ Phật. Quỳ dưới chân Đức Bổn Sư, lão thấy ánh mắt từ hòa của Ngài. Lần đầu lạy Phật, nhưng lão lạy từ tốn, lạy bằng cả tấm lòng thành, thiết tha cầu mong; lão như giọt nước trở về tan biến giữa dòng đại dương mênh mông vô tận.
Sư trụ trì ghi tên cầu an cho gia đình lão, gởi lão ít tiền về lo bệnh tình cho vợ lão, cả số tiền trong đạo tràng Phật tử vợ lão sinh hoạt. Lão ra về, cúi chào sư trụ trì, nhìn sư như thầm cảm ơn, nhưng lão không nói được thành lời...
Như một sự nhiệm mầu, kể cả bác sĩ cũng ngạc nhiên với bệnh tình của vợ lão. Sức khỏe vợ lão khá hơn rất nhiều, được ba, bốn hôm thì bác sĩ quyết định mổ. Một cậu bé chào đời - mẹ tròn con vuông. Lão mừng, hạnh phúc như chính lão từ cõi chết trở về, như sự sám hối của lão được phép mầu ban tặng.
Từ đó cuộc sống gia đình lão êm đềm, hạnh phúc; cuộc sống ở con dốc nhỏ này càng có ý nghĩa hơn với lão. Trong lần quy y này, người ta thấy tên lão đứng đầu trong danh sách Phật tử.
Người ta thấy lão hay lên chùa lễ Phật hơn, những viên ngói hỏng được lão thay, ống nước chùa hư lão cũng sửa. Rồi mảnh vườn đầy cỏ dại được lão dẩy sạch. Những chậu cảnh được tưới nước đều, chăm sóc nhiều hơn, sân chùa bây giờ thường xuyên có người quét lá.
Trên chiếc xe đạp cọc cạch, lão đèo mớ rau, quả cà mà lão trồng được lên cúng chùa. Có khi lão còn đèo thêm cậu con trai út, hai cha con đi trong nắng chiều loang lổ. Những giọt mồ hôi ướt trên trán lão, nhưng vòng quay vẫn đều đều nhịp nhàng. Lão cảm thấy hạnh phúc đang đong đầy trong lồng ngực mỗi lần qua dốc lên chùa.

***
Vòng xoáy cuộc đời cứ trôi, mái tóc lão giờ cũng phôi phai, những nếp nhăn thời gian dần rõ nét. Nhưng những đứa con của lão rất ngoan hiền, lão cảm thấy ông trời không phụ tấm chân thành của lão.
Thằng bé bây giờ đã bước sang tuổi 12. Có những hôm Chủ nhật nghỉ học, nó lên chùa phụ giúp sư rồi ngủ lại trên đó; nó còn giúp sư biên chép một số giấy tờ. Trong xóm dốc nhỏ này ai cũng thầm khen thằng bé và mến gia đình lão.
Cuộc sống nơi chùa nhỏ này đã ít nhiều ăn sâu vào lòng thằng bé. Nó cảm nhận được hương vị lối sống của sư cả, của câu niệm Di Đà, của những buổi tọa thiền. Điều đó đã làm trỗi dậy sức sống thiền môn nơi cậu. Thế là cậu về nhà xin cha mẹ được xuất gia tu hành. Lúc đầu, lão nói rõ cuộc sống thiền môn rất cực khổ, liệu nó có vượt qua được không? Với lại nó là đứa con trai duy nhất nên phải ở nhà lấy vợ lo cho gia đình, chăm sóc bố mẹ lúc tuổi già. Nhưng hơn ai hết, lão cũng hiểu được đây là ý chí cao đẹp mà không phải ai cũng muốn dấn thân. Lão sợ rằng trên cuộc hành trình đến bến đạo, liệu con lão có vững bước trên muôn trùng sóng gió hay không.
Sáng hôm sau, hai vợ chồng lão thỉnh ý sư cả về việc con lão muốn đi tu. Sư nói: Xuất gia đâu phải dễ, đó là do nhiều kiếp gieo trồng hạt giống bồ-đề. Thằng bé muốn làm tu sĩ, chọn con đường từ bỏ là phát tâm lành. Sư không bắt ai phải xuất gia, nhưng dĩ nhiên không từ chối người tự nguyện xả bỏ thế tục để đến với lý tưởng sâu rộng. Nhưng cuộc sống nơi am viện, cần nỗ lực tinh tấn đối mặt với những sầu muộn cõi lòng, cõi trần, làm được như vậy cũng cần phải cố gắng không ít.
Sư nhìn thằng bé, hỏi: Ý con thế nào?
Thằng bé trả lời: Bạch thầy, thưa cha mẹ, con muốn đi tu ạ!
...Và rồi ngày lành ấy cũng đến. Từ sáng sớm, trên con đường dốc quen thuộc, lão cùng đứa con trai lên chùa. Lão thấy lòng mình như một rừng hoa ngát hương. Một con đường nhỏ, một bờ cỏ dại, những cây kơ-nia già cỗi rung rinh tán lá cúi chào. Sương mù dày đặc - một màu trắng mờ ảo như cảnh thiên đường.
Trong ngôi chùa nhỏ, Phật tử đã chuẩn bị lễ lộc đầy đủ, có hoa có quả. Có những ngọn nến vàng thành kính dâng lên đấng Từ Phụ, có những làn hương trầm thanh khiết và chung một tấm chân thành.
Nhịp mõ an hòa, lời kinh nồng ấm... Giọng trầm khàn của sư cả nghe sâu lắng. Sư giảng về đời sống nhân sinh, về đạo Phật nơi trần thế, về duyên lành thế phát xuất gia... Trong không khí trang nghiêm thành kính, mọi người lắng lòng nhìn ánh dao lướt nhẹ trên đầu cậu bé. Những lọn tóc non xanh lả tả rơi xuống thềm. Người thì xúc động bồi hồi nuối tiếc, người thì cảm thấy mất mát. Có những tiếng nấc nghẹn ngào, rưng rưng dòng nước mắt của những bà cụ tóc bạc. Nhưng hơn hết vẫn là niềm hy vọng mong chờ ánh sáng từ bi sẽ lan tỏa khắp đến con đường ngõ hẻm của con dốc nhỏ này. Còn lão, lão cảm thấy chút chia ly mất mát xen lẫn niềm vui sướng rạng ngời. Lão biết rằng lão đang hạnh phúc, vì con trai lão đã chối bỏ trần gian phiền lụy để chọn cho mình một lối đi thênh thang.
Chiều tàn, ánh vàng nhạt yếu ớt làm cho hai cái bóng vợ chồng lão dài và nhỏ lại. Hai bàn tay dìu nhau xuống con dốc; một tà áo dài lam khẽ bay trong gió. Lại một tiếng chuông chùa nữa nhẹ rơi...

Truyện ngắn của Tuệ Nghiêm
 

Nguồn tin: www.giacngo.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 427
  • Khách viếng thăm: 421
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 63941
  • Tháng hiện tại: 1857816
  • Tổng lượt truy cập: 87662419
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012