Giỗ Tổ Hùng Vương – nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt

Đăng lúc: Thứ tư - 09/04/2014 07:50 - Người đăng bài viết: Nhuận tâm bình
Lễ hội Đền Hùng (còn gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương hay Giỗ hội Đền Hùng) vào ngày mùng 10 tháng 3 (Âm lịch) đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức người Việt Nam từ xa xưa

Đây là dịp để dân tộc Việt Nam tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao của những vị Vua Hùng đầu tiên của dân tộc đã có công lập nên nước non này.

Tham khảo tư liệu sử sách còn lưu lại: Bản ngọc phả viết vào thời Trần (năm 1470) đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông (năm 1601) sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng: “…Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi…”.

Như vậy, từ thời Hậu Lê trở về trước các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ vào mùng 10 tháng 3 âm lịch, bù lại, họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu, đi lính.

Hoạt cảnh nhớ về cội nguồn Đất Tổ nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương năm Quý Tỵ 2013.

Và từ nghìn xưa đến nay, hễ cứ đến ngày mùng 10 tháng 3 (ÂL) thì mọi người dân Việt Nam đều nhớ đến những câu ca dao giản dị, dễ hiểu, đầy tình nghĩa, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”. Những câu ca dao ấy, đã đi vào tiềm thức người dân Việt Nam và nhớ về Đền Hùng – nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước, xem đó là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam.

Sau Cách mạng tháng Tám (1945) Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều về thăm viếng. Kế tục truyền thống dân tộc, nhất là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương – hướng về cội nguồn dân tộc. Trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946), là năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng – Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Bác Hồ kính yêu của dân tộc ta cũng đã 02 lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Tại đây Bác Hồ đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Bác còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.

Quang cảnh đại biểu dự Giỗ Tổ Hùng Vương tại đình An Hội, P2, TP. Bến Tre năm Quý Tỵ 2013.

Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư quy định là Ngày Lễ lớn trong năm. Và ngày 02/4/2007, Quốc hội Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch). Kể từ đây, ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn – Quốc lễ, mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.

Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó, ngày 6/12/2012, tại kỳ họp lần thứ 7 của Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra ở Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Như vậy, phong tục Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành truyền thống văn hoá lâu đời ở nước ta và mang tính thiêng liêng cao cả nhất trong tâm thức của dân tộc Việt Nam. Hòa cùng với cả nước nói chung, kể từ năm 2007 đến nay, tại xứ dừa Bến Tre hàng năm cứ đến mùng 10 tháng 3 Âm lịch, tại các đình làng đều tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương rất trang trọng. Các đồng chí đại diện lãnh đạo tỉnh, huyện, thành phố và đại diện các ban, ngành của từng địa phương sẽ tham gia lễ dâng hương tại một số ngôi đình lớn có tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương; các đình làng khác cũng sẽ tổ chức Giỗ Tổ theo thông lệ và lễ dâng hương thống nhất cùng thời gian chung.

Có thể nói, Giỗ Tổ Hùng Vương mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với dân tộc Việt. Đây là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng dân gian dân tộc hướng về cội nguồn Đất Tổ, mà thời đại văn hóa Vua Hùng dựng nước đã kết lắng nên những yếu tố văn hóa căn bản và làm nên bản sắc văn hóa dân tộc nước ta từ nghìn xưa.

Vì vậy, Giỗ Tổ Hùng Vương mãi mãi là niềm động viên thôi thúc việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước; thời kỳ nước ta mở cửa, hội nhập phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới.

Nguồn: Báo Bến Tre

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 762
  • Khách viếng thăm: 752
  • Máy chủ tìm kiếm: 10
  • Hôm nay: 83907
  • Tháng hiện tại: 2884096
  • Tổng lượt truy cập: 91775669
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012