Những điều tâm đắc về hoằng pháp

Đăng lúc: Thứ tư - 26/09/2018 05:42 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Về công việc hoằng pháp lợi sanh, nếu xét một cách khách quan, có thể nói mỗi vị Giảng sư thuyết pháp đều có sức thuyết phục riêng, có những nét cá biệt thu hút được sự lắng tâm theo dõi của quần chúng. Mỗi vị Giảng sư đều gặt hái được sự thành công nhất định, có thể ví các ngài như những đóa hoa, mỗi hoa mang một màu sắc, một hương thơm khác nhau, tạo thành vườn hoa đạo hạnh muôn màu, muôn vẻ.

 
Riêng bản thân tôi, từ thuở ấu thơ đã có phước duyên được hầu cận các vị đại Pháp sư. Vị đầu tiên mà tôi gần gũi là Hòa thượng Pháp Lan, kế đến là Hòa thượng Thiện Hoa và sau cùng, tôi được Hòa thượng Trí Thủ chọn làm Giảng sư của Tổng vụ Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vào năm 1963.
 
Nhờ thân cận, hầu hạ các ngài, tôi nhận thấy mỗi vị Giảng sư đều có một phong cách thuyết phục được quần chúng. Thật vậy, có vị sử dụng cách trình bày thu hút người nghe, hoặc có người hiển lộ nét đặc biệt nào đó về cử chỉ hoặc giọng nói, khiến cho quần chúng không thể nào không quan tâm đến họ, thì mới có thể truyền đạt ý tưởng mình. Vì vậy, phải khẳng định rằng nếu không có sức thuyết phục người, chắc chắn không thể nào tiến thân trên con đường làm Giảng sư.
 
Theo tôi, sức thuyết phục tạo nên lực tác động người khác phải chú ý đến điều Giảng sư muốn trình bày. Điều cần thiết ấy nhất định Giảng sư phải có. Tôi thân cận các vị tôn túc trong ngành hoằng pháp, nhận thấy rõ từng vị Giảng sư đều có nghệ thuật giảng pháp khác nhau. Tuy nhiên, tựu trung, các ngài đều tỏa ra sức thu hút khiến cho người phải kính nể và thích được nghe các ngài chỉ bảo. Sức thuyết phục của các ngài được biểu lộ qua ngôn ngữ, cử chỉ. Điều này người nào gần gũi dễ dàng nhận thấy và cũng dễ bắt chước theo. Nhưng còn điều quan trọng hơn nữa, thiết nghĩ đó là tấm lòng bao dung của các đại Hòa thượng Giảng sư.
 
Chính vì lòng bao dung quyết định mọi việc tốt đẹp, nên thực tế chúng ta thấy có vị không nói hay, không có ngôn ngữ thuyết phục, hoặc ngoại hình không dễ cảm. Mặc dù các Giảng sư này chỉ nói năng chậm rãi, nhỏ nhẹ và sử dụng ngôn ngữ mộc mạc, đơn sơ; nhưng điều không thể phủ nhận là ở nơi các ngài, tâm hồn bao dung, hiền hậu, giải thoát tỏa ra một cách tự nhiên, tác động cho người nhìn thấy cảm nhận được sự lắng dịu, bình an vô cùng và sanh tâm quý trọng các ngài, muốn được nghe các ngài ban cho bất cứ lời khuyên bảo nào.
 
Thiết nghĩ ba điều quan trọng mà Giảng sư cần rèn luyện cho được là ngôn ngữ, cử chỉ và tâm lượng mang tính thuyết phục. Trong kinh thường diễn tả là ba nghiệp: thân, khẩu, ý của người tu cần luôn luôn thanh tịnh. Muốn cho thân nghiệp thanh tịnh để tạo nên một ngoại hình dễ có cảm tình, tôi thấy các Hòa thượng thường siêng năng lễ lạy Phật. Những vị tu pháp này hiện được thân tướng hiền từ, đức độ, khiến người dễ cảm mến. Điển hình là Hòa thượng Trí Thủ. Khi cùng với ngài dự Đại hội Phật giáo kỳ I tại Hà Nội, mặc dù hội họp suốt ngày rất mệt, tôi vẫn thấy ngài thức dậy sớm lạy Phật. Thậm chí, dù tuổi đã cao, ngài lại bị cảm và trời thì rất lạnh, mà ngài vẫn không bỏ thời khóa lễ lạy. Ngài còn nhắc nhở tôi rằng bây giờ không lễ lạy, mai kia yếu quá, có muốn lạy cũng không được.
 
Riêng bản thân tôi cũng vậy, từ thuở nhỏ, đã thích hành trì pháp này. Nhờ trải qua quá trình miệt mài kính lễ chư Phật, chư Bồ tát, niềm tôn kính của tôi đối với sự thánh thiện vô cùng của các Ngài đã thâm nhập vào tâm. Từ đó, biểu hiện ra lời nói, dáng vẻ khiêm cung với người, nên họ dễ dàng thân thiện, hợp tác với tôi trong các Phật sự.
 
Hoặc những vị Hòa thượng siêng năng đọc tụng kinh điển, như Hòa thượng Thiện Hoa. Tôi có phước duyên làm thị giả ngài. Sáng sớm nào, tôi cũng thấy ngài tụng phẩm Phổ Môn, rồi mới dịch kinh. Nhờ đọc tụng kinh điển lâu ngày, thánh giáo của Phật tác động vào tâm và thể hiện ra thành lời nói mang âm điệu hiền hòa, dễ mến. Mặc dù Hòa thượng không nói hoa mỹ như các Giảng sư khác, lời nói ngài tuy mộc mạc, nhưng thuyết phục được người nghe từ giới bình dân cho đến người trí thức.
 
Ngoài phần thân và khẩu thanh tịnh dễ nhận thấy, Giảng sư cần tu tập ý nghĩ cho thanh tịnh. Điều dứt khoát đối với vị Giảng sư, để tâm được thanh tịnh, phải an trụ trong pháp Phật. Không có gì trên cuộc đời này có khả năng thu hút chúng ta ngoài giáo pháp. Thánh giáo của Phật là lẽ sống của đời ta, nên ta thường tư duy về áo nghĩa của Phật dạy.
 
Vị Giảng sư nào suy nghĩ thuần thục như vậy thì họ giảng kinh thuyết pháp một cách tự tại, không cần bài bản. Vì họ luôn suy niệm về Phật pháp, trong tim óc của họ đã tràn đầy pháp bảo. Và nhất là họ đã thực hành các pháp ấy có kết quả tốt đẹp trong cuộc sống của chính họ. Đến khi hành đạo, gặp đối tượng cần giáo hóa, thì tự động lưu xuất pháp tương ưng với căn tánh, hành nghiệp của người.
 
Trái lại, nếu Giảng sư chỉ luyện tập một số ngôn ngữ hay phương cách hùng biện để lôi kéo người nghe, chắc chắn không thể thành công lâu dài. Nói cách khác, những gì họ giảng, chỉ là nói suông vì thâm tâm họ thực sự không tin pháp ấy và cũng chưa hề áp dụng pháp Phật dạy trong cuộc sống. Hoặc tệ hơn nữa, nếp sống của người giảng hoàn toàn trái ngược với điều thánh thiện mà họ đang khuyên dạy người khác phải áp dụng, thì lời nói trở thành phản tác dụng, có hại hơn là lợi.
 
Có thể khẳng định rằng tư cách của người nói pháp đạt đến quả vị nào thì nói được pháp tương ưng như vậy. Thật vậy, lời giảng dạy của một Giảng sư chân chính phát xuất từ niềm tin mãnh liệt đối với pháp Phật mà họ đã chứng đắc trên bước đường tu tập và họ mang thành quả thiết thân thể nghiệm ấy hướng dẫn cho người có hoàn cảnh tương tự cũng được hưởng niềm an lạc giải thoát như vậy.
 
Ngoài việc rèn luyện ngôn ngữ, hành động, ý nghĩ thanh tịnh đúng như pháp, Đức Phật còn dạy các Bồ tát sử dụng Tứ vô ngại biện tài. Theo tôi, điều này rất cần thiết đối với Giảng sư. Trước nhất, Giảng sư cần có "Từ vô ngại biện tài”, tức là không bị trở ngại về ngôn ngữ, vì có đầy đủ từ ngữ để diễn tả cho người thông hiểu. Tất nhiên, để từ ngữ được dồi dào, ta phải luyện tập bằng cách đọc nhiều, nghe nhiều. Khi từ ngữ phong phú, dễ chuyển tải được tư tưởng đến người nghe một cách tự tại, gợi cảm, không bị lúng túng, mới có sức thu hút người chú ý nghe pháp, không chán, không mệt và khiến cho họ dễ dàng thâm nhập Phật pháp.
 
Điều cần lưu ý, muốn sử dụng từ ngữ một cách tự nhiên, gợi hứng thú cho người nghe, không phải lúc nào chúng ta cũng nói giống nhau, sử dụng một thứ từ ngữ. Vì mỗi địa phương đều có những từ ngữ riêng biệt. Giảng sư đến vùng nào, cần thông hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ thường dùng ở nơi đó và sử dụng ngôn ngữ thân thương, gần gũi của quần chúng ở địa phương, thì sẽ dễ dàng gợi ý, làm cho họ hiểu được ta và còn tạo được cảm tình với họ. Vì vậy, từ ngữ diễn đạt cũng như phương cách giảng dạy cho người dân ở nông thôn tất nhiên phải khác với thính chúng ở thành phố. Có Giảng sư chỉ được dân địa phương mến mộ thính pháp, nhưng không thành công ở nơi khác, chỉ vì không sử dụng được "Từ vô ngại biện tài”.
 
Ngoài ra, khi giảng, chúng ta còn phải chọn từ ngữ, cách diễn tả hay đề tài thích hợp với trình độ của tầng lớp người khác nhau. Nếu không, chúng ta nói cho người bình dân nghe được, nhưng giới trí thức lại không chấp nhận. Hoặc ngược lại, chúng ta thuyết phục được tầng lớp học thức cao một cách dễ dàng thì lại thất bại vì những điều ta giảng không thích hợp với đa số người ở mức độ thấp.
 
Bên cạnh việc sở đắc "Từ vô ngại biện tài”, Giảng sư còn cần đạt được "Nghĩa vô ngại biện tài”. Muốn giảng một đề tài nào, tất yếu, chúng ta phải thông suốt cặn kẽ vấn đề ấy, không có một điểm nào, dù là nhỏ nhất mà chúng ta còn nghi ngờ.
 
Mặc dù đã hiểu rõ vấn đề chính xác, nhưng khi trình bày cho người khác để họ nhận được trọn vẹn ý của mình cũng không đơn giản. Theo tôi, thật ra chúng ta cũng chỉ diễn tả được khoảng 50% phần hiểu biết hay sở đắc của mình mà thôi, huống chi là hiểu một cách lờ mờ thì làm sao thuyết phục được người. Tôi thấy đa số người thất bại vì trình bày vấn đề vượt quá khả năng hiểu biết của mình, vì muốn chứng tỏ cho người tưởng là ta học rộng, hiểu nhiều. Và kết cuộc người nghe hiểu sai hoặc chẳng biết ta muốn nói gì. Để tránh sự vấp ngã này, Giảng sư không nên chọn đề tài quá cao siêu, vượt ngoài kiến thức hay sự tu chứng của mình.
 
Điều quan trọng khác nữa, tuy có một vấn đề, nhưng chúng ta cần thấu hiểu ở nhiều khía cạnh. Và ở khía cạnh nào, ta cũng hiểu chính xác, rõ ràng, mới giải thích cho từng đối tượng một chấp nhận được. Còn chỉ hiểu đơn giản một nghĩa, đúng ở một mặt nào thôi, thì qua nghĩa khác, chúng ta có thể bị vấp phải sai lầm, người nghe không thể đồng tình với ta.
 
Đạt được "Từ và Nghĩa vô ngại biện tài”, Giảng sư cần sử dụng được "Pháp vô ngại biện tài”, nghĩa là hiểu biết càng nhiều vấn đề càng tốt. Ngoài Phật pháp nhất định phải thông suốt, chúng ta nên hiểu biết các học thuyết của ngoại đạo, triết học, khoa học, v.v… Nói chung, thông suốt kiến thức của nhân loại càng chính xác, càng nhiều thì diễn tả không bị cục bộ, dễ có sức thuyết phục mọi người. Còn chỉ thuần hiểu biết giáo lý, kinh điển, không khéo dễ rơi vô giáo điều, chủ quan. Ý này được kinh Duy Ma diễn tả rằng muốn hiểu Phật đạo, phải tìm ngay trong dị kiến ngoại đạo. Nghĩa là chúng ta hiểu rõ những điểm sai trái và những điều hay tốt của ngoại đạo, từ đó ta rút kinh nghiệm, lấy cái sai của người biến đổi thành cái đúng để sử dụng. Còn không hiểu vấn đề của người mà cứ thích nói, thành mắc bệnh chủ quan.
 
Thực tế có những vấn đề của thời đại ngày nay xảy ra, làm sao lấy kinh điển giải thích được, chẳng hạn những phát minh mới không tìm thấy trong kinh như vấn đề Internet. Hiện nay, cả nhân loại trên khắp thế giới đều đang sử dụng và hưởng được những tiện ích lớn lao của nó. Nếu không biết về vấn đề này, cũng là một trở ngại lớn cho chúng ta trong việc giảng dạy, thảo luận, trao đổi kiến thức với người.
 
Cần khẳng định rằng Giảng sư phải cập nhật hóa hiểu biết của mình theo diễn biến cuộc sống của con người trên hành tinh này và trong thời đại ta đang sống. Và chúng ta tự lý giải thông suốt vấn đề mà mọi người đang bế tắc. Đó là những gì mà nhà tôn giáo cần làm cho nhân loại và mọi người cũng chỉ cần ta bao nhiêu đó, hơn là cần ta kể chuyện đời xưa. Khai thông được những vướng mắc của thời đại, Giảng sư đã thành công trong việc thắp sáng ngọn đèn chánh pháp, thể hiện khả năng "Nghĩa vô ngại biện tài” của Đức Phật dạy.
 
Cuối cùng, Đức Phật thường nói trong kinh Đại thừa rằng các Bồ tát đều chứng đắc "Nhạo thuyết vô ngại biện tài”. Một câu, một chữ được các Ngài giảng nói cùng kiếp cũng không hết, vì có nhiều cách giải thích khác nhau. Mỗi lần giảng cho đối tượng khác, ở đạo tràng tu tập khác, trình độ, tâm lượng thính chúng khác, nên Giảng sư cũng theo những thay đổi sai khác ấy mà triển khai tinh ba ở muôn mặt. Và tất cả những giảng dạy khác nhau ấy đều đúng chánh pháp, đều không chống trái nhau và đều lợi ích thích hợp với mọi người, được họ ưa thích, noi theo, áp dụng trong cuộc sống lợi lạc.
 
Ngài Trí Giả đại Sư là một danh Tăng thể hiện được Tứ vô ngại biện tài, nên chỉ có một chữ Diệu trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa mà ngài đã triển khai suốt ba tháng. Và ngài giảng ý nghĩa của đề kinh Pháp Hoa trong suốt ba năm.
 
Tóm lại, Tứ vô ngại biện tài là pháp chứng đắc của Đức Phật. Ngài đã sử dụng nhuần nhuyễn, sâu sắc pháp này trong suốt bốn mươi chín năm thuyết pháp lợi sanh. Hơn ba trăm hội, Đức Phật nói pháp không giống nhau, nhưng đều nhằm phát huy trí tuệ và ban phát tâm từ cho tất cả người có nhân duyên, căn lành với Ngài.
 
Ngày nay, tiếp nối sự nghiệp của Đức Phật và chư vị Tổ sư, các Giảng sư cần rèn luyện thân, khẩu, ý thanh tịnh và tu tập Tứ vô ngại biện tài để làm tròn trách nhiệm hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp, cũng như làm phong phú thêm kho Thánh tài vô tận của Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni mà quý vị Giảng sư là người kế thừa xứng đáng, không hổ danh trưởng tử của Như Lai.


HT. Thích Trí Quảng (Bài giảng khóa Bồi dưỡng Hoằng pháp tại Bình Định, từ 5/4 - 15/4/1999)
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 509
  • Khách viếng thăm: 498
  • Máy chủ tìm kiếm: 11
  • Hôm nay: 95680
  • Tháng hiện tại: 2185701
  • Tổng lượt truy cập: 91077274
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012