Quan Âm xuất hiện với ba mươi hai ứng hiện thân, tức ở trong ba mươi hai hoàn cảnh tiêu biểu cho mọi tình huống, ngài đều thị hiện tương ưng để giải quyết bảy tai nạn cho người thế gian.
Chữ Phạn của tên gọi này là Avalokitvesvara, thường được dịch sát là Quán Tự Tại. Chữ Tự Tại (Isvara) này không hề mang nghĩa thanh thản độc lập như nhiều người vẫn nghĩ. Nó là một từ tố thường thấy ngay sau tên gọi của các vị thần Ấn Độ, một chút dấu vết của Ấn giáo, xa hơn một tí là Bà-la-môn giáo thời xưa. Nói mấy cũng không đủ, với phương tiện Internet ngày nay, người muốn biết xin cứ Online thì rõ. Nãy giờ chỉ nói cái tên; nhưng cái ý nghĩa, hay vai trò của khái niệm Quán Thế Âm mới là quan trọng.
Nguồn gốc của hình tượng Quán Âm xuất phát từ Ấn Độ qua các kinh luận hậu tác như Đại Bổn A-di-đà (quyển thượng), Vô Lượng Thọ Kinh (quyển hạ), Hoa Nghiêm (phẩm Nhập Pháp Giới, thứ 39, quyển IV), Lăng Nghiêm (quyển 6) và Pháp Hoa (phẩm Phổ Môn). Thời điểm ra đời của các Kinh – ngày nay không còn là chuyện mật nữa. Và hình tượng Quán Âm lúc đầu tại Ấn Độ chỉ là hình ảnh nhân cách hóa lòng từ bi của Phật giáo qua hình ảnh một vị thần mặt nữ mình nam. Từ sau lúc các kinh văn trên đây du nhập vào các xứ ngoài như Trung Hoa, Hàn Quốc, Việt Nam thì ta mới có thêm các giai thoại Quan Âm Diệu Thiện, Quan Âm Thị Kính. Người Tây Tạng còn cho các thần Tara (và cả đức Đạt-lai Lạt-ma) là hóa thân của vị Bồ-tát này. Dù ở đâu thì Bồ-tát Quán Âm cũng được thờ cúng, xưng tụng như một hộ thần linh hiển và nhiều từ bi, sẵn sàng ứng hiện kịp lúc để cứu người mắc nạn. Hình ảnh này rất đẹp, nhưng đã ngẫu nhiên dẫn đưa không ít thiên hạ ngày một xa rời lý tưởng giác ngộ của Phật giáo qua nhiều cách hiểu bất cập:
- Trước hết, thay vì học hạnh từ bi xả kỷ qua hình tượng đó, thì người ta chỉ nghĩ nhiều về chuyện cầu khẩn. Những đồn thổi về sự linh ứng của Bồ-tát Quán Âm đã xui nhiều người hồn nhiên cho rằng sống sao cũng được, miễn là gặp chuyện thì cầu. Thay vì chiếu lý mà nói, cầu khẩn hay phụng thờ hình tượng Quán Âm không sao sánh được với việc trau dồi từ tâm.
- Điều đáng tiếc thứ hai, nếu nói Bồ-tát linh hiển thì xin hỏi có phải bất cứ ai cầu khẩn Ngài cũng đều được giúp đỡ cả hay không? Chắc chắn là không rồi. Còn nếu bảo chỉ ai tu hành ngon lành hay có phước duyên sao đó mới được cứu thì xin hỏi sao lại phải cần đến sự giúp đỡ của ai nữa chứ, cứ lo tự tu là đủ rồi!
- Điều thứ ba, ai học Phật cũng biết rằng muốn thành Phật thì phải có đủ các hạnh lành như từ bi, trí tuệ, kham nhẫn... Và không hề có một vị Bồ-tát nào thiếu lòng từ bi mà có thể thành Phật. Nếu vậy, có hợp lý không khi cho rằng chỉ có Quán Âm Bồ-tát mới tầm thinh cứu khổ, nghe cầu thì tới? Hóa ra các Bồ-tát khác không được sẵn lòng như vậy hay sao? Cả kinh điển Nam tông lẫn Bắc truyền đều nhìn nhận rằng trong thế giới này luôn có vô lượng Bồ-tát, những vị sẽ thành Phật sau này, nếu chỉ có một vị Bồ-tát chịu khó tầm thinh cứu khổ thì xin hỏi các vị kia sao có thể gọi là Bồ-tát?
- Như vừa thưa ở trên, đã là Bồ-tát Bất Thối (người chắc chắn sẽ thành Phật) thì phải có lòng đại bi giống nhau và cái được gọi là sự giúp đỡ của ai đó, kể cả của các Bồ-tát thực ra chỉ là một cách nói. Nói nôm na là hồn ai nấy giữ. Chẳng hạn, ta không thể nói những kẻ bạo ngược được giàu sang là do các Bồ-tát phò hộ; và những người hiền lành bị khốn khó là do không cầu nguyện hoặc bị các Bồ-tát bỏ quên. Và nếu vậy việc réo gọi tên họ của các Bồ-tát có còn cần thiết không và càng vô lý khi chỉ réo tên một hai vị nào đó mà thôi? Làm vậy đúng là bỏ nhiều lấy ít. Đó cũng là trường hợp niệm Phật Di-đà, một vị Phật bên nhánh Bắc truyền. Thay vì trì niệm Nam Mô Vô Lượng Phật (Namo Amitabuddhānam), người ta chỉ thích chọn một vị thôi. Thế là chỉ còn Vô Lượng Thọ (Namo Amitāyubuddhāya) hay Vô Lượng Quang (Namo Amitābhabuddhāya). Đó là lý do vì sao bên Nam tông khi nhắc riêng một vị Phật thì là đức Bổn Sư Thích-ca, ngoài ra thì phải là chư Phật nói chung. Ở đây có ít nhất 2 điều cần lưu ý: Thứ nhất, đức Phật Thích-ca là vị Phật hiện tại trong thế giới này (ta đang tu học theo lời Ngài); và thứ hai, là hình tượng ấy hoàn toàn có thể được hiểu là hình ảnh chung của chư Phật ba đời mười phương. Ai muốn xác tín điều này xin tìm đọc nghi thức lễ bái Tam Bảo của Phật giáo Nam tông thì rõ.
- Điều cuối cùng, theo kinh điển Pāḷi (và thậm chí cả kinh sách Bắc truyền) thì trong trời đất này luôn có vô số những vị thiện thần sống ở khắp nơi, từ ngọn cây đầu cỏ đến núi rừng sông biển, và không ít trong số đó luôn có lòng giúp đỡ những người lâm nạn. Họ thấy thương thì giúp, còn chuyện giúp được hay không còn tùy ở phước nghiệp của bản thân người bị nạn. Những người từng nghe qua Bồ-tát Quán Âm, hay bà Maria, Thiên Hậu, cứ thấy sự lạ thì đổ hết cho các vị này. Từ những người đi biển đến kẻ trên cạn ai cũng phải có một địa chỉ để réo. Nói thiệt, cứ theo lối tin tưởng dân gian kiểu đó, cộng thêm sự tuyên truyền có chủ ý của một số người, chừng trăm năm nữa có thể Phật giáo chỉ còn lại những khái niệm thờ cúng, và cái tinh hoa Phật pháp vốn là kết tinh trí tuệ của một vị Phật dưới gốc Bồ-đề năm xưa sẽ là một vệt mờ trong lòng nhân loại. Tôi không là một người tu học ngon lành, nhưng tôi tin chắc một điều rằng bao nhiêu vấn đề lớn nhỏ của chúng sinh đều nằm trong chính mỗi cá nhân và nếu từng người không biết Tự Xử thì không ai ngoài ta có thể làm được chuyện đó. Nếu chư Phật làm được thì ngay lúc độc giả ngồi đọc những dòng chữ này của tôi thì thế giới đã không như ta đang nhìn thấy, và bản thân quý vị cũng đâu có khổ như bây giờ!
Nói vậy, tôi muốn thưa gì qua mấy dòng trên? Trước hết, chúng tôi tuyệt không phủ nhận sự trợ duyên, giúp đỡ của người này cho người kia, nhưng tôi cũng không hề tin rằng chỉ riêng tấm lòng của người giúp đỡ là đã đủ. Anh phải ra sao để có thể đón nhận sự giúp đỡ của người ta. Anh không thể đổ hết mọi sự cho một phía và bao giờ phần nỗ lực của riêng anh cũng phải là chính yếu. Điều thứ hai, người tu Phật không thể lấy hư làm thực khi lầm tưởng biểu tượng là thực thể, cũng như không lấy ít bỏ nhiều khi suy tôn một hạt cát nào đó trong sa mạc.
Bao nhiêu vẽ vời về hình tượng Quán Âm Bồ-tát có lẽ cần được hiểu là những mô tả sinh động về cái diệu dụng của tấm lòng Bồ-tát ở người cầu Phật đạo. Quá nặng lòng với những chi tiết đó hình như ta đã đi quá xa. Như trái tim là biểu tượng của tình yêu, bồ câu trắng tượng trưng cho hòa bình, hoa hồng đại biểu cho tình cảm,... Biểu tượng phải được hiểu là biểu tượng thì ta mới đi xa được. Một khi chất hết những tranh tượng trái tim, bồ câu hay hoa hồng lên bàn thờ để quỳ lạy cầu nguyện và xưng tụng là những thần thánh nào đó thì có lẽ người ta đã lạc đường rồi. Ngay cả việc thờ lạy tranh tượng đức Phật cũng cần được hiểu là việc ngắm nhìn một biểu tượng đẹp để tu học chứ không phải để van xin khấn vái nọ kia.
Theo những gì vừa trình bày, và cả tư tưởng Đại Thừa rất mực mênh mông, thì quanh ta có biết bao là những Bồ-tát. Và đã học hạnh Bồ-tát thì ai cũng phải có lòng đại bi. Kẻ sơ cơ thì thương người một ít, kẻ tu hành thâm hậu thì dẹp hết giới tuyến. Đã học hạnh Bồ-tát thì thấy ai khổ cũng thương, giúp ai được thì giúp, chẳng cần người ta phải lên tiếng réo gọi. Kiểu nói “con có khóc thì mẹ mới cho bú” là dành cho phần đông thiên hạ chưa học đạo Bồ-tát. Bồ-tát thứ thiệt luôn thương hết chúng sinh, không cần ai kêu, chỉ cần biết ai khổ thì tùy sức mà cứu, nhưng về kẻ muốn được cứu thì cũng đừng quá kỳ vọng vào ai khác ngoài bản thân. Một khi ta làm toàn những chuyện tự hại mình thì ba đời mười phương Bồ-tát cũng bó tay. Và nói vậy, quanh tôi lúc nào cũng có vô số Bồ-tát. Một số trong đó là tầm thinh cứu khổ (nghe kêu thì cứu), một số trong đó là cứu mà chẳng cần nghe kêu và một số thì có nghe kêu nhưng chưa hề cứu, phước tôi mỏng hay người ta có lòng mà không sức?
Thấy trong phòng sách của tôi có một bức tượng Quán Âm tuyệt đẹp, nhiều người lấy làm lạ, hỏi. Tôi luôn trả lời rằng đó là hình ảnh chung của tất cả Quán Âm trên đời. Tôi đặt bức tượng này trong phòng chỉ vì đó là bức tượng duy nhất mà tôi có. Theo kinh điển Pāḷi thì không riêng một Bồ-tát nào giàu lòng đại bi, và như vậy thì vị Bồ-tát nào cũng có thể là một Quán Âm cả. Tôi thờ Vô Lượng Phật chứ không chỉ một vị Vô Lượng Thọ hay Vô Lượng Quang, tôi thờ tất cả Quán Âm chứ không riêng một Diệu Thiện, Thị Kính hay Nam Hải Quán Âm nào hết. Đặc biệt từ sau ngày người Tàu muốn giành trọn 80% biển Đông mà họ vẫn gọi là Nam Hải gì đó thì tôi càng ít muốn nhắc về vùng biển này. Mong sao tất cả những người tin Phật muốn tu phải học, học để hiểu đúng, và hiểu đúng để chẳng tu lầm. Mong lắm vậy thay!
quán thế, tên gọi, nổi tiếng, hệ thống, phật giáo, tự tại, không hề, thanh thản, độc lập, một chút, dấu vết, phương tiện, ngày nay, nãy giờ, ý nghĩa, vai trò, khái niệm, quan trọng, xuất hiện, hiện thân, hoàn cảnh
Mã an toàn:
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...
Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.
Ngày thành lập : 12-09-2012
Ý kiến bạn đọc