Người ta thường vận dụng sai câu nói “bất biến tuỳ duyên”

Đăng lúc: Thứ bảy - 24/05/2025 04:17 - Người đăng bài viết: Ban Biên Tập
Người ta thường vận dụng sai câu nói “bất biến tuỳ duyên”, bởi do không nắm bắt đầy đủ ý nghĩa của “Chân như”.

 
Chân như thì bất biến không thêm không bớt, giống như chứa một bình không khí đưa từ không gian này sang không gian khác, không khí nơi này không vì bị lấy mà bớt đi, không khí nơi kia không vì được mang tới mà đầy lên.
 
Vậy tại sao chân như cũng là tuỳ duyên, vì ví như biển có nhiều dạng sóng nước, nhưng cũng chỉ có một vị mặn mà thôi. Cũng như nước vẫn là nước (H2O), nhưng nước đông thành cục đá khác nước bình thường, thể thì là một mà dụng thì khác nhau.
 
Vì sao nói tuỳ duyên? Tuỳ duyên hoàn toàn không phải tuỳ tiện, thế nào cũng được.
 
Tuỳ duyên là phải hiểu pháp ấy do duyên mà sinh thì pháp ấy cũng do duyên mà diệt. Có nghĩa rằng do chính cái duyên thêm bớt, nhiễm tịnh mà biến hiện sự thêm bớt, nhiễm tịnh sai khác ở các mức khác nhau.
 
Cái sân hôm nay sạch, nhưng ngày mai lại phủ đầy rác bụi, thì hành vi quét dọn là biến hiện của sạch dơ, không quét thì dơ mà quét thì sạch…
 
Thấy sạch dơ là do nơi tùy theo duyên mà biến hiện, còn bản thân pháp (cái sân) và pháp (rác bụi) là pháp bình đẳng, chẳng vì ta nói sạch mà nó sạch, chẳng vì ta nói dơ mà nó dơ.
 
Sạch hay dơ nơi duy tâm biến hiện mà ra.
 
Tổ Huệ Năng nói: “Bồ đề vốn không cây. Gương sáng cũng chẳng đài. Xưa nay không một vật. Chỗ nào dính bụi dơ”.
 
“Không một vật” là do pháp không tăng không giảm, không thêm không bớt, không nhiễm không tịnh, nên “bụi dơ” ở “chỗ nào” mà (cái thấy dơ sạch kia) bàn chuyện dính hay không dính?
 
Huệ Năng đã nói đến cái nghĩa bất biến không đổi, không khác của Chân Như và Tánh Không.
 
Trong khi ngài Thần Tú thì lại nói: “Thân như cội bồ đề. Tâm như đài gương sáng. Hàng ngày phải lau chùi. Chớ để dính bụi dơ”.
 
Nói thế có phải ngài Thần Tú kém cỏi, chưa ngộ đạo chăng? Xin thưa, làm đúng như lời ngài Thần Tú dạy, chúng ta đã thấy mướt mồ hôi ra rồi.
 
Ai ngồi vén miệng chê ngài Thần Tú cứ thử để sân chùa 3 ngày không quét, cái bình hoa cả tháng không thay, cái nhà vệ sinh 2 ngày không cọ rửa xem sao? Lúc đó ngộ ra cái bất biến của pháp hay lại nổi đoá lên với tứ chúng đệ tử?
 
Cho nên khi nhiễm tịnh do duyên biến hiện mà thành thì cũng do duyên mà diệt. Có dơ có sạch thì phải có lau chùi dọn dẹp thôi.
 
Như vậy Thần Tú cũng có bước ra ngoài cái nghĩa “Chân Như” mà nói đâu, chẳng qua thay vì nói chuyện “bất biến” thì ngài nhắc việc “tuỳ duyên”. Cũng vì hoà ánh sáng vào cát bụi, nên pháp ngài Thần Tú giảng vẫn vang khắp triều đình, do dụng đúng cái “tuỳ duyên” đó mà đem lại lợi ích cho số đông.
 
Bản thân chúng ta thấy một bên giác ngộ và một bên “chưa giác ngộ” thì chính chúng ta cũng đang nhân nơi cao thấp, nhiễm tịnh mà bàn, vì thế cũng đâu ra ngoài cái nghĩa tuỳ duyên.
 
Chánh pháp tà pháp sai khác cũng do duyên biến hiện mà thành. Nhưng tại sao các Tổ dạy, lời chánh nói bởi người tà thì nó cũng thành tà, mà lời tà nói bởi người chánh thì nó cũng thành chánh? Là bởi pháp tuy chánh nhưng do chấp mà thành tà.
 
Là bởi do chấp mới sinh cao thấp, nhiễm tịnh, lấy bỏ, khen chê…, từ đó làm cho pháp bình đẳng trở thành pháp xung đột
 
Con sư tử đúc bằng vàng, dù với hình thù đẹp xấu thế nào cũng là một khối vàng nguyên chất. Nhưng người đời khi ngắm con sư tử ấy vốn chỉ khen tài người đúc, ngắm con mắt, răng năng, cái bờm, cái mình, cái đuôi, cái chân rồi khen chê chỗ này đẹp chỗ kia xấu mà thôi.
 
Cũng như Bồ tát Thường Bất Khinh nhìn ai cũng có Phật tánh, cũng sẽ thành Phật. Còn chúng ta thì nhìn thấy con người đủ thứ tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến…
Cuối cùng thì ai đi đâu, ai về đâu trong cái “Chân như” tuỳ duyên mà bất biến, bất biến mà tuỳ duyên này? Cái gì là thể cái gì là dụng, nhìn rõ rồi thì tự tại, lý vô ngại, sự vô ngại và lý sự vô ngại. Khi ấy ưu phiền tự dứt. Phiền não của chúng ta như mây che mặt trời, chứ không phải mặt trời không hiện ra.
 
Đi về phía bất biến của Chân như chúng ta sẽ có cơ may vào được chủng tánh đại thừa. Cùng phát khởi tín tâm kiên cố nơi chủng tánh ấy, thì đồng thể đại từ, đồng thể đại bi, đồng thể đại hỷ, đồng thể đại xả, Tịnh độ hiện tiền…

 
 
 
 
 

Tác giả bài viết: Thích Thanh Thắng
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Chùa Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, thành phố Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật...

Thống kê

  • Đang truy cập: 149
  • Khách viếng thăm: 147
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 45990
  • Tháng hiện tại: 1179680
  • Tổng lượt truy cập: 137182663
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012