Sự tích Táo Quân và mâm cỗ ngày 23 tháng chạp

Đăng lúc: Thứ năm - 01/02/2024 23:48 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Đối với mỗi cư dân Việt, tết là một phong tục không thể thiếu trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần. Phong tục tết Việt vô cùng phong phú và đa dạng với nhiều nghi lễ quan trọng, một trong những phong tục đó là tục cúng Ông Táo.
Không biết tục cúng Ông Táo đã có từ bao giờ nhưng theo các vị cao niên kể lại thì đây là phong tục đã có từ rất lâu; có lẽ từ thủa còn chế độ mẫu hệ, khi tổ tiên người Việt đã biết làm nông nghiệp và sử dụng lửa trong việc nấu nướng món ăn thức uống. Sở dĩ khẳng định là vậy bởi theo tích xưa truyền lại thì:

Có hai vợ chồng tiều phu nghèo không con nên hay buồn phiên, cãi cọ. Một hôm, người chồng giận quá, đánh vợ. Quá buồn tủi, người vợ bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ của một chàng thợ săn miền ngược. Sau khi người vợ bỏ đi, người chồng cũ ân hận, bỏ công ăn việc làm đi khắp mọi nơi tìm vợ và trở thành người hành khất sống qua ngày.
 
alt

Vua bếp - Định Phúc Táo Quân

Một lần vào xin ăn gia đình nọ, được bà chủ mang cơm ra đãi, người chồng nhận ra bà chủ là vợ mình, người vợ cũng nhận ra chồng cũ. Hai người ân hận, hàn huyên, tâm tình. Sợ người chồng mới về bắt gặp nên người vợ bảo người chồng cũ ẩn vào đống rơm ngoài vườn để nàng tìm cách thu xếp cho êm đẹp.

Người chồng cũ đi đường xa mệt mỏi nên ngủ thiếp trong đống rơm. Lúc người chồng mới về, nhớ đến việc thiếu tro bón ruộng, liền châm lửa đốt đống rơm. Sự việc xảy ra quá bất ngờ, người vợ chạy ra thấy vậy ân hận liền nhảy vào đống lửa chết theo chồng cũ. Thấy vợ chết cháy, ngươi chồng mới cũng thương xót tiếp tục nhảy vào đống lửa đang cháy đỏ và cả ba đều chết cháy.

Thượng đế thương tình thấy 3 người sống có nghĩa có tình nên phong cho làm vua bếp hay còn gọi là Định phúc Táo Quân và giao cho người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa. Không những định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.
 
 
alt

Mũ Táo Quân và các lễ vật dâng cúng

Phong tục thờ cúng Táo Công cũng từ đấy mà có. Thường thì bắt đầu từ chiều 22 hoặc sáng 23 tháng Chạp, các gia đình làm lễ để ông Táo lên chầu trời (Tiễn Táo) để tấu trình mọi việc của gia chủ với Ngọc hoàng thượng đế, đến trưa 30 Tết thì ông Táo lại có mặt ở hạ giới để tiếp tục công việc. 

Lễ vật cúng Ông Táo được chuẩn bị vô cùng chu đáo và trang trọng thể hiện sự thành kính của các gia chủ. Lễ vật gồm có: mũ Táo Quân thường có 3 cỗ (chiếc) gồm một của nữ thần không có cánh chuồn, 2 của nam thần có cánh chuồn, kèm theo áo quan, hia (hài), tiền vàng, tiền bạc cùng bệ bằng giấy. Nhưng để giản tiện, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) kèm theo một chiếc áo và một đôi hia. Theo sách "Nam Định địa dư chí" của tiến sĩ đốc học Khiếu Năng Tĩnh thế kỷ XIX, thì mũ, áo, hia của Táo Quân màu vàng. Nhưng có sách lại nói màu sắc tùy thuộc từng năm, ứng với các hành Kim (vàng), Mộc (trắng), Thủy (xanh), Hỏa (đỏ), Thổ (đen).
 
 
alt
 

Phóng sinh cá chép đưa ông Táo chầu thiên dình

Ngoài những đồ “vàng mã” sẽ được hóa vàng sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ để lập bài vị mới thì lễ vật còn có hoa quả (chuối, bưởi, quất vàng, hoa cúc…), trầu cau, hương đèn, cỗ mặn (xôi, thịt, rượu), và cá chép sống ở miền Bắc, ngựa với đầy đủ dây cương, yên ở miền Trung. Theo quan niệm của người miền Bắc thì ông Công, ông Táo khi đi lên thiên đình phải cưỡi cá chép vì chỉ có cá chép mới có thể vượt vũ môn hóa rồng bay lên trời. Cá chép được mua thường là chép nhỏ màu đen tuyền hoặc vàng đỏ khỏe mạnh, sau đó được bỏ vào trong chậu xinh xinh để lên trên bàn thờ cúng cùng các lễ vật khác. Đến chiều thì phóng sinh cá ra ao hồ, sông suối…  

Cùng với các lễ vật chay thì mâm cỗ mặn để cúng tiễn ông Táo đi nhanh về sớm cũng được các gia chủ chuẩn bị rất chu đáo. Dù khó khăn hay khá giả, các gia đình vẫn cố gắng sắm một mâm cỗ với đầy đủ các món ăn truyền thống để tỏ lòng biết ơn với các vị Định phúc Táo Quân. Mâm cỗ cúng ông Táo truyền thống gồm có: Xôi gấc, thịt nấu đông, nem rán, giò nạc, cá chép rán, thịt lợn luộc, lòng gà nấu măng, món xào, dưa cải, rượu trắng, chè sen ở miền Bắc còn trong Nam có thêm xôi chè, trám hoặc thịt kho tàu, giò xào, dưa kiệu….Đặc biệt, theo tục xưa còn truyền thì mâm cỗ cúng không thể thiếu một con gà luộc ngậm hoa hồng, nhưng gà cúng ông Táo phải là gà cồ mới gáy bởi các gia chủ  muốn cầu xin Táo Quân lên tâu với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho con trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy!
 
 
alt
 

Mâm cỗ mặn cúng vua bếp

Ngày nay, phong tục cúng ông Táo, ông Công vẫn còn được lưu giữ nhưng không được tổ chức chu đáo và nhiều nghi lễ như xưa. Có thể do bản sắc văn hóa làng xã Việt đang dần bị mai một; xã hội càng phát triển, các đô thị, thành phố mới được mọc lên nhiều làm cho  làng xã Việt – vốn là nơi lưu giữ những tinh hoa văn hóa dân tộc bị thu hẹp lại. Những gia đình Việt hiên đại trong ngày lễ ông Táo, ông Công thường làm cho có lệ, đơn giản và sơ sài. Có chăng chỉ là một chậu cá để  chiều về phóng sinh hay mâm cỗ đơn giản với  gà luộc, xôi gấc, chè kho mua sẵn, còn lại chỉ nấu một vài món mặn là xong mâm cỗ. Vô tình như vậy đã làm mất đi bao ý nghĩa tốt đẹp của phong tục này. Thiết nghĩ, tết ông Táo là một phong tục đẹp cần được bảo tồn và giữ gìn. Chỉ cần một tấm lòng thành, một sự ngưỡng vọng, nhớ ơn đến tổ tiên và các vị thần đã bảo vệ cho gia đình mình một năm an bình, thịnh vượng thì chắc chắn ngày tết ông Táo sẽ thêm phần ý nghĩa. 

 
Tác giả bài viết: Thanh Tùng
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 704
  • Khách viếng thăm: 699
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 162590
  • Tháng hiện tại: 190698
  • Tổng lượt truy cập: 116996354
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012