Định trong Phật giáo căn bản là Tứ thiền. “Hãy lựa một chỗ thanh vắng, vị ấy ngồi kiết-già, lưng thẳng tại chỗ nói trên và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ tham ái, từ bỏ sân hận, từ bỏ hôn trầm thụy miên, từ bỏ trạo cử hối tiếc, từ bỏ nghi ngờ”. Phát triển năm thiền chi (tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm) để đoạn trừ năm triền cái tương ứng (hôn trầm, nghi ngờ, sân hận, trạo cử, tham dục) là nền móng của định. Thiền chi và triền cái như nước với lửa, không tồn tại cùng nhau. Khi cả năm thiền chi đều hiện hữu, năm triền cái được đoạn trừ, bấy giờ hành giả chứng Sơ thiền.
Đặc điểm quan trọng của thiền là tâm an tịnh và tràn ngập hỷ lạc. Định càng thâm sâu khi buông xả tầm và tứ, hành giả bước sang Nhị thiền. Tiếp tục “ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú thiền thứ ba”, Tam thiền. Buông xả hết, tâm đạt đến trạng thái “xả niệm thanh tịnh” thì vào Tứ thiền.
Thành tựu Tứ thiền có thể xem như đã đạt được chánh định. Từ đây, vị Tỷ-kheo tu tập thiền quán, lần lượt đoạn trừ mười kiết sử và chứng đắc Sơ quả Tu-đà-hoàn cho đến Tứ quả A-la-hán. “Này Bà-la-môn, đối với những Tỷ-kheo nào là bậc hữu học, tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu sự vô thượng an tịnh các triền ách, đó là sự giảng dạy của Ta như vậy đối với những vị ấy. Còn đối với những vị Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát, những pháp ấy đưa đến sự hiện tại lạc trú và chánh niệm tỉnh giác”.
Lộ trình cơ bản đã rõ ràng, ai đi trọn thì về đích, ai đi chưa trọn thì cần phải đi thêm. Cho nên khi Bà-la-môn Ganaka Moggallàna hỏi “Các đệ tử của Sa-môn Gotama, khi được Sa-môn Gotama khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, có phải tất cả đều chứng được cứu cánh đích Niết-bàn hay chỉ có một số chứng được?”. Thế Tôn đã xác định “Này Bà-la-môn, một số đệ tử của Ta, khi được khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một số chứng được cứu cánh đích Niết-bàn, một số không chứng được”.
Bà-la-môn Ganaka Moggallàna lại thắc mắc: “Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì trong khi có mặt Niết-bàn, trong khi có mặt con đường đưa đến Niết-bàn, trong khi có mặt Tôn giả Gotama là bậc chỉ đường, tuy vậy các đệ tử Tôn giả Gotama, được Tôn giả Gotama khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một số chứng được cứu cánh đích Niết-bàn, một số không chứng được?”. Mọi thứ đã có sẵn, giáo pháp đã chỉ bày, lộ trình được hướng dẫn chi tiết nhưng vì sao không nhiều người tu chứng? Đơn giản vì tu chưa tới hoặc tu mà giải đãi, thích tìm vỏ cây hơn là lõi cây.
Thế Tôn dùng ví dụ có người hỏi đường đi đến Rajagaha (Vương-xá) để trả lời cho câu hỏi của Bà-la-môn Ganaka Moggallàna. Chỉ bày thật chi tiết, rõ ràng nhưng có người lại lấy con đường sai lạc mà đi nên không thể đến Rajagaha. Nhưng cùng một cách chỉ đường đó nhiều người đã đến Rajagaha một cách an toàn.
Như thế, việc đến được Rajagaha hay không là tùy thuộc vào nhận thức, nỗ lực của người đi chứ không phải người chỉ đường. Ngài khẳng định “Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi có mặt Niết-bàn, trong khi có mặt con đường đi đến Niết-bàn, và trong khi có mặt Ta là bậc chỉ đường. Nhưng các đệ tử của Ta, được Ta khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một số chứng được cứu cánh đích Niết-bàn, một số không chứng được. Ở đây, này Bà-la-môn, Ta làm gì được?Như Lai chỉ là người chỉ đường”.
Đây chính là quan điểm chủ đạo của Thế Tôn trong quá trình tu tập theo Chánh pháp. Điều này khẳng định tự lực là trọng tâm của pháp hành, “Hãy nương tựa hòn đảo chính mình”, “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Không ai có thể chuyển hóa nghiệp chướng hay hàng phục phiền não giúp ai và không ai có thể chịu khổ thay cho ai được.
Đạo Phật có cầu nguyện mà không cầu xin. Cầu nguyện đây chính Thánh cầu chứ không phải phi Thánh cầu. Cầu xin thì tuyệt đối không vì nhân quả luôn đúng đắn và công bằng. Như Lai phát hiện ra tiến trình nhân-duyên-quả của chúng sinh mà không can thiệp vào quá trình này. Khi chúng ta tu hành không có tiến bộ hoặc đi lạc đường, bỏ rơi mục tiêu Phạm hạnh rồi chịu nhiều đau khổ thì phải tự nhận lấy, không thể trách ai. Tuy nhiên, đau khổ cũng là cơ hội để nhận ra sự thật để làm lại từ đầu.
Với lòng từ bi vô lượng, Ngài rao giảng Chánh pháp từ khi thành đạo cho đến hơi thở cuối cùng, nhập Vô dư Niết-bàn. Lời xác quyết của Ngài “Ta làm gì được?Như Lai chỉ là người chỉ đường” là động lực cho chúng ta nhiếp tâm, tinh tấn, nỗ lực, nhất là không bao giờ cầu cạnh hay ỷ lại vào bất cứ ai. Dù cho mỗi ngày chúng ta đều cầu nguyện Tam bảo gia hộ nhưng luôn là Thánh cầu, cầu mong đầy đủ thiện duyên, ý chí kiên định, tinh tấn không ngừng nghỉ để tu tập chuyển hóa và thành tựu giải thoát trong đời này.
Trên lộ trình học đạo, bước quan trọng đầu tiên là học tập để thấy được con đường. Chính xác là mỗi người tùy theo căn cơ mà chọn cho mình pháp môn thích hợp. Dù pháp môn nào thì nội dung vẫn không ngoài chỉ, quán, kết hợp cả chỉ và quán; lộ trình tu vẫn không ngoài giới định tuệ. Sau khi được chỉ đường thì tự bước đi. Mọi sự giúp đỡ từ bên ngoài chỉ liên quan đến đời sống, sức khỏe hay động viên tinh thần. Còn sự tu tập và chứng đắc phải do chính mình nỗ lực, độc hành cho đến khi đắc đạo.
Nhiên Đạo
Ý kiến bạn đọc