Côn Sơn - Kiếp Bạc, quần thể du lịch văn hóa tâm linh

Đăng lúc: Thứ ba - 02/10/2012 07:15 - Người đăng bài viết: Ban quản trị
Côn Sơn - Kiếp Bạc là quần thể di tích lịch sử - văn hoá nổi tiếng của đất nước với hình sông, thế núi hùng vĩ, linh thiêng... Côn Sơn - Kiếp Bạc còn là vùng đất gắn liền với những sự kiện nổi tiếng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong các giai đoạn lịch sử Việt Nam, vùng đất này luôn luôn được nhắc đến như là biểu tượng của khí phách anh hùng, của tinh thần đoàn kết và lòng tự tôn dân tộc.
Côn Sơn - Kiếp Bạc, quần thể du lịch văn hóa tâm linh

Côn Sơn - Kiếp Bạc, quần thể du lịch văn hóa tâm linh

 

Trong thế kỷ 13, dân tộc Việt Nam đã lập nên những chiến công vĩ đại: ba lần chiến thắng giặc Nguyên - Mông xâm lược. Di tích Kiếp Bạc, với những cái tên: Bến Vạn Kiếp, Lục Ðầu Giang và hàng loạt những di tích nổi tiếng khác gắn với cuộc đời - sự nghiệp của Quốc công Tiết chế Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn. Vó ngựa quân Nguyên tung hoành khắp nơi, nhưng ba lần xâm lược nước ta, thì cả ba lần chúng đều bị thảm bại trước ý chí chiến đấu của quân dân Ðại Việt, dưới sự lãnh đạo của vua tôi nhà Trần, mà tiêu biểu là tài năng quân sự kiệt xuất của Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn. Ba lần chống giặc, các vua Trần đều giao cho Trần Quốc Tuấn quyền Tiết chế, thống lĩnh quân đội. Ông đã soạn Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp Tông bí truyền thư để răn dạy các tướng cầm quân đánh giặc. Khi giặc Nguyên lộ rõ ý đồ xâm lược, Trần Quốc Tuấn viết Hịch tướng sĩ, lời lẽ khẳng định văn chương của một bậc "đại bút", truyền lệnh, khích lệ tướng sĩ xung trận... Ông là một bậc tướng gồm đủ tài đức: là tướng Nhân, ông thương dân, thương quân; là tướng Nghĩa, ông coi việc phải hơn điều lợi; là tướng Trí, ông biết lẽ đời sẽ dẫn tới đâu; là tướng Dũng, ông xông pha nơi nguy hiểm để đánh giặc; là tướng Tín, ông cho quân lính biết được gì nếu thuận và mất gì nếu trái lời dạy. Cao hơn hết, đó là phương châm: "Thời bình phải khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách giữ nước", sâu sắc và luôn đúng cho mọi thời đại. Với đất nước, Trần Quốc Tuấn là Anh hùng dân tộc. Với nhân dân, Ngài được tôn là vị Thánh.

 Côn Sơn - Kiếp Bạc còn là nơi di dưỡng những tên tuổi lớn... Cuối thế kỷ 14, sau khi giúp triều đình dẹp yên loạn Dương Nhật Lễ, ổn định triều chính và đất nước, quan Ðại tư đồ Trần Nguyên Ðán- hiệu Băng Hồ, nhà chính trị, nhà thơ, nhà kịch pháp lớn cuối triều Trần đã về Côn Sơn, dựng Thanh Hư Ðộng để sống những năm tháng cuối đời. Thanh Hư Ðộng- một địa danh nằm trong di tích danh thắng Côn Sơn, muôn đời gắn với tên tuổi Trần Nguyên Ðán và Nguyễn Trãi, Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Chính ở Côn Sơn, từ thuở ấu thơ, Nguyễn Trãi đã gắn bó tha thiết với núi rừng Côn Sơn cùng ông ngoại là quan Ðại tư đồ Trần Nguyên Ðán. Côn Sơn cũng là nơi đã hun đúc nên tinh thần yêu nước, trí lược tài ba và tư tưởng nhân tâm xuyên suốt thời đại của Nguyễn Trãi. Sự nghiệp, tài năng, đức độ và nhân cách của ông sáng tựa sao Khuê. Ông là vị khai quốc công thần và là văn thần có uy tín ở thời đầu nhà Hậu Lê. Trong lịch sử dân tộc, Nguyễn Trãi là một trí thức lớn, một trong những lãnh tụ kiệt xuất của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ông đã có những đóng góp to lớn trong việc vạch ra đường lối, chiến lược, sách lược chống quân Minh, giải phóng dân tộc. Ông cũng là người có công tổng kết, khái quát những vấn đề có tính quy luật của sự nghiệp dựng nước và giữ nước trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam... Hơn thế, Nguyễn Trãi còn là một nhà tư tưởng lớn. Tư tưởng nhân nghĩa của ông là một triết lý sâu sắc, cốt lõi, bao trùm toàn bộ cuộc đời ông, thể hiện rõ qua các tác phẩm lớn: Quân trung từ mệnh tập, Ức trai thi tập, Dư địa chí, Quốc âm thi tập, Bình ngô đại cáo, Phú núi Chí Linh... Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là thương dân, vì dân, an dân; là sự khoan dung, độ lượng; là lý tưởng xây dựng đất nước thái bình... Tư tưởng ấy của Nguyễn Trãi là kết tinh của tư tưởng thời đại, tinh hoa khí phách dân tộc, đã tạo nên dấu ấn và có ảnh hưởng sâu sắc trong lịch sử tư tưởng Việt Nam.

Cùng với những giá trị to lớn về lịch sử, Côn Sơn - Kiếp Bạc còn lưu giữ trong mình lớp lớp trầm tích của văn hóa Việt Nam mà mỗi chúng ta đều có quyền tự hào, để rồi mỗi khi nghĩ đến, ta như được trở về với cội nguồn văn hóa dân tộc. Từ thế kỷ 13, thời nhà Trần đã ra đời một dòng thiền thuần Việt, do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Thiền phái Trúc Lâm có ba thiền sư kiệt xuất là: Ðệ nhất tổ - Ðiều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Ðệ nhị tổ - Pháp Loa và Ðệ tam tổ - Huyền Quang tôn giả đã từng về Côn Sơn hoằng dương thuyết pháp, dựng liêu Kỳ Lân (tức chùa nhỏ Kỳ Lân), rồi mở rộng thành Thiên Tư Phúc tự (tức chùa Hun hay chùa Côn Sơn) thành chốn tổ đình, một trong những thiền viện lớn, nổi tiếng ở nước ta thời Trần. Ðây được xem là dạng Phật giáo chính thức của Ðại Việt, nên có liên quan mật thiết đến triều đại nhà Trần. Dòng thiền này đã có những đóng góp lớn đối với sự hưng thịnh đất nước lúc bấy giờ. Tự cổ chí kim, Côn Sơn - Kiếp Bạc luôn là vùng đất linh diệu. Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo cùng tồn tại và phát triển trên mảnh đất thấm đẫm bản sắc văn hóa thuần Việt này. Nếu như Côn Sơn là một trong những trung tâm Phật giáo của dòng thiền Trúc Lâm Ðại Việt với Tam tổ: Trần Nhân Tông - Pháp Loa - Huyền Quang, thì Kiếp Bạc là trung tâm nội đạo thờ Ðức thánh Trần Hưng Ðạo.

Có thể nói, Côn Sơn - Kiếp Bạc là một quần thể di tích tiêu biểu, nơi kết tinh tư tưởng tam giáo đồng nguyên. Phật giáo - Lão giáo - Nho giáo hòa đồng, vì mục đích quy tụ nhân tâm, lấy thần quyền phục vụ vương quyền, củng cố tư tưởng độc lập tự chủ của cả dân tộc. Trong khu vực Côn Sơn, còn có dãy núi Phượng Hoàng 72 ngọn, đẹp như tranh vẽ và cũng rất linh thiêng. Ðỉnh cao đứng giữa. Các đỉnh thấp xòe hai bên như cánh chim phượng xoải cánh tìm chốn đất lành... Nơi đây có Ðền thờ Vạn thế sư biểu Chu Văn An, một tấm gương sáng về nhân cách của Việt Nam. Ông là người có công lớn trong việc truyền bá tư tưởng Nho học vào Việt Nam, xây dựng nền giáo dục nước nhà. Ông cũng là nhà thơ, thầy thuốc, là nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn. Nhưng trên hết, ông là nhà sư phạm lỗi lạc, người thầy tiêu biểu, mẫu mực. Khi ở quê, lúc làm quan trong triều, khi về ẩn dật... ông luôn giữ tiết tháo, sống đức độ, liêm khiết, nêu tấm gương sáng về khí tiết bậc chính nhân quân tử, về trách nhiệm và nhân cách cao thượng của người thầy, người trí thức chân chính trước thời cuộc... Tác giả Phan Huy Chú - trong Lịch triều hiến chương loại chí, đã ca ngợi ông: "học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, làng Nho nước Việt trước sau chỉ có mình ông...". Ðây còn là quê hương của Nguyễn Thị Duệ, vị nữ Tiến sĩ nho học đầu tiên và duy nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam thời phong kiến (triều Mạc). Bà được vua phong là Tinh Phi (có nghĩa là Sao Sa). Sau này, chúa Trịnh cũng rất sủng ái, phong cho bà chức Cung Trung Giáo Tập, rồi Lễ Nghi Học Sĩ để trông coi việc dạy học trong vương phủ. Nhân dân tôn sùng gọi bà là Nghi ái Quan hay Bà chúa Sao Sa... Bà là người có tri thức uyên thâm, văn chương xuất chúng, được cả nước biết đến, được nhiều người ngưỡng vọng về tài năng và đức độ. Khi còn làm việc quan, Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ rất quan tâm đến việc thi cử, từng đào tạo bồi dưỡng nhiều hiền tài cho đất nước.

Khu vực quần thể di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc còn được biết đến với nhiều di tích lịch sử văn hóa - danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác, như: núi Ngũ nhạc nơi có Ngũ Nhạc linh từ, Bàn cờ tiên, đền Mẫu sinh, đền Thánh hóa, đền thờ Nam Tào - Bắc Ðẩu, Huyền Thiên cổ tự, Tinh Phi cổ tháp, chùa Thanh Mai cùng nhiều di tích gắn với các sự kiện lịch sử của dân tộc và các vị tiên hiền...

 Với các giá trị đặc biệt về lịch sử - văn hóa - kiến trúc nghệ thuật, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc được Ðảng, Nhà nước, chính quyền các cấp cùng nhân dân địa phương quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị nhiều thập kỷ qua. Sau nhiều năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương tích cực chỉ đạo lập Ðồ án quy hoạch tổng thể, ngày 18-6-2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 920/QÐ-TTg, phê duyệt "Quy hoạch tổng thể Bảo tồn Khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương" và ngày 10-5-2012 vừa qua, khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Côn Sơn - Kiếp Bạc, được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Ðây là một quyết định vô cùng ý nghĩa và rất quan trọng: Khẳng định vị thế cùng giá trị của cả quần thể di tích, đồng thời là căn cứ pháp lý quan trọng để tăng cường quản lý, nghiên cứu, đầu tư và định hướng phát triển đối với Côn Sơn - Kiếp Bạc trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai. Ðể quản lý và thực hiện tốt Quy hoạch tổng thể bảo tồn Khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch và bảo tồn khu di tích quốc gia đặc biệt, Ðảng bộ và nhân dân Hải Dương đã và đang nhận được sự ủng hộ cao của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong triển khai thực hiện tích cực các công việc theo nội dung quy hoạch được duyệt, cụ thể hóa các tiêu chí về quy mô các công trình, hình thức kiến trúc, về hạ tầng cơ sở, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung làm phong phú thêm các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của quần thể di tích, làm nổi bật sự liên kết của quần thể di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc trong chuỗi lịch sử dân tộc.

Ðể quần thể di tích này tiếp tục phát huy những giá trị trong giai đoạn hiện nay và cả trong tương lai, cùng với sự cố gắng nỗ lực của Ðảng bộ, chính quyền nhân dân tỉnh Hải Dương, rất cần có sự quan tâm hơn nữa của Chính phủ, sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan, ban, ngành Trung ương; các tỉnh, thành phố; các nhà khoa học; các nhà đầu tư trong và ngoài nước; các tổ chức và cá nhân. Với niềm tin vững chắc ấy, hy vọng Côn Sơn - Kiếp Bạc sẽ trở thành khu du lịch văn hóa tâm linh đặc biệt, điểm đến không thể thiếu trong hành trình tìm về nguồn cội của con dân nước Việt cùng du khách gần xa.

(Theo Nhân Dân)


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 23 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 550
  • Khách viếng thăm: 547
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 91654
  • Tháng hiện tại: 2899797
  • Tổng lượt truy cập: 88704400
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012