Ý Nghĩa và Duyên khởi
Sau khi thành đạo, từ dưới gốc cây Bồ-đề, đức Thế Tôn đến vườn Nai, chuyển vận bánh xe chính pháp Tứ thánh đế, độ năm anh em Kiều-trần-như[1], từ đó Phật, Pháp và Tăng hiện hữu đầy đủ cả hai mặt lý và sự trong thế gian, làm chỗ nương tựa phước đức và trí tuệ cho hai thế giới nhân và thiên, nhằm hướng đến đời sống giải thoát, giác ngộ.
Giới luật hành trì đầu tiên của Tăng đoàn, theo Luật Tứ Phần, trong mười hai năm đầu chỉ bao gồm những lời dạy căn bản như sau:
“Khéo phòng hộ lời nói, tâm ý tự lắng trong, thân không làm điều ác, ba nghiệp đạo này tịnh, thực hành được như thế, là đạo đấng Đại Tiên”[2].
Và sau mười hai năm, kể từ khi thành đạo, đức Thế Tôn mới dạy nhiều về giới luật và pháp an cư cho Tăng đoàn. Ngài dạy pháp an cư cho Tăng đoàn, vì những lý do như sau:
– Do một số cư sĩ than phiền nhóm sáu Tỳ-kheo luôn luôn du hành trong dân gian, bất luận mùa nào, giẫm đạp làm chết vô số côn trùng.
– Họ còn than phiền rằng, những du sĩ ngoại đạo, một năm còn có những tháng ở yên một chỗ để tịnh tu. Ngay cả những loài vật, chúng cũng còn có những mùa trú ẩn, huống nữa Tăng sĩ dòng họ Thích, tại sao không có đời sống như vậy.Do duyên cớ trên, đức Phật quở trách nhóm sáu Tỳ-kheo ấy. Và Ngài chế định pháp an cư cho Tăng đoàn[3].
Song, an cư của Tăng đoàn không phải chỉ để tránh giẫm đạp sâu bọ hay cỏ non, khiến làm thương tổn lòng từ bi đối với muôn vật hay vì tránh những gì than phiền của hàng cư sĩ, mà còn có những ý nghĩa và mục đích sâu sắc hơn nữa, đó là:
– Nhằm trau dồi và nuôi lớn pháp Tam vô lậu học là giới, định, tuệ, để xứng đáng là “Chúng Trung Tôn” của bậc Trí, Đức hoàn toàn.
– Nhằm biểu lộ tinh thần thanh tịnh, hòa hợp và đồng bộ của Tăng đoàn. Và khi nào Tăng đoàn biểu lộ được tính chất ấy, thì chính pháp của đức Thế Tôn do Tăng đoàn tuyên dương mới có hiệu quả và chứng nghiệm hiện thực.
– Và nhằm củng cố niềm tin cho hàng đệ tử tại gia của đức Thế Tôn, đối với ngôi vị thế gian trú trì Tăng bảo.
– Và an cư là pháp truyền thống để trau dồi giới-định-tuệ của Tăng đoàn, đệ tử đức Thế Tôn trong ba đời.
Ý nghĩa pháp an cư như vậy, không phải chỉ được thực hành bởi Thanh Văn Tăng mà còn phải thực hành bởi Bồ-tát Tăng nữa[4].
Thanh Văn Tăng là Tăng chỉ thọ và hành trì theo Biệt giải thoát luật nghi, nhằm phòng hộ và giải thoát theo từng đối tượng cá biệt của các loại phiền não do duyên xúc và thọ, mà ái, thủ, hữu sinh khởi hay do duyên vô minh và hành, mà phiền não và các đối tượng của phiền não khởi sinh làm vẩn đục đời sống giải thoát hay đời sống chính mạng vốn thiết lập trên nền tảng của Tứ thánh chủng. Tứ thánh chủng là pháp hành của vị Tỳ-kheo, pháp hành ấy đã được đức Thế Tôn cụ thể hóa từ bản thể tịch diệt, thanh tịnh của Niết bàn.
Bồ-tát Tăng, là Tăng không những chỉ hành trì đầy đủ Biệt giải thoát luật nghi như Thanh Văn Tăng, mà còn thọ và hành trì Đại thừa Bồ-tát giới, tức là giới làm lợi ích cho hết thảy muôn loài, lấy bồ-đề tâm làm bản thể và tác nhân, lấy bồ-đề quả làm định hướng cho bồ-đề nguyện và bồ-đề hạnh.
Bất cứ xứ sở nào, các Tỳ- kheo cùng nhau tu tập, cùng nhau hòa hợp để an cư, sống bằng đời sống hòa hợp và thanh tịnh, thì xứ sở ấy, xem như Phật, Pháp, Tăng, có mặt đúng ý nghĩa, làm chứng cứ cho niềm tin của chư Thiên và loài người đối với chính pháp.
Nội Dung Pháp An Cư
Các Tỳ-kheo thực hành pháp an cư, là biểu hiện mẫu mực đời sống ly dục, tịch tịnh của một vị A-la-hán. Đời sống ấy được thực hành miên mật đầy đủ bốn chất liệu thanh tịnh, gồm:
– Thanh tịnh về biệt giải thoát luật nghi: Ấy là hành trì đầy đủ đối với các học giới của một vị Tỳ-kheo mà pháp và luật đã quy định, khiến cho ngay cả những học giới quy định những điều nhỏ nhặt như trăm pháp chúng học, cần phải thực hành bởi một Tỳ-kheo cũng không bị tỳ vết, rạn nứt và sứt mẻ.
– Thanh tịnh về các căn môn: Vị Tỳ-kheo có đầy đủ giới hạnh, vị ấy luôn hành trì thanh tịnh đối với các quan năng nhận thức, khiến cho các quan năng nhận thức luôn luôn ở trong sự phòng hộ và thanh tịnh. Chẳng hạn, khi mắt tiếp xúc với sắc, vị Tỳ-kheo có đầy đủ giới hạnh, gồm có niệm và giác, khiến cho sắc không thể khuấy động tâm ý và tâm ý không khởi lên các cảm thọ thèm khát và chiếm hữu.
Cho đến tai nghe thanh trần, mũi ngửi hương trần, lưỡi nếm vị trần, thân xúc với xúc trần và ý tiếp xúc với pháp trần, đều luôn luôn có niệm và giác, khiến cho các trần tướng ấy, không thể khuấy động tâm thức qua các quan năng nhận thức, khiến tâm thức luôn được an trú ở trong sự thanh tịnh.
– Thanh tịnh về mạng: Thanh tịnh về mạng, chính là thanh tịnh về sự nuôi dưỡng đời sống, tức là sống theo Bốn thánh chủng.
Thánh chủng là dòng giống cao quý của các bậc thánh hay của những bậc giác ngộ. Xã hội Ấn Độ bấy giờ có bốn giai cấp. Giai cấp Bà-la-môn hay giáo sĩ là giai cấp nuôi dưỡng đời sống bằng sự tế tự thần linh; giai cấp Vua chúa nuôi dưỡng đời sống bằng những vũ khí quyền lực và chính trị; giai cấp Phệ-xá hay thương gia, nuôi dưỡng đời sống bằng sản xuất, buôn bán cạnh tranh trao đổi hàng hóa và giai cấp Thủ-đà-la nuôi dưỡng đời sống bằng nghề làm thuê hay nô lệ.
Đời sống của các đệ tử Thế Tôn, nuôi thân bằng một bình bát, khất thực ngày một bữa đúng ngọ, ngủ nghỉ qua đêm dưới gốc cây, nơi rừng vắng hay ở những hang động, che thân bằng ba y phấn tảo, trị bệnh của thân bằng các dược liệu của cỏ cây. Sống cuộc đời ít ham muốn, biết vừa đủ để tinh cần đoạn trừ các dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu ở nơi tâm, và nuôi tâm bằng các pháp vô lậu, nhằm hướng tới đời sống ly dục, tịch tịnh tối thắng của Niết-bàn.
– Thanh tịnh về niệm: Thanh tịnh về niệm là thanh tịnh về chính niệm, tỉnh giác. Nghĩa là vị Tỳ-kheo, luôn luôn có chính niệm, tỉnh giác trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi. Khi bước tới hay bước lui, đứng lại, nằm hay ngồi, hoặc mọi động tác co duỗi của thân thể, vị ấy đều có chính niệm tỉnh giác đối với chúng.
Khi ăn, uống, đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc các cảm thọ, các chủng tử tâm, hành, nội pháp và ngoại pháp hiện khởi và ẩn tàng như thế nào, vị Tỳ-kheo đều biết rõ chúng đang diễn ra như thế ấy. Và do thực tập niệm thanh tịnh, khiến cho đời sống của một vị Tỳ-kheo đệ tử của Thế Tôn luôn luôn ở trong sự thanh tịnh với đầy đủ ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, có khả năng đoạn trừ tất cả những loại phiền não thô phù và tinh tế, làm dẫn sinh các thánh quả giải thoát.
Vậy, pháp an cư của Tăng là cơ hội tốt để cho các Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni, thực tập bốn sự thanh tịnh nầy một cách miên mật ở trong chính niệm tỉnh giác hay ở trong thiền định. Nói cách khác, an cư là để cho các Tỳ-kheo và các Tỳ- kheo-ni an trú tại một trú xứ nhất định để thực hành vững chãi đối với bốn sự thanh tịnh.
Nên, kinh Chính pháp Niệm xứ nói rằng: “Vào thời kỳ an cư mùa mưa, các Tỳ-kheo ngoại trừ việc đi đại tiện và tiểu tiện, còn tất cả đều ngồi kiết già tại chỗ để tu tập thiền định”[5].
Kỳ Hạn Thọ Và Xả Pháp An Cư
Kỳ hạn an cư của Tăng đoàn đệ tử Thế Tôn, ngày nay không nhất định, vì tùy theo khí hậu và lịch biểu từng vùng. Tăng đoàn các nước Phật giáo Nam phương như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, v.v… bắt đầu an cư vào ngày mười sáu tháng sáu, theo lịch Trung Quốc. Và Tăng đoàn Phật giáo các nước Bắc phương như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam,… bắt đầu an cư vào ngày mười sáu, tháng tư theo lịch Trung Quốc.
Tăng đoàn Phật giáo Bắc phương an cư vào thời gian trên là do dựa vào bản kinh Vu Lan. Theo kinh này, thì ngày rằm tháng bảy là ngày Tự tứ của Tăng.
Theo Luật tạng của Thanh Văn Tăng, chỉ qui định mỗi năm vào mùa hạ là mùa an cư của Tăng và chỉ có một ngày tự tứ cho Tăng, sau khi đã an cư mà thôi và các Tỳ-kheo lấy tuổi hạ làm tuổi của giới đức.
Có hai hạn kỳ an cư, gọi là tiền an cư và hậu an cư. Tiền an cư là an cư vào phần đầu của mùa hạ, tức là an cư vào ngày mười sáu tháng tư, theo lịch Trung Quốc, cho Tăng đoàn Bắc phương. An cư từ mười bảy tháng tư đến hết mười sáu tháng năm theo lịch Trung Quốc gọi là thời kỳ hậu an cư. Hậu an cư cũng có hai thời kỳ, gọi là trung an cư và hậu an cư.
Trung an cư bắt đầu từ ngày mười bảy tháng tư, đến hết ngày mười lăm tháng năm. Hậu an cư là bắt đầu ngày mười sáu tháng năm.
Thời hạn tiền an cư theo truyền thống Tăng đoàn Bắc phương là bắt đầu từ ngày mười sáu tháng tư và đến mười lăm tháng bảy âm lịch là kết thúc.
Nếu hậu an cư, kể từ mười bảy tháng tư thì đến ngày mười sáu tháng bảy âm lịch là kết thúc. Và nếu an cư sau ngày mười bảy tháng tư, thì sau đó phải tính đủ chín mươi ngày để kết thúc pháp an cư[6].
Tác Pháp An Cư
Các chùa hay các tự viện của Tăng, phần nhiều đều có tác pháp yết-ma kết cương giới của trú xứ, để thuận tiện cho sự tu học và tiến hành các pháp thuộc về tăng sự của trú xứ, thì khỏi phải tác pháp yết-ma để kết đại giới của trú xứ an cư. Nếu trú xứ nào chưa có kết đại giới của trú xứ, thì khi Tăng an cư phải tiến hành pháp yết ma kết đại giới của trú xứ an cư, trước khi tiến hành pháp an cư của Tăng.
Nếu cương giới trú xứ trước đó đã kết quá nhỏ, nay lượng Tỳ-kheo an cư của Tăng trong trú xứ quá lớn, cần nới rộng cương giới của trú xứ cho thích hợp, thì Tăng phải tiến hành tác pháp giải cương giới cũ, sau đó mới tiến hành tác pháp kết lại cương giới mới rộng hơn. Sau khi nhắc lại cương giới cũ của trú xứ hoặc tiến hành tác pháp yết-ma kết cương giới mới của trú xứ, Tăng mới tiến hành tác pháp an cư như sau:
Tăng tiến hành tác pháp an cư có hai loại:
Tác pháp an cư của hàng Thượng tọa
Tác pháp hàng Thượng tọa không có y chỉ luật sư, vì hàng Thượng tọa là bắt buộc phải thông hiểu luật và phải trì luật để làm chỗ y chỉ cho các hàng trung tọa và hạ tọa.
Hàng Thượng tọa tác pháp thọ an cư bằng đối thú. Nghĩa là vị thượng tọa nầy đối diện với vị thượng tọa kia hoặc quỳ, hoặc đứng để tác pháp thọ an cư.
Văn tác bạch thọ an cư của hàng Thượng tọa như sau:
“Đại đức nhất tâm niệm. Tôi Tỳ kheo,… nay y (tên của trú xứ an cư) Tăng già-lam, an cư ba tháng đầu của mùa hạ. Nếu phòng xá có hư hại, sẽ tu bổ”[7] (Bạch ba lần).
Tác pháp an cư của đại chúng
Tác pháp thọ an cư của đại chúng là phải có vị luật sư cho đại chúng y chỉ, để vị luật sư luôn nhắc nhở, hướng dẫn cho những Tỳ-kheo ở trong đại chúng chưa thông suốt luật, phải y luật hành trì đúng theo pháp an cư và xử trị đối với các Tỳ-kheo an cư không như Thọ an cư đại chúng theo thứ tự lớn nhỏ, Tỳ-kheo có tuổi hạ lớn nhất trong đại chúng tác bạch thọ an cư trước, tuần tự cho đến vị Tỳ-kheo hạ tọa sau cùng. Vị thọ an cư đảnh lễ Thượng tọa y chỉ luật sư một lạy, rồi quỳ xuống tác bạch, văn tác bạch như sau:
“Đại đức nhất tâm niệm. Con Tỳ-kheo… nay y nơi (nói tên của trú xứ) Tăng già-lam an cư ba tháng đầu của mùa hạ, nếu phòng xá có hư hại, sẽ tu bổ”.
Thượng tọa nói: “Vậy, hãy cẩn thận chớ buông lung”.
Người thọ, đáp: “Y giáo phụng hành”. Thượng tọa hỏi tiếp: “Y vị nào làm luật sư?”. Người thọ đáp: “Y (nói hiệu của vị luật sư y chỉ) làm luật sư”. Thượng tọa nói: “Có điều gì nghi ngờ, nên đến hỏi”. Người thọ đáp:
“Kính vâng”. Và lễ Thượng tọa ba lễ, lui về chỗ cũ, đợi những vị khác thọ xong và cùng hồi hướng.
Trong trường hợp có những trú xứ chỉ một Tỳ-kheo, không có ai để y chỉ, Tỳ-kheo ấy được phép tác pháp tâm niệm an cư. Vị ấy đến trước hình tượng của đức Phật hay chính điện, kính Lễ như pháp và tác bạch như sau:
“Con Tỳ-kheo,… nay y nơi (nói tên trú xứ) an cư ba tháng đầu của mùa hạ” (bạch ba lần).
Cảm Nhận Và Kế Thừa
Ở trên trời và dưới đất hay bất cứ ở đâu trên thế gian này, không thể có một ai trồng quýt mà lại thu được quả cam. Cũng vậy, ở trên trời và dưới đất không một ai có quyền cho ta hạnh phúc, khi mà ta đã gieo nhân bất thiện và không một ai có quyền làm cho ta đau khổ, khi ta đã gieo xuống mảnh đất tâm của ta những hạt giống lành của Bồ-đề và đại nguyện. Hạnh phúc của ta thực sự chỉ có mặt, khi thân ta hành thiện, miệng ta nói thiện và tâm ta luôn luôn an trú ở trong điều thiện của Bồ- đề và đại nguyện ấy.
Giới luật, uy nghi và các pháp hành khác của Tăng như bố-tát, an cư, tự tứ cũng vậy, chúng có tác dụng giúp cho các Tỳ-kheo thực hành đời sống xuất gia và sinh khởi các thiện pháp giải thoát cho họ. Trong Tăng đoàn có nhiều Tỳ-kheo thành tựu được tâm giải thoát và tuệ giải thoát là Tăng đoàn vững mạnh, làm chỗ quy tín cho hàng cư sĩ tại gia và khiến cho ma quân chuyển đổi tà tâm, khởi sinh chính tín đối với Tăng.
Vì vậy, ở trú xứ nào có các Tỳ-kheo bố-tát, an cư và tự tứ đúng pháp, đúng luật, đúng thời, thì ở trú xứ đó có Tăng bảo thường trú, nhằm khẳng định sự có mặt của chính pháp một cách hiện thực, làm ngọn đuốc soi đường cho thế gian trong đêm dài tăm tối. Nên, pháp an cư của Tăng không phải mang một ý nghĩa hình thức, mà đó là một pháp hành, chuyển tải một nội dung thanh tịnh và trong sáng, đầy đủ các chất liệu của Giới, Định và Tuệ mà phận sự của các Tỳ- kheo phải miên mật hành trì, để kế thừa dòng mạch tâm linh cao cả của chính pháp, khiến cho dòng chảy ấy không bao giờ bị đứt đoạn giữa thế gian này.
Chú thích:
[1] Phật Thuyết Tam Chuyển Pháp Luân kinh, Tạp, tr 504, Đại Chính 2.
[2] Giới kinh của đức Phật Thích-ca, mười hai năm đầu, kể từ khi thành đạo, theo Tứ Phần Luật, Đại Chính 22.
[3] Tứ Phần Luật 37, An cư kiền-độ, tr. 830b, Đại Chính 22. Pàli, A, A, ii 97.
[4] Phạm Võng Kinh, tr 1008a, Đại Chính 24.
[5] Dẫn theo Tứ Phần Luật San Phiền Bổ Khuyết Hành Sự Sao, tr 58a, Đại Chính 40.
[6] Theo Luật Tứ Phần 58, có ba thời kỳ an cư: – Tiền an cư – Trung an cư – từ 16 tháng 5 đến 15 tháng 8., tr 451b10, Đại chính 22.
[7] Tứ Phần 37, tr 380, Đại Chính 22.
ý nghĩa, an cư, thực hành, biểu hiện, mẫu mực, đời sống, đầy đủ, thanh tịnh, anh em, phật pháp, thế gian, nương tựa, trí tuệ, thế giới, giải thoát, giác ngộ, giới luật, bao gồm, căn bản, như sau, như thế
Mã an toàn:
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...
Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.
Ngày thành lập : 12-09-2012
Ý kiến bạn đọc