Mỗi ngày xả bỏ bớt một ít sự cố chấp, mở rộng tấm lòng ra, bao dung độ lượng hơn.
Nếu không có gương trí tuệ, không tĩnh tâm ít ai thấy được bản thân mình hay chấp nhứt và nhận mình là người có tính cố chấp. Thậm chí có người loáng thoáng nhận ra mình có lúc cố chấp nhưng rồi cũng lờ đi, không quan sát rõ, nhiều nỗi khổ đau buồn phiền bất an trong cuộc sống của mình và những người thân xung quanh là do tính cố chấp của chính mình gây ra.
Thói cố chấp là một loại phiền não, một loại tập nghiệp, tập khí có nguồn gốc sâu xa vi tế rất khó phát hiện nhận biết.
Căn cứ lời Phật dạy, thì có thể phân làm hai loại cố chấp:
Một là những cố chấp sai lệch trong việc nhận thức về cái ta, cái tôi và cái của ta, của tôi (chấp ngã).
Hai là cố chấp sai lệch trong việc nhận thức về thực tính, bản chất của các pháp, của thế giới, của các sự vật hiện tượng, nhất là cố chấp sai lầm về phương pháp tu tập đạt đến giác ngộ giải thoát (chấp pháp).
Những cố chấp sai lầm về "ngã" và "pháp" này là nguồn gốc, là nguyên nhân, là cội rễ phát sinh ra mọi nỗi khổ niềm đau của con người.
Nói về chấp ngã và chấp pháp nó rất vi tế trừu tượng, sâu xa không phải ai cũng có thể thấy được rõ ràng, nên chúng ta chỉ ra những định nghĩa, những biểu hiện cụ thể trong đời sống hàng ngày để ta có thể soi xét lại tâm mình, nhìn lại hành vi, lời nói việc làm và suy nghĩ của bản thân mình, giúp ta nhận diện, phát hiện ra những đặc tính cố chấp của chính mình.
Ta hãy tĩnh tâm quan sát xem:
Ta có kiểu không bao giờ chấp nhận là mình sai, lúc nào cũng bảo thủ cho mình là đúng nhất không ?
Ta có kiểu cứ khư khư một mực giữ nguyên ý kiến, suy nghĩ của mình, có những quan niệm cứng nhắc sẵn có dù là nó sai lầm không?
Ta có kiểu, cứ ôm trong lòng những sơ suất lỗi lầm của người khác với mình, không chịu thừa nhận những cái hay cái tốt của người khác không?
Ta có kiểu, vì thành kiến cá nhân với một người hay nhóm người mà không chịu nhìn nhận những đóng góp tích cực có ích lợi cho cộng đồng không?
Ta có chịu nghe lời góp ý khuyên can của những người xung quanh không?
Ta có chịu mở lòng độ lượng bỏ qua cho những sai lầm sơ suất của người khác đối với mình không ?
Ta có keo kiệt, bỏn sẻn, giữ của khư khư, chỉ muốn thêm vào, không muốn bỏ ra, cả đến người thân cũng chi li tính toán, không muốn chia sớt.
Chúng tôi đã chứng kiến bà Bảy nhà ở mặt tiền quận 1, rất giàu có, hàng ngày chỉ vui thích mang các loại tiền, đô la, vàng ra đếm, rồi mang vào tủ khóa 3 lớp cất kỹ, con cháu nghèo khổ, lúc bịnh hoạn không tiền thuốc thang, học hành không có tiền đóng học phí đến xin cũng không cho. Bản thân bà Bảy đã bảy mươi chín tuổi ở một mình, không ai ở chung được, bà cũng không dám ăn dám mặc vì sợ tốn tiền. Lúc chết, bà mặc bộ đồ cũ đen xám, quần ống lò xo, nằm trên một cái giường sắt tám tấc - một mét tám, đã gỉ sắt, chiếc chiếu cũ mềm rách nát, không một ai bên cạnh. Lúc ấy nhiều loại tiền và vàng vẫn nằm im ỉm trong tủ có ba lớp khóa.
Đây là biểu hiện của cái tật chấp "cái của ta"
Ta có kiểu sĩ diện hão, sống ảo, ham hư danh, tự đánh bóng mình, tự thổi phồng mình lên không ?
Ta có ghim chặt trong lòng không những lời nói lỡ lời hoặc vô tình của người khác đụng chạm vào tự ái của ta, kiểu sống để bụng chết mang theo không ?
Mỗi người sẽ có những kiểu cố chấp khác nhau, có những tật cố chấp biểu hiện rõ, có những tật biểu hiện mờ hơn.
Khi nhận ra những tật khí cố chấp của bảb thân mình rồi, ta hãy xem kỹ, những tật cố chấp của ta nó làm giảm chất lượng sống, làm mất bớt hạnh phúc, thậm chí gây ra khổ đau buồn phiền cho ta và người thân xung quanh như thế nào ?
HT. Thích Thiện Siêu từng dạy rất thấm thía:
Một cũng chấp, hai cũng chấp, lận đận cả đời chi cho khổ
Trăm điều xả, ngàn điều xả, thong dong tấc dạ rứa mà vui.
Ta thử nghĩ xem, nếu ta luôn bị tật cố chấp bảo thủ chi phối suốt đời thì ta sẽ phải sống ưu phiền khổ não bực dọc triền miên. Cho nên ta hãy tu tập để bớt dần tính cố chấp.
Vậy ta phải làm cách nào để bỏ bớt sự cố chấp chi phối cuộc đời ta.
Giải pháp triệt để nhất là ta phải nhìn rõ mọi thứ trên đời, kể cả thân mạng ta, tài sản của cải của ta, dung mạo của ta đều rất chóng vánh, hư ảo, vô thường, dễ tan, dễ mất, không có cách nào giữ được bền lâu. Thực tính của thân, của tâm ta là vô ngã, do nhân duyên hợp thành, không có tự tính, không có chủ thể thực chất. Đã không thật có thì ta cố chấp ích gì.
Cụ thể hơn, là ta tập bỏ bớt, xả bớt, trút bớt những thứ cố chấp đơn giản, nhỏ nhặt, dễ bỏ. Như cử chỉ, lời nói vô tình của người khác động chạm tới ta, có khi bản thân họ không muốn cũng không biết, nhưng ta lại chấp chặt trong lòng. Xả ra lòng ta sẽ nhẹ hơn, vui hơn.
Mỗi ngày xả bỏ bớt một ít sự cố chấp, mở rộng tấm lòng ra, bao dung độ lượng hơn.
Ta quan sát kỹ, sẽ thấy bản thân ta cũng dễ có những hành vi, việc làm, lời nói vô tình thiếu kiểm soát làm buồn lòng mọi người, nên ta dễ bỏ qua những sơ suất của họ với ta. Bỏ qua cho người khác cũng chính là tha thứ cho chính mình, như vậy ta sẽ bớt cố chấp hơn.
Ta hãy quan sát, thở ra không hít vào là chấm dứt sinh mạng của mình, mà hơi thở vào của ta phải vay mượn của không khí bên ngoài, vậy ta còn cố chấp để làm gì?
Chúng ta hãy thường niệm câu thần chú: "Chấp nhiều khổ nhiều, chấp ít khổ ít, không chấp không khổ". Thường niệm như vậy, có lẽ sẽ giúp được ta bớt chấp, bớt khổ.
Ai cố chấp
Khổ triền miên
Bao dung hỷ xả
Buông dần chấp nê
Đời vui hơn
nhận diện, cố chấp, sở hữu, hạnh phúc, bao giờ, cuộc đời, trí tuệ, tĩnh tâm, chấp nhứt, thậm chí, loáng thoáng, nhận ra, quan sát, đau buồn, phiền não, nguồn gốc, sâu xa, phát hiện, nhận biết, căn cứ, có thể
Mã an toàn:
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...
Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.
Ngày thành lập : 12-09-2012
Ý kiến bạn đọc