Mặt khác, nếu đã có tín, giới, thí, văn, thọ trì mà không thể quán sát nghĩa lý sâu xa của giáo pháp thì vẫn chưa đầy đủ. Cho nên khi đã có niềm tin, tịnh giới, bố thí, thân cận người xuất gia, lắng nghe Chánh pháp, nghe rồi thì khéo hành trì, đã hành trì rồi thì còn phải quán sát diệu nghĩa sâu xa. Giáo pháp vốn thậm thâm vi diệu, nhờ hiểu sâu diệu nghĩa của giáo pháp sẽ giúp khai phóng tâm thức, mở mang trí tuệ.
Cuối cùng, sau khi đã thâm nhập được diệu nghĩa sâu xa của giáo pháp rồi, sống tùy duyên tùy thuận thực hành pháp và tùy pháp cho được đầy đủ. Làm được như vậy thì gọi là người Phật tử đầy đủ tất cả việc có khả năng an ổn cho chính mình.
Phật tử đầy đủ các việc như trên là lý tưởng về phần lợi mình, an ổn cho chính mình, chứ chưa lợi người, chưa thể an ổn cho người. Kinh ghi: “Nếu một người Phật tử có thể tự đứng vững trong chánh tín nhưng không thể giúp cho người khác đứng vững trong chánh tín đầy đủ. Tự mình giữ gìn tịnh giới nhưng không thể khiến cho người khác giữ gìn tịnh giới đầy đủ. Tự mình làm việc bố thí nhưng không thể xây dựng sự bố thí nơi người khác. Tự mình đi chùa, thân cận quý Tăng, Ni nhưng không thể khuyên người khác đi chùa, thân cận quý Tăng, Ni.
Tự mình chuyên cần nghe pháp nhưng không thể khuyên người khác ưa thích nghe pháp. Tự mình nghe pháp rồi hành trì nhưng không thể khiến cho người khác hành trì. Tự mình khéo quán sát diệu nghĩa sâu xa nhưng không thể khuyên người khác quán sát diệu nghĩa sâu xa. Tự mình thấu hiểu Chánh pháp sâu xa và có khéo tùy thuận thực hành pháp và tùy pháp nhưng không thể khuyên người khác tùy thuận thực hành pháp và tùy pháp. Phật tử này chỉ mới đầy đủ tám pháp, khéo an ổn chính mình nhưng không thể an ổn cho người khác.
Nhưng nếu người Phật tử tự mình đầy đủ chánh tín, cũng khéo xây dựng chánh tín cho người khác. Tự giữ gìn tịnh giới, cũng khéo xây dựng tịnh giới cho người khác. Tự mình hành bố thí và cũng khéo khuyên bảo người khác bố thí. Tự mình đi chùa, gặp các vị Tăng, Ni và cũng khéo khuyên bảo người khác đến chùa, gặp các vị Tăng, Ni. Tự mình chuyên cần nghe pháp, cũng khéo khuyên bảo người khác nghe pháp.
Tự mình thọ trì pháp, cũng khéo khuyên bảo người khác thọ trì pháp. Tự mình biết quán sát diệu nghĩa, cũng khéo khuyên bảo người khác quán sát diệu nghĩa. Tự mình hiểu rõ nghĩa lý sâu xa, tùy thuận thực hành pháp và tùy pháp, cũng khéo khuyên bảo người khác hiểu rõ nghĩa lý sâu xa, tùy thuận thực hành pháp và tùy pháp thì người Phật tử này thành tựu 16 pháp, có thể khéo tự an ổn cho mình và giúp cho người khác an ổn (Kinh đã dẫn).
Như vậy, để trở thành người Phật tử bình thường thì phải phát nguyện trọn đời quy y Tam bảo và giữ gìn năm giới. Nhưng để trở thành người Phật tử lý tưởng, có thể xây dựng cuộc sống an ổn cho chính bản thân, gia đình và xã hội thì người ấy còn phải thực hành bố thí, siêng năng đi chùa, gần gũi Tăng Ni, nghe học Chánh pháp, ứng dụng thực hành, quán sát diệu nghĩa, hiểu rõ nghĩa lý rồi tùy thuận thực hành pháp và tùy pháp, đồng thời còn phải dấn thân vận động, khuyến khích, giúp đỡ người khác cùng thực hành, sống đạo như mình.
Đức Phật dạy: “Này Ma-ha-nam! Nếu Ưu-bà-tắc nào thành tựu 16 pháp như vậy thì các hội chúng lớn như là chúng Bà-la-môn, chúng Sát-lợi, chúng Trưởng giả, chúng Sa-môn đều đến chỗ của vị ấy. Ở giữa các hội chúng này, oai đức của Ưu-bà-tắc ấy sáng chói. Ví như mặt trời, ánh sáng chiếu soi suốt cả sáng, trưa và chiều; cũng vậy, Ưu-bà-tắc thành tựu 16 pháp thì oai đức của họ cũng tỏ rạng cả ban đầu, chặng giữa và sau cùng. Như vậy, này Ma-ha-nam! Nếu Ưu-bà-tắc nào thành tựu 16 pháp này thì đó là người mà thế gian khó có được (Kinh đã dẫn).
Với 16 pháp hành này, người Phật tử thật sự có vai trò vô cùng quan trọng trong sứ mạng lan tỏa, hoằng dương Chánh pháp, vừa lợi mình, vừa lợi ích cho tha nhân. Với một đời sống lý tưởng như vậy, người Phật tử thật xứng đáng đứng vào vị trí tôn quý trong chúng Phật tử, một trong bốn chúng đệ tử của Đấng Thiện Thệ.
Ý kiến bạn đọc