Hoằng pháp vùng cao trong thời đại mới

Đăng lúc: Thứ sáu - 28/09/2012 08:38 - Người đăng bài viết: Ban quản trị
Nhìn chung những người công tác Hoằng pháp đều biết rằng bà con dân tộc ít thấy hình ảnh Chư Tôn đức hành đạo thường xuyên nơi quê hương mình. Riêng đội ngũ Tăng Ni trẻ hiện nay thường hành đạo nơi phố thị nên tinh thần dấn thân còn nhiều hạn chế.
Hoằng pháp vùng cao trong thời đại mới

Hoằng pháp vùng cao trong thời đại mới

Hôm nay, trong bầu không khí thắm tình đạo vị, tỉnh nhà Thừa Thiên Huế tổ chức Đại hội Hội Đại biểu Phật giáo lần VI, nhiệm kỳ 2012-2017. Cũng trên tinh thần đó chúng con thay mặt Ban Đại diện Phật giáo huyện A Lưới xin gởi đến Hội nghị bài tham luận “Hoằng pháp vùng cao trong thời đại mới”.
Lời đầu tiên chúng con kính chúc Chư Tôn thiền đức Tăng, Ni, quý vị Lãnh đạo Chính quyền các cấp, thiện tín Phật tử các giới lời cầu chúc vô lượng an lạc và lời chào trân trọng nhất.
I.                   Đặt vấn đề.
Hoằng pháp vùng cao trong thời đại mới nghĩa là xác lập vai trò người xuất gia trong công cuộc hoằng trì Phật pháp dựa trên giáo lý, mục đích và tôn chỉ của đức Phật. Mỗi thời đại có một vị trí hoàn cảnh khác nhau nên từ đó tính văn hóa, tập tục, tính cố hữu, bám chặt gốc rễ từ trong tiềm thức tạo thành những mô típ biểu hiện văn hóa tín ngưỡng khác nhau. Vì vậy, vai trò người hành đạo linh hoạt tùy duyên hợp căn cơ địa xứ để dần đưa đạo vào đời, nhất là trong thời hội nhập.
Nền minh triết Phật giáo sáng ngời trong mọi triều đại, nền giáo dục ấy có giá trị đem lại lợi ích chúng sanh khi người làm công tác hoằng pháp đem hạnh nguyện của mình để dấn thân. Đất nước Việt Nam gồm có 54 dân tộc khác nhau, trong đó dân tộc kinh chiếm 90% dân số, còn lại 10% là 53 dân tộc thiểu số sống rãi rác trên khắp mọi miền đất nước. Tại địa bàn Thừa Thiên Huế vùng đất A Lưới nơi có khá đông đồng bào dân tộc tập như Pa ko, Tà ôi, Ka tu, Vân Kiều… nhìn chung vấn đề tâm linh mỗi dân tộc đều có đời sống văn hóa tín ngưỡng khác nhau. Trong giai đoạn nền khoa học phát triển, đời sống vật chất sung túc nhưng với đồng bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn ở địa hình, đời sống vật chất cũng như tinh thần. Đặc biệt văn hóa đậm tính bản địa nên tin thờ hình tượng quái vật, thần linh và vẫn còn nghiêng nặng về nghiệp sát, niềm tin chưa vững, cả tin dễ đưa đến hành động mù quáng, hành nghiệp không lành mạnh. Chính vì vậy vai trò người Phật tử nói chung và người xuất gia học Phật nói riêng ngoài việc trau dồi giới hạnh công phu tu tập đồng thời cần thiết lập tinh thần lợi tha với khả năng và trình độ của mình để đưa ánh sáng Phật pháp vào ngõ ngách cuộc đời, ngõ hầu không phụ công ơn Phật tổ với trách nhiệm “Tác Như Lai sứ hành Như Lai sự”.
Người viết tham luận này ít nhiều nêu lên kiến giải trong vai trò Hoằng pháp vùng cao vùng sâu vùng xa trong thời buổi hiện tại.
II.                Hoằng pháp đồng bào dân tộc trong thời hiện đại.
  1. Tình hình thực tế:
Nhìn chung những người công tác Hoằng pháp đều biết rằng bà con dân tộc ít thấy hình ảnh Chư Tôn đức hành đạo thường xuyên nơi quê hương mình. Riêng đội ngũ Tăng Ni trẻ hiện nay thường hành đạo nơi phố thị nên tinh thần dấn thân còn nhiều hạn chế.
Do vậy cư dân đồng bào dân tộc họ ít có cơ hội học hỏi chánh pháp thuần túy, mà chỉ đặt nặng về mặt tín ngưỡng bản địa và tín ngưỡng dân gian ví như đến chùa dự lễ vào ngày rằm, mồng một xem như một hình thức hợp lệ. Việc ứng dụng giáo lý vào cuộc sống đem lại hạnh phúc thiết thực thì ít, trái lại ước nguyện huyền bí xem đức Phật các vị Bồ tát như có phép mầu có tính ban ơn giáng họa, dần dần họ xa rời hạnh phúc từ cuộc sống thực tế. Thỉnh thoảng có tổ chức khóa tu một ngày an lạc, khóa tu Bát Quan trai…tuy vậy, ứng dụng giáo lý thiết thực chưa thấm nhuần trong đời sống của họ được.
Trong thời hiện đại nhu cầu phương tiện hết sức quan trọng cho việc Hoằng pháp. Thế nhưng qua thực tế cho thấy những vùng nông thôn xa xôi, nơi địa xứ hiểm trở, phương tiện truyền thông, năng lực cá nhân hoạt dụng Phật sự chưa đồng đều thậm chí chưa thống nhất hòa hợp.
Trên đây là những thực trạng có thật đã và đang diễn ra mà chúng con đề cập những nét cơ bản, dĩ nhiên vẫn còn tồn đọng những khía cạnh khác còn bất cập trong bối cảnh chung hiện nay. Trước hiện trạng như thế vai trò của người xuất gia và tại gia phải làm gì?
2. Tính kế thừa và phát huy trong việc ứng dụng Hoằng pháp - Trách nhiệm người con Phật:
Để kế thừa sự nghiệp mà Chư Phật, Chư Tổ đã dày công tạo lập, giới tại gia, xuất gia ngày nay cần xác định rõ mục đích, nhiệm vụ của mình, góp phần xây dựng ngôi nhà Chánh pháp của đức Như Lai.
Lịch sử đã khẳng định vai trò đóng góp và phát triển của Phật giáo song hành cùng dân tộc trong sự nghiệp trau dồi tâm linh và đồng cam cộng khổ của dân tộc. Tiềm lực của đạo Phật Việt Nam không chỉ nằm trong giới xuất gia mà trong sự đoàn kết của Phật tử. “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian pháp…” đây chính là sự uyển chuyển linh hoạt trong việc truyền bá Phật pháp vùng xa xôi, đồng bào dân tộc thiểu số.
Ban Hoằng pháp tỉnh nhà đã cũng cố về mặt tổ chức, hoàn thiện tư tưởng và giáo lý, đồng thời hoạch định rõ đường lối, phương hướng trong việc đào tạo đội ngũ Hoằng Pháp viên tập huấn. Trong phạm vi bài này chúng ta cần đưa yếu tố con người hoằng pháp là trên hết.
2.1. Người Hoằng pháp:
Thiết nghĩ yếu tố con người rất quan trọng cần và đủ để dấn thân hành Phật sự. Trước hết họ phải đầy đủ ba yếu tính đó là Tâm lực, Trí lực và Thể lực.
* Tâm lực: Tâm lực hoằng pháp của vị giảng sư, Hoằng Pháp viên phải hội đủ kiến thức cơ bản Phật pháp một cách tổng quát để vận dụng thích hợp với mọi hoàn cảnh môi trường mình đang phi vụ. Trong đó nền tảng hành trì Giới - Định - Tuệ phải được tẩm ướt trong bản thân từ thân hành, khẩu hành và ý hành. Hành trì giới luật chính là chuẩn mực đạo đức làm bệ phóng hành đạo bất thối tạo thành niềm tin cho đạo hữu tín đồ. Người hoằng pháp một khi trau dồi giới hạnh, phát nguyện dấn thân thì tâm lực hoằng pháp lợi sanh không mệt mõi, dù xa xôi cách trở đến đâu, dầu gặp chướng duyên đến dường nào. Vì họ nghĩ hạnh phúc của người chính là hạnh phúc của mình.
* Trí lực: Trí lực được xem như là phương tiện hành hoạt khéo léo trong công cuộc truyền bá Phật pháp. Biết hạn lượng trí lực của bản thân, phải có sức mạnh ý chí lớn và cũng rõ về năng lực của mình đâu là chỗ mạnh đâu là thế yếu. Cần thực hiện đại bi tâm, mở lòng thương vô hạn nhằm đem ánh sáng Phật pháp về nơi buôn làng, thôn bản, hải đảo xa xôi mà không hề có tâm phân biệt chủng tộc, giai cấp màu da để chuyển hóa nghiệp lực, thăng hoa đạo đức. Yếu tố quan trọng nữa là người làm Hoằng pháp trong thời hiện đại nên cập nhật thông tin, tiếp cận những mô hình giáo dục mới, sinh hoạt mới, tạo nên hơi thở sinh khí mới cho vấn đề tu tập nói chung. Dĩ nhiên, đạo lực phải vững chãi, tâm lý kiện toàn khỏi bị xã hội hóa bản thân.
* Thể lực: Câu nói “có thực mới vực được đạo” ngụ ý người dấn thân hoằng pháp phải có thể lực khá ổn định. Sức khỏe cũng đóng vai trò khá quan trọng cho người dấn thân hành đạo. Có nhiều vị giảng sư nổi tiếng, nhưng sức khỏe yếu kém, nên rất hạn chế cho việc thượng cầu hạ hóa. Trong kinh Trung Bộ, đức Phật dạy phải có sức khỏe tốt, phải chánh niệm trong tứ oai nghi. Điều quan trọng là oai nghi đi đứng phải có trong đời sống hằng ngày. Nếu không có sức khỏe chúng ta sẽ yếu kém, dẫn đến tinh thần không được nhạy bén. Vậy người có thể lực và có phong cách đứng đắn tạo thành nét duyên trong tính oai nghi tế hạnh của người xuất gia mỗi khi dấn thân hoằng pháp.
Như vậy, Tâm lực, Trí lực và Thể lực là ba thế mạnh đứng vững chãi hội đủ cho việc hành đạo nói chung và hoằng pháp nơi vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
3. Phương pháp Hoằng pháp và ứng dụng thực tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số:
Hiện trạng thực tế cũng như tiêu chuẩn cần và đủ của người làm công tác hoằng pháp. Từ đây chúng ta cần nghiên cứu kỷ, có những hoạch định cụ thể sáng suốt qua những bước đi căn bản. Tùy căn cơ địa xứ mà ứng dụng giáo lý Tứ Tất đàn, Tứ Nhiếp pháp, Lục độ…theo mô thức cơ bản, cẩm nang vào trong đời sống của họ.
- Tính dung hòa giữa người với người làm cho người dân tộc thiểu số cảm thấy họ với mình không khác biệt, thân thương, hòa đồng, chia sẽ lẫn nhau khi cần thiết. Việc làm của mình đối với họ phải tuyệt đối tôn trọng, tuy bất đồng ngôn ngữ, nhưng việc làm chân thành họ sẽ đồng cảm và hoan hỷ. Mặt khác phải tập quen với phong tục tập quán của địa phương, kiên nhẫn với địa hình thời tiết để thuận tiện cho việc hướng dẫn đồng bào thực tập theo lời Phật dạy.
- Ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu vắng hình bóng ngôi chùa để tu học sinh hoạt thì phải có sự thỏa hiệp, kiến nghị các cấp Chính quyền và các cấp lãnh đạo Giáo hội tạo mọi thuận duyên xây dựng cơ sở để tiện sinh hoạt. Đồng thời ngoài tính tôn giáo, còn phải giúp đỡ bà con đồng bào dân tộc trong công tác từ thiện, phổ biến cho bà con nắm rõ chủ trương đường lối của Đảng và luật pháp của Nhà nước, hiểu thêm những chương trình khoa học để mọi đồng bào canh tác vụ mùa có hiệu quả hơn trong tăng gia sản xuất.
- Một số vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đã có những người con em trong bản làng xuất gia. Như vậy việc này càng thuận lợi hơn nếu xin phép vị ấy về cơ sở mình để hướng dẫn, làm Phật sự.
- Kêu gọi và tổ chức những buổi phát quà từ thiện, ủng hộ nhà tình nghĩa, những người neo đơn, nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam trong tình trạng túng thiếu. Thiết nghĩ hoằng pháp vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác từ thiện là đứng đầu trong các công tác. Bởi họ đã quá nghèo khổ, muốn cho họ tu tập ổn định thì phải lo bao tử được ổn định trước. Qua việc từ thiện ấy chúng ta động viên khuyến khích đồng bào, chỉ cách làm kinh tế có hiệu quả bằng những phương pháp đúng đắn, lương thiện.
- Ngoài việc tổ chức Bát quan trai, khóa tu niệm Phật, chúng ta hoạch định thời gian không gian phù hợp cho lứa tuổi tham dự khóa tu, nhất là những người có tuổi. Tránh sự nhàm chán của Đạo hữu và sai chương trình tu học.
- Vai trò thiết thực thông dụng của người làm hoằng pháp ở đây là xúc tiến chương trình nghi lễ cho thành viên trong chùa, Niệm Phật đường, để tiện cho việc ứng phó cấp thời cho địa phương ở đó vào các dịp lễ, húy kỵ…
- Những vị làm công tác hoằng pháp và hoằng pháp viên thỉnh thoảng tổ chức những buổi gặp gỡ giao lưu, có sự kết hợp với các Ban ngành, các tổ chức huyện đoàn, xã đoàn thảo luận liên quan về Tín ngưỡng, tôn giáo xen lẫn tư tưởng đạo Phật. Qua đó nhấn mạnh đến vấn đề thời sự đang được xã hội quan tâm như: Bảo vệ môi trường, Bảo tồn và phát triển tinh hoa văn hóa bản địa, bảo vệ rừng xanh, bảo tồn động thực vật quý hiếm. Những tác hại của tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, những căn bệnh bất trị đang xôn xao len lõi đến đời sống đạo đức con người chúng ta.
- Phát hành, Ấn tống kinh sách, văn hóa phẩm, nhiều loại hình băng đĩa về giáo lý căn bản, tình cảnh đời thường, mang những hình thức tuyên truyền có nội dung lành mạnh hữu ích, thiết thực với Phật tử mọi giới ở địa phương. Đây là phương tiện thay thế những vị hoằng pháp tạo nên sự tiếp nối liên tục trong việc hoằng đạo.
Hẳn nhiên, những phác họa căn bản trên có tính thực tế chung. Việc hoằng pháp chu toàn đòi hỏi con người chúng ta cư trú thực địa và vận dụng những sáng tạo mới phù hợp với môi trường, địa phương nơi chúng ta thường xuyên có mặt và hướng đến.
4. Kiến nghị:
Kính bạch Chư Tôn đức
Kính thưa quý liệt vị
Chúng con biết rằng công tác hoằng pháp trong thời hiện đại cần phải tầm nguyên quán quả, ôn cố nhi tri tân để từ đó chắt lọc chọn lựa phù hợp với tôn chỉ của Phật đà. Chúng con chỉ dám mạo muội đưa ra một vài hoạt động cũng như phương pháp, góp phần đẩy bánh xe chánh pháp làm thanh tịnh hóa cuộc đời được tốt hơn. Bản thân người viết tham luận đưa ra những kiến nghị như sau:
1. Giáo hội Trung Ương nói chung, giáo hội Tỉnh thành nói riêng đặc biệt Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế có hai huyện Nam Đông và A Lưới, người dân đồng bào dân tộc ít người chiếm đại đa số nên cần quan tâm nhiều hơn đến Nhân lực - Tài lực và Vật lực tạo điều kiện thuận lợi cho họ về đời sống vật chất cũng như tinh thần. Đồng thời giao phó và động viên những Tăng, Ni trẻ sau khi tốt nghiệp các trường Phật học trang bị cho họ đầy đủ những tư cách về pháp nhân, pháp lý. Đây sẽ là thành phần nòng cốt để hoằng pháp ở những địa phương này.
2. Vùng đồng đồng bào dân tộc thiểu số cho đến thời buổi hiện nay đời sống kinh tế của bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trên thực trạng này, thiết nghĩ Giáo hội cũng như các nhà hảo tâm kêu gọi các tổ chức, mạnh thường quân… đẩy mạnh việc công tác từ thiện xã hội, mở các lớp học tình thương, Tuệ tĩnh đường, và nỗ lực đáp ứng các nhu cầu về văn hoá tín ngưỡng cập nhật trong thời buổi hiện đại tạo thành thế vững song song với hoằng pháp.
3. Tre già thì măng mọc đây là tiêu chí kế thừa chú trọng vào Hoằng pháp viên cư sĩ trẻ cùng với chư Tăng Ni. Tiến hành tổ chức các lớp học Phật pháp vào ngày Chủ Nhật; tạo thêm sân chơi cho các em thanh thiếu niên pha lẫn và kết hợp với bản sắc văn hoá dân tộc và văn hoá Phật giáo để thu hút tuổi trẻ đến với đạo Phật.
III.  Kết Luận.
Đề cập và phác thảo vai trò hoằng pháp vùng cao trong thời hiện đại sẽ có những khó khăn khách quan và chủ quan. Chính vì thế, mà người làm công tác hoằng truyền giáo pháp của đức Như Lai, phải có phương pháp, tâm nguyện phục vụ chúng sanh, trên tinh thần Tứ hoằng thệ nguyện của Ngài Phổ Hiền. Tuy nhiên, ngoài việc trang bị tư lương cho mình ra, chúng con rất cần sự trợ duyên, giúp đỡ của Giáo Hội các cấp, các Ban ngành trực thuộc. Quý Ngài có những biện pháp hữu hiệu, tạo mọi điều kiện thuận lợi, để Tăng Ni trẻ chúng con có thêm nghị lực, niềm tin, để dấn thân về vùng sâu vùng xa, hoằng dương chánh pháp, lợi lạc hữu tình.
Với sự nghiệp hoằng pháp, lợi lạc quần sanh, chúng ta hãy trải tình yêu thương đến vạn loại hữu tình trong dòng pháp hữu thâm ân. Để tiếp nối phát huy các bậc tiền nhân và khắc ghi lời dạy cao quý của đức Thế Tôn “Này các Thầy Tỷ kheo, hãy ra đi mỗi người mỗi ngã, để truyền bá Chánh pháp, vì lợi ích cho quần sanh, vì an lạc cho chư thiên và loài người”.
Nhân Đại hội Đại Biểu Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VI, nhiệm kỳ 2012-2017, chúng con đã trình bày một số vấn đề thiển cận, góp thêm một bông hoa trong vườn hoa Đạo pháp. Vì thời gian có hạn không làm sao chúng con nói lên hết tất cả những điều ưu tư trăn trở của Tăng Ni trẻ chúng con đối với chí nguyện phụng sự theo phương châm của Giáo hội Đạo Pháp - Dân Tộc - Chủ nghĩa Xã hội.   
Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ Chư Tôn đức Pháp thể khinh an, Phật sự viên thành, kính chúc quý Đại biểu thân tâm thường an lạc. Kính chúc Đại hội thành công viên mãn.
Nam Mô A Di Đà Phật
Tác giả bài viết: Ban Đại diện Phật giáo huyện A Lưới
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 260
  • Khách viếng thăm: 250
  • Máy chủ tìm kiếm: 10
  • Hôm nay: 88562
  • Tháng hiện tại: 2813288
  • Tổng lượt truy cập: 88617891
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012