Tri ân và vô ơn (nhân ngày 20.11)

Đăng lúc: Thứ hai - 19/11/2018 22:19 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Không phải hiểu đơn giản là phủi ơn sau khi người ta giúp mình. Vô ơn trong vật chất khác với vô ơn trong tinh thần.
Người ta cho mình củ sắn củ khoai khi ngặt nghèo, sau đó mình quên mất, đó là vô ơn trong vật chất. Còn nói về vô ơn trong tinh thần, chúng ta hãy nhớ những đoạn kinh này: 
 
- Này các tỳ kheo, những gì mà bậc đạo sư phải làm cho các đệ tử vì tấm lòng bi mẫn thì Như Lai đã làm rồi, Như Lai đã nói hết, Như Lai không phải là vị thầy có bàn tay nắm giữ giấu nghề… Đây là những gốc cây, những ngôi nhà vắng, hãy tinh tấn thiền định, chớ có để mình sau này phải hối tiếc.
  
- Này các tỳ kheo, trong các cách cúng dường Như Lai một cách cao quí nhất, chỉ có cách duy nhất được xem là đáng kể đó là thực hành giáo pháp của Như Lai. 
 
Và còn nhiều nữa nhưng tôi chỉ lựa hai đoạn kinh mà tôi nghĩ ở đây ai cũng biết. Ngài Xá Lợi Phất đã chứng Sơ quả nhờ một câu kệ của ngài Assaji nên từ đó đến lúc mất, mỗi đêm đều nghĩ về  ngài Assaji và quay đầu về hướng đó để cảm ơn. 
 
Ở đây chắc không ai tin chuyện này. Mình có quí cái gì đó thì mình mới cảm kích sâu sắc kẻ đã mang lại điều đó cho mình. Ví dụ mình coi nặng về tiền bạc thì đặc biệt ghi nhớ kẻ nào giúp cho mình có tiền. Nếu mình có lòng tôn kính chánh pháp, mình có nhu cầu lớn trong cõi tâm linh tinh thần thì sẽ thấy chuyện của ngài Xá Lợi Phất rất dễ hiểu. Vì ai, nhờ ai  mà ngài có được quả vị La-Hán. Quả vị La-Hán đó dĩ nhiên là do Đức Thế Tôn Chánh Đẳng Chánh Giác nhưng trước hết là nhờ ngài Assaji nói một câu kệ ngắn: “Vạn pháp do duyên mà có rồi cũng do duyên mà mất đi. Đức Như Lai đã nói rõ nhân duyên sanh và nhân duyên diệt ấy.” Nhờ câu này mà ngài Xá Lợi Phất đắc Sơ quả. Từ đó ngài đi xuất gia và trở thành một vị Đệ nhất Thinh Văn, đệ nhất trí tuệ. Dĩ nhiên bậc thầy tối cao tối thượng tối thắng là Đức Thế Tôn Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng Điều Ngự, nhưng bên cạnh đó ngài Xá Lợi Phất cũng ngày đêm đau đáu nhớ về người đã đưa mình về cửa đạo đầu tiên đó chính là ngài Assaji. 
 
Đối với tất cả chúng ta ở đây, chúng ta mang ơn rất nhiều người. Nhờ ai mà tiếng Việt của mình tốt hơn? Nhờ những danh nhân như Nguyễn Hiến Lê, Phạm Công Thiện, Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng, thầy Tuệ Sỹ, Mai Thảo, Tạ Tỵ v.v... Phải nhìn nhận những tiền nhân ấy là người ơn của mình. Những tiền nhân của dân tộc, danh nhân của thế giới đó chính là người ơn của mình. 
 
Trách nhiệm của người nhớ ơn có 2: đáp đền trực tiếp hoặc đi lại con đường đó để gieo ơn cho lớp sau cũng được như mình. Chúng ta mang ơn về tinh thần nhiều lắm: khoa học, nghệ thuật, đạo đức, tôn giáo, tâm linh, xã hội. Những ai đóng góp cho thế giới này gián tiếp hoặc trực tiếp đều là người ơn của chúng ta hết. Trách nhiệm của chúng ta không nhất thiết phải trả ơn đúng ngay người đó nhưng phải lập thệ, nghĩa là mình tiếp tục ban phát cho lớp người sau cần đến mình. Người biết mang ơn theo tinh thần này mới được kể là kẻ biết tri ơn theo tinh thần của chánh pháp, theo tinh thần của chư Phật. 
 
Nói gọn lại thì tốt với tất cả chúng sinh chính là cách tri ơn cao đẹp và ý nghĩa nhất. Sống có từ bi, có chánh niệm có trí tuệ đó là cách đền ơn các vị tiên hiền, tiền bối, đền ơn tất cả các lớp người đã đi trước và trao truyền lại mạng mạch tâm linh cho chúng ta. 
 
Có hai thứ huyết thống: huyến thống sinh học và huyết thống tâm linh. Huyết thống sinh học là quan hệ máu mủ giữa ông bà, cha mẹ, con cháu nhiều đời. Huyết thống tâm linh là những giá trị tinh thần được truyền thừa từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nói như vậy thì giữa lớp người sau dù cách lớp người trước cả nghìn năm vẫn cứ  là có một huyết thống tâm linh. Đã gọi là huyết thống thì chúng ta phải có trách nhiệm truyền thừa một cách xứng đáng. Từng người trong room này, nếu không phải là tăng ni thì cũng có tối thiểu tam quy, ngũ giới. Hãy tưởng tượng năm giới đó, tam quy đó có dính líu với Đức Phật hay không? Dứt khoát là có. Vì sao, vì ai đã truyền quy giới cho quí vị, người đó phải có thầy chứ. Người thầy đó lại cũng có thầy nên thầy này lại có thầy kia và thầy kia cũng phải có thầy nọ mới có quy giới. Truy ngược mãi thế nào chúng ta cũng chạm được bàn chân của Đức Phật. 
 
Có hiểu như vậy mình mới trân quý tất cả bạn đạo nam nữ chung quanh mình, dù xa dù gần, dù đã gặp mặt hay chưa gặp mặt, tất thảy đều có quan hệ huyết thống tâm linh với nhau hết. Và trong mối quan hệ đó chúng ta mới có thể được nếp sống tri ơn đúng nghĩa và đúng mức. Chứ còn đằng này mình thấy nó họ Nguyễn mình họ Trần có mắc mớ gì nhau, bản mặt nhìn không ưa thì làm sao bắt buộc tôi có thể xem nó là huyết thống? Sai. Có hai loại huyết thống, huyết thống sinh học có thể là không cùng nhưng huyết thống tâm linh dứt khoát là có. Cùng là người VN, cùng là thờ Phật, cùng học giáo lý, cùng chấp nhận một quan điểm giáo lý, một quan điểm đạo đức thì đương nhiên chúng ta đã có một huyết thống tâm linh với nhau rồi.  
 
(Sưu Tầm)
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 89
  • Khách viếng thăm: 83
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 41497
  • Tháng hiện tại: 623384
  • Tổng lượt truy cập: 117429040
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012