Mình không phải là kẻ thù của chính mình

Đăng lúc: Chủ nhật - 12/04/2015 06:50 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Mình không phải là kẻ thù của chính mình

Mình không phải là kẻ thù của chính mình

Trong phép quán "Tứ niệm xứ", phép quán đầu tiên chính là quán "thân bất tịnh". Nhưng lâu nay hễ nhắc tới phép quán trên là người ta lại cho rằng cái thân này chẳng đáng quý gì, vì nó chỉ chứa đầy những thứ cấu nhiễm, ô uế... Có thể từ cách hiểu này mà người ta nói rằng: "Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình". Đáng kinh ngạc hơn cả khi họ gắn câu nói này vào miệng Phật, cho in thành những bức tranh màu sắc để treo trong nhà.
Quán thân bất tịnh cũng chính là phép quán thân trên thân, hay còn gọi là niệm thân (một trong 4 phép quán - tứ niệm xứ). Thông thường người ta thường lấy sự dễ chịu, thỏa mãn của các giác quan làm điều hạnh phúc, như ăn ngon, mặc đẹp, ngửi mùi thơm, nghe tiếng khen, ngủ nghỉ ở những nơi tiện nghi êm ấm... Điều này được nhà Phật gọi đó là "dục sinh hỷ lạc". Nhưng đó chỉ là những hạnh phúc tạm thời do đạt được sự thỏa mãn tạm thời. Vì sao gọi là tạm thời, vì vị ngon ăn hoài sẽ chán, đồ đẹp mặc vài ba ngày là muốn thay, lời khen không đúng với bản thân mình trở thành áp lực, nhà ở luôn luôn muốn thay đổi để tiện nghi, thoải mái... Cho đến khi không còn sức lực để đạt được những ham muốn đó nữa thì con người đau khổ và dần mòn chết đi trong đau khổ, tiếc nuối. 

Hạnh phúc (dục sinh hỷ lạc) này không phải là hạnh phúc mà Phật giáo hướng đến, vì nó không bền vững, bởi càng tìm cầu những thứ hạnh phúc tạm thời này thì càng khổ. Người ta nói "người giàu cũng khóc" là vì vậy.

Khi 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với 6 cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), nếu sinh ra sự dễ chịu, thì người ta sẽ mong muốn nó tồn tại mãi, không rời xa mình. Tuy nhiên, do tất cả các pháp đều vô thường, không bền vững, nên bất cứ lúc nào cũng có thể mất đi và khiến người ta đau khổ. Đang khỏe mạnh cường tráng trở nên đau yếu cũng khổ. Đang ở nhà cao tốt đẹp rộng lớn bị phá sản, bị thiên tai, địch họa cũng khổ... Có rất nhiều nỗi khổ không như ý bao vây chung quanh mình như thế, vì vậy trong tâm kinh Bát Nhã mới nói rất cụ thể: "Bồ tát Quán Tự Tại thực hành trí tuệ bát nhã sâu xa, soi thấy 5 uẩn đều không, nên vượt tất cả khổ ách...".

Trong ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), riêng sắc uẩn đã chứa đựng đầy đủ yếu tố vật chất để cấu thành nên con người (tạm gọi là thân tứ đại: đất, nước, gió, lửa). Khi quán ngũ uẩn giai không, thì sẽ không chấp vào sự tồn tại mãi mãi, bởi thân này được cấu tạo bằng 4 yếu tố: yếu tố mềm cứng và chiếm lĩnh gọi là địa, yếu tố kết dính và ẩm ướt gọi là thủy, yếu tố nhiệt độ làm cho trạng thái này trở thành trạng thái kia gọi là hỏa, yếu tố di chuyển không ngừng gọi là phong... Thấy rõ thân này đang sinh diệt trong từng giây phút, không có một tự ngã tồn tại bất biến, thì sẽ giảm được nỗi khổ do sợ hãi cái chết đem đến. 

Nếu chỉ khuyên người ta ráng tu tâm đi mà không cho người ta phương pháp quán chiếu, thì càng truy tìm hạnh phúc càng thấy mình khổ nhiều hơn người khác. Bởi phần lớn khổ là do ảo giác gây ra. Học Phật chính là học để thấy rõ những nỗi khổ do ảo giác, khi thấy rõ nỗi khổ và không bị ràng buộc bởi nỗi khổ thì sẽ có điều kiện để tiếp cận hạnh phúc.

Thông thường cái nào đau cũng gây ra khổ, nhưng cái không vừa ý, không chấp nhận sự thực sẽ gây ra khổ nhiều hơn. Do đó, khổ vốn đã tự nhiên rồi lại cộng thêm tâm phản ứng nữa thì gọi là khổ khổ, tức khổ chồng lên khổ. Người mình thương mà làm mình bị đau thì mình ít thấy khổ, nhưng người mình ghét mà làm mình bị đau thì khổ sẽ gia tăng, thậm chí có thể biến đau khổ thành thù hận. 

Tuy nhiên, ngay cả việc lệ thuộc vào cảm giác dễ chịu vì một sự sở hữu nào đó cũng sinh ra khổ, chẳng hạn hầu như người phụ nữ nào cũng cảm giác dễ chịu khi có dây chuyền hay nhẫn đeo, đến khi không có dây chuyền hay nhẫn đeo thì có cảm giác khổ. Ở đây, dây chuyền hay nhẫn không gây ra khổ mà cái cảm giác cho rằng như thế mới dễ chịu mới gây ra khổ.

Nói chung ít nhiều ai cũng có đau khổ, nhưng tất cả đau khổ đều do không vừa ý mình mà ra, đau nhiều lúc cũng là cái đau tự nhiên, ai bị đánh đập cũng đau, nhưng cái khổ của mỗi người khác nhau là do cảm giác. Vì thế biến đau thành khổ, biến đau khổ thành bất hạnh phần lớn nằm ở cảm giác, bởi đối tượng bên ngoài không phải là nguyên nhân của đau khổ, mà chính do tâm chúng ta nuôi dưỡng quá nhiều hạt giống đau khổ, hạt giống ấy chỉ chờ gặp đủ duyên từ bên ngoài mang đến bèn nảy mầm, đơm hoa kết quả. Do đó, khi xảy ra đau khổ, thì phải quán xem mình đang đau khổ vì cái gì, điều gì, nguyên nhân nằm ở đâu...

Quán thân trên thân chính là quán trọn vẹn cái thân vật chất đó, ghi nhận toàn bộ diễn biến của 6 căn, 6 cảnh, 6 thức, thì chính là quán niệm, biết được yếu tố nào trong thân tâm mình đang hoạt động mạnh nhất và để lại nhiều hậu quả nhất thì có được tỉnh giác, và khi biết được sự sinh diệt của các cảm xúc đó thì sẽ có chánh niệm. Chẳng hạn người ta thường ví dụ "cần phải ăn trong chánh niệm", nhưng thực ra việc chú tâm vào ăn (nhai) mới chỉ là niệm. Chỉ khi cảm nhận được sự ngọt béo, cứng mềm trong hành động nhai thì mới có tỉnh giác, biết rõ sự thay đổ liên tục của vị ngọt béo từ lúc nhai cho đến lúc thôi nhai là đi vào chánh niệm... Cứ như vậy rèn luyện cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, cái xúc, cái biết như vậy thì đi đứng nằm ngồi đều có chánh niệm, từ chánh niệm ấy mà sinh ra sự nhẹ nhàng, an vui, hạnh phúc...

Khi lìa được ham muốn và các cảm giác về ham muốn (thường gây ra đau khổ), thì nhà Phật gọi đó là trạng thái "ly dục sinh hỷ lạc", khác với trạng thái "dục sinh hỷ lạc". Do đó, hạnh phúc của người tu tập là hàng ngày thực tập chánh niệm, do niệm mà có định, do định mà có tuệ. Hơn nữa, nếu quán sát kỹ, chúng ta sẽ thấy trong niệm có chứa sẵn định - tuệ, trong định - tuệ cũng có chứa sẵn niệm. Nếu tu cho đến tóc bạc mặt nhăn mà không có định tuệ, thì kể như cũng không có niệm, mà không có cả 3 thứ trên thì coi như vẫn còn đau khổ dài dài.

Như vậy quán thân trên thân, hay niệm thân, không phải là chê bai, ghét bỏ gì bản thân mình. Bởi bản thân mình nhờ thực tập chính niệm mà hoàn thiện giới - định - tuệ. Khi có niệm - định - tuệ thì sẽ biết rõ khổ đau thực sự của mình đến từ đâu, và chỉ khi biết rõ khổ đau của mình thì mới có cơ hội chuyển hóa khổ đau, từ đó sống trong chánh niệm, an vui, giải thoát. 

Cần phải khẳng định lại một lần nữa, không phải quán thân bất tịnh (niệm thân) là ghét bỏ thân mình, coi mình là kẻ thù của chính mình, bởi một người không hạnh phúc thì không thể đem lại hạnh phúc cho người khác, và một người không yêu quý bản thân mình thì cũng khó lòng yêu quý người khác được...

Thân này dù có cấu nhiễm, nhưng thân này cũng là thân giải thoát, là Phật thân vậy!
 
Tác giả bài viết: Thích Thanh Thắng
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 459
  • Khách viếng thăm: 444
  • Máy chủ tìm kiếm: 15
  • Hôm nay: 72316
  • Tháng hiện tại: 2300658
  • Tổng lượt truy cập: 91192231
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012