Tầm quan trọng của việc tuân thủ Bố-tát thuyết giới được thể hiện rõ trong Luật tạng Đại phẩm (Mahavagga). Đại đức Mahā Kappina, ở vùng ngoại ô của Vương Xá, sau khi đạt được quả vị A-la-hán, liền cho rằng dù tôi có đi tham dự lễ Bố-tát hay không thì tôi vẫn hoàn toàn thanh tịnh, nên cảm thấy không hứng thú để đi. Lúc đó Đức Phật trú tại tinh xá Trúc Lâm, biết được tâm niệm của Đại đức Mahā Kappina, Ngài liền biến mất khỏi tinh xá và đến trước mặt vị ấy, hỏi: “Nếu các ngươi là những người có phạm hạnh không trọng vọng, không cung kính, không sùng bái, không cúng dường lễ Uposatha thì còn ai sẽ trọng vọng, sẽ cung kính, sẽ sùng bái, sẽ cúng dường lễ Bố-tát nữa. Này người có phạm hạnh, ngươi hãy đi tham dự lễ Bố-tát, chớ có không đi. Ngươi hãy đi tham dự hành sự của hội chúng, chớ có không đi”. “Bạch Ngài, xin vâng”, Đại đức Mahā Kappina đáp lời Đức Thế Tôn. Câu chuyện trên cho thấy tầm quan trọng của việc thực hiện nghi lễ Bố-tát như thế nào. Ngay cả vị A-la-hán cũng không được miễn nghĩa vụ cộng đồng nói chung, và lễ Bố-tát nói riêng.
Việc tuân thủ lễ Bố-tát phải được tổ chức trong sự thống nhất và hòa hợp. Không giống như các nghi lễ bình thường, tuy nhiên, bất kỳ Tỷ-kheo nào trú tại lãnh thổ nhưng không tham gia được vì bệnh duyên hoặc những Phật sự chính đáng khác thì phải gởi dự dục. Và người nhận dự dục phải ra trước Đại Tăng trình lên, như vậy mới đúng pháp.
Bất cứ trú xứ nào mà các Tỷ-kheo không hòa hợp tụ hội định kỳ nửa tháng làm lễ Bố-tát để tụng đọc giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa, thì nơi ấy Tăng đoàn được xem như là bị chia rẽ, chưa có sự hòa hợp. Và nếu trú xứ nào mà Tăng chúng định kỳ nửa tháng hòa hợp tụ hội để Bố-tát thì Tăng đoàn trú xứ ấy, xem như là hưng thịnh và được coi như có sự hiện diện của Đức Phật. Do đó, “Bố-tát là mạng mạch của Tăng đoàn, nên không có chúng Tỷ-kheo nào được gọi là Tăng mà không thực hành Bố-tát, ngoại trừ những kẻ lạm dụng Tăng để phá hoại Chánh pháp. Chỉ có ngoại đạo, kẻ tà kiến mới làm như vậy. Vì tính chất nghiêm trọng của Bố-tát là như vậy nên không thể không có Bố-tát trong sự sinh hoạt của Tăng”.
Mục đích chính của việc hành sự Bố-tát định kỳ nửa tháng là duy trì sinh mệnh tồn tại của Tăng đoàn theo tinh thần hòa hợp và thanh tịnh. Trong kinh Đại-bát Niết-bàn (Trường bộ, số 16), Đức Phật liệt kê 7 điều kiện sẽ giúp ngăn chặn sự suy yếu của Tăng chúng. Trong đó có nêu rằng, nếu “1- Chúng Tỷ-kheo thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau. 2- Chúng Tỷ-kheo tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc Tăng sự trong niệm đoàn kết” thì Tăng chúng sẽ được hưng thịnh không bị suy giảm.
Vào những ngày trai giới, những ô nhiễm lậu hoặc sẽ được lắng dịu, bị kiểm thúc với sự trợ giúp của việc tuân thủ lễ Bố-tát. Bởi vì, những ô nhiễm và những đam mê cao độ được kiểm soát khi chúng được nhìn thấy - đó là khi bản thân người quán sát lành mạnh, thanh tịnh nhất. Không thể kiềm chế các phiền não khi bản thân vị ấy không thấy biết rõ ràng, mặc dù chúng có thể hoạt động dưới dạng tùy miên (ngủ ngầm). Do đó, lễ Bố-tát vô cùng quan trọng, đây là một phương pháp giáo dục của Đức Phật nhằm củng cố việc hành trì giới luật cho các đệ tử của Ngài.
Ý kiến bạn đọc