Hầu như ai cũng cho rằng tiền bạc, sắc đẹp, danh tiếng, địa vị xã hội… là những yếu tố mang lại hạnh phúc. Tuy nhiên qua trải nghiệm, người ta thấy rằng hạnh phúc còn tùy thuộc rất nhiều vào quan niệm, nhận thức, sự cảm nhận của mỗi người, và điều kiện hạnh phúc của mỗi người cũng không giống nhau. Đa phần nam giới nhận thấy yếu tố mang lại hạnh phúc cho họ là quyền lực, địa vị và tiền bạc. Trong khi đó yếu tố mang lại hạnh phúc cho phụ nữ thiên về tình yêu, gia đình, con cái.
Thử tìm hiểu xem những phụ nữ thành đạt có hạnh phúc không, thì thấy rằng thành đạt không phải là nhân tố quyết định mang lại hạnh phúc. Có rất nhiều phụ nữ thành công trong sự nghiệp, có nhiều tiền, có danh tiếng, địa vị trong xã hội nhưng họ không hạnh phúc. Còn đàn ông thành đạt có hạnh phúc không? Các nghiên cứu cho biết hạnh phúc không phụ thuộc vào các yếu tố quyền lực, địa vị và tiền tài. Cũng chính vì thế, một điều khiến cho người ta khó có thể tin là người nghèo thường cảm nhận hạnh phúc nhiều hơn người giàu (kết quả thăm dò của Nielsen về sự cảm nhận hạnh phúc ở những nhóm khác nhau: đàn ông và phụ nữ, người giàu và người nghèo). Xem ra từ bấy lâu người ta đã đánh giá sai lầm những giá trị sống. Cho rằng tiền bạc trong đời sống, nhất là đối với xã hội tiêu thụ thực dụng hiện nay, là điều kiện tất yếu mang lại hạnh phúc, dường như đó là nhận thức mang tính “thực tế” nhưng hóa ra lại sai lầm.
Vậy điều kiện của hạnh phúc là gì? Những nhân tố nào làm nên hạnh phúc? Tiền bạc, danh vọng, địa vị… chỉ là một trong những nhân tố góp phần làm nên hạnh phúc, chúng không phải là nhân tố duy nhất quyết định. Có thể hiểu hạnh phúc là trạng thái thoải mái, dễ chịu, cảm thấy thỏa mãn, hài lòng, sung sướng, vì thế nếu cơ thể không khỏe mạnh, gia đình không đầm ấm, các mối quan hệ không tốt đẹp, công việc gặp rắc rối, phải chịu nhiều áp lực căng thẳng trong cuộc sống thì liệu tiền bạc, danh vọng, địa vị có mang lại hạnh phúc cho chúng ta không? Chỉ khi cuộc sống có sự cân bằng hài hòa, hoặc chỉ khi chúng ta làm chủ được những tham muốn trong lòng, tìm thấy được niềm vui nội tại thì chúng ta mới có được hạnh phúc. Phải chăng đây mới chính là điều kiện của hạnh phúc?
Hạnh phúc có được từ sự làm chủ những tham muốn là thứ hạnh phúc không cần những điều kiện bên ngoài. Ví dụ như khi giúp đỡ được nhiều người mà không mong cầu tri ân báo đáp, chúng ta cảm thấy hạnh phúc và thoải mái hơn khi mong cầu việc làm đó mang lại danh tiếng và lợi ích cho mình. Chính nhận định sai lầm và những tham muốn không dừng về tiền tài, địa vị, quyền lực đã khiến cho người ta quên đi những giá trị sống khác như tình bạn, tình yêu, gia đình, lòng vị tha, bác ái, sự bình an và thanh thản của tâm hồn v.v… Những giá trị sống này mang lại hạnh phúc rất nhiều cho chúng ta, chúng luôn tồn tại nhưng vô tình chúng ta quên bỏ.
Những khát vọng, những tham muốn là động lực thúc đẩy chúng ta tìm cầu, tạo ra tiền của vật chất, danh vọng, địa vị, những cảm giác khoái lạc từ sự hưởng thụ nhưng chính nó cũng là nguyên nhân khiến chúng ta bất an, phiền não và mất đi sự tự do thanh thản. Chúng ta bị những tham muốn sai sử, bị hoàn cảnh bận rộn do mình tạo ra giam hãm, trói buộc, chúng ta bị áp lực, bị hành hạ bởi những nhu cầu ảo, những gì mình tưởng là chúng sẽ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho mình. Khi mong cầu không được toại nguyện thì khổ. Có được rồi nhưng bị mất đi cũng khổ. Nhưng đâu phải mong cầu nào cũng được toại nguyện và những gì ta có được đều tồn tại mãi với ta. Đó là chưa nói đến những tham muốn, mong cầu bất tận của con người. Chúng ta cứ đi từ tham muốn, mong cầu này đến tham muốn, mong cầu khác. Vì thế, khi biết đánh giá nhu cầu thực để đáp ứng những gì cần thiết cho cuộc sống và làm chủ những tham muốn, mong cầu, không để chúng thao túng, dẫn dắt, có sự rèn luyện tâm để định tĩnh, sáng suốt trước những mê hoặc, cám dỗ của thế giới bên ngoài thì chúng ta sống với sự bình an, thanh thản, chúng ta có được niềm vui nội tại, tức niềm vui từ bên trong không cần những điều kiện bên ngoài.
Tâm hồn càng rộng mở, quên đi ý niệm về “tôi” và những gì “của tôi”, không còn tham muốn chiếm hữu thì càng có bình an và hạnh phúc.
Hạnh phúc luôn là mục tiêu con người hướng đến. Sống thì ai cũng biết, cần nơi ăn chốn ở, cần ăn uống, ngủ nghỉ, rèn luyện, làm việc để cơ thể vật lý tồn tại; cần sinh hoạt, thưởng thức văn hóa tinh thần để nuôi dưỡng tình cảm, tâm lý. Tuy nhiên sống làm sao, sống như thế nào để có hạnh phúc là điều vô cùng quan trọng, đó là cả một nghệ thuật, đòi hỏi nhiều ở kỹ năng nhận thức, tư duy và hành động trong quá trình xây dựng cuộc sống.
Sự nhận thức sai lầm về các giá trị sống là nguyên nhân lớn dẫn đến đời sống không hạnh phúc. Nguyên nhân này chịu tác động rất nhiều từ nghiệp riêng của mỗi con người (biệt nghiệp), môi trường sống, gia đình và hoàn cảnh xã hội.
Bởi thế, có hạnh phúc hay không, có hạnh phúc nhiều hay ít tùy thuộc vào việc ta biết cảm nhận hạnh phúc hay không, biết cảm nhận ít hay nhiều, và quan trọng là tùy thuộc vào việc ta biết tạo ra hạnh phúc cho chính mình hay không?
Ý kiến bạn đọc