Sống tỉnh thức trong cuộc đời- Phần I

Đăng lúc: Thứ bảy - 29/09/2012 11:30 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
Sống tỉnh thức trong cuộc đời- Phần I

Sống tỉnh thức trong cuộc đời- Phần I

Lời Mở Đầu 

     Tỉnh thức là một nguồn năng lượng sáng đẹp, giúp cho chúng ta nhận ra những gì đang xảy ra trong tâm thức và hoàn cảnh hiện tại. Khi có nguồn năng lượng của sự tỉnh thức thì mọi suy tư, lời nói và hành động của chúng ta trở nên linh động và chân thiện. Ta sẽ nghĩ, nói, làm những gì đem đến niềm an vui, hạnh phúc cho chính mình và tha nhân mà tránh đem lại khổ đau và bất an.

        Tỉnh thức, nói đủ là Chánh niệm Tỉnh thức, được xem là yếu tố nòng cốt trong sự thực tập thiền quán của Đạo Phật. Đây là yếu tố mà người tu tập cần nắm vững để phát triển năng lượng tỉnh thức của mình trong đời sống hàng ngày và trong công  phu thiền tập. Do đó, “sống tỉnh thức trong cuộc đời” cũng có nghĩa là ứng dụng thiền tập trong đời sống hàng ngày bằng năng lượng chánh niệm để thiết lập an lạc, định lực, và tuệ giác cho bản thân, gia đình, và hoàn cảnh sinh hoạt.

        Tập sách SỐNG TỈNH THỨC TRONG CUỘC ĐỜI là tập hợp của mười hai bài viết và giảng mà chúng tôi đã biên soạn trong những năm qua và đã được đăng lên các tập san và báo chí Phật giáo ở trong nước và hải ngoại. Chúng tôi mong ước được chia sẻ một phần kiến thức Phật pháp và kinh nghiệm Thiền Tập với các bạn đồng tu và quý Phật tử xa gần để gieo duyên Pháp lữ và cùng nâng đỡ nhau trên bước đường tu tập giải thoát theo lời dạy của Đức Phật.

        Ấn hành tập sách nhỏ này với mục đích bày tỏ lòng tri ân của chúng con lên chư Tôn Đức, Thầy bổn sư thượng Ngộ hạ Tánh, các bậc Thầy giáo thọ đã dẫn đường và chỉ dạy cho chúng con từ những bước đi chập chững đầu tiên cho đến ngày hôm nay. Đặc biệt là sự hỗ trợ và khích lệ tinh thần của quý Thầy Từ Lực, Chủng Thiện, Chân Nguyện Hải, và quý Thầy quý Cô tại Tu viện Kim Sơn trong những bước đầu hội nhập tại Hoa Kỳ. Những gì chúng con có được ngày hôm nay trước tiên đều do ân đức sanh thành của cha mẹ, sự giáo dưỡng của chư Tôn Đức, và sự hỗ trợ của thiện hữu xa gần.

       Chúng con xin đảnh lễ tri tạ thâm ân của Sư Ông Làng Mai, bận ân sư đã giáo dạy trực tiếp cho chúng con có được những hiểu biết về Phật Pháp và những kinh nghiệm thiền tập như ngày hôm nay. Chúng con xin tri tạ ân đức của Thượng Tọa Viện trưởng Tu viện Kim Sơn, đã dẫn dắt và trợ duyên cho chúng con có được cơ duyên tốt đẹp qua đến đất nước Hoa Kỳ. Chúng con nguyện cầu quý ngài được Pháp Thể luôn khinh an và Tuệ Đăng thường chiếu để mãi là chỗ tựa nương cho chúng con và tứ chúng khắp nơi.

        Sau cùng, chúng tôi xin cảm tạ tấm lòng thương mến của quý Phật tử xa gần đã và đang hỗ trợ chúng tôi trên đừng tu tập và hoằng pháp, đặc biệt là sự góp sức để hoàn thành tập sách này của Phật tử Ngọc Sương và Quảng Minh Thắng, cũng như sự hỗ trợ tinh thần và tịnh tài của quý Phật tử trong vùng San José để ấn hành tập sách này. Nguyện đem công đức này hồi hướng đến quý vị và thân quyến được gặp mọi duyên lành trên con đường tu tập.

Tu viện Kim Sơn, 12/8/2002

Kính bút,

Tỳ Kheo: Tuệ Đức – Thích Nhuận Hải

---------------

Lời giới thiệu 

     Tôi được đọc quyển sách ngày trong tâm trạng vui mừng của một người bạn đạo. Chờ đợi đã lâu, nay mới thấy trước mắt từng trang của cuốn sách. Bao nhiêu tâm huyết cùng thao thức được Thầy Nhuận Hải phơi trải trên trang giấy, trong những dòng chữ đầy nhiệt tâm. Ở đây, chúng ta thấy được một người tăng sĩ luôn ấp ủ những cống hiến cho tuổi trẻ và đồng thời với tâm nguyện tìm kiếm một đời sống an vui cho mọi người.

       Như trong lời mở đầu của tác giả, đây là những bài viết được biên soạn trong những năm Thầy giảng dạy cho các khóa tu tập ở các tự viện hay đã được đăng tải trên báo chí. Như thế, những suy tư này đã được kiểm chứng qua thời gian và đã nhận được sự hoan nghênh, cùng khích lệ từ chư Tôn Đức và bạn hữu Phật tử. Các đề tài chính liên quan đến việc thiền tập trong đời sống hàng ngày. Đó là thức ăn tinh thần mà chúng ta cảm thấy thật cần thiết cho cuộc sống hôm nay, nhất là trong một xã hội có nhiều biến động và bất an như xã hội hiện tại. Thiết tưởng, nhưng suy tư của Thầy rất là bổ ích khi chúng ta muốn tìm những giây phút an lạc cho bản thân, hay muốn đạt được cuộc sống an lành trong gia đình, xã hội.

         Điều thiết yếu hơn nữa, qua nhận xét của riêng tôi, đó là tác giả muốn nói lên những kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến cuộc sống của chính mình. Và từ đó, Thầy đã rút tỉa được những bài học có giá trị và ích lợi cho tiến trình thực tập thiền quán. Ai mà không thở, nhưng thở có chánh niệm mới được an vui. Ai mà không ăn, nhưng ăn với tỉnh thức thì chúng ta mới có thể vừa nuôi dưỡng thân tâm, vừa làm cho cuộc sống thêm tươi, làm cho cuộc đời thêm đẹp. Đã từng đặt từng bước chân ở tu viện Kim Sơn, qua những ngày mưa tháng nắng, chắc hẳn Thầy đã cảm nhận được lợi lạc trong phương pháp thiền hành. Khi có mặt trong một buổi pháp đàm ở Làng Mai, chắc Thầy cũng hiểu thế nào là sự cao quý của hạnh Lục Hòa, của pháp môn Bất Nhị. Hôm nay, chúng ta có duyên lành, được thừa hưởng hoa trái qua sự thực tập, chiêm nghiệm của Thầy.

        Cách đây mấy năm, tôi đã được đọc mấy bài trong cuốn sách này, chính tôi cũng đã học hỏi được nhiều điều bổ ích. Nay xin trân trọng giới thiệu đến với tất cả quý vị và bạn đọc xa gần.

Hayward, 5/8/2003

Cẩn đề,

Thích Từ Lực

 

Phần I- Làm Sao Để Đức Phật Luôn Có Mặt Với Bạn 

     Dưới lăng kính của Phật Giáo Đại Thừa, Đức Phật được biểu  hiện qua nhiều hình ảnh và ý nghĩa, như chúng ta nghe nói đến “Tam Thân” của Phật, đó là: Báo thân, Hóa thân và Pháp thân. Trong ý nghĩa đó, dù Báo thân của Phật không còn, nhưng Hóa thân và Pháp thân vẫn luôn còn đó để soi đường chỉ lối cho chúng ta. Đức Phật vẫn hiện hữu giữa lòng nhân loại để đem nguồn hạnh phúc đến mọi người. Vấn đề là chúng ta phải làm sao tiếp xúc với Phật, để Đức Phật ở trong ta hiển lộ, để Đức Phật có mặt  với chúng ta mỗi giây phút, làm cho đời sống của chúng ta trở nên có ý nghĩa, trở nên an vui thật sự.

        Tùng Thẩm, một thiền sư nổi tiếng của Trung Hoa, có nói: “Phật vàng không khỏi hư hoại do lò đúc. Phật gỗ không khỏi hư hoại do lửa cháy và thời gian. Phật đất không khỏi hư hoại do nước. Duy chỉ có Phật thật ngồi ở bên trong thì bất hoại mà thôi.” Cho chúng ta thấy rằng Phật tánh trong mỗi chúng ta mới là quan trọng, còn mọi hình tướng bên ngoài chỉ là giả tướng, chứ bản chất vốn không thật. Như vậy, để Đức Phật có mặt với chúng ta, chúng ta phải tiếp xúc được với những đức tính của Phật, làm cho những đức tính đó hiển lộ ra nơi con người chúng ta. Làm được như vậy, Đức Phật sẽ có mặt với chúng ta, bảo hộ, che chở cho chúng ta.

        Những đức tính biểu trưng của một Đức Phật là gì? Đó là tâm từ bi, là tuệ giác và sự tỉnh thức thường trực. Các đức tính này có sẵn trong mỗi chúng ta, chỉ cần chúng ta biết tiếp xúc với các đức tính này thì Phật tánh ở trong chúng ta sẽ hiển lộ một cách tự nhiên. Tu tập có nghĩa là chúng ta có chánh niệm trong mọi hoàn cảnh, giữ tâm ý của chúng ta  được định tĩnh, tự chủ và tỉnh thức trong mọi lúc, mọi nơi, để tạo ra nguồn an lạc cho chính mình và mọi loài xung quanh. Đây là cốt lõi của sự tu tập.

       Một trong những pháp môn quan trọng trong đạo Phật, có khả năng giúp con người thoát ly những khổ đau, trói buộc của cuộc đời, là pháp môn thiền quán. Trong Kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthna Sutta), Phật dạy các thầy tỳ kheo rằng: “Này quý vị! Quý vị hãy an trú trong phép quán niệm thân thể nơi thân thể, cảm thọ nơi cảm thọ, tâm thức nơi tâm thức, và đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức một cách tinh cần, sáng suốt, và tỉnh thức để loại trừ mọi tham dục và chánh bỏ đối với cuộc đời.”

        Như vậy, hành thiền có nghĩa là khi hành giả đang làm gì, nói gì và suy nghĩ gì, vị ấy đều phải ý thức rõ về những gì mình đang làm, nói và suy nghĩ; tức là tâm của hành giả phải trú trong hiện tại để sống trọn vẹn, định tĩnh và tự chủ với những gì đang xảy ra. Đây chính là sự thực hành thiền quán trong mỗi giây phút để chúng ta có thể trở về với chính mình một cách hoàn toàn, không để ngoại cảnh lôi kéo. Khi chúng ta ý thức được những gì đang xảy ra, chúng ta mới có thể ngăn ngừa không  cho những ý niệm xấu xâm nhập vào tâm của chúng ta, cũng như không để cho chúng biểu hiện ra bên ngoài. Nhờ có ý thức được như vậy, chúng ta có thể làm chủ được mình và không để cho những điều không hay xảy ra. Nếu chúng ta không có sự tỉnh thức trong mọi hoàn cảnh, để khi sự việc đã xảy ra rồi, dù có muốn ngăn ngừa cũng đã quá trễ.

       Làm sao để khi cư xử với mọi người trong đời sống hàng ngày, bạn có thể cư xử một cách nhân ái và tế nhị, là điều rất quan trọng. Cách sống của bạn nói lên thực chất con người bạn và chứng tỏ khả năng tu chứng của bạn. Thực tập quán sát  chính mình trong đời sống hàng ngày sẽ giúp cho bạn hiểu rõ mình hơn. Điều quan trọng là bạn trở về với chính mình, nhận diện và kiểm soát tâm ý và hành động của bạn; dần dần, cách cư xử của bạn sẽ trở nên tinh tế hơn, từ ái hơn và chân thành hơn. Bạn sẽ là một người có an lạc và có thể mang nguồn vui đến cho mọi người. Nếu bạn có hạnh phúc, tất cả mọi người trong gia đình cũng như ngoài xã hội đều được thừa hưởng niềm hạnh phúc của bạn.

       Tại Việt Nam cũng như các nước Á châu, mỗi gia đình theo đạo Phật thường có bàn thờ Phật rất trang nghiêm ở giữa nhà để thờ cúng, chiêm bái mỗi ngày. Đây là một truyền thống tốt đẹp. Nếu chúng ta biết áp dụng vào việc tu tập, bàn thờ Phật sẽ là nơi giúp ta và gia đình rất nhiều trong đời sống tâm linh. Tôi đã thấy ở Việt Nam có nhiều gia đình Phật  tử thuần thành, mỗi buổi tối, cha mẹ và con cái sau khi ăn cơm và tắm rửa xong, đều đến trước bàn thờ Phật, cùng nhau dâng hương lễ Phật, rồi ngồi tĩnh tâm khoảng mười lăm phút và tụng một bài kinh ngắn, rất thah tịnh và ấm áp. Sau đó mọi người xá chào nhau và đi làm việc riêng của mình. Có những gia đình khác, mỗi buổi sáng, trước khi đi làm hay đi học, mọi người đến trước bàn thờ Phật. Họ ngồi xuống yên lặng, thỉnh ba tiếng chuông thật ấm và trong, thực tập theo dõi hơi thở và nở nụ cười trong vòng vài phút cho thân tâm nhẹ nhàng, định tĩnh. Sau đó họ đứng dậy xá Phật rồi mới rời nhà. Đây là một phương pháp thực tập rất hay. Nếu chúng ta biết bắt đầu mỗi ngày bằng sự tiếp xúc với Đức Phật thì còn gì cao đẹp hơn nữa? Và như vậy, chúng ta tiếp tục nuôi dưỡng sự tỉnh thức, nuôi dưỡng hình ảnh Đức Phật suốt ngày trong tâm tưởng thì chắc chắn chúng ta sẽ có một ngày an lạc.

        Đây là những điều mà người lớn cần thực tập để trẻ em làm theo. Tức là chúng ta giáo dục con cái qua hành động chứ không bằng lời nói. Một Phật tử đã chia sẻ với tôi rằng: Bất cứ lúc nào anh cảm thấy bất an, thiếu tự chủ, thì anh thường bước vào căn phòng nhỏ của mình, ngồi xuống trong tư thế thoải mái và vững vàng để thực tập hơi thở và nụ cười như Đức Phật cho đến khi nào anh cảm thấy định tĩnh mới thôi. Anh cho biết phương pháp này đã giúp anh rất nhiều trong việc khôi phục chính mình và làm chủ hoàn cảnh chung quanh. Khi chúng ta biết thực tập thiền quán đều đặn mỗi ngày, chúng ta sẽ tạo được không khí yên tĩnh, ấm cúng và thương yêu trong gia đình. Lúc con cái của bạn có những khó khăn, bực bội, là lúc bạn tìm cách giúp chúng. Những lúc đó, sự trầm tĩnh của bạn rất cần thiết. Bạn không nên lớn tiếng hay la rầy con cái lúc đó, mà bạn hãy nên ôn tồn cầm tay con, rồi cùng đi vào trước bàn Phật, hay một căn phòng yên tĩnh, cùng ngồi xuống, thở những hơi thở khoan thai và đầy ý thức trước khi bắt đầu nói chuyện. Đây là cách thực tập để làm chủ chính mình.

        Đức Phật vẫn luôn hiện hữu với mọi người và mọi loài, khắp mọi nơi, và ở ngay trong trái tim của mỗi chúng ta. Nếu chúng ta biết trở về, biết sống tỉnh thức trong từng phút giây một cách sâu sắc và trọn vẹn, thì ngay lúc đó chúng ta tiếp xúc được với đức Phật, với Phật tánh trong ta. Nụ cười sẽ nở trên môi bạn thật tươi thắm. Có niềm vui nào lớn hơn sự tịnh lạc của tâm hồn, phải không bạn? Tôi chúc bạn càng ngày càng có nhiều khám phá và niềm vui trên đường tu tập.
 

Phần 1Phần 2Phần 3

Tác giả bài viết: Thích Nhuận Hải
Nguồn tin: phapbao.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Nhờ đâu bạn biết đến website phatgiaoaluoi.com?

Sự giới thiệu của bạn bè

Tình cờ tìm gặp trên google

Tình cờ tìm gặp trên Yahoo search

Tình cờ tìm gặp trên facebook

Công cụ tìm kiếm khác

Giới thiệu

Chào mừng quý vị ghé thăm website http://phatgiaoaluoi.com

   GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HUYỆN A LƯỚI BAN TRỊ SỰ Văn phòng: Niệm Phật đường Sơn Nguyên, 32 Giải phóng A So, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế Điện thoại: 090 501 2992 - Email: phatgiaoaluoi@gmail.com Website: www.phatgiaoaluoi.com LỜI NÓI ĐẦU Nam mô Bổn sư Thích...

Thống kê

  • Đang truy cập: 325
  • Khách viếng thăm: 319
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 91217
  • Tháng hiện tại: 2053989
  • Tổng lượt truy cập: 90945562
Xem bản: Desktop | Mobile

Xin ghi rõ nguồn chính khi trích dẫn thông tin từ website này.

Ngày thành lập : 12-09-2012